GIẢI MÃ TÂN PHÚC ÂM HÓA BẰNG NĂM CHỮ
5 việc cốt yếu mà tiến trình Tân Phúc Âm hóa từ
thời Chúa Giêsu đến nay luôn được thực hiện và còn thực hiện mãi mãi. Năm việc
đó là:
Dẫn nhập.
Giáo hội xuyên
suốt 2000 năm quen nói tới việc loan báo Phúc Âm. Đến năm 1975, mười năm sau
Công đồng Vatican II, trong Tông huấn Loan báo Phúc Âm, đức giáo hoàng Phaolô
VI cho rằng việc “loan báo Phúc Âm”chỉ là một khía cạnh quan trọng trong nhiều
khía cạnh mà thôi. Vì thế dịch là Phúc Âm hóa thì bao hàm được nhiều khía cạnh
hơn. Rồi ngài định nghĩa Phúc Âm hóa là “để
mang Phúc Âm đến mọi tầng lớp nhân loại, và nhờ ảnh hưởng Phúc Âm có thể biến đổi
chính con người từ bên trong và đổi mới họ”, hoặc Phúc Âm hóa là “làm cho thấm nhuần tinh thần Phúc Âm vào
con người, vào xã hội, vào các nền văn hóa.” Ngài còn thêm rằng “Phúc Âm hóa là một thực tại phong phú, phức
tạp và năng động, nên không thể lấy một định nghĩa từng phần hay từng mảnh nào
để lý giải được” (xem Tông huấn Loan báo Phúc Âm, 1975).
Đến năm 1979, đức
Gioan Phaolô II trong diễn văn ở Cracovie, Balan đã nói rằng: “Trong thời điểm mới này, trong những điều
kiện sống mới ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, một cuộc Tân Phúc Âm hóa đã bắt đầu.”
Và Hội đồng
giám mục Việt Nam trong Thư Chung 2013, dựa theo ngài giải nghĩa rằng: “Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một
Phúc Âm mới, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy
mãi đến muôn đời” (xem Dt 13,8),
nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả. Mới về lòng nhiệt
thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân
chúng ta với Đức Giêsu Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống
chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những
phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều
mặt: văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người
hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc Âm” (Thư chung số 4).
Như thế Giáo hội
hôm nay đang dùng chữ Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa để có thể bao hàm mọi khía
cạnh phong phú của Phúc Âm, không những chỉ loan báo Phúc Âm mà còn làm cho con
người trở thành môn đệ, giảng dạy, làm chứng, rửa tội… nghĩa là vừa làm chứng
và loan báo bằng lời nói và bí tích, vừa biến đổi nội tâm con người và biến đổi
cả xã hội. Vậy ta tìm hiểu xem trước 1975 chỉ nói đến loan báo Phúc Âm thì có
Phúc Âm hóa hay Tân Phúc Âm hóa không, có biến đổi con người và xã hội không,
hay nói cách khác: trước 1975 thì sống Phúc Âm và truyền giảng Phúc Âm thế nào?
Chỉ lược qua vắn tắt lịch sử Giáo hội ta sẽ trả lời được câu hỏi trên. Rồi ta sẽ
giải mã Tân Phúc Âm hóa bằng 5 chữ.
I. TÌM HIỂU CÁCH SỐNG PHÚC ÂM VÀ TRUYỀN GIẢNG PHÚC ÂM TRƯỚC
1975
Thời gian trước
1975 là thời gian “rất ư lâu dài”, ta chỉ cần tóm tắt trong 4 thời kỳ và vào
hai việc: cách sống Phúc Âm và truyền giảng Phúc Âm.
I.1 Thời kỳ đầu của Kitô giáo (thế kỷ I đến V).
Thời kỳ này cực
kỳ quan trọng vì là nền tảng và mẫu mực cho việc loan báo Phúc Âm trong suốt lịch
sử giáo hội. Ta chia làm ba: thời Chúa Giêsu, thời các tông đồ và môn đệ, thời
các giáo phụ.
1/ Thời Chúa Giêsu (nửa đầu thế kỷ thứ I)
Được Chúa Cha
sai xuống trần gian để loan báo Phúc Âm, Chúa Giêsu đã liên hợp với Chúa Thánh
Thần để chu toàn.
Vậy Phúc Âm là
gì? Phúc Âm dịch từ tiếng Hy Lạp euaggelion nghĩa là tin mừng, tin vui, tin
lành, tin hạnh phúc. Ở Việt Nam lúc đầu các nhà truyền giáo không dịch mà gọi
là Evan, rút ngắn từ tiếng la tinh evangelium. Về sau các ngài dịch là Phúc Âm nghĩa
là tin đem đến hạnh phúc thật. Gần đây lại dùng tin mừng cho dễ hiểu, nhưng
không lột hết được ý nghĩa rất sâu sắc. Cha Huỳnh Trụ, chuyên viên về từ ngữ
công giáo cho rằng tin mừng chỉ có nội dung đơn giản là tin tức đem lại niềm
vui (hỉ tín) như thi đậu, trúng số… trong khi Phúc Âm theo văn hóa Á đông bao
hàm những ý tưởng phong phú và sâu sắc hơn nhiều… Tuy nhiên ngày nay vẫn thấy
dùng: lời khuyên Phúc Âm, Phúc Âm hóa, tân Phúc Âm hóa. Vì thế bài này dùng
Phúc Âm.
