Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Sinh nhật Đức Mẹ


NGÀY 8 THÁNG 9
LỄ SINH NHẬT ĐỨC TRINH NỮ MARIA
Mk 5, 1-4a ; Mt 1, 1-16. 18-23
BÀI ĐỌC: Mk 5, 1-4a
1 Đức Chúa phán thế này: “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa,từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa. 2 Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời một phụ nữ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en. 3 Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA,vào uy danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp,vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. 4a Chính Người sẽ đem lại hoà bình”.
ĐÁP CA: Tv 12
Đ. Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa. (Is 61,10)
6ab Phần con đây, con tin cậy vào tình thương CHÚA,được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng.
6cd Con sẽ hát bài ca dâng CHÚA, vì phúc lộc Ngài ban.
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Lạy Đức Maria tinh tuyền thánh thiện, Mẹ diễm phúc dường bao, xứng muôn lời khen ngợi. Vì Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô, là Mặt Trời Công Chính, là Thiên Chúa chúng con. Hall
TIN MỪNG: Mt 1, 1-16. 18-23
1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này;3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram;4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn;5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê;6 ông Gie-sê sinh Đa-vít. 1 Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa;8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia;9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia;11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.
12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven;13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do;14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút;15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp;16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

CÓ SINH NHẬT NHỜ CHÚA GIÊSU
Phụng Vụ trong Hội Thánh chỉ có hai lễ Sinh Nhật của người được Chúa cứu độ: thánh Gioan Tẩy Giả và Đức Maria, còn các Thánh khác, ngày Sinh Nhật được mừng khi các ngài mãn cuộc đời về với Chúa (xem Lời Nguyện Đầu Lễ của Các Thánh).
Lý do có lễ Sinh Nhật của thánh Gioan Tẩy Giả vì, trong loài người, chỉ có ông Gioan từ khi được tượng thai trong lòng mẹ cho đến lúc chết có những điểm song đối với Đức Giêsu nhằm dọn đường cho người ta đón nhận Đấng Cứu Thế; còn lễ Sinh Nhật của Đức Maria, chỉ vì Mẹ đã sinh Con Một Thiên Chúa vào đời. Vì từ thuở đời đời Chúa đã nhắm chọn Đức Maria cộng tác với Ngài thực hiện chương trình cứu độ loài người. Bởi đó, sứ mệnh của Đức Maria là:
-          Mẹ tiên báo Đấng Cứu Thế sinh tại Bêlem.
-          Con Mẹ thuộc dòng dõi vua Đavid.
-          Con Mẹ đến xóa bỏ giai cấp.
-          Mẹ là Trinh Nữ tiền trưng “Trinh Nữ Hội Thánh” là Hiền Thê Chúa Kitô.
-          Mẹ là mẫu cho loài người biết nghe Lời Chúa.

1/ MẸ TIÊN BÁO ĐẤNG CỨU THẾ SINH TẠI BÊLEM.
Qua lời ngôn sứ Mikha: “Phần ngươi hỡi Bêlêm Ephratha, ngươi nhỏ nhất trong các chi tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mệnh thống lãnh Israel, nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa, vì thế Đức Chúa sẽ không bỏ mặc Israel cho đến thời Đẻ sinh con (bản dịch NTT:là Đức Maria,là Hội Thánh)…Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp, vì bấy giờ quyền lực Người sẽ trải rộng đến toàn cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hòa bình” (Mk 5,1-4a: Bài đọc).
Vậy nhờ Chúa Giêsu, Con Đức Maria nâng kẻ bé nhỏ lên hàng khanh tướng.
2/ CON MẸ THUỘC DÒNG DÕI VUA ĐAVID.
Ông Đavid thuộc gốc tổ Giacob, chi họ Giuđa, ông Giuđa là người đã được ông Giacob, cha ông chúc phúc. Vì ông Giuđa có công ngăn cản anh em không được giết Giuse, ông bày mưu để anh em bán Giuse cho người Ai Cập, với hy vọng Giuse thoát chết, bởi vì các anh em ông đã quyết định giết Giuse, em các ông (x St 37,26-27). Chúa đã dùng miệng các ngôn sứ hứa cho nhà Israel một vị vua – Đấng Mêsia – nối quyền vua Đavid, vì Đavid là vị vua tài đức nhất trong các vua của Israel (x 2Sm 7,12; Ed 37,24-35; Is 44,28).
Để minh chứng Đức Giêsu thuộc dòng vua Đavid đến thực hiện Lời Thiên Chúa hứa cứu độ thì, mở đầu Tin Mừng của Matthêu, ông giới thiệu Đức Giêsu là Con vua Đavid (x Mt 1,1: Tin Mừng), và kết thúc gia phả Đức Giêsu, ông khéo léo nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đức Giêsu là Vua Đavid Mới, Ngài trổi vượt vua Đavid xưa, chính Ngài mới là Vua toàn năng, đầy lòng xót thương (x Ep 2,4), dẫn đưa loài người vào Hội Thánh mới thực là đất Chúa hứa chảy sữa và mật (x Xh 3,8. 17), hơn xưa vua Đavid thắng mọi kẻ thù thống nhất 12 chi họ trên miền đất Chúa hứa. Đó là lý do ba lần ông Matthêu nhắc đến tên Đavid bằng cách chơi chữ: 14 đời (từ Abraham đến Đavid 14 đời; từ Đavid đến lưu đày Babylon 14 đời; từ lưu đày Babylon đến Đức Giêsu 14 đời: Mt 1,17). 14 đời là tổng số 3 phụ âm của tên Đavid: DaWiD (D = 4; W = 6), như thế tên của Đavid viết bằng số là: 4a6i4 = 14.
