Lời Chúa cntn 17b _ phép lạ của lòng quảng đại

PHÉP LẠ CỦA LÒNG QUẢNG ĐẠI
Phép lạ “bánh hóa nhiều” chỉ có thể tiếp diễn và kéo dài trong thế giới nếu vẫn còn có những trái tim “không biên giới”
Logos
Thánh Augustinô đã kể lại câu chuyện về tấm lòng quảng đại xảy ra lúc ngài đang sống tại Milanô, nước Ý như sau:
Ngày kia, một người nghèo lượm được cái ví trong đó có 200 đồng tiền vàng. Vì là người ngay thẳng, ông muốn trả cái ví cho người đã đánh rơi, nhưng không biết tìm đâu ra chủ cái ví tiền. Ông ta liền viết một tấm bảng treo trước cửa nhà, mời ai mất ví đến nhận lại. Đọc được tấm bảng, người mất ví tìm đến xin nhận lại của đánh rơi.
Sau khi tra hỏi kỹ lưỡng, người nghèo kia trả lại cái ví cho chủ nó. Người mất ví cám ơn rối rít và ngỏ ý tặng cho người nghèo kia 20 đồng vàng, tức 1/10 số tiền trong ví. Nhưng người nghèo nhất quyết không nhận món tiền ấy. Người mất ví liền xin ông ta nhận 10 đồng, nhưng ông cũng không nhận. Cuối cùng, người mất ví nài nỉ ông ta nhận cho 5 đồng, người nghèo kia vẫn một mực từ chối.
Khổ tâm vì không thể biểu lộ lòng biết ơn của mình, người mất của ném cái ví xuống đất và nói: “Bởi vì ông không chịu nhận đồng nào, nên tôi tuyên bố: tôi không hề mất chiếc ví này.”
Nghe thế, người nghèo kia đành nhận món quà, nhưng ngay lập tức, ông đem số tiền chia sẻ tất cả cho những người nghèo khổ hơn ông.
Quả là một câu chuyện thật đẹp về tấm lòng quảng đại! Cả hai nhân vật trong câu chuyện đều không chịu thua lòng quảng đại của nhau. Lòng quảng đại luôn làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa và đáng sống. Tuy nhiên, với bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay, lòng quảng đại còn góp phần làm nên cả một phép lạ! Vì thế, ta có thể gọi “phép lạ hóa bánh ra nhiều” chính là phép lạ của lòng quảng đại.
Những tấm lòng quảng đại
Trước hết, đó là tấm lòng quảng đại của Chúa Giêsu: Ngài đã chạnh lòng thương xót đám đông dân chúng bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không có chủ chăn. Chúa đã nhìn thấy sự đói khát của họ. Không những họ đói khát tinh thần, tức đói khát lời Chúa, nhưng họ còn đói khát thể lý, tức đói khát cơm bánh.
Với cái đói tinh thần của dân chúng, Chúa Giêsu đã ban cho họ lời Hằng Sống. Và với tấm lòng quảng đại thật sâu sắc, Chúa còn nhận ra họ đang lê bước trong cái đói của thể xác. Cái đói tâm linh là rất quan trọng, nhưng cái đói thể xác cũng quan trọng không kém, vì “có thực mới vực được đạo.”
Vì thế, Chúa Giêsu đã thể hiện lòng quảng đại trước sự bất lực của các môn đệ và mọi người. Như tông đồ Philipphê đã thưa với Chúa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ cho mỗi người một chút.” Với quyền năng, Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn 5000 người ăn no nê từ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một cậu bé, sau đó còn dư 12 thúng đầy bánh vụn. Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này không phải do dân chúng cầu xin hay bởi các môn đệ đề nghị, nhưng hoàn toàn do lòng quảng đại của Ngài.
Thứ đến, ta kể đến tấm lòng quảng đại của cậu bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá. Có người cho rằng cậu là một em bé bán hàng rong. Nhưng có người lại cho rằng: cậu bé đã cố gắng đi theo Chúa để nghe lời Chúa và 5 chiếc bánh và 2 con cá nhỏ kia chính là phần ăn cậu mang theo. Nhưng dù là ai, cậu bé cũng đã quảng đại dâng cho Chúa tất cả những gì quý nhất lúc đó để Chúa thực hiện phép lạ. Dĩ nhiên, lúc ấy có thể nhiều người khác cũng có phần ăn của mình như thế, nhưng họ đã hẹp hòi giấu đi để hưởng dùng một mình. Đó chính là nguyên nhân gây nên thảm cảnh nghèo đói của nhân loại hiện nay. Thế giới đang cần những trái tim tuy nhỏ bé nhưng đầy quảng đại như trái tim của cậu bé có 5 chiếc bánh và 2 con cá.
