Lời Chúa cntn 16b _ sức mạnh của lòng nhân hậu


SỨC MẠNH CỦA LÒNG NHÂN HẬU
Chính những con người sống tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu, đã cải tạo được biết bao phần tử sa đọa.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Bài Tin Mừng thuận việc các tông đồ đi rao giảng lời Chúa, trở về. Chúa bảo các Ông tới nghỉ nơi thanh vắng, vì dân chúng kéo đến quá đông. Các ngài tìm đến miền hoang địa Betsaiđa Giulia ở về tả ngạn sông Giordanô. Thị trấn này lúc đó là một bình nguyên, có nhiều con sông chạy ngang dọc. Chúa và các tông đồ tới nơi vắng vẻ này, mới có bầu không khí tĩnh mịch. Nhưng lúc đó gần ngày lễ vượt qua, khách thập phương từ ngoại quốc trở về mừng lễ rất đông. Họ thấy Chúa và môn đệ chèo thuyền đi ra, nên đoán được chỗ các ngài đến. Thế là họ xô nhau đi theo, và nhanh chân tìm lối, đến trước các ngài. Lúc thuyền Chúa cập bến, đã thấy nơi hoang địa kia đầy những người đứng đợi; họ reo hò mừng rỡ, khi thấy Chúa Giêsu dưới thuyền bước lên. Chúa cảm động, và tỏ lòng cảm kích thương hoàn cảnh họ, như một bầy chiên lạc lõng vô chủ, nhiều con đói khát, nhiều con tàn tật.
Giáo Hội vẽ lại cho chúng ta gương mặt hiền từ, nhân ái của Chúa Giêsu. Chúa luôn luôn thương yêu giúp đỡ, thông cảm cảnh cơ cực bơ vơ. Ngài không hề bỏ qua những cảnh ngộ đau khổ của ta.
Lòng từ bi thương xót của Chúa đã in sâu vào tâm trí biết bao nhiêu con người trong Giáo Hội, qua các thời đại, như thánh Camillô Lellis, thánh Vincent de Paul, thánh Gioan Thiên Chúa v.v. Các ngài đã dùng đức bác ái, lòng từ bi và nhất là những công việc từ thiện vĩ đại, thiết lập ra những tu hội chỉ chuyên săn sóc nỗi thống khổ của con người. Các ngài đã chứng minh sứ mạng của Giáo Hội là tiếp tục công việc yêu thương của Chúa Cứu thế.
Đức bác ái của những con người ttrong Giáo Hội, được đại văn hào Victor Hugo ca tụng, trong một nhân vật của cuốn tiểu thuyết hất hủ “Những con người khốn khổ”, nhân vật đó chính là Đức Cha Myriel.
Một chiều nọ, tại Montreuil (Pháp), một đám cháy lớn xảy ra ngay trong khu vực có nhà ông cảnh sát trưởng. Người ta thấy một người lạ mặt chữa cháy một cách hăng say, đặc biệt là, duy có anh ta đủ can đảm xông vào ngọn lửa, để cứu hai con ông cảnh sát, và đưa hai em ra ngoài an toàn. Từ đó người lạ này được dân địa phương giúp đỡ, anh xưng tên Madeleine. Anh tận tụy với mọi người, sống vui vẻ, đầy tình thương, đầy bác ái, anh chiếm được cảm tình từ người già đến trẻ con nơi anh cư ngụ. Kết quả là trong kỳ bầu thị trưởng, anh đã đắc cử. Ông thị trưởng Madeleine sống đơn sơ, thương yêu, giúp đỡ mọi người. Ông sống bình dị, bác ái, lo mở mang nhà dưỡng lão, trường học, viện cô nhi, viện tế bần. Ông thường có mặt trong các gia đình tang chế, thích đi thăm viếng những người bệnh, hơn là tới những cuộc hội hè, yến tiệc linh đình. Ông được mọi người kíng trọng, yêu quí…
Nhưng một số các mệnh phụ trong tỉnh, bạ mồm, bạ miệng, đồn đại với nhau rằng: ông là một nhà phù thủy. Lý do ông có một căn phòng kín, không cho ai lui tới, có lẽ ông luyện bùa phép ở đó chăng? Thực ra thì ông đó có một căn phòng đặc biệt, đặc biệt không phải ở chỗ  căn phòng được trang hoàng lộng lẫy, hoặc chứa những dụng cụ ma quái, mà nó chỉ là một căn phòng rất đơn sơ, đơn sơ tới nỗi căn phòng duy có một chiếc bàn, trên bày hai chân đèn bằng bạc. Ông thường ngắm nghía và tôn trọng hai chân đèn này như một bảo vật quý nhất của đời ông. Câu truyện hai chân đèn này cũng có thể là biến cố quan trọng nhất của đời ông. Biến cố đó như sau:
Thực ra ông thị trưởng Madeleine có tên thực là Jean Valjean. Jean Valjean mồ côi cha mẹ từ nhỏ, và sống với người chị. Gia đình người chị quá nghèo, lại có tới bảy người con. Một hôm gia đình không còn gì ăn, Jean Valjean, ban đêm, tới cửa hiệu bánh của lão Mobe, đập tủ kính, lấy trộm một chiếc bánh đưa về cho bảy đứa cháu. Jean Valjean bị bắt, ra tòa. Tòa kết án Jean Valjean năm năm khổ sai về tội ăn trộm ban đêm, có phá nhà cửa…
Nhưng ở tù được bốn năm, anh vượt ngục. Jean Valjean bị bắt lại, và tòa tăng án lên năm năm nữa. Như vậy là anh còn phải ngồi tù 6 năm. Vào tù lại được ba năm, Jean Valjean lại vượt ngục, và lần này anh cũng không thành công, kết quả tòa lại tăng án thêm ba năm nữa. Tổng cộng Jean Valjean bị giam đúng 13 năm. Thời gian 13 năm ngồi tù: Anh suy nghĩ tình đời éo le, luật lệ bất công của xã hội” vì một chiếc bánh mà phải xiềng xích giam giữ khổ sở 13 năm tù… Jean Valjean quyết tâm, ra khỏi tù, anh sẽ trả thù người đời cho hả giận.
Khi anh ra tù, với số tiền lộ phí nhà giam cấp cho anh, anh đi bộ về quê nhà. Giữa đường, trời tối, anh vào một quán ăn, nhưng khi người ta khám phá ra anh là một phạm nhân mới được tự do, thì không một ai giám chứa chấp anh, mặc dầu anh có đủ tiền để trả một bữa ăn và qua một đêm trọ. Thế là anh lại phải lang thang ngoài phố, và cuối cùng định ngủ đêm dưới tháp chuông, của một ngôi thánh đường. Nhưng có mấy bà đi nhà thờ chỉ cho anh biết: anh có thể tới ngủ nhờ nơi tòa giám mục của đức cha Myrien gần đó. Đức cha Myrien là con người đạo đức, sống bác ái, quảng đại với mọi người. Thấy nhà thương nhỏ hẹp, tồi tàn, bà bệnh nhân lại đông, ngài đã sẵn sàng nhường tòa giám mục để làm bệnh viện, còn ngài thì sang ở bên nhà thương tồi tàn đó. Cổng tòa giám mục rộng mở suốt đêm ngày, vì ngài cũng chả có gì mà phải canh giữ.
