Suy niệm hạnh thánh _ 26/10

Chân phước CONTARDO FERRINI
 (1859-1902)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Contardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.
Sinh ở Milan, ngài là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Đại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.
Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, "Đời sống chúng ta phải vươn đến Đấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá." Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học.
Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.
Suy niệm 1: Thầy giáo
Contardo Ferrini là con của một thầy giáo.
Nghề dạy học là một nghề cao quý trong tất cả các nghề, vì nghề dạy học ảnh hường tới sự phát triển của tất cả các nghề khác. Người dạy học thật sự phải dạy bằng TÂM của người dạy, truyền cho người học những tri thức để người học hiểu được ý nghĩa của cuộc sống. Người dạy học là đưa kiến thức từ ngoài vào, kiến thức đó phải được rút ra từ giá trị sâu sắc trong tâm của người dạy, rồi phát triển và áp dụng ngay những kiến thức đó vào cuộc sống trước khi truyền đạt cho người học, khi đó kiến thức của người dạy mới thật sự mang lại giá trị cho người học. Người dạy học là một người sáng tạo và luôn làm mới lạ kiến thức cho bài giảng, để làm được như thế, người dạy học phải luôn luôn nỗ lực với trí tuệ và tâm hồn đã được rèn luyện. Người dạy học giỏi không phải chỉ vì kiến thức của người dạy có, mà là ở tâm của người dạy với mong muốn thật sự là truyền tải tri thức của mình tới người học.
Nghề dạy học là một nghệ thuật được tạo nên bởi lòng tin của người dạy và người học. Người dạy học thật sự là người luôn mang trong mình một tâm thể là lo hạnh phúc và sự nghiệp cho người học, từ tâm thể đó người dạy học sẽ luôn phải suy nghĩ là tại sao phải dạy và dạy như thế nào để mang lại giá trị cao nhất trong bài giảng của mỗi người dạy học. Người dạy học phải luôn có sự tự học, vì để dạy được thì sự học phải xảy ra đầu tiên ở chính người dạy với lòng trắc ẩn của người dạy, từ đó kiến thức sẽ đoược cảm thụ trong tâm trí của người được dạy. Người dạy học phải có kỷ luật và sự kiên trì, sau đó tạo ra tính cách riêng của mỗi người dạy học. Người dạy học là người truyền tải tri thức cho người khác, để truyền tải được thông tin cho người khác, thì người dạy phải luôn mang trong mình nhiệt huyết bốc cháy của ngọn lửa được khắc trong tâm can của người dạy, luôn giữ cháy ngọn lửa đó trong mình với lòng nhiệt huyết của cả đời người, nếu như mất đi lòng nhiệt huyết và tắt mất ngọn lửa đó thì người dạy học không thể truyền tải được kiến thức cho người học, dù người học có tài giỏi tới đâu. Người dạy học thật sự thì đó phải là sự nghiệp đeo đuổi cả đời người, luôn cháy trong mình một tâm huyết và đam mê, khao khát, và được dạy để truyền tải tri thức cho người học (Nguyễn Huy).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các người dạy không chỉ truyền đạt tri thức mà còn lòng đạo dức, như câu nói: tiên học lễ hậu học văn.
Suy niệm 2: Chuyên gia
Contardo Ferrini là một chuyên gia nổi tiếng về luật.
Chẳng những ngài ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine, mà còn dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Đại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.
Là một chuyên gia về luật, ngài cũng áp dụng cho mình tinh thần trung thành tuân giữ quy luật đạo, cụ thể ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày. Và khi trở nên một người dòng Ba Phanxicô, cũng như phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul, ngài là một thành viên mẫu gương sống luật.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con học để biết và biết để sống.
Suy niệm 3: Đức tin
Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng.
Ngài nói: "Đời sống chúng ta phải vươn đến Đấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá."
Nếu với các môn học ở đời, một đòi buộc không thể thiếu là văn ôn võ luyện tức học thì phải hành. Điểm này càng thiết yếu và cấp bách hơn về phương diện đức tin, vì “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17.26).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết nuôi dưỡng và phát triển niềm tin bằng việc sống đức tin.
Suy niệm 4: Học giả
Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh.
Ngài là một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Vận dụng khả năng đặc biệt này, ngài đào sâu kiến thức về Thiên Chúa trong Kinh Thánh bằng cỗ ngữ, và dĩ nhiên phải tuân thủ Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội.
Mỗi từ được hiểu theo xuất xứ địa phương sẽ có được ý ngĩa trung thực hơn, với các yếu tố soi sáng đi kèm là tập tục, bối cảnh, văn hóa, quan niệm, luật lệ (chẳng hạn một tai nạn do xe ô tô cán chết phía bên phải đường ở Việt Nam thì khác ở bên Anh Quốc).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con yêu thích việc nghiên cứu Kinh Thánh nhưng luôn vâng theo Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội.
Suy niệm 5: Tiến trình phong Hiển Thánh
Nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng Contardo như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh.
Trước khi Đức Giáo Hoàng phong Chân Phước hoặc Hiển Thánh cho một người, phải hoàn tất các thủ tục ở cấp địa phương và cấp Tòa Thánh, và theo quy định mới án phong Thánh chỉ được tiến hành ít nhất 5 năm sau ngày ứng viên đã qua đời. Cũng không tiến hành vụ án 30 năm sau, kể từ ngày ứng viên qua đời, trừ phi việc trì hoãn lại được xét là không thể tránh khỏi.
Việc phong Thánh được hoàn tất trong 3 giai đoạn. Một ứng viên, được tuyên bố là “Bậc Đáng Kính” khi tiến trình được giáo quyền giáo phận chấp thuận, là “Chân Phước” khi Đức Giáo Hoàng chính thức công nhận các nhân đức trổi vượt hoặc sự tử vì đạo của bậc Đáng Kính, là “Hiển Thánh” khi có thêm dấu chỉ chứng tỏ rằng Chúa ban nhiều ơn qua vị Chân Phước.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chủ yếu là sống thánh, còn được nhiều người ca tụng như thế hoặc được Giáo Hội công nhận hay không là điều thứ yếu.
Suy niệm 6: Chân Phước
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.
Chân Phước là một danh hiệu trng Giáo Hội Công Giáo Rôma công nhận rằng một Vị “Đáng Kính” đã được chấp nhận vào Thiên đàng và có khả năng cầu thay nguyện giúp cho những người cầu nguyện với họ. Chân Phước là bước thứ 3 trong tiến trình phong Thánh (Tôi Tớ Chúa, Đấng Đáng Kính, Chân Phước, Hiển Thánh).
Ngày xưa, các Giám Mục hay phong Chân Phước, và ngày lễ chỉ được tổ chức trong giáo phận. Năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cải cách tiêu chuẩn Chân Phước ngày nay: một phép lạ phải được chắc chắn thể hiện do Vị “Đáng Kính” cầu thay nguyện giúp để được phong Chân Phước. Tuy nhiên tiêu chuẩn này không được bắt buộc đối với những người tử đạo, họ được coi là thánh thiện rõ ràng vì bị người ghét đạo giết chết.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chớ coi thường việc xin các vị lành thánh qua đời cầu thay nguyện giúp cho.