Vậy nội dung
Phúc Âm là gì? Khi Chúa Giêsu bắt đầu đi loan báo Phúc Âm ở Paslestin, Người
tuyên bố: “Thần khí Chúa ngự trên tôi vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi
loan báo Phúc Âm cho kẻ nghèo hèn,… công bố một năm hồng ân của Chúa ” (Lc
4,18-19). Chúa mượn câu này để giới thiệu rằng: Thiên Chúa Cha sai Người là
Chúa Con liên hợp với Chúa Thánh Thần để loan báo Phúc Âm và thực hiện việc
Phúc Âm hóa nhân loại. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (1992) tóm rất gọn
trong ba việc là: mặc khải, cứu chuộc, quy tụ. Chúa Giêsu đã dùng cả cuộc đời,
lời nói việc làm để:
a) Mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu, muốn chia sẻ hạnh phúc cho
con người nên sáng tạo con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng con người
nghe theo ma quỉ cám dỗ không vâng phục Thiên Chúa nên phải khổ và chết. Thiên
Chúa không muốn để con người như những đứa con mồ côi, nên cử Chúa Giêsu xuống
thế làm người để cứu chuộc.
b) Cứu chuộc bằng cách dùng tất cả cuộc đời, từ giáng sinh trong nghèo khó,
đến đi rao giảng giúp con người trở lại vâng phục Thiên Chúa và thương yêu nhau.
Và chính Người cuối cùng hiến tế mình trên thập giá để chuộc tội họ.
c) Qui tụ một nhóm người và đào tạo họ làm tông đồ và môn đệ để họ đi khắp
thế giới qui tụ mọi người khác vào giáo hội của Chúa.
Cách sống Phúc
Âm. Chúa Giêsu đem hết nhiệt
tâm để sống đúng Phúc Âm Người loan báo. Ngay từ khi 12 tuổi, Chúa đã gắn bó với
Phúc Âm khi nói với thánh Giuse và đức Maria: “Cha mẹ không biết con có bổn phận
ở nhà của Cha Con sao?” (Lc 2,49). Khi gần 30 tuổi, Chúa bắt đầu kêu gọi một
nhóm môn đệ chung sống với Người, để họ chia sẻ cách sống của Người và được đào
tạo trong các việc gặp gỡ đối thoại với mọi người, tại Đền thờ Giêrusalem, các
hội đường, nơi có đông người, ở bờ biển hồ; rao giảng Phúc Âm cho người nghèo,
chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi, dạy dỗ họ sống hiền lành tha thứ yêu
thương. Người nêu gương cho họ sống thân mật với Chúa Cha trong cầu nguyện,
vâng phục và luôn giữ đúng lời Chúa Cha dạy. Nét nổi bật trong cách sống Phúc
Âm của Người là Người sống Phúc Âm thế nào thì truyền giảng đúng như vậy. Cuối
cùng để tỏ lòng yêu mến Chúa Cha và loài người đến cùng, Người hiến mình bằng
chịu chết trên thập giá để làm chứng cho Phúc Âm Người loan báo.
Phương pháp truyền
giảng. Chúa Giêsu đi
rảo khắp xứ Palestin, không “đóng đô” ở một chỗ, truyền giảng Phúc Âm bằng
chính cách sống Phúc Âm của Người. Chính cách sống của Người là những chứng từ
có sức thuyết phục hơn lời giảng suông. Người dùng ngôn ngữ bình dân, sát với đời
thường, dễ hiểu (dụ ngôn, so sánh) đến nỗi người nghe phải công nhận “chưa hề
thấy ai nói hay như Người” (Ga 7,46). Nhiều người không muốn tin Phúc Âm của
Người, tìm cách kết án tử hình thập giá cho Người, Người sẵn sàng chịu chết để
làm chứng cho Phúc Âm là sự thật để họ tin.
Kết quả. Chúa Giêsu khi xuống trần, đã tập trung
vào việc công bố trước hết (Kerygma) để giới thiệu Người là Con Thiên Chúa được
Chúa Cha sai đi cùng với Chúa Thánh Thần đem Phúc Âm của Thiên Chúa tình yêu và
đầy lòng thương xót để cứu rỗi mọi người. Chúa đã dùng tất cả cách sống Phúc Âm
và cách truyền giảng Phúc Âm để làm biến đổi, để Phúc Âm hóa nhiều người: từ
thánh Giuse, đức Maria, gia đình thánh Gioan Tẩy giả, đến các tông đồ và môn đệ.