Vậy những gì Chúa đã hứa cho chúng ta, không bao giờ Ngài quên thực hiện, như Lời Ngài đã nói: “Trời đất qua đi, nhưng Lời tôi nói không bao giờ qua” (Mt 24,35).
3/ CON ĐỨC MARIA ĐẾN XÓA BỎ GIAI CẤP.
Người Do Thái khinh dể phụ nữ, thậm chí có người hồ nghi không biết phụ nữ có linh hồn hay không!? Cho nên truyền thống của Do Thái khi viết gia phả của ai, không bao giờ người ta đưa tên phụ nữ vào danh sách đó. Thế mà ông Matthêu, một người Do Thái, viết Tin Mừng cho người Do Thái, khi ông đề cập đến gia phả của Đức Giêsu, thì ông đã xé truyền thống Do Thái: tự đưa vào gia phả Đức Giêsu năm tên người phụ nữ: Bà Thamar, bà Rahab, bà Rut, bà Bat Shêba là vợ tướng Uria, và bà Maria là Mẹ Đức Giêsu (x Mt 1,3. 5. 6. 16).
Vậy sống tâm tình con cái Thiên Chúa, không ai được khinh dể người khác. Thánh Phaolô nói: “Trong Chúa không nam thì cũng chẳng có nữ, không nữ thì cũng chẳng có nam”(1Cr 11,11). Có nghĩa là nguyên tổ Adam, Eva là tiền trưng Chúa Giêsu và Hội Thánh của Ngài: Từ xương thịt Adam, Chúa tạo nên cho ông người vợ là Eva, hình ảnh này lại báo trước từ xương thịt Chúa Giêsu, Thiên Chúa tái tạo những ai tin theo Ngài trở thành con Thiên Chúa trong Chúa Giêsu, đồng thời cũng là Tân Nương của Tân Lang Giêsu (x 2 Cr 11,2). Bởi đó, mọi người nam hay nữ, nhất là những người Công Giáo phải biết tôn trọng nhau, vì đã được cùng sinh ra bởi xương thịt Adam cuối cùng là Chúa Giêsu, có chung một Cha trên trời.
4/ MẸ LÀ TRINH NỮ TIỀN TRƯNG “TRINH NỮ HỘI THÁNH” LÀ HIỀN THÊ CHÚA KITÔ.
Ta biết truyền thống Do Thái thời Cựu Ước không mong Đấng Cứu Thế sinh ra bởi một trinh nữ. Đối với họ, “trinh” là một sự tủi nhục, như con gái ông Giéptê than khóc suốt hai tháng vì cô còn trinh, không xứng đáng để cha sát tế làm hiến vật tạ ơn Thiên Chúa đã giúp cha cô thắng quân thù! (x Tp 11, 29-40).
Thực ra, lời ngôn sứ Isaia (7,14) theo nguyên bản Kinh Thánh bằng tiếng Hipri chỉ nói người nữ ấy là “Almah” có nghĩa là cô vợ trẻ hay một thiếu nữ (không xác định là còn hay mất trinh); nhưng Bản 70, viết bằng tiếng Hy Lạp lại xác định người nữ ấy là “Parthenos” (trinh nữ). Đức Giêsu và các Tông Đồ dùng bản văn này để giảng dạy, và sau này thánh Giêrônimô dịch bản văn này sang tiếng Latinh, ông cũng xác định là Trinh Nữ như bản 70, bản này được Hội Thánh dùng trong Phụng Vụ.
Vậy đức đồng trinh của Đức Maria báo trước Hội Thánh là một Trinh Nữ, Hiền Thê của Chúa Kitô, vì Hội Thánh không liên hệ với người trần thế nào, mà vẫn sinh các Kitô hữu là chi thể trong Thân Mình Mầu Nhiệm Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa (x Mt 25,1t; Ga 3,29; 2 Cr 11,2).
5/ MẸ LÀ MẪU CHO LOÀI NGƯỜI BIẾT NGHE LỜI CHÚA.
Ta biết Đức Mẹ được truyền tin sinh Con Một Thiên Chúa vào đời trong hoàn cảnh éo le, vì lúc ấy Mẹ đã đính hôn với ông Giuse, tuy chưa về chung sống một nhà, nhưng đã là vợ chồng chính thức trước pháp luật. Theo sách Ngụy kinh kể lại cho chúng ta: Cô Maria rất xinh đẹp và đầy nhân đức, cho nên chàng trai nào cũng muốn lấy làm vợ, vì quá đông các chàng theo đuổi, nên họ xin với vị thượng tế cầu nguyện, và chàng nào cũng mong mình trúng số lấy được cô Maria. Vị thượng tế có sáng kiến, bảo các chàng trai mỗi người cầm cây gậy và cùng đến cầu nguyện, gậy cậu nào nở bông là ý Trời muốn cậu đó se duyên với cô Maria. Thật là may mắn cho Giuse, gậy của ông đã nở hoa huệ. Cũng vì lý do đó mà hôm nay các tượng thánh Giuse, người ta thấy ngài cầm bông huệ. Thế mà khi Thiên thần báo tin cho Đức Maria thụ thai, thì Thiên thần lại nói Mẹ Maria là một trinh nữ, có nghĩa là Maria không trở thành vợ của ông Giuse như những người phụ nữ khác có đời sống lứa đôi! Điều ấy có trái với định mệnh của ông Giuse và Maria lấy nhau hay không? Vì gậy của ông đã được Chúa cho nở bông? Và như vậy Đức Maria cũng đã xác định rằng: mình là vợ chính thức của ông Giuse, vì đã được tiền định, bây giờ không ăn ở với ông Giuse mà lại mang bầu, thì biết ăn nói thế nào với xã hội, và dù có tâm sự với Giuse, thì liệu ông có tin hay không? Chính ông Giuse khi biết Maria có thai, ông “đã định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (x Mt 1,18t: Tin Mừng).
Vậy Mẹ Maria vâng nghe Lời Chúa để sinh Con Đấng Tối Cao vào đời, đối với Mẹ là một đau khổ hơn là vinh dự, bởi vì Mẹ phải đối phó với bao nghịch cảnh luật Do Thái thời bấy giờ.
Đặc biệt hơn nữa là khi Mẹ đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu, tất cả lời Thiên Chúa hứa trong ngày Truyền Tin: “Con Bà là Con Đấng Tối Cao, Ngài sẽ làm Vua, triều đại của Ngài vô cùng tận” (Lc 1,32-33), và “Bà là người có phúc giữa các người phụ nữ” (Lc 1,42). Chắc chắn những lời ấy đâm tim Mẹ Maria khi Mẹ đứng nhìn Con bị treo trên thập giá (x Ga 19,25). Cứ như suy nghĩ của người đời thì Thiên Chúa mà bà Maria tin là Thần dối trá! Thế mà Mẹ vẫn vững tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, Mẹ đứng nhìn Con trên đồi Sọ như một dũng tướng đứng chỉ huy giữa chiến trường Đức Tin: sự thiện phải thắng sự ác, chân lý phải diệt dối trá! Mẹ đứng giữ bánh lái con thuyền Hội Thánh đang gặp sóng gió của niềm tin kinh hoàng nhất!
Bởi vậy Mẹ Maria là mẫu cho những người biết nghe Lời Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin Chúa làm cho tôi điều Chúa nói” (Lc 1,38). Như thế Mẹ tin Lời Chúa hành động làm chủ đời Mẹ, chứ không dựa vào sức loài người thực hiện Lời Chúa, Mẹ là hình ảnh Hội Thánh viên mãn trong ngày cánh chung. Nhờ Con Thiên Chúa làm người, Ngài đến thực hiện những lời chúc phúc cho dòng giống của ông Abraham, mà trong gia phả Đức Giêsu, tác giả Matthêu đã ghi nhận, để Ngài làm cho chúng ta trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa, cùng một xương thịt, cùng một sự sống, cùng vinh hiển trong Chúa Giêsu, Con Đức Maria (x Dt 2,11; Ga 6,57; Gl 2,20; 2Tm 2,10).
Thánh Anrê, Giám mục thành Cơrêta nói: “Lễ Sinh Nhật Đức Maria đem lại cho chúng ta hai mối lợi: Một là đưa chúng ta tới chân lý, hai là giải thoát chúng ta thoát ách nô lệ Satan, vì sống theo nghĩa đen của Lề Luật. Điều đó xảy ra thế nào và lý do gì? Thưa, ánh sáng đến đẩy lui bóng tối và ân sủng mang lại tự do thay cho mặt chữ của Luật. Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ hôm nay là mốc phân ranh giới giữa hai điều đó, vì Lễ này nối kết chân lý với hình ảnh tượng trưng, lấy cái mới thay cho cái cũ
Vì vậy, những người được Chúa cứu độ trong niềm hân hoan tạ ơn nói: “Tôi mừng rỡ muôn phần vì Đức Chúa” (Is 61,10: Đáp ca). Chúng ta hợp cùng Hội Thánh dâng lời cầu nguyện: “Lạy Đức Maria tinh tuyền thánh thiện, Mẹ diễm phúc dường bao, xứng muôn lời khen ngợi. Vì Mẹ đã sinh hạ Đức Kitô, là Mặt Trời Công Chính, là Thiên Chúa chúng con” (Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Đức Maria nói với loài người một lời duy nhất:Giêsu bảo gì cứ làm theo!” (Ga 2,5)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH