Lời Chúa cntn 27b _ sức mạnh của tình yêu

SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài Tin Mừng Chúa Nhật XXVII gồm hai phần:
1. Chúa nói về luật nhất phu nhất phụ, và bất khả ly dị.
2. Chúa Giêsu với các em nhỏ.
1. LUẬT MỘT VỢ MỘT CHỒNG VÀ KHÔNG ĐƯỢC LY DỊ
Chúa nói rõ luật một vợ một chồng, và không được bỏ nhau là luật của Thiên Chúa: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp thì loài người không được phân rẻ.” Hai luật này, nhất là luật không được ly dị, thật là gay go và khe khắt, cho cuộc sống của một số gia đình. Nhưng ta cũng nên nhớ là, lúc hai người muốn kết hôn, thì ai cũng muốn người bạn đời của mình sẽ chung thủy với mình suốt đời: dù khi khỏe mạnh hay khi đau yếu, dù lúc may mắn, hay khi rủi ro, lúc thịnh đạt cũng như khi nghèo khổ… và ai cũng biết là, tình vợ chồng không phải là sự liên kết do tình yêu nồng nàn, nhất thời, mà còn là sự liên kết ràng buộc nhau để nâng đỡ, ủi an trong suốt cuộc sống. Tình yêu nồng nàn thường là nhất thời, nhưng sự giúp đỡ ủi an thì phải là vĩnh viễn suốt cuộc sống. Đặc biệt hơn nữa luật một vợ chồng và không ly dị nhau, không những là điều kiện cần và đủ cho hạnh phúc của hai người, mà nó còn cần cho hạnh phúc của con cái, do đó mà liên quan cả tới sự thịnh đạt của quốc gia và xã hội. Ngày nay các nhà xã hội học đã có chung một quan niệm là: một số đông trẻ bụi đời, trẻ phạm pháp, nghiện ngập v.v. một số trẻ trở thành gánh nặng cho xã hội là do sự ly dị của cha mẹ chúng.
Người ta chỉ ca tụng những đôi vợ chồng biết nhẫn nhục, chịu đựng để mưu hạnh phúc cho nhau, cho gia đình, chứ không ai ca tụng những đôi vợ chồng ly dị nhau. Sau đây là hai câu truyện ca tụng lòng thủy chung của chồng đối với vợ, cũng như của vợ đối với chồng.
Vua Cảnh Công có một cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm vua đến ăn tiệc nhà Án Tử, thấy vợ Án Tử, Vua hỏi: “Phu nhân đấy phải không?” Án Tử thưa: “Vâng, phải đấy.” Vua nói: “Ôi! Người trông sao vừa già vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và đẹp, muốn cho về hầu, khanh nghĩ sao?” Án Tử đứng dậy thưa rằng: “Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay đàn bà lấy chồng lúc còn trẻ cốt để nhờ cậy lúc già; lúc đẹp lấy, cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi, thường nhờ cậy tôi, tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua, tuy muốn ban ơn, chắc cũng không nỡ để tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã cậy nhờ tôi bấy nay.”
 Nói đoạn, Án Tử lậy vua hai lậy, xin từ không lấy.
Catherine Jagellon kết hôn với Jean Wasa Đức Ông xứ Phần Lan. Khi chồng bà bị án tù chung thân, vì tội phản loạn. Bà xin với vua Eric nước Thụy Điển, để cùng vào tù sống với chồng. Nhà vua kinh ngạc, khuyên can bà, không nên tự chuốc đau khổ một cách vô lý như thế.
Nhà vua nói: “Bà không biết chồng bà từ nay, đã phải giam trong hầm kín cho tới chết, không trông thấy ánh sáng mặt trời nữa sao?”
Bà trả lời: “Tâu Bệ Hạ tôi biết.”
Nhà vua nói: “Bà có biết, chồng bà ngày nay không còn được cư xử như một đức ông, mà bị đối xử như một tên phản bội không.”
Bà trả lời: “Tâu bệ hạ, tôi biết, nhưng được tự do hay bị tù ngục, có tội hay vô tội, anh ấy vẫn là chồng của tôi.”
Nhà vua nói: “Nhưng sau những sự kiện xẩy ra, bà không còn gì phải ràng buộc với anh ấy nữa.”
Bà Catherine, liền rút chiếc nhẫn đang đeo ở ngón tay, đưa cho nhà Vua. Bà nói: “Xin đức vua đọc những dòng chữ khắc trên chiếc nhẫn cưới của chúng tôi.”