Trước khi về trời Người còn truyền cho các tông đồ và môn đệ đi khắp thiên hạ,
loan báo Phúc Âm của Chúa, làm cho mọi người thành môn đệ Chúa và làm chứng về
Người.
2/ Thời các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu (nửa sau thế kỷ
I)
Sau khi Chúa
Giêsu về trời, dịp lễ Ngũ Tuần của Do Thái, các tông đồ và môn đệ được đón nhận
Thánh Thần của Chúa Giêsu và “sức năng động của Phúc Âm” (sức mạnh làm biến đổi
thế giới chung quanh) do hai Đấng ban cho, các ông không còn sợ giáo quyền Do
thái, mạnh dạn ra đi đến với muôn dân để loan báo Phúc Âm, từ Giêrusalem cho đến
khắp đế quốc Rôma.
Cách sống Phúc
Âm. Bằng chứng hùng hồn nhất
về cách sống Phúc Âm là các ngài lo công bố trước hết về Chúa Giêsu và Phúc Âm
của Người, giáo hội quen gọi là kerygma, được tóm gọn trong 4 điểm cốt yếu:
1 – Chúa Giêsu Kitô đã bị giết chết trên thập giá.
2 – Thiên Chúa đã làm cho Người được sống lại.
3 – Người tha hết mọi tội và cứu chuộc mọi người.
4 – Chúng tôi là chứng nhân về các điều đó.
Lời công bố này
rất quan trọng và có giá trị vì là bằng chứng của những người mắt thấy tai nghe
về Chúa Giêsu, về chính Phúc Âm, Đấng đem hạnh phúc thật cho mọi người. Không
chỉ công bố bằng lời nói mà các ngài còn bỏ mọi sự, đem cả đời sống để sống
theo Phúc Âm như Chúa Giêsu: khó nghèo, đến với mọi người, giảng dạy, làm các
phép lạ. Khi đã có đông người theo đạo, các ngài tổ chức họ thành cộng đoàn,
giúp họ chuyên cần nghe Phúc Âm, sống hiệp thông với Chúa bằng siêng năng tham
dự bí tích Thánh Thể, cầu nguyện không ngừng; còn với nhau thì để mọi của cải
làm của chung khiến không ai phải thiếu thốn (xem Cv 2,42; 5,32). Các ngài tổ
chức cộng đoàn có giám quản, các niên trưởng, các phó tế… sống hòa mình với
nhau. Bị giáo quyền Do thái bức hại ở Giêrusalem, các ngài tản đi khắp xứ
Palestin. Khi có chuyện bất đồng về giữ luật cắt bì của Do thái giáo, các ngài
họp Công đồng đầu tiên ở Giêrusalem (năm 49) để giải quyết. Sau đó các ngài ra
khỏi Palestin đi khắp đế quốc Rôma, lập các giáo đoàn gồm cả người Do thái,
Rôma, Hy lạp, dân ngoại… Không ở thường xuyên với các giáo đoàn, các ngài viết
thư thăm hỏi khuyên bảo. Giáo đoàn nào gặp khó khăn thì lạc quyên các giáo đoàn
khác giúp đỡ. Gần cuối đời các ngài còn ghi chép các lời công bố về Phúc Âm
thành sách để lưu truyền. Nét nổi bật trong cách sống Phúc Âm của các ngài là
noi gương Chúa Giêsu để sống “đồng hình đồng dạng với Người” (Rm 8,29), “tôi sống
nhưng không phải tôi mà Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Các ngài đã kết
thúc cuộc đời bằng chịu tử đạo để làm chứng cho Phúc Âm Chúa.
Phương pháp truyền
giảng. Các tông đồ
và môn đệ hiểu đúng và theo đúng lệnh truyền của Chúa: “ra đi khắp tứ phương
thiên hạ” (xem Mc 16,15) không “đóng đô” một chỗ - “rao giảng Phúc Âm để làm
cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), đó là Phúc Âm hóa họ – chính các
ngài là những chứng nhân của Phúc Âm (xem Lc 24,48) không chỉ bằng lời nói là dạy
dỗ họ cách sống Phúc Âm trong gia đình vợ chồng thương yêu nhau, giáo dục con
cái trong xã hội tuân giữ luật lệ; mà các ngài còn sẵn sàng tử vì đạo để làm chứng.
