HÃY CHO NHAU SỰ SỐNG
Nếu có những sẻ chia phát xuất từ trái tim
nhân ái, chắc hẳn sẽ không còn quá nhiều cảnh khổ đau, chết chóc vì đói.
Đói khắp nơi!
Nơi nào cũng có người đang chết vì đói.
Về Việt Nam, vì đi du lịch ở những khu du lịch sang trọng,
nghỉ ở khách sạn 3 sao, 5 sao, 5, 7 tầng cao ngất, ăn ở nhà hàng đắt tiền đủ
món ngon vật lạ, tiêu khiển ở những khu giải trí lắm trò lãng phí nên bạn phải
thấy cảnh ăn chơi thừa mứa của các quan lại, đại gia, của những tay dốt đặc cán
mai học làm sang nhờ những đồng tiền kiếm được mà không đổi lấy chút mồ hôi nước
mắt. Họ ăn quá no, uống quá say, nhưng thực ra, họ đang đói: đói một niềm tin, đói một lý tưởng, đói một ý nghĩa cuộc
đời.
Nếu về Việt Nam, bạn chịu khó bước xuống khỏi mấy tầng
khách sạn kia, chịu khó len vào con hẻm nhỏ, chịu khó ra phía sau những mặt tiền
vĩ đại, chịu khó cúi mình chui qua những góc phố chật chội tanh hôi, chui vào
những “ổ chuột sài gòn”… hoặc xa hơn một tí, bạn hãy ra khỏi Sàigòn, ra khỏi
các thành phố, để về những hóc núi tối tăm xa xôi, bạn sẽ thấy còn biết bao người
đang đói từng bữa cơm trắng, đói từng con cá tươi, đói cả gói mì tôm chưa đầy
năm ngàn đồng, đói cái quần tấm áo, đói một viên thuốc, đói vệ sinh, đói những
nhu cầu căn bản nhất của con người.
Còn có cả những cái đói trí thức, đói
công lý, đói tinh thần, đói tình thương đang hiện diện
khắp nơi.
Càng lúc càng có nhiều người trẻ đói tình thương của cha
của mẹ.
Giới trẻ đang đói một quan tâm đúng mức về tình trạng nguội
đức tin và buông thả đời sống luân lý.
Các gia đình đang đói một chuẩn mực đơn hôn, vĩnh hôn, hạnh
phúc, đói một chuẩn mực của giáo hội thu nhỏ.
Giáo dân đang đói những gương
lành hy sinh cho chính đạo, đói gương sáng đạo đức, đói thông
tin quan trọng về hiện tình giáo hội trong nước.
Những người đau khổ vì tội lỗi công khai đang đói một ánh
mắt chạnh lòng thương cảm.
Những người bị áp bức đang đói tiếng trống kêu oan, người
tù tội đang đói mối thương người “thăm viếng kẻ tù rạc.”
Con Cuông đang đói một lời cầu nguyện, chia sẻ, động
viên, và bênh vực cho những người bảo vệ đức tin, công lý, tự do trước thế lực
gian tà xem thường Thiên Chúa và chống lại Thiên Chúa.
… Đói khắp nơi!
Chúa không để chúng
ta đói.
Là ông chủ tốt bụng, là người Cha nhân lành, Thiên Chúa
không muốn con người chúng ta chết vì đói, cũng không để chúng ta chết đói.
Ngài ban cho chúng ta trí khôn để biết kiếm cái ăn, và ban cho trái tim để biết
chia sẻ cái ăn cho người khác. Chỉ tiếc là, chúng ta biết tận dụng khả năng của
trí khôn để kiếm ra cái ăn cho mình nhưng không có trái tim chạnh lòng thương
người chia sẻ cái ăn cho người nên mới xảy ra là, “kẻ ăn không hết, người làm không ra.” Người nghèo đói cái ăn, người
giàu đói lòng nhân ái. Cả hai đều đói.
Tin Mừng hôm nay giới thiệu một Đức Giêsu có lòng nhân ái
trước cái đói phần xác của con người và giới thiệu một người có lòng nhân ái giống
Chúa Giêsu, không ai khác, đó là một em bé, có năm chiếc bánh be bé và hai con
cá nho nhỏ.
Vâng Tin Mừng thuật lại rằng: Chúa Giêsu để ý đến đoàn
người theo Ngài đang đói, và Ngài muốn kiếm cho họ cái ăn: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Chúa Giêsu
không hỏi phải tốn bao nhiêu tiền lo cho người ta ăn nhưng Ngài hỏi “mua ở đâu.”
Vậy mà, Philipphê muốn tránh né chuyện lo ăn cho người ta bằng cách trả lời: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi
người được một chút.” Còn ông Anre, đã không đi mua, lại còn tính toán chi
li đến chuyện đòi chia phần nhỏ của em bé cho ngàn người ăn trong khi chưa biết
em bé có bằng lòng không.
Chuyện kỳ diệu đã xảy ra là em bé bằng lòng trao 5 chiếc
bánh và hai con cá cho các ông.
Năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ, là khẩu phần vừa đủ cho
một em bé. Em đã sẵn sàng cho đi phần
nuôi sống mình.
Nếu 5 chiếc bánh và hai con cá ấy của một người lớn, người
có đầy kinh nghiệm về cuộc sinh tồn, chắc gì, người ấy đã sẻ chia?
Em bé nầy giống Chúa Giêsu vì có lòng nhân ái, sẵn sàng
cho đi chính sự sống của mình. Và phép lạ của lòng nhân ái đã xảy ra. Mọi người
ăn no.
Chúa muốn chúng ta
nuôi nhau
Chúa muốn chúng ta nuôi sống nhau bằng lòng nhân ái, bằng
trái tim biết chạnh lòng thương. Nhưng lòng nhân ái, và trái tim chạnh thương
chỉ có nơi những tâm hồn bé nhỏ, biết tín thác hoàn toàn vào Chúa.
Giá trị của việc cho đi ở chỗ cho đi chính nhu cầu của
mình. Những đồng tiền bác ái không phải là những đồng tiền dư thừa, nhưng chính
là đồng tiền nuôi sống gia đình. Chia sẻ chính đồng tiền nuôi sống mình, chứ
không phải chia sẻ đồng tiền dư thừa, cất để.
Năm chiếc bánh be bé của em bé, hai con cá nho nhỏ của em
làm tôi liên tưởng đến miếng cơm manh áo của chúng ta trong những ngày cùng cực
sau 1975. Người có tiền xếp hàng mua từng mét vải, từng cân gạo, từng ký cá. Có
người không tiền đứng ngoài hàng ngó người trong hàng mà đứt từng đoạn ruột khi
nghĩ đến đám nhỏ nhà mình sẽ không có gì để ăn để sống trong những ngày sắp tới.
Chờ người trong hàng bước ra với đôi cân gạo mới dám tỏ bày: “Chị cho em mượn một lon gạo. Một lon thôi,
thằng út thèm cháo mấy hôm rồi.” Chị kia lấy tay vóc mấy vóc gạo thiu hẫm: “Chị cầm đỡ đi, nhà tôi chín người, cũng
đang đói.”
Thương ơi những ngày gian khổ ấy, và cũng chính từ những
gian khổ ấy, mới rõ ra rằng “việc nhỏ” của “tấm lòng lớn” là việc của Hy Tế.
Có vài “nhóm bác ái công giáo” ở Sài Gòn không thường đi
du lịch, nhưng lại rất thường có những chuyến đi thăm các họ đạo xa xôi ở miền
Tây sông nước, ở miền Trung cao nguyên hay mạn ngược miền sơn cước phía bắc.
Tôi nể phục họ vì họ đến để “xem nơi người
ở và ở lại với người”, ăn uống với người, sinh hoạt với người, hiểu người,
yêu mến người và cuối cùng là tìm đủ mọi cách để chia sẻ cho người những điều
kiện sống tương đối hơn.
Có lần họ đến thăm một vài Giáo Xứ gần nơi tôi sống, rồi
về kể cho nhau nghe: Về thăm xóm rẫy của anh H, và dự thánh lễ tại nhà thờ một
giáo họ, mình để ý có mấy người đi lễ mang những chiếc áo dài không sang trọng
lắm, nhưng đủ đàng hoàng xinh đẹp mà chính tay mình đã xin về, giặt ủi, xếp vào
bao và giao cho anh H. Ôi, mình thật hạnh phúc, thật sung sướng vì đã góp một chút công vào phép lạ của tình thương Thiên Chúa.
Quả thực, nếu có những sẻ chia phát xuất từ trái tim nhân
ái, chắc hẳn sẽ không còn quá nhiều cảnh khổ đau, chết chóc vì đói.
Lời Chúa hôm nay đang mời gọi chúng ta biết tín thác vào
Chúa, và biết sẻ chia sự sống cho nhau. Sự sống ấy, không chỉ là cái ăn, cái mặc
mà còn là tình thương, lòng thương cảm, mà còn là gióng lên tiếng trống kêu
oan, rập ràng tiếng kinh nguyện cầu cho công lý, ý hợp tâm đầu bảo vệ Đức Tin
công giáo, tiếp sức cho người chiến đấu cho công lý, cho tự do…
Hình ảnh em bé với “năm tấm bánh bé hai con cá nhỏ” có thể
làm động lòng chúng ta. Thiết tưởng, bao lâu chúng ta còn muốn làm người lớn với
bao toan tính, tránh né, an vị yên thân, thì bấy lâu vẫn còn khó lòng mà biết sẻ
chia cho đời tấm bánh hay con cá vốn đã dư thừa, cất để.
Nguyện xin Chúa cho chúng con lòng đơn sơ khiêm nhượng
tín thác như bé thơ để dám tin rằng ai đành mất sự sống mình thì được sống muôn
đời. A men.
Nha Trang 26-7-2012
PM. Cao Huy Hoàng