Tìm hiểu Lời Chúa _ lễ thánh Maria Madalena

NGÀY 22 THÁNG 7
Thánh Nữ Maria Madalena
2 Cr 5, 14-17; Ga 20, 1-2. 11-18
BÀI ĐỌC: 2 Cr 5, 14-17
14 Thưa anh em, tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. 15 Đức Ki-tô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình.
16 Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người. Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Ki-tô theo quan điểm loài người, thì giờ đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. 17 Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.
ĐÁP CA: Tv 62
Đ. Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
linh hồn con đã khao khát Chúa
. (c 2).
2 Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài,tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
3 Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài. 4 Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.
5 Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. 6 Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
8 Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui. 9 Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.
TUNG HÔ TIN MỪNG:
Hall-Hall: Maria hỡi, xin kể lại, trên đường đi đã thấy gì cô? Thấy mồ trống Đức Ki-tô, Phục Sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn. Hall
TIN MỪNG: Ga 20, 1-2. 11-18
1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. 13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! "14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. 15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy"). 17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em".”18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

TỘI LỖI NHIỀU, ÂN SỦNG CHAN CHỨA!
Đức Giêsu đã nói: “Kẻ được tha nhiều thì yêu mến nhiều” (Lc 8, 47b). Người được Chúa tha tội không phải để tạo cho họ một tâm hồn trống rỗng, nhưng Ngài đổ đầy tình yêu của Ngài vào lòng họ. Cụ thể ông Phaolô là người tội lỗi nhất: Đang xông tới Đamas để triệt hạ những người Công Giáo, thì Chúa Giêsu lại chọn ông đi làm Tông Đồ cho Ngài (x Cv 9), và khi ông đã tin theo Chúa Giêsu, được Ngài rót tình yêu đầy lòng, như ông nói: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi. Để từ đây, tôi không còn sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình, để làm cho loài người được trở nên một thụ tạo mới, cũ đã qua đi, mới được tạo thành nhờ được ở trong Chúa Kitô Giêsu” (2 Cr 5, 14-17: Bài đọc).
Cũng thế, bà Maria Madalena là một phụ nữ tội lỗi khét tiếng, thậm chí bà bị bảy quỷ thống trị, nhưng sau khi bà được Đức Giêsu trừ quỷ cho, Ngài cũng đổ tình yêu vào lòng, nên bà đã thể hiện tình yêu đối với Đức Giêsu và đối với đồng loại, bằng những việc cụ thể:
1/ TÀI SẢN CỦA BÀ DÂNG HẾT CHO ĐỨC GIÊSU VÀ CÁC TÔNG ĐỒ, để cùng với các đấng lên đường truyền giáo (x Lc 8,1-3).
2/ BÀ ĐÃ CHIA SẺ NỖI ĐAU KHỔ CỦA ĐỨC GIÊSU VÀ CỦA ĐỨC MARIA NƠI ĐỒI SỌ. Đó là lý do bà cùng với Đức Maria đứng dưới chân thập giá Đức Giêsu (x Ga 19,25).
3/ BÀ SẮM DẦU THƠM VÀ CHẠY RA MỘ ĐỨC GIÊSU vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lúc trời còn tối (x Ga 20,1a). Đây là hình ảnh nói lên con người tội lỗi như bà Maria Madalena, nếu không nhờ Đức Giêsu cứu chuộc, thì chắc chắn bà đi vào sự chết, được biểu lộ qua hình ảnh “trời còn tối”, khác nào ông Giuđa vì tham 30 đồng bạc, nên khi ông đang dự tiệc với Thầy Giêsu và các anh em, ông đã bỏ bàn tiệc băng mình vào đêm tối, để thông đồng với các đầu mục Do Thái và quân Roma bàn mưu nộp Thầy (x Ga 13,30).
4/ BÀ MARIA MADALENA LÀ CHỨNG NHÂN ĐẦU TIÊN CỦA TIN MỪNG CHÚA GIÊSU PHỤC SINH (x Ga 20,18: Tin Mừng). Đây là Tin Mừng bà Maria loan báo:
a.      Đức Giêsu bảo đảm sự sống Phục Sinh cho những ai tin theo Ngài. Thánh Gioan ghi nhận: “Bà thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ, bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem xác Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?” (Ga 20,1b-2: Tin Mừng). Đó là dấu ứng nghiệm lời ngôn sứ Ezekiel tiên báo về ngày Chúa phục sinh dân Ngài: “Này, Ta sẽ mở cửa mộ các ngươi, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi mồ hỡi dân Ta” (Ed 36).”Maria hỡi, xin kể lại trên đường đi đã thấy gì cô? Thấy mồ trống Đức Kitô, phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn” (Tung Hô Tin Mừng).
b.      Chúa Giêsu Phục Sinh canh tân bộ mặt trái đất. Cụ thể Ngài đã tỏ mình ra cho bà Maria Madalena qua dáng vóc người làm vườn (x Ga 20,15: Tin Mừng), là dấu chỉ Ngài trổi vượt hơn Adam thứ nhất, vì ông được Chúa giao cho việc canh tác vườn (x St 2,15). Có nghĩa là Adam phải tiếp tay với Thiên Chúa để làm hoàn hảo hơn công trình Ngài đã tạo dựng. Nhưng Adam đã phạm tội, thay vì ông cộng tác làm tốt đẹp công việc của Chúa, thì gai góc đã mọc lên, chứng tỏ sự dữ bao trùm trái đất (x St 3,18); Nay Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ ra dáng người làm vườn, Ngài là Adam cuối cùng luôn cùng với Chúa Cha làm việc (x Ga 5,17), để canh tân bộ mặt trái đất, khởi đi từ việc Ngài cứu chuộc loài người. Như thánh Phaolô đã nói: “Phàm ai ở trong Đức Kitô, đều là thụ tạo mới, con người cũ đã qua đi, và này con người mới được tạo thành, tức là những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (1Cr 5,17. 15b: Bài đọc), như thế Đức Giêsu diệt “cỏ gai” là tội lỗi đưa đến sự chết mà Adam thứ nhất đã gieo vào lòng giống nòi của ông.