Thiên Chúa cần sự cộng tác của con người
Có người cho rằng: phép lạ hóa bánh ra nhiều trong sách Tin Mừng không có thật. Sở dĩ có hiện tượng mọi người có đủ bánh và cá ăn no nê hôm ấy vì có tác động tâm lý từ việc làm của cậu bé. Cậu bé đã quảng đại chia sẻ phần ăn của mình cho người bên cạnh. Hành động ấy đã thúc đẩy những người khác cũng lấy phần ăn của mình mà chia cho người khác. Vì vậy mọi người có đủ bánh và cá để ăn, thậm chí còn dư thừa nữa.
Nhưng đó là lập luận của những người chỉ đề cao ý nghĩa của sự chia sẻ cách thực dụng. Thật ra, mọi người lúc ấy đều nhận ra sự thiếu thốn và đói khát của dân chúng khi đi theo Chúa. Hơn nữa, cả bốn Tin Mừng đều thuật lại phép lạ này với nhiều chi tiết.
Tuy là phép lạ thật sự, nhưng phép lạ ấy không phải được Chúa làm từ không mà có. Phép lạ ấy được Chúa thực hiện với sự cộng tác của con người. Dĩ nhiên, Chúa có thể làm phép lạ từ không nên có. Nhưng Chúa muốn có phần đóng góp của con người. Năm chiếc bánh và hai con cá là phần đóng góp nhỏ bé của con người. Chính phần đóng góp nhỏ nhoi đó đã làm nên phép lạ kỳ diệu.
Chúa Giêsu cũng có thể thực hiện phép lạ một mình, không cần sự giúp đỡ của người khác. Nhưng Chúa lại nhờ bàn tay cộng tác của các môn đệ để phân phát bánh và cá cho dân chúng, rồi dân chúng lại truyền tay cho nhau. Ngài muốn con người cộng tác với Ngài và với nhau để làm nên phép lạ lớn lao đó. Được cộng tác với Thiên Chúa chính là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa dành cho con người. Nhất là Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài trong công trình cứu rỗi của mỗi người. Như lời thánh Augustinô: “Khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta.”
Khi Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông dân chúng đến với Ngài trong cơn đói khát, Ngài đã thốt lên: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Có lẽ đó cũng là một vấn nạn lớn lao được đặt ra cho chúng ta hôm nay khi chúng ta đang đối diện với một thực trạng xã hội hiện thời: vẫn còn nhiều người nghèo đói trên thế giới. Đói cơm bánh, đói văn hóa, đói tình thương, đói nhân phẩm con người,… Tất cả đang chờ đợi một phép lạ và phép lạ thì chờ đợi lòng quảng đại của chúng ta.
Ngày xưa, ngôn sứ Êlisê đã làm phép lạ để 20 chiếc bánh lúa mạch hóa ra nhiều cho 100 người ăn no nê (Bài đọc I). Nhưng sau đó, con người vẫn đói. Chúa Giêsu cũng đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều từ 5 chiếc bánh và 2 con cá để nuôi 5000 người ăn no nê. Nhưng sau đó, mọi người vẫn đói. Ngày hôm nay, trên bàn thờ mỗi ngày, phép lạ lớn lao vẫn tái diễn khi Chúa bẻ tấm bánh đời mình để trao hiến cho nhân loại. Với lương thực thần linh là chính Thánh Thể Ngài, nhân loại sẽ no thỏa mãi mãi, không còn đói khát nữa. Chúng ta cũng được mời gọi để cũng biết bẻ tấm bánh đời mình chia sẻ cho tha nhân. Càng được bẻ ra, tấm bánh tình yêu càng được nhân lên thật nhiều cho mọi người.
Năm 1999, giải Nobel Hòa Bình đặc biệt dành cho tập thể những con người thiện nguyện. Đó là “Tổ Chức Các Thầy Thuốc Không Biên Giới.” Những con người này suốt đời hiến thân cho tha nhân, không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính trị. Số tiền thưởng của họ là 980.000 đôla cũng được dành cho những người bất hạnh trên toàn trái đất.
Phép lạ “bánh hóa nhiều” chỉ có thể tiếp diễn và kéo dài trong thế giới nếu vẫn còn có những trái tim “không biên giới” như thế. Ta hãy xin Chúa ban cho con người biết chia sẻ cho nhau những tấm bánh cuộc đời, để tình yêu thương được nhân rộng khắp nơi.