Kết quả. Chỉ một nhóm tông đồ và môn đệ khoảng 120
người (xem Cv 1,15), “không chữ nghĩa và thuộc giới bình dân” (Cv 4,13) đã làm
đảo lộn cả đất Palestin và đế quốc Rôma. Thực vậy, bài công bố trước hết về
Chúa Giêsu ở Giêrusalem dịp lễ Ngũ Tuần đã biến đổi cả 3000 người xin được rửa
tội (xem Cv 2,41), họ là Do thái, Hy lạp, Rôma, cả dân ngoại nữa. Sau đó ở một
lần giảng khác, “có nhiều kẻ đã tin và số người đàn ông lên đến chừng năm ngàn”
(Cv 4,4). Các ngài tập hợp các người tin thành cộng đoàn, rải rác khắp xứ
Palestin và khắp đế quốc Rôma. Các ngài suy niệm về Phúc Âm rồi tóm tắt trong
Kinh Tin Kính của các tông đồ. Đến cuối đời còn ghi chép các giáo huấn về Phúc
Âm thành sách Tân Ước bằng tiếng Hy lạp để lưu truyền cẩn thận. Và các ngài kết
thúc cuộc đời làm chứng bằng tử vì đạo: vị đầu tiên là thánh Têphanô (năm
32-37) (xem Cv 7,55-60), sau là thánh Giacôbê (xem Cv 12,1-3), và các tông đồ
khác tử đạo (năm 64-68). Các ngài đã để lại một truyền thống tông đồ trong giáo
hội Chúa về cách sống Phúc Âm và truyền giảng Phúc Âm trong gia đình, trong
giáo hội và trong xã hội.
3/ Thời các Giáo Phụ (từ thế kỷ II đến V).
Từ đầu thế kỷ I
đến III giáo hội gặp nhiều khó khăn bên ngoài do giáo quyền Do thái cấm đoán,
do chính quyền Rôma bức hại, và khó khăn bên trong do nhiều người có những tư
tưởng sai lạc về Chúa Giêsu gây chia rẽ bè phái – Sang thế kỷ IV, sau khi vua
Rôma là Constantinô theo Kitô giáo, giáo hội được tự do sống Phúc Âm. Không còn
được tử đạo, lối sống tu dòng theo ba lời khuyên Phúc Âm xuất hiện rồi phát triển
mạnh mẽ.
Cách sống Phúc
Âm. Các giáo phụ là những môn
đệ của các tông đồ nên trung thành với truyền thống các tông đồ để sống Phúc Âm
noi gương các ngài. Khi bị cấm đoán các ngài lén lút sống đạo nơi hầm mộ: dâng
thánh lễ, nghe giảng Phúc Âm. Khi bị bắt bỏ tù thì cầu nguyện khuyến khích nhau
vững tin, sẵn sàng tử vì đạo để làm chứng. Đó là lý tưởng của mọi Kitô hữu. Đến
đầu thế kỷ IV khi vua Rôma theo đạo, các ngài được tự do và chọn sống theo ba lời
khuyên Phúc Âm là triệt để giữ đức khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, trong các
tu viện. Các tu viện trở thành những trung tâm sống Phúc Âm. Các ngài còn tổ chức
tôn kính các vị tử đạo để tưởng nhớ và noi gương bằng cách xây mộ, nhà thờ… Các
ngài cũng tổ chức các việc từ thiện giúp người nghèo, cô nhi quả phụ, nạn nhân
của bạo lực chiến tranh. Có vị nêu gương bằng tử vì đạo như thánh Irênê, thánh
Inhaxiô… có vị nêu gương trong bổn phận truyền giảng Phúc Âm, như thánh
Augustinô, thánh Gioan Kim Khẩu …
Phương pháp truyền
giảng Phúc Âm. Các giáo phụ
trung thành với truyền thống các tông đồ để truyền giảng Phúc Âm ở thành thị, rồi
đến nông thôn. Dân chúng theo đạo rất đông. Các ngài tổ chức các khóa Huấn giáo
để khai tâm họ vào các bí tích, tổ chức suy niệm và giảng giải Phúc Âm các dịp
lễ giáng sinh, phục sinh, bênh vực Phúc Âm chống lại các bè rối. Các ngài trở
thành những nhà thần học đầu tiên, với các giáo huấn và tư tưởng rất có giá trị
được ghi thành sách lưu truyền đến ngày nay. Phúc Âm được truyền giảng cho mọi
tầng lớp dân chúng: địa chủ, nô lệ, quan chức nhà nước, dân chúng. Khi nhiều bè
rối nổi lên các ngài họp công đồng để giải quyết, như công đồng Nixê, Ephêsô… Đặc
biệt thánh Hiêrônimô còn dịch toàn bộ kinh thánh bằng tiếng Hy lạp sang tiếng
Latinh mất 22 năm để nhiều Kitô hữu có thể đọc và suy niệm.
Kết quả. Các giáo phụ trung thành với truyền thống
các tông đồ, công bố trước hết tập trung vào Chúa Giêsu Kitô và Phúc Âm của Người,
sau đó còn bổ túc bằng việc tổ chức các khóa huấn giáo khai tâm vào đời sống
Kitô giáo. Dân chúng thuộc mọi thành phần theo đạo rất đông. Khi bị cấm cách, bức
hại, nhiều Kitô hữu sẵn sàng chịu tù đầy hoặc tử vì đạo, ước chừng từ 4.000 đến
hơn 10.000 người. Kết quả đặc biệt là vua Rôma Constantinô theo Kitô giáo, chọn
đạo làm quốc giáo. Giáo hội được tự do tổ chức việc sống Phúc Âm. Không còn tử
đạo, Kitô hữu hướng về lối sống Phúc Âm cách triệt để hơn. Nhiều tu viện được
thiết lập và trở thành trung tâm phát triển cách sống Phúc Âm, phát triển văn
hóa, trí thức, thu hút dân mandi theo đạo. Các ngài cũng sắp đặt phẩm trật
trong giáo hội, có đức giáo hoàng kế vị thánh Phêrô, các giám mục; có các linh
mục, phó tế; có các tu viện trưởng, tu sĩ, và giáo dân.
Tóm lại về thời
kỳ đầu của Kitô giáo (I-V) từ Chúa Giêsu đến các tông đồ và môn đệ, rồi các
giáo phụ, đều tập trung công bố trước hết về Chúa Giêsu, về Phúc Âm của Người.
Phúc Âm này đã làm biến đổi nhiều người bình dân nghèo hèn và cả vua quan, ở
trong cũng như ngoài đế quốc Rôma, trở thành Kitô hữu, sẵn sàng sống chết để
làm chứng cho Người và Phúc Âm của Người; biến đổi cả xã hội Do thái, Rôma, Hy
lạp và dân mandi, mở ra một thế giới mới trong các thế kỷ sau. Phúc Âm của thời
này đã thực sự Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa cả những con người và xã hội khác
với thời Chúa Giêsu.
I.2. Thời kỳ trung cổ (từ thế kỷ VI đến XVI).
Có thể nói thời
kỳ này là thời kỳ bản lề, giáo hội chuyển tiếp sang khúc ngoặt quan trọng mà ảnh
hưởng còn tồn tại đến ngày nay. Bắt đầu là giai đoạn hình thành cộng đồng các
nước theo Kitô giáo từ thế kỷ VI đến XII; sau là cuộc ly khai của giáo hội
chính thống bên Đông phương khỏi giáo hội công giáo vào thế kỷ XI; rồi giai đoạn
đỉnh cao của cộng đồng các nước Kitô giáo vào thế kỷ XII và XIII; sau đó là cộng
đồng các nước Kitô giáo tan rã.
Cách sống Phúc Âm. Giáo hội tiếp tục cách sống Phúc Âm thời
các giáo phụ theo truyền thống các tông đồ để lại. Khi nhà nước Rôma chia rẽ và
tan rã rồi rơi vào tay các vua chúa mandi, chỉ còn giáo hội đứng vững. Các vua chúa
đã xin theo đạo và dần dần làm thành một cộng đồng các nước theo Kitô giáo. Vì
các vua chúa cùng với dân của họ theo đạo ồ ạt rất đông không thể giáo huấn
giúp họ khai tâm vào đạo như trước, giáo hội cùng với các tu viện rải rác khắp
nơi, giúp dân chúng sống Phúc Âm bằng cách giữ những việc đạo đức như đọc kinh,
xem lễ, lãnh các bí tích… trong hoàn cảnh tự do và an ninh. Đang khi các giáo
sĩ, tu viện trưởng cùng với các vua chúa tổ chức giáo hội theo chế độ phong kiến.
Chế độ phong kiến dựa trên việc sở hữu đất đai. Ở trên hết là vua chúa, gồm những
địa chủ; dưới là các chư hầu được vua chúa cấp đất và chức tước, dưới cùng là
nông dân lao động… Các giáo sĩ, tu viện trưởng được các vua chúa cấp đất đai tiền
bạc để xây nhà thờ, tu viện, tòa giám mục, nhà xứ… cả nghi lễ phẩm phục sa hoa
trong đền vua cũng được hội nhập giáo hội từ đó. Đạo đời cộng tác làm cho cả
giáo hội và xã hội phát triển rất thịnh vượng đạt tới đỉnh cao là vào thế kỷ
XII-XIII các nước Âu châu đều theo Kitô giáo họp thành cộng đồng các nước theo
Kitô giáo. Giáo hội được tổ chức theo mô hình “kim tự tháp” nghĩa là: ở trên đỉnh
là đức giáo hoàng – dưới là các giám mục, linh mục, tu viện trưởng, tu sĩ – ở
dưới đáy là giáo dân. Virus phong kiến xâm nhập từ thế kỷ X đã khiến hàng giáo
sĩ lo phát triển đất đai, chức tước, chạy theo tiền bạc, nên sao lãng việc sống
Phúc Âm, không còn khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, không còn truyền giảng và
làm chứng cho Phúc Âm. Nhất là đến thế kỷ XIV, phong trào phục hưng các giá trị
nhân văn của thời cổ Hy lạp và Rôma nổi dậy, đề cao tự do cá nhân, muốn tách rời
xã hội khỏi tôn giáo và giáo hội. Phong trào lôi cuốn hàng giáo sĩ đến nỗi sách
“Théo” tóm tắt là biến đổi “giám mục, linh mục trở thành địa chủ… chức vụ giáo
sĩ trở thành đồ vật mua bán, các linh mục lấy vợ để có người thừa kế tài sản,
trình độ đạo đức và trí thức của giáo sĩ rất thấp” (xem “Théo” trang 343). Rồi
sách “Théo” còn cho biết tiếp là vào cuối thế kỷ XV hai triều giáo hoàng đã
“đưa giáo hội tới đỉnh cao gây gương xấu tai tiếng và nhục nhã, với lối sống sa
hoa lộng lẫy, đồi bại, tham nhũng, mánh khóe, tội ác” (sách “Théo” trang 380).
Mặc dầu từ đầu thế kỷ XIII thánh Phanxicô Atxidi đã lập dòng anh em hèn mọn để
giúp sống khó nghèo theo Phúc Âm, thánh Đôminicô lập dòng thuyết giáo và thánh
Tôma tiến sĩ muốn nâng cao hiểu biết về Phúc Âm, nhưng đã chưa kịp ngăn chặn được
suy sụp đổ vỡ.
Kết quả. Từ thế kỷ VI giáo hội cùng với các dòng tu
luôn theo truyền thống các tông đồ để sống Phúc Âm và truyền giảng Phúc Âm, đã
thực sự Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa, nghĩa là biến đổi con người và xã hội,
thu hút các nước Âu châu theo đạo. Kết quả là các nước đó họp thành một “thế giới
theo Kitô giáo” vào thế kỷ XII.
Nhưng từ khi
giáo hội được đế quốc Rôma hội nhập, virus phong kiến đã xâm nhập vào giáo hội để
dần dần làm biến đổi giới giáo sĩ khiến họ làm tôi cho tiền bạc, chức quyền,
không màng chi tới lời Chúa trong Phúc Âm đã cảnh báo trước: “không ai có thể
làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia” (Mt 6,24). Họ đã không
hiểu và sống đúng ý nghĩa cũng như chủ đích của Phúc Âm, không lo lắng sống hiệp
thông với Chúa và mọi người trong cầu nguyện và chia sẻ. Kết quả là hàng giáo
sĩ không còn trung thành với truyền thống tông đồ để sống và làm chứng cho Phúc
Âm, nhưng đã sống nước đôi: vừa chỉ giữ hình thức bề ngoài là giáo sĩ, vừa sống
như địa chủ đại gia, theo lối sống giáo sĩ trị: độc tài, độc đoán, độc tôn; và
làm sang, làm phách, làm biếng; rồi khi đã dư tiền thì cũng nhiều tình và dễ tửu
sắc.
May thay, đang
khi giáo sĩ và quan chức nhà nước không chu toàn sứ mệnh của mình đối với Phúc
Âm thì khối dân chúng đông đảo tuy chỉ có vai trò thụ động và lệ thuộc hàng
giáo sĩ, nhưng vẫn còn giữ được lòng đạo đức bình dân rất sốt sắng, được họ bầy
tỏ ra trong các cuộc rước kiệu lễ lá, các tuồng kịch rút từ Kinh Thánh như tuồng
Thương khó, các cuộc hành hương những nơi thánh như Đất Thánh Giêrusalem, các đền
đài Đức Mẹ, đền thánh Phêrô, Phaolô và các thánh ở địa phương…Nhìn chung ta có
thể nhận xét rằng khi Xêda phục vụ cho giáo hội thì thường gây nguy hại cho
giáo hội hơn là cấm cách. Vào đầu thế kỷ XVI này mọi người đang chờ một cuộc cải
cách.
I.3. Thời kỳ Cải cách (thế kỷ XVI - XX)
Thời kỳ này có
nhiều biến cố quan trọng liên quan đến cách sống Phúc Âm và phương pháp truyền
giảng Phúc Âm. Các biến cố đó là:
- Cuộc cải cách của Luther.
- Cuộc cải cách của Công đồng Trentô.
- Những biến cố mới trong giáo hội và thế giới.
- Cuộc cải cách của Công đồng Vatican II.
1/ - Cuộc cải cách của Luther (từ năm 1520)
Trước tình trạng
giáo sĩ sống sa lầy trong tiền bạc, xa rời Phúc Âm, còn giáo dân không được dạy
dỗ giáo lý để sống Phúc Âm, linh mục Luther, tu sĩ dòng thánh Augustinô, giáo
sư Kinh Thánh ở Đại học bên Đức, thấy rất đúng là phải cải cách bằng hai việc
chính: dịch sách Tân Ước sang tiếng Đức để mọi người có thể đọc, và soạn sách
giáo lý lớn nhỏ (cho người lớn và trẻ nhỏ) để họ học hỏi và sống Phúc Âm. Khi đức
giáo hoàng cho mua bán ân xá để lấy tiền xây Đền thờ thánh Phêrô, Luther phản đối
và bị đức giáo hoàng kết án tuyệt thông. Luther quyết định ly khai khỏi giáo hội
và hồi tục (1524) rồi thiết lập giáo hội Tin lành. Luther chọn một giáo thuyết
mới mà sách “ Théo” tóm tắt trong ba điểm:
- Chỉ nhận Thánh Kinh (sola scriptura), không
theo Thánh Truyền của giáo hội (chỉ nhận hai bí tích rửa tội và Thánh Thể).
- Chỉ nhờ đức tin mới được cứu rỗi (sola
fide), không nhờ việc làm cá nhân.
- Chỉ có một chức tư tế chung cho mọi người,
không có giáo sĩ giáo dân. Trong giáo hội Tin lành chỉ có mục sư và giáo dân.
Giáo thuyết mới
này được trình bày trong sách giáo lý lớn nhỏ của Luther, nhờ ngoài đời mới
phát minh máy in (1434), sách được in phổ biến khắp nơi. Sách giáo lý lớn bằng
tiếng Latinh, sách giáo lý nhỏ bằng tiếng Đức cho trẻ em, gồm bốn phần: Kinh
Tin Kính, Kinh Mười Điều răn, Kinh Lạy Cha, hai bí tích Rửa tội và Thánh Thể.
- Kết quả. Việc cải cách của Luther với sách
Tân Ước bằng tiếng Đức và cả hai sách giáo lý, đáp ứng đúng lúc mọi người đang
chờ đợi, đã giúp giáo sĩ và giáo dân được học hỏi Tân Ước và giáo lý Phúc Âm.
Nhưng tiếc thay giáo thuyết của Luther phổ biến ở trong đó có ba điểm đã nêu ở
trên không theo đúng ý nghĩa và chủ đích của Phúc Âm cũng như truyền thống các
tông đồ. Và việc ly khai khỏi giáo hội công giáo để lập giáo hội Tin lành cũng
đã gây chia rẽ trong giáo hội khiến một nửa số dân Kitô giáo khoảng 70 triệu
người thuộc nước Đức, Thụy sĩ, Pháp, Anh... đã theo giáo hội Tin lành. Đã nhiều
lần hai bên gặp nhau nhưng tới nay chưa thể hòa giải.
2/ - Cuộc cải cách của công đồng Trentô (1545 -1563)
Cuộc cải cách
này có bốn đặc điểm là: đến chậm hơn cuộc cải cách của Luther gần nửa thế kỷ vì
không có ai đứng ra - họp trong vòng 18 năm - kết quả kéo dài suốt 4 thế kỷ cho
tới nay - mục đích sửa sai những cải cách của Luther lệch lạc với Phúc Âm và với
truyền thống các tông đồ. Công đồng đã thực hiện theo thứ tự thời gian các việc
sau đây:
(a) việc đầu tiên là xác định: cả Kinh Thánh và Thánh Truyền đều là nguồn mạch
đức tin. Kinh Thánh phải được hiểu theo quyền giáo huấn trong giáo hội.
(b) Con người được cứu rỗi là nhờ ơn cứu chuộc của Chúa Kitô nhưng cũng cần
có sự cộng tác của con người bằng sống Phúc Âm.
(c) Xác định có 7 bí tích do Chúa Giêsu thiết lập.
(d) Cải cách giáo sĩ: giám mục, hồng y, linh mục, phó tế phải được tuyển chọn
và sống độc thân - giám mục phải lập chủng viện để đào tạo giáo sĩ, không được
thu tích tiền của, phải giảng dạy và giáo huấn cho các linh mục.
(đ) Cải cách tu sĩ: cấm có của riêng, phải đủ tuổi mới được tu dòng.
Sau công đồng
Trentô, đức giáo hoàng Piô V đã dựa theo công đồng để thực hiện ba việc:
(a) Thống nhất phụng vụ bằng soạn Sách lễ Rôma, sách các lễ ghi, còn dùng
cho tới công đồng Vatican II.
(b) Sách Kinh Nhật tụng gồm nhiều bài Kinh Thánh.
(c) Sách giáo lý Rôma soạn theo công đồng Trentô dành cho giáo sĩ coi xứ để
dạy tín hữu, gồm 4 phần: Kinh Tin Kính, Kinh 7 bí tích, Kinh 10 điều răn, Kinh
Lạy Cha, còn dùng cho tới năm 1992.
