"Tôi hết sức cố gắng giúp đỡ mọi
người trong vùng này, bằng sự quên mình trọn vẹn.” (Charles Foucauld)
Hôm nay chúng ta mừng
lễ Chúa Giêsu Kitô là vua vũ trụ. Chúng ta hiểu thế nào về cụm từ "Vua vũ
trụ"?
Trong bài tin mừng ta
vừa nghe, khi Philatô hỏi Chúa: "Vậy
Ông là vua ư?" Chúa đáp: "Quan
nói đúng, tôi là vua." Nhưng Chúa nói: "Nước tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế
gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do
Thái." (Gioan 18, 34-37). Như vậy Vua vũ trụ ở đây có thể hiểu theo
hai nghĩa:
- VỀ TOÀN DIỆN VÀ TRONG TƯƠNG LAI.
Cộng Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 48
có viết: "Dầu đã hiện diện trong
Giáo Hội của mình, thì vương quốc Chúa Kitô vẫn chưa được hoàn thành, với quyền
năng và vinh quang lớn lao (Lc21,24.)
Trong khi chờ đợi cho
tới mọi sự quy phục người, cho tới giờ trời mới và đất mới được thực hiện, nơi
mà sự công chính sẽ cư ngụ, thì Giáo Hội lữ hành vẫn mang bộ mặt chóng qua của
đời này, trong những bí tích và những cơ chế mình, các cơ chế của Giáo Hội cũng
thuộc về đời tạm này. Bản thân Giáo Hội vẫn sống giữa các thọ tạo, và mong chờ
ngày tỏ hiện của con cái Thiên Chúa … Vì lẽ đó các Kitô hữu cầu nguyện, đặc
biệt trong thánh lễ, để sớm thấy, ngày Đức Kitô trở lại vinh quang. (I Cr.
16.22; Kh 22,17).
- TRONG CỤC DIỆN HIỆN TẠI.
Trong cục diện hiện
tại, nghĩa là trong lúc này và đối với từng người chúng ta, mỗi ngày khi đọc
kinh Lậy Cha, ta vẫn cầu xin cho "nước Cha trị đến", và theo linh mục
Originê: "Ai cầu cho nước Chúa trị
đến, thì chắc chắn phải cầu cho nước Thiên Chúa, trong chính người đó được lớn
lên, sinh hoa trái, và được kiện toàn" (Ex Libello, Origenis cap. 25,
pg11, 495-499).
Trong bài kinh tiền
tụng thánh lễ hôm nay, Giáo Hội mô tả nước Chúa Kitô là vương quốc sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và ơn sủng, vương quốc công chính, yêu thương và an bình.
Hiển nhiêu là muốn có
vương quốc như vậy, thì chính thầnh dân của nước đó phải sống thánh thiện, công
bình và yêu thương. Vậy mỗi Kitô hữu chúng ta, thần dân của Chúa, buộc phải bỏ
tội lỗi, sống ơn sủng của Chúa, sống công bình và bác ái.
Nước Thiên Chúa trong
mỗi người chúng ta phải được lớn lên, sinh hoa trái và được kiện toàn. Nếu ta
biết bỏ tội lỗi, sống công bình, bác ái, thì chẳng những nước Thiên Chúa được
thể hiện nơi ta, mà rồi từ nơi ta lại mở rộng tới những chung quanh. Chúng ta
là chứng nhân của Chúa Kitô, chẳng những chúng ta cầu xin cho "nước Cha
trị đến", mà ta cũng phải sống công bình bác ái, để nước Cha được trị đến
trong người khác.
Sau đây chúng ta thuật
lại một gương xán lạn, gương của một con người biết xa bỏ tội lỗi, xa bỏ cuộc
sống đồi bại, quyết tâm sống cuộc đời mến Chúa, yêu người, và dùng chính đời
sống bác ái để nước Cha được trị đến.
Charles Foucauld (sinh
năm 1853) là một sinh viên thông minh của trường võ bị Saint -Cyr, một trường
rất nổi tiếng của nước Pháp. Nhưng Charles Foucauld lại là sinh viên vô kỷ
luật, thích ăn nhậu, phóng đãng. Một hôm Charles Foucauld rủ bạn bè trốn học,
cùng nhau dạo phố. Charles Foucauld mang một bộ ria mép giả, để cải trang không
cho ai nhận ra. Giữa bữa ăn vui vẻ trong tiệm, bỗng bộ ria mép của Charles
Foucauld rơi xuống. Thật là rủi ro, ông chủ tiệm sinh nghi, bèn gọi điện thoại
báo cảnh sát. Cảnh sát tới, kiểm soát giấy tờ, thì toàn là những sinh viên
trường Saint -Cyr. Charles Foucauld bị diệu về trường và bị giam vào khám một
số ngày.
