Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ năm tuần 28 thường niên

THỨ 5 SAU CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
NĂM LẺ
Rm 3,21-30; Lc 11,47-54
BÀI ĐỌC: Rm 3,21-30
21 Thưa anh em, ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. 22 Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. 23 Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa,24 nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. 25 Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. 26 Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giê-su được nên công chính.
27 Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin. 28 Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy. 29 Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa,30 vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin
ĐÁP CA: Tv 129
Đ. Chúa luôn luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa
.  (x c 7bc)
1 Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, 2 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
3 Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? 4 Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.
5 Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. 6a Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 14,6
Hall-Hall: Chúa nói: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Hall.
TIN MỪNG: Lc 11,47-54
47 Khi ấy, Đức Giê-su nói với mấy nhà thông luật rằng: "Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy!48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng.
49 "Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã phán: "Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người này, lùng bắt người kia. 50 Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa,51 từ máu ông A-ben đến máu ông Da-ca-ri-a, người đã bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu.
52 "Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”
53 Khi Đức Giê-su ra khỏi đó, các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn hỏi Người về nhiều chuyện,54 gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai chăng.

ĐỐI DIỆN VỚI QUYỀN BÍNH
Con Thiên Chúa nhập thể sống kiếp người để làm mẫu cho chúng ta sống Đạo. Thánh Phaolô kêu gọi mọi người: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kitô” (1Cr 11,1). Có một vấn đề ta bắt chước sống giống Đức Giêsu rất khó, phức tạp và tế nhị, đó là khi ta phải đối diện với quyền bính. Về vấn đề này, chỉ có Đức Giêsu mới thấu suốt lòng dạ mọi người (x 1Sm 16,7), và chỉ có Ngài là Thầy của hết mọi người (x Mt 23,10), nên Ngài có quyền khiển trách bất cứ ai sống nghịch Chân Lý. Cụ thể trong Tin Mừng hôm nay (Lc 11,37-54), ba lần Đức Giêsu mắng giới Biệt phái, cũng như Ngài mắng các Luật sĩ: “Khốn cho các ngươi…”. Ta có thể bắt chước Đức Giêsu như thế được hay không? Được lắm, nếu ta sống ba điều sau đây:
-          Phải tôn trọng người Chúa đặt thay quyền Ngài chăm sóc ta.
-          Phải yêu thương thủ lãnh nhưng phải dựa vào Chân Lý đưa người anh em thuộc về Đức Kitô.
-          Can đảm chấp nhận bị trù dập.