Tối đó, Jean Valjean tới tòa giám mục xin ở trọ một đêm. Anh bỡ ngỡ vì chính đức cha Myrien niềm nở đón tiếp anh, coi anh như một vị khách quý, ngài bắt người giúp việc soạn bữa, để anh cùng ngồi bàn dùng cơm chung với ngài. Cũng như thường lệ, khi có khách, ngài bắt đưa bộ muỗm dĩa bạc để tiếp anh. Jean Valjean không nói lý lịch của mình, mà chính đức cha Myrien cũng không đả động gì đến lý lịch của anh. Anh được đức cha Myrien gọi anh bằng “ông”: tiếng mà suốt đời anh chưa được ai gọi bao giờ. Tuy nhiên anh vẫn còn nuôi lòng lòng căm thù hận đời. Đêm đó Jean Valjean được Đức Cha Myrien cho ngũ trong phòng khách thông liền với phòng ngài… Nửa đêm thức giấc, anh sang phòng đức cha, là dùng chiếc dùi cui để hạ sát đức cha, ngõ hầu vơ vét đồ đạc trong nhà, rồi tẩu thoát. Nhưng khi tới giường đức cha Myrien, thấy đức cha đang ngủ ngon, nét mặt toán ra một vẻ thánh thiện, bình thản, êm đềm đáng kính, nên anh không nỡ tâm sát hại đức cha mà chỉ qua phòng ăn lấy bộ đồ muỗn dĩa bạc, rồi tẩu thoát.
Sáng sớm, người giúp việc càu nhàu, và cho đức cha biết là “ông khách quý” của đức cha đã ra đi, mang theo bộ muỗm dĩa quý nhất của tòa giám mục. Đức Giám Mục chỉ cười và coi như không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng lát sau, người ta thấy cảnh sát điệu Jean Valjean vào tòa Giám Mục, vì cảnh sát đã bắt được anh, khám xét, thấy trong hành lý của anh có bộ muỗm dĩa bạc. Cảnh sát nghi là anh đã ăn trộm những đồ này của tòa Giám Mục và giải anh vào gặp đức cha Myrien để tìm hiểu thực hư. Nhưng đức cha Myrien vừa thấy anh, ngài đã niềm nở chào anh và nói: “Hôm qua tôi đã cho anh bộ muỗm dĩa, tôi còn cho anh cả đôi chân đèn trong phòng ngủ, đôi chân đèn này cũng bằng bạc đấy, ít ra bán cũng được 200 quan, sao anh lại bỏ quên không lấy?” Rồi ngài đưa cả đôi chân đèn trong phòng ngủ cho anh. Thấy vậy cảnh sát bỏ đi, vì cho là chính đức cha đã tặng anh các đồ vật đó. Khi cảnh sát đi rồi, Jean Valjean sững sờ đứng một mình với đức cha, và đức cha nói nhỏ với anh: “Thôi con đi, con đừng bao giờ quên lời cha. Con hứa với cha là con sẽ dùng số tiền này bán các đồ này, để làm lại cuộc đời, sống lương thiện, giúp ích cho xã hội.” Jean Valjean, một người đã nung nấu hận thù dòng dã 13 năm, nhưng qua một đêm sống với đức cha Myrien, anh đã đổi thành con người mới, bỏ lòng hận thù, quyết tâm làm lại cuộc đời.
Anh không về quê, mà anh đã qua Montreuil vào đúng buổi chiều xẩy ra đám cháy. Chính anh đã liều mạng xông vào lửa, cứu hai con của ông cảnh sát trưởng khỏi bị chết cháy… và anh đã đổi tên là Madeleine. Anh trân trọng giữ hai chân đèn của đức cha Myrien để luôn luôn ghi nhớ và thực hành điều đức cha dậy anh.
Đại văn hào Victor Hugo (một người tuy ác cảm với tôn giáo) đã viết cuốn Les Misérables (Những con người khốn khổ) tạo ra hai nhân vật  Jean Valjean và Myrien để chứng minh trải qua các thời đại, chính các công việc bác ái, từ thiện của Giáo Hội, và chính những con người sống tinh thần yêu thương của Chúa Giêsu, đã cải tạo được biết bao phần tử sa đọa, biết bao con người nguy hại cho gia đình, cho xã hội.
Đề tựa của Lm. HK