Suy niệm Lễ Đức Bà núi Carmêlô

ĐỨC BÀ NÚI CAMÊLÔ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây. Họ xây một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ. Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là "Các Tiểu Đệ của Đức Bà Núi Camêlô." Sau đó, họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Đức Maria. Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Đức Bà Núi Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Đức Maria. Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Đức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.
Có một truyền thuyết nói rằng Đức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy.
Suy niệm 1: Núi Camêlô
Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây.
Đề cập đến núi Camêlô, không ai không nghĩ ngay đến Tiên Tri Elijah, không hẳn về nơi ngài đã từng sinh sống ở đây, mà nhất là về một hy lễ đã được tiến hành ở đây, hay đúng hơn một cuộc chiến căng thẳng không cân bằng lực lượng chút nào đã xảy ra giữa duy chỉ một mình Tiên Tri Elijah với bốn trăm năm mươi ngôn sứ của Baan. Tất cả nhằm giúp toàn dân bày tỏ lập trường chọn theo Thiên Chúa hay Thần Baan qua việc hy lễ được Vị nào tiếp nhận.
Hy lễ là mỗi bên một con bò mộng, chặt ra và đặt trên củi nhưng không châm lửa. Mỗi bên kêu cầu Vị của mình. Vị nào đáp lại bằng lửa thì Vị đó là Vị chân chính vì toàn năng. Các ngôn sứ của Baan khởi sự kêu xin từ sáng đến trưa nhưng vẫn không có hiệu quả. Đến lượt Tiên Tri Elijah, ngài lấy 12 phiến đá dựng lên bàn thờ kính Chúa và đào mương chung quang, xếp củi và đặt lể vật lên, rồi cho đổ nước ướt đẫm tràn xuống đầy mương. Bấy giờ ngài cầu nguyện và Chúa khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi của lễ, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn (1V 18,20-39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng khập khiễng hai chân, nhưng chỉ thờ phượng duy chỉ một mình Chúa mà thôi
Suy niệm 2: Suối nước
Từ thế kỷ 12, ở núi Camêlô đã có các vị ẩn tu sống gần một suối nước mà Tiên Tri Elijah từng sinh sống ở đây.
Nước rất cần thiết cho sự sống cũng như cho các sinh hoạt của con người như tạo không khí mát mẻ và tắm rửa. Do đó các vị ẩn sĩ đã chọn một địa điểm ở núi Camêlô và gần một suối nước, nhằm bảo đảm cuộc sống vừa thân xác vừa tinh thần theo mẫu gương cầu nguyện của Tiên Tri Elijah.
Nước trong hy lễ của Tiên Tri Elijah càng làm tăng thêm sức mạnh đầy quyền năng của Thiên Chúa mà vị tiên tri đã khéo đạo diễn, khiến những người diện kiến phải chịu khuất phục, để chỉ phải còn lại một lập trường duy nhất là chọn theo Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết chọn Chúa trong từng giây phút của cuộc đời trước mọi chước cám dỗ đầy tinh quái của quỷ ma.
Suy niệm 3: Gọi
Cho đến thế kỷ 13, họ được gọi là "Các Tiểu Đệ của Đức Bà Núi Camêlô".
Ngay từ thuở ban đầu, các tu sĩ dòng Cát Minh thường được gọi là các "Tiểu Đệ của Đức Bà Camêlô." Danh xưng này có nghĩa, các ngài không chỉ coi Đức Maria như một "người mẹ", mà còn là một "người chị".
Chữ chị nói lên ý nghĩa Đức Maria rất gần với chúng ta. Ngài là người con của Thiên Chúa và do đó có thể giúp chúng ta trở nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa. Ngài còn giúp chúng ta quý trọng tha nhân như anh chị em mình. Ngài giúp chúng ta nhận thức rằng mọi người đều thuộc về một gia đình của Thiên Chúa. Chỉ khi nào mọi người đều tin tưởng như vậy thì nhân loại mới hy vọng tìm thấy con đường dẫn đến bình an.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống tình huynh đệ với mọi người nhất là mỗi khi đọc kinh Lạy Cha.
Suy niệm 4: Mừng kính
Họ dành một ngày đặc biệt để mừng kính Đức Maria.
Vào năm 1726, ngày lễ ấy trở nên chính thức trong Giáo Hội hoàn vũ dưới tên Đức Bà Núi Camêlô, và hiện nay hiện mừng kính vào ngày 16 tháng 7 hằng năm trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Camêlô tự coi mình có liên hệ đặc biệt với Đức Maria.       
"Nhiều hình thức tôn sùng Mẹ Thiên Chúa mà Giáo Hội đã chấp nhận trong khuôn khổ giáo lý lành mạnh và chính thống, tùy theo khuynh hướng và sự hiểu biết của người tín hữu để đảm bảo rằng, trong khi người mẹ được tôn vinh thì người Con cũng được nhận biết cách xứng hợp, đươc kính mến, được vinh danh và các giới răn của Người được tuân giữ, vì qua Người mà muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,15-16) và trong Người mà Thiên Chúa Cha hài lòng vì tất cả được viên mãn nơi Người (x. Cl 1,19) (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chỉ sùng kính Đức Maria trong ngày chính lễ này mà cả suốt năm và suốt đời.
Suy niệm 5: Các thánh
Các thần học gia và các thánh vĩ đại của dòng Camêlô thường cổ động lòng sùng kính Đức Maria và bênh vực cho đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria.
Thánh Têrêsa Avila gọi Dòng Camêlô là "Dòng của Đức Trinh Nữ." Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng Đức Maria đã cứu ngài khỏi chết đuối khi còn nhỏ, đã dẫn dắt ngài đến dòng Camêlô và đã giúp ngài thoát khỏi tù ngục. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu tin rằng Đức Maria đã chữa ngài khỏi bệnh. Vào ngày Rước Lễ Lần Đầu, ngài dâng mình cho Đức Maria. Trong những ngày cuối đời, ngài thường nói về Đức Maria.
Đặc tính Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria được các ngài bênh vực vì đó là một tín điều mà vào ngày 8 tháng Mười Hai 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã chính thức tuyên bố trong Hiến Chế Ineffabilis Deus, và nhất là khoảng hơn ba năm sau, vào ngày 11 tháng Hai 1858, chính Đức Maria đã hiện ra với Bernadette Soubirous tại Lộ Đức vào ngày 24 tháng Ba, và tự xưng là: "Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thể hiện tinh thần bênh vực tín điều này bằng việc hết mình sống sạch tội, ít là các tội cố tình.
Suy niệm 6: Khăn choàng
Có một truyền thuyết nói rằng Đức Maria đã hiện ra với Thánh Simon Stock, một bề trên Dòng Camêlô, và đã trao cho ngài một khăn choàng, bảo ngài hãy cổ động lòng sùng kính khăn ấy.
Khăn choàng là một hình thức biến đổi của áo Đức Bà. Nó tượng trưng cho sự bảo vệ đặc biệt của Đức Maria và kêu gọi người mang khăn ấy hãy tận hiến cho ngài trong một phương cách đặc biệt.     
Hiển nhiên, điều này không có nghĩa được cứu chuộc một cách lạ lùng. Đúng hơn, khăn choàng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lời mời gọi của Phúc Âm là hãy siêng năng cầu nguyện và hãm mình đền tội -- là lời mời gọi mà Đức Maria đã thể hiện một cách tốt đẹp nhất.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chủ yếu sống đúng tinh thần mà các biểu hiệu nhắc nhở và mời gọi.