Nhưng ta để ý đời sống lao động của Đức Giêsu trên dương thế, với tuổi đời 33, Ngài đã dành 30 năm làm việc tay chân,chỉ có ba năm cuối đời, Ngài lo việc Nước Thiên Chúa đạt tỷ lệ 1/10 (3/33) thời gian trong đời. Thế thì ta được sinh lại bởi Chúa Giêsu, trở nên giống Ngài, liệu ta có giống Chúa Giêsu mỗi ngày dành hai giờ đạt tỷ lệ 1/10 để lo việc linh hồn không? Nhất là dành giờ đi dự Lễ mỗi ngày, hầu ta được cầm lấy Chúa Giêsu Thánh Thể, là nắm chắc được ơn cứu độ, như bà Maria Madalena vừa nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh, là muốn ôm chầm lấy Ngài, thì Ngài lại nói: “Đừng cầm Ta lại, vì Ta chưa về cùng Cha Ta” (Ga 20,17: Tin Mừng).
Tại sao thế?
Thưa: để thực hiện chương trình cứu độ loài người, Đức Giêsu đi ba bước:
·        Bước I : Ngài tự hủy mình ra như kẻ tôi đòi từ lúc nhập thể và đỉnh cao vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại đồi Sọ.
·        Bước II : Ngài Phục Sinh, chiến thắng mọi sự dữ, diệt thần chết.
·        Bước III: Ngài về Trời để nhận vương quyền từ tay Chúa Cha (x Mt 28,18). Chính là lúc Ngài thiết lập hoàn hảo Phụng Vụ mới, thay thế cho Phụng Vụ Do Thái giáo và Ngài truyền cho Hội Thánh làm hiện tại hóa trong Thánh Lễ mỗi ngày (x 1Cr 11,23-25), để ai tham dự thì được Chúa Giêsu Phục Sinh thông ban phần chiến thắng vinh hiển, đánh gục thần chết.
Như vậy bà Maria Madalena gặp Chúa Giêsu Phục Sinh nơi gần mộ, Ngài mới đi bước thứ hai, chưa hoàn tất ơn cứu độ cho loài người. Bởi vì lúc ấy Ngài sống lại nhưng chưa về cùng Cha, thì không sinh ơn cứu độ cho ai, chỉ khi Ngài về với Cha (bước thứ ba). Đó là lý do Đức Giêsu nói: “Đừng cầm Ta lại vì Ta chưa về cùng Cha Ta”, thì phải hiểu rằng khi Ngài đã phục sinh về cùng Cha, lúc ấy Ngài mới muốn mọi người cầm lấy Ngài (rước Lễ). Khi được rước Lễ, ta cũng nói được như thánh Phaolô: “Điều quan trọng không phải tôi là người hoàn hảo, mà quan trọng vì được Đức Giêsu chộp lấy” (Pl 3,12). Ai đã được Chúa Giêsu chộp lấy, người ấy có sức mạnh trổi vượt hơn ông Samson đi diệt kẻ thù là tội lỗi. Chính vì vậy mà ngày nay Hội Thánh cho phép người tín hữu rước Lễ trên tay, để xác tín mình mạnh hơn ông Samson chỉ cầm hàm lừa. Kìa ông Samson đã bị kẻ thù khoét hai mắt, nhưng nhờ cầu nguyện, Chúa cho ông sức mạnh bứt tung xiềng xích đang cùm trói, rồi ông cầm lấy hàm lừa quại chết hàng ngàn kẻ thù, giải phóng cho dân tộc (x Tp/Qa 15,15).
Chỉ ai tin nhận Chúa Giêsu Phục Sinh, đặc biệt trong Thánh Lễ, người ấy mới bảo đảm được ơn cứu độ cũng như khi Chúa Giêsu gọi chính tên Maria, bà quay lại và thưa: “Rabbuni” (Sư Phụ), tiếng Do Thái là “lạy Thầy” (x Ga 20,15-16: Tin Mừng). sự việc Chúa Giêsu gọi tên bà Maria làm ứng nghiệm Lời Thánh Kinh: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, Ta đã gọi bằng chính tên ngươi, ngươi đã trở thành dân riêng của Ta” (Is 43,1b).
Vậy ta muốn được tình yêu Đức Kitô thúc bách để sống như thánh Phaolô và bà Maria Madalena, hầu tập họp nhiều người về cho Chúa, thì ta phải năng dự Phụng Vụ cất lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài là Chúa con thờ, linh hồn con khao khát Chúa” (Tv 63/62,2: Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi! (2 Cr 5,14).
                  http://phaolomoi. net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH