Suy tư Lễ Thánh Tâm _ bài ca Tình yêu Thánh Tâm

Bài ca  
TÌNH YÊU THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Bài ca nhiệm mầu ấy cho tôi được cảm thấy tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, một tình yêu khiêm nhường, một tình yêu hy sinh, một tình yêu cứu độ.
ĐGM. GB Bùi Tuần
1. Từ ít lâu nay, thỉnh thoảng tôi nghe được một bài ca lạ. Tôi nghe không bằng tai, nhưng bằng trái tim. Bài ca rất dịu dàng, rất nhẹ nhàng, rất ngọt ngào. Bài ca không lời, nhưng làm rung động tâm hồn, nâng lòng tôi lên với Chúa.
2. Bài ca nhiệm mầu ấy cho tôi được cảm thấy tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu, một tình yêu khiêm nhường, một tình yêu hy sinh, một tình yêu cứu độ.
     Khi được cảm nhận tình yêu ấy, tôi coi đó là dấu chỉ Chúa Giêsu đang hiện diện trong tôi. Người đang giúp tôi cảm tạ Chúa Cha. Người đang giúp tôi hợp với ca đoàn các thiên thần trên trời, để ca ngợi Chúa Cha.
4. Qua cảm nghiệm trên đây, tôi như có một cảm quan riêng, để nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi người này, người nọ. Nếu gặp họ, tôi cũng nghe được từ họ, như phát ra một bài ca thiêng liêng nhiệm mầu mà tôi đã từng được nghe trong tôi, thì tôi tự nhiên như tin chắc họ đang có Chúa hiện diện.
     Chúa hiện diện trong họ chính là Chúa Giêsu với trái tim đầy yêu thương, đầy hy sinh, đầy sự sống cứu độ.
5. Cảm quan, mà tôi vừa nói, là một cảm quan thiêng liêng, do Chúa ban. Cảm quan thiêng liêng này không thay thế vai trò của lý trí, nhưng giúp cho lý trí trong nhiều trường hợp.
     Riêng đối với tôi, cảm quan thiêng liêng ấy giúp cho tôi thấy rõ hơn mấy sự thực sau đây.
6. Sự thực thứ nhất là yêu thương của tôi, nếu muốn là yêu thương như Chúa yêu thương, thì nhiều lúc phải vượt qua ranh giới hợp lý, mà lý trí thường đưa ra.
     Đúng lý thì người đó không đáng thương. Đúng lý thì người nọ không đáng được cứu. Nhưng cảm quan thiêng liêng cho tôi thấy Trái Tim Chúa đã không đối xử theo sự hợp lý của lý trí tôi.
     Yêu thương của Trái Tim Chúa đã vượt qua cái lý luận của lý trí loài người. Nhờ vậy, mà chính tôi cũng đã được cứu.
7. Sự thực thứ hai là hy sinh của tôi, nếu muốn là hy sinh theo gương Chúa, thì cũng phải vượt qua ranh giới của quan niệm quần chúng, mà nhiều người thường vịn vào để tránh hy sinh, đau khổ.
     Bao lần, người ta quả quyết là phải loại trừ mọi đau khổ, mới là hạnh phúc, phải xa tránh mọi hy sinh mới là khôn ngoan. Nhưng cảm quan thiêng liêng cho tôi nhận ra hy sinh và đau khổ giữ một vai trò cần thiết trong việc cứu mình và cứu người khác, theo chương trình của Chúa.
8. Sự thực thứ ba là yêu thương và hy sinh của tôi, nếu muốn theo gương Chúa Giêsu, thì phải sẵn sàng đón nhận những bất ngờ xảy ra.
     Theo thói thường, ai cũng muốn ổn định. Chương trình mục vụ là phải thế này. Kế hoạch truyền giáo là phải thế kia. Nếu xảy ra sự gì khác với hoạch định, thì coi như thất bại. Thế nhưng, cảm quan thiêng liêng lại cho tôi thấy, nếu có những bất ngờ xảy ra, phá vỡ những gì coi như sẽ tồn tại vững bền, thì nhiều khi nên coi đó là ý Chúa. Sự kiện đó dạy tôi về sự mong manh của các công trình loài người, để phải khiêm nhường cậy tin vào Chúa.