Charles Foucauld có
rất nhiều tình nhân, và cũng đã có con với một trong những tình nhân đó.
Tốt nghiệp xong,
Charles Foucauld đã nhập đoàn thám hiểm Sahara, nhưng vẫn tỏ ra vô kỷ luật, vì
thế việc thăng quân hàm thật chậm chạp.
Rồi được ơn Chúa,
Charles Foucauld đã từ giã binh nghiệp, xin đi tu. Nghe anh đi tu, cả gia đình
buồn cười, cho là một tin tưởng tượng, nhảm nhí …
Với quyết tâm theo
Chúa Giêsu, sống cuộc đời thánh thiện. Charles Foucauld đã sang Thánh Địa, vào
dòng khổ tu Xitô, chịu chức linh mục, và sẵn sàng làm những việc thấp hèn trong
tu viện, (Mặc dầu ngài là sĩ quan xuất thân trường võ bị Saint -Cyr). Sống khắc
khổ trong tu viện, ngài vẫn coi là chưa đủ đền tội cuộc đời dĩ vãng. Ngài đã
xin được sang sa mạc Sahara, cư ngụ vùng Touarez, rồi tới Vùng Tamanrasset để
sống cuộc đời chứng nhân tin mừng với thổ dân mọi rợ. Nơi đây ngài đã bị một
bọn cướp hạ sát.
Chín năm sau cùng cuộc
đời ngài. Ngài sống tại đất mọi rợ Tamanrasset. Ở đây Ngài không được một ai
giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngày mới tới, Cha đã ghi trong sổ tay: "Tôi hết sức cố gắng giúp đỡ mọi người
trong vùng này, bằng sự quên mình trọn vẹn.” Quên chính bản thân! chẳng có
gì cần hơn điều ấy đối với những ai muốn làm chứng nhân cho Chúa Kitô. Ngài đã
quên mình hoàn toàn giữa những con người mọi rợ đầy hung hăng đầy tàn ác, đầy
tham vọng. Cha, một thánh nhân, Cha dùng những gì làm lợi khí? Chính Cha đã xác
nhận: chỉ có CẦU NGUYỆN và HY SINH. Cha chủ trương chinh phục các linh hồn về cho Chúa bằng chính
tấm gương hy sinh của mình.
Nhà người ở là một túp
lều xơ xác: Cha ngủ trên một tấm phên, bằng cây sậy kê trên hai bệ đất.
Bữa ăn của Cha cũng
giống như bữa ăn dân mọi địa phương: lúa mạch nấu lẫn với quả chà là giã nát,
vừa nếm vào ta có thể nôn thổ. Đêm cha thức, đọc kinh nhật tụng, và cầu nguyện
lâu giờ. Ban ngày Cha đi thăm các gia đình. Những ngày của Cha đã trôi qua như
vậy trong suốt chín năm. Cha đã truyện trò với những nông dân, Cha đã săn sóc
những người đau yếu, Cha dậy cho những người đàn bà khâu vá bằng kim thay cho
gai nhọn họ vẫn dùng. Dần dần người ta đến thăm Cha, người ta đến nhờ Cha
khuyên bảo, nhờ Cha phân xử, xin thuốc men. Với ai, Cha cũng nói về Chúa Kitô
cách giản dị, người ta lắng nghe Cha nói.
Nơi Cha ở rắn độc rất
nhiều. Có lần Cha đã suýt chết vì bị rắn độc cắn. Cha phải chữa theo cách điều
trị khủng khiếp của dân bộ lạc Touarez, dùng sắt nung đỏ dí vào vết thương.
Quả thực Cha chính là vị lãnh đạo của dân chúng miền đó với hai bàn tay trắng. Từ xa cho đến gần
người ta đến hỏi han Cha. Tên Cha ở trên môi miệng mỗi người, từ túp lều này
đến túp lều khác, từ bộ lạc này đến bộ lạc khác. Không biết Cha có rửa tội được
người nào chưa? Tuy nhiên Cha đã là chứng nhân của Chúa Kitô. Cha đã chứng tỏ cho những người hoàn toàn chưa biết gì về Chúa
hiểu rõ thế nào là một tôi tớ của Chúa. Chính Cha đã mở mang nước Chúa bằng cầu
nguyện, hy sinh, bằng những công việc bác ái.
Quả thực, nước Chúa đã
lớn lên trong Cha, đã sinh hoa trái, đã được kiện toàn, và cũng do cuộc sống
của Cha, nước Chúa đã đến với những người khác.