Sống đức tin _ học vâng phục ý Chúa nhờ đau khổ

Học vâng phục thánh ý Chúa  
NHỜ ĐAU KHỔ
“Chính Chúa Giêsu, cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8)
ĐGM. GB Bùi Tuần
Bài chia sẻ trong thánh lễ, Giỗ cha Giuse Nguyễn Quốc Vận tại Nhà nguyện Tòa Giám mục Long Xuyên, ngày 18.9.2012
1. Hôm nay là lễ Giỗ cha Giuse Nguyễn Quốc Vận. Chúng ta vẫn gọi ngài bằng một tên gần gũi thân thương: Bác Sáu Vận.
     Tôi nhớ về Bác Sáu trong tình bạn cùng lớp, cùng đã nhiều năm sống bên nhau, cùng đã nhiều năm làm việc với nhau.
     Tôi cũng nhớ về Bác Sáu trong tình biết ơn, bởi vì  Bác Sáu đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành những cơ sở quan trọng đầu tiên của giáo phận Long Xuyên.
     Nếu nhìn thoáng qua, tôi sẽ thấy Bác Sáu là một bậc thầy. Nhưng nếu nhìn sâu hơn, tôi sẽ thấy Bác Sáu còn là một người biết học.
     Theo thiển ý của tôi, điều mà Bác Sáu đã chăm chỉ học suốt đời, đó là học vâng phục thánh ý Chúa.
Cố linh mục Giuse Nguyễn Quốc Vận
2. Vâng phục thánh ý Chúa trước hết là phải biết ý Chúa muốn gì. Biết đúng ý Chúa, biết rõ ý Chúa, trong một tình hình cụ thể là điều Bác Sáu thấy không dễ dàng gì.
     Cho dù biết đúng, biết rõ ý Chúa rồi, thì vẫn chưa phải là vâng phục ý Chúa. Mà còn phải thực thi trọn vẹn ý Chúa. Thực thi ý Chúa một cách trọn vẹn là điều Bác Sáu càng thấy rõ là rất khó, đầy cản trở.
     Biết như vậy, nhưng Bác Sáu vẫn khát khao sống vâng phục ý Chúa. Chúa vui nhận thiện chí đó của Bác Sáu. Chính Chúa dạy Bác Sáu qua những đào tạo và thanh luyện. Những đào tạo và thanh luyện của Chúa không là những lý thuyết cao siêu, hay những thành công theo ý riêng mỗi người, nhưng là những đau khổ. Chính Chúa Giêsu đã là gương cho Bác Sáu.
3. Trong Tân Ước, tác giả thư gửi Do Thái đã viết về Chúa Giêsu thế này: “Chính Chúa Giêsu, cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ, mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Bác Sáu cũng học được thế nào là vâng phục ý Chúa, nhờ trải qua nhiều đau khổ.
     Đau khổ là những thử thách đủ loại xảy đến trái ý mình.
     Với ơn Chúa, chính nhờ những thử thách đó, mà Bác Sáu nhận ra ý Chúa.
4. Ý Chúa gởi các môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay là thế này:
     - Phải làm chứng cho Chúa hơn là rao giảng về Chúa.
     - Phải làm chứng cho Chúa bằng lời nói, thái độ, nhất là đời sống của mình.
     - Tất cả phải mang chất lượng cao về ba điều này:
     Một là về sự gắn bó mật thiết với Chúa.
     Hai là về sự yêu thương trong hy sinh, kính trọng và khiêm tốn hòa nhã đối với người khác, đặc biệt là gần gũi với những người nghèo khổ.
     Ba là về sự tu thân khổ chế với chính bản mình.
     Ý Chúa như thế không có gì là mới. Nhưng để ý Chúa như thế thấm nhập sâu vào tâm hồn, Bác Sáu đã phải trải qua nhiều thử thách. Nhất là khi thực thi ý Chúa như thế, Bác Sáu phải phấn đấu rất nhiều.
5. Những thử thách và những phấn đấu ấy không tránh được nhiều đau khổ. Đau khổ do chịu đựng hoàn cảnh không thích hợp. Đau khổ do phải từ bỏ ý riêng và lợi ích riêng. Đau khổ do gặp phải những thất bại, thất vọng, những bội bạc vô ơn, những hiểu lầm. Đau khổ do tội lỗi, những yếu đuối bệnh tật và những giới hạn của mình. Đau khổ do những hy sinh mình tự nguyện nhận lấy thay cho người khác. Đau khổ do thấy những đau khổ, mà muôn vàn người gần xa phải chịu. Đau khổ do những bóng tối, Chúa cho phép tràn vào tâm hồn mình.
     Những thử thách đau đớn trên đây và nhiều thử thách đau đớn khác đã dần dần tôi luyện Bác Sáu, để từ cái tôi đầy quyền lực, Bác Sáu trở thành con người đầy khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa.
6. Anh chị em thân mến,
     Cuộc đời Bác Sáu là một chuyến đi dài. Trong chuyến đi dài ấy, Bác Sáu đã học, và đã biết học ở trường học đau khổ. Tôi thấy là càng về cuối đời, Bác Sáu càng cảm thấy sự từ bỏ ý riêng, để vâng phục thánh ý Chúa chính là con đường dẫn tới hạnh phúc. Hạnh phúc được thuộc trọn về Chúa. Hạnh phúc ngay ở đời này, nhất là hạnh phúc trọn vẹn bền vững ở đời sau.
7. Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa đã giúp Bác Sáu được theo Chúa Giêsu, mà học vâng lời nhờ trải qua nhiều đau khổ. Nếu trong hành trình dài cuộc đời, Bác Sáu có những lầm lỡ nào còn phải được thanh luyện ở đời sau, thì xin Chúa nhân từ thương tha thứ cho Bác Sáu.
     Trong thánh lễ này, chúng ta xin Chúa cho chính chúng ta cũng biết học vâng phục thánh ý Chúa nhờ những đau khổ mà chúng ta gặp hằng ngày. Xin Bác Sáu cũng cầu nguyện cho chúng ta.
     Chúng ta sẽ cầu nguyện rất nhiều cho nhau. Bởi vì tình hình hiện nay rất phức tạp. Những người đau khổ thì nhiều, nhưng những người học được đạo đức nhờ đau khổ thì lại quá ít. Hiện tượng đó xem ra đang báo động một sự cứng lòng nguy hiểm có thể dẫn tới một sụp đổ kinh hoàng.
     Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Amen.