9. Nhờ những gì tôi vừa chia sẻ như trên, tôi thấy cảm quan thiêng liêng tại Việt Nam hôm nay đang xuất hiện một cách đáng mừng. Những người được Chúa ban cảm quan thiêng liêng đó thuộc mọi thành phần. Tôi nhận ra họ, nhờ một dấu chỉ, mà tôi gọi là chữ ký của Chúa nơi họ. Dấu chỉ đó là thái độ khiêm nhường trong yêu thương và hy sinh nơi họ.
10. Tới đây, tôi lại nhớ về bài ca thiêng liêng nhiệm mầu, mà tôi được nghe thỉnh thoảng trong lòng tôi. Bài ca ấy giúp tôi đọc lại lời Kinh Thánh viết xưa về Chúa Giêsu.
     “Vào lúc ấy, Chúa Giêsu cất tiếng nói: Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 10,25-26).
     Tôi tạ ơn Chúa đã thương coi tôi là một kẻ bé mọn. Tôi tạ ơn Chúa đã cho Đất Nước Việt Nam của tôi có được nhiều kẻ bé mọn. Tôi nhận ra những người bé mọn ấy đang được Chúa thương yêu một cách đặc biệt. Chúa cho họ một thứ cảm quan thiêng liêng, giúp họ tìm về Chúa và thuộc về Chúa.
11. Trong một tình hình rất phức tạp như hiện nay, những kẻ bé mọn ấy đang là những chứng nhân về Chúa, đem lại hy vọng và niềm vui cho nhiều người, trong đó có tôi.
     Họ mang trong mình bài ca của Trái Tim Chúa. Họ nhận ra được bài ca của Trái Tim Chúa nơi nhiều người khác. Họ sống như một bài ca của Trái Tim Chúa ca tụng Chúa Cha. Họ giới thiệu Nước Chúa đang lan rộng một cách âm thầm qua bài ca của tình yêu Thánh Tâm Chúa. Đúng là Nước Chúa ở trong lòng con người, ở ngay giữa chúng ta (x. Lc 17,20-25).
12. Bài ca ấy đang chìm sâu vào tiềm thức của tôi, nhờ đó, tôi luôn nói với Chúa Cha một lời Chúa Giêsu đã than thở xưa trên thánh giá: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
13. Phó thác là có thực. Nhưng không có nghĩa là tôi không có bổn phận phải tỉnh thức.
     Tỉnh thức, đừng từ chối và đánh mất cảm quan Chúa thương ban, vì không còn muốn mình là bé mọn luôn phải làm theo ý Chúa, mà lại muốn coi mình là tự do làm bất cứ gì mình thích.
     Tỉnh thức, luôn sẵn sàng để Chúa sử dụng tôi, để Người dâng lễ hy sinh cứu các linh hồn, làm chứng cho tình yêu của Người như Người đã phán: “Không tình yêu nào cao quý cho bằng tình yêu người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
     Tỉnh thức, luôn ý thức mình được Chúa sai đi, như lời Chúa Giêsu đã phán: “Như Cha đã sai con đi, thì con cũng sai họ đi” (Ga 17,18). Tôi được sai đi trong Chúa Giêsu, nhờ Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu. Tôi được sai đi, ưu tiên đến với những tâm hồn hèn mọn khổ đau, như Chúa muốn.
14. Như vậy, có một bài ca trong trái tim tôi. Bài ca đến từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Bài ca giúp tôi hiệp thông sâu sắc với Hội Thánh Chúa. Bài ca cho tôi nếm được phần nào sức mạnh thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Bài ca dẫn tôi trên đường đời đầy trắc trở. Bài ca đưa tôi tới những con người muôn dạng. Bài ca dắt tôi lên với Chúa Cha giàu lòng thương xót. Bài ca giúp tôi xác tín có một Đấng thiêng liêng sẽ phán xét mọi người.
     Xin tạ ơn Chúa đến muôn thuở muôn đời.
Long Xuyên, ngày 8.6.2015