Nhà vua cầm lấy chiếc nhẫn, và thấy trên chiếc nhẫn có khắc hai tiếng: “Mors sola”, đó là hai tiếng La văn, có nghĩa là: chỉ có cái chết (mới chia lìa được chúng ta).
Bà Catherine đã can đảm theo chồng vào nhà giam, sống với chồng dòng dã 17 năm, chia sẻ những thiếu thốn, đau khổ, cơ cực của chồng, cho tới lúc Vua Eric băng hà.
Sau khi vua Eric băng hà, chồng bà đã được trả tự do.
2. CHÚA GIÊSU VỚI CÁC EM NHỎ.
Chúa dậy ta hai bài học: Mỗi người chúng ta hãy sống đơn sơ thành thực với nhau, mà còn phải sống đơn sơ, cậy trông, phó thác, tin tưởng vào Thiên Chúa Cha, như con trẻ cậy trông vào Cha Mẹ mình. (Đường thơ ấu của thánh nữ Têrêsa). Bài học thứ hai là hãy nghĩ tới việc, yêu thương giáo dục con trẻ. Đó là những tâm hồn mềm mại trong trắng, chúng ta dễ dàng uốn nắn, và dễ dàng ghi tạc vào đó, những điều cần thiết cho cuộc sống hiện tại, tương lai và vĩnh cửu của các em. Có nhiều vấn đề phải đặt ra trong việc giáo dục các em nhỏ, (và con cái chúng ta). Ở đây ta chỉ nói tới một khía cạnh, làm sao dễ dàng giáo dục được các em nhỏ.
Một buổi sáng nọ vào năm 1858: Thánh Don Boscô có dịp tiếp truyện đức hồng y Tosti tại La Mã. Đức hồng y có hỏi tới nguyên tắc giáo dục giới trẻ của thánh nhân. Thánh nhân đáp: “Không cách nào giáo dục được giới trẻ, nếu không được chúng tin và yêu mình.”
Đức hồng y lại hỏi: “Nhưng làm cách nào cho chúng tin và yêu mình.”
Cha Don Boscô trả lời: “Phải quên mình đi, khi tiếp xúc gần gũi với chúng. Phải quên sở thích của mình, là lưu ý tới sở thích của chúng.” Rồi Cha Don Boscô nói tiếp:
“Đó chỉ là lý thuyết, bây giờ chúng ta có thể sang phần thực hành…”
Cha Don Boscô hỏi: “Xin Đức hồng y cho biết ở thủ đô la Mã, công trường nào hiện có đông trẻ chơi nhất?”
Đức hồng y trả lời: “Công trường quần chúng (place du peuple)”
Cha Don Boscô nói: “Vậy chúng ta cùng ra công trường đó.”
Mười phút sau chiếc xe ngựa chở Đức hồng y và Cha Don Boscô tới công trường.
Cha Don Boscô xuống, còn Đức hồng y ngồi trên xe mỉm cười với ý nghĩ mỉa mai: Thế là kết quả!
Nhưng đâu Cha Don Boscô có thất bại. Với cử chỉ đầy thân yêu và giọng nói ngọt ngào, ngài gọi chúng lại. Ban đầu, một số tỏ vẻ ngập ngừng , lưỡng lự, nhưng rồi cũng từ từ tiến lại gần, xem ngài nói gì. Ngài hỏi chúng về gia đình, và việc học hành, về trò chơi chúng đang chơi. Thấy một số bạn xúm lại, những trẻ khác cũng từ từ tiến lại bên ngài. Cha Don Boscô nói: “Thôi bây giờ các em chơi lại đi, và cho tôi cùng chơi với.”
Thế rồi, ngài vén áo dòng lên, bắt đầu chơi say mê với chúng. Cảnh tượng này chưa bao giờ thấy xẩy ra nơi công trường. Do đó bao nhiêu trẻ đang lang thang nơi công trường cũng xúm lại, rồi ngài truyện trò vui vẻ, hỏi xem chúng có siêng năng đọc kinh không, có hay đi xưng tội không ?…
Vì sợ Đức hồng y ngồi trên xe đợi quá lâu, nên ngài chào từ giã các em. Tất cả muốn giữ ngài lại. Buổi thực tập coi như đã tạm đủ. Ngài lên xe và nói với Đức hồng y Tosti: “Thưa Đức hồng y, khi tiếp xúc với các em, phải quên mình, nghĩ đến các em, mới giáo dục được các em.” (S. Jean Bosco của A. Auffray p. 339-340)
Đề tựa của Lm. HK