1/ PHẢI TÔN TRỌNG NGƯỜI CHÚA ĐẶT THAY QUYỀN NGÀI CHĂM SÓC TA.
Ông Đavid là người có công với dân tộc, chiến thắng hết mọi quân xâm lược, tái lập bình an cho đất nước và bảo vệ vương quyền Saolê. Thế mà vua Saolê chỉ vì ghen tức nên tìm mọi cách diệt Đavid. Lần kia, vua Saolê nằm ngủ vì quá mệt trên đường truy bắt Đavid, Đavid và người cận vệ tiếp cận được vua Saolê,nhưng ông vẫn không hay biết, cận vệ thưa với ông Đavid: “Xin để tôi cho ông ta một nhát gươm ghim xác xuống đất”, nhưng ông Đavid cản: “Đừng giết vua, có ai tra tay hại đấng Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự đâu!” (1Sm 26,9).
Bởi đó thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em.” (Dt 13,17).
2/ PHẢI YÊU THƯƠNG THỦ LÃNH NHƯNG PHẢI DỰA VÀO CHÂN LÝ ĐƯA NGƯỜI ANH EM THUỘC VỀ ĐỨC KITÔ.
Yêu thương ai, tốt nhất là làm cho người đó sống trong sự thật. Bởi vì “yêu hoa không có nghĩa là yêu cả con sâu nằm trong bông hoa, mà phải tìm cách diệt con sâu ấy, dù phải làm rụng phấn hoa”. Chính vì vậy thánh Phaolô đã bắt chước Thầy Giêsu lên tiếng khiển trách những thủ lãnh:
-          Lần kia ông Phaolô biết thủ lãnh Phêrô dùng bữa với những người ngoại giáo mới theo Đạo mà không cắt bì. Khi những người của ông Giacôbê đến, ông Phêrô lẩn tránh tách mình riêng ra vì e sợ giới cắt bì. Những người Do Thái khác cũng ra trò giả tảng giả vờ như ông, làm cho ông Barnaba cũng bị lôi cuốn mà giả bộ như họ. Ông Phaolô thấy họ không thẳng thắn bước theo sự thật của Tin Mừng, ông đã nói với ông Phêrô, Giáo hoàng tiên khởi,trước mặt mọi người: “Nếu ông, một người Do Thái, ông còn sống như người ngoại,chứ không như Do Thái,làm sao ông lại thúc bách người ngoại sống như Do Thái” (Gl 2,11-14).
-          Khi ông Phaolô bị điệu ra trước công nghị, Thượng tế Hananya truyền cho các kẻ hầu cận vả miệng ông. Bấy giờ ông Phaolô nói lại: “Vách tô vôi kia,Thiên Chúa sẽ đánh phạt ngươi! Ngươi ngồi để xét xử ta chiếu theo Lề Luật, thế mà chẳng đếm xỉa đến Luật Lệ, ngươi truyền đánh vả ta”. Các kẻ hầu cận mới nói: “Ông dám nhục mạ vị Thượng tế của Thiên Chúa hay sao?” Ông Phaolô đáp lại: “Thưa chư huynh, ấy tôi không biết đó là Thượng tế! Vì quả có viết rằng: “Đầu mục dân ngươi,ngươi chớ chúc dữ” (Cv 23,1-5). Ông Phaolô nói không biết là vị Thượng tế, vì ông cho rằng người giữ chức vụ cao cả ấy mà xử không chiếu theo Lề Luật, thì không xứng đáng là Thượng tế.
Vì thế Luật thánh dạy: “Các ngươi không được làm điều bất công khi xét xử: không được thiên vị người yếu thế, cũng không được nể mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào” (Lv 19,15). Mà xét xử đồng loại phải nhằm mục đích làm cho người anh em thuộc về Chúa Kitô, như Lời Kinh Thánh nói: “Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước Thánh Nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, hầu ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta, trong Thánh Tử yêu dấu. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1, 3-10: Bài đọc năm chẵn).
Chỉ những người được quy tụ dưới quyền thủ lãnh là Đức Kitô mới thực là người công chính trước mặt Chúa, như thánh Tông đồ nói: “Sự công chính của Thiên Chúa đã thể hiện mà không cần đến luật Môsê. Quả thế người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và đã bị tước mất vinh quang Thiên Chúa. Nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Thiên Chúa không phải chỉ là Chúa của người Do Thái mà Ngài còn là Thiên Chúa của dân ngoại nữa, vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì cũng như người không cắt bì được nên công chính bởi lòng tin của họ.” (Rm 3, 21-30: Bài đọc năm lẻ). Bởi vì “Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu độ nơi Người chan chứa.” (Tv 130/129, 7bc: Đáp ca năm lẻ).
3/ CAN ĐẢM CHẤP NHẬN BỊ TRÙ DẬP.
Can đảm là đức tính quan trọng nhất của người lãnh đạo. Đành rằng Đức Giêsu dạy các môn đệ: “Khi người ta bắt bớ anh em thành này, thì trốn sang thành khác” (Mt 10,33). Nghĩa là không luôn luôn đối đầu với nghịch cảnh khi không cần thiết. Tuy nhiên, ta hãy nhìn Đức Giêsu khi Ngài đối diện với kẻ ác,có lúc Ngài tránh né (x Lc 4,30; Ga 8,59). Nhưng có lúc Ngài quả cảm tiến lên Giêrusalem dù biết trước kẻ ác đang chờ Ngài ở đó (x Lc 9,51).
Đó là đức tính can đảm của người lãnh đạo. Khi ông Môsê trao trách nhiệm cho ông Giosua nối tiếp sứ mệnh của ông để lãnh đạo dân Do Thái, ông Môsê dặn dò: “Hãy ở mạnh mẽ và can đảm, đừng khiếp vía, đừng nhát gan, vì Thiên Chúa ở với anh, bất cứ anh đi đâu” (Gs 1,9).
Đức Giáo hoàng Grégorio Cả nói: “Đối với mục tử làm thinh, không dám nói sự thật vì sợ hãi, lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao? Bởi vì khi sợ hãi không dám sửa lỗi, là họ phỉnh phờ những kẻ phạm tội bằng cách hứa hão cho chúng được an toàn”.
Lời Kinh Thánh nói: “Không phải nhờ gươm,nhờ giáo mà Chúa ban chiến thắng, bởi lẽ chiến đấu là việc của Thiên Chúa” (1Sm 17,47). Do dó, “kẻ sợ chết suốt đời trong tình trạng nô lệ” (Dt 2,15). Mà nô lệ thì không thể lãnh đạo ai được. Bởi vậy
Ai dám đương đầu với quyền bính để rồi chấp nhận bị trù dập là, giống Đức Giêsu Thập Giá. Muốn thêm nghị lực hãy nhớ Lời Đức Giêsu đã nói trước: “Anh em sẽ gặp gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên,Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33b). Vì “Thiên Chúa là cờ trận của tôi” (Xh 17,15). Nhưng đừng quên cầu nguyện: “Xin Ngài thương cứu viện, cho chúng con thoát khỏi quân thù, chứ người phàm giúp đỡ chỉ bằng không. Có Thiên Chúa, ta trổ tài oanh liệt, chính Người chà đạp kẻ thù ta” (Tv 108/107. 13-14).
Vậy chỉ đi con đường phục vụ trong gian khổ mới đạt được vinh quang đích thực như Chúa Giêsu (x Lc 24,26). Đó là lý do Đức Giêsu khẳng định: “Chính Thầy là con đường, và là sự thật, sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6: Tung hô Tin Mừng). Nên chỉ đi theo Chúa Giêsu,ta mới làm tròn sứ mệnh người lính canh linh hồn người anh em mà Chúa đã trao:Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: "Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết", mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại, thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33,7-9). Mỗi người phải làm tròn bổn phận người lính canh, thì “Chúa biểu dương ơn Người cứu độ” (Tv 98/97,2a: Đáp ca năm chẵn).
THUỘC LÒNG
Kẻ sợ chết suốt đời sống trong tình trạng nô lệ (Dt 2,15).
Lm Giuse Đinh Quang Thịnh