Kết quả. Có thể
nói thời kỳ cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI là thời kỳ đen tối nhất trong lịch
sử giáo hội, kéo dài suốt 9 triều giáo hoàng trong 74 năm, gây ra cuộc chia rẽ
giáo hội lớn nhất, khoảng 70 triệu người theo giáo hội Tin lành. Và cuộc cải
cách của công đồng Trentô cũng kéo dài nhất, trong vòng 18 năm. Ngoài những kết
quả đã kể trên, có bốn điểm đáng lưu ý đặc biệt, vì ảnh hưởng quan trọng và lâu
dài trong suốt 400 năm sau. Bốn việc đó là:
a/ Về giáo hội. Các nghị phụ công đồng Trentô đã nghĩ đến giáo hội như một
xã hội, một thể chế, một phẩm trật; và các ngài muốn xây dựng giáo hội thành một
xã hội hoàn hảo ở trần gian, vượt trổi các nước trần gian, theo mô hình kim tự
tháp: ở đỉnh cao là đức giáo hoàng, bên dưới là các giám mục, linh mục, phó tế,
dưới đáy là giáo dân; giống như mô hình xã hội quân chủ thời phong kiến, thích
hợp với thời trung cổ, nhưng không đúng với tinh thần Phúc Âm. Mô hình này được
duy trì suốt 400 năm cho đến công đồng Vatican II mới được sửa lại.
b/ Về phụng vụ. Đức giáo hoàng Piô V thực hiện quyết định của công đồng để
thống nhất phụng vụ bằng cách soạn Sách lễ Rôma, sách các phép Bí Tích, Sách
Kinh Nhật tụng, tất cả bằng tiếng latinh cho toàn giáo hội, được dùng suốt 400
năm sau cho tới công đồng Vatican II. Trước đó giáo hội chưa có sách nào.
c/ Về huấn giáo. Đức giáo hoàng Piô V cũng soạn Sách giáo lý Rôma để giúp
chống dốt giáo lý và chống mê tín dị đoan. Sách được soạn bằng tiếng la tinh
cho các giáo sĩ coi xứ để dạy cho giáo dân. Về sau mới được dịch sang tiếng địa
phương và tới thế kỷ XVII bộ Truyền giáo cho dịch sang các thứ tiếng ở xứ truyền
giáo. Trước đó giáo hội công giáo chưa có sách giáo lý nào, và sách này được
dùng cho cả người lớn trẻ nhỏ suốt 400 năm cho tới khi có Sách Giáo Lý Hội
Thánh Công Giáo 1992.
d/ Về chủng viện. Công đồng Trentô quyết định là các giám mục có bổn phận lập
chủng viện để đào tạo giáo sĩ về đạo đức, thần học, trí thức, vì trước đó không
có chủng viện. Các chủng viện dần dần được thiết lập và duy trì cho đến ngày
nay.
Cuộc cải cách của
cộng đồng Trentô cần đến thời gian nhiều thế kỷ, và phải nhờ các dòng tu cộng
tác, đặc biệt là dòng Tên, nên mới được áp dụng và đặt một nền tảng có trật tự
và ổn định cho giáo hội, phù hợp với hoàn cảnh xã hội thời trung cổ. Tuy nhiên,
trong thời gian sau công đồng có nhiều biến cố rất mới xẩy ra trong thế giới và
giáo hội đòi hỏi giáo hội phải cải cách mà công đồng chưa kịp nghĩ đến.
3/ Những biến cố mới trong xã hội và thế giới liên quan đến
việc sống và truyền giảng Phúc Âm.
Ta sẽ quan tâm
vắn tắt đến bốn biến cố mới trong thời kỳ này:
- Việc khám phá thế giới mới là Mỹ châu, Phi
châu, Á châu.
- Việc nhà bác học Galilê khám phá trái đất
xoay quanh mặt trời.
- Cuộc cách mạng Pháp (1789) và cách mạng Nga
(1917).
- Thế chiến I và thế chiến II.
a/ Việc khám phá thế giới mới. Vào thế kỷ XVI - XVII việc các ông
Christophe Colomb, Magellan nước Bồ Đào Nha và các người khác nước Tây ban Nha,
Anh, Pháp... khám phá ra Mỹ châu, Phi châu, Á châu khiến vua các nước đó đến
buôn bán, chiếm đất, chiếm dân; và vì các vua đều theo Kitô giáo nên cũng gửi
các nhà truyền giáo, thường là tu sĩ các dòng như dòng Tên, dòng Đaminh, dòng
Phanxicô. Các nhà truyền giáo đem cách sống và truyền giảng Phúc Âm ở Âu châu
thời trung cổ dạy lại dân chúng địa phương. Dân chúng đã theo đạo nhưng những
nơi có tôn giáo cổ truyền thì vẫn giữ tôn giáo cổ truyền, như nhận xét của đức
Phaolô VI là: Phúc Âm chỉ như “lớp sơn bề ngoài (xem Tông huấn Loan báo Phúc
Âm, số 20). Một bằng chứng cụ thể là ở Rwanda Phi châu, năm 1984 đã xẩy ra chiến
tranh diệt chủng giữa hai bộ tộc Tutsi và Hutu theo Kitô giáo, trong đó nhiều
linh mục tu sĩ nam nữ phải bỏ mạng. Còn bên Ấn Độ được Phúc Âm hóa từ thời
thánh Tôma, nay số dân theo Kitô giáo vẫn rất ít và Ấn giáo ngày nay vẫn đốt
phá giết chết Kitô hữu Ấn Độ. Bên Trung hoa ngày nay dân số là 1.300.000 mà chỉ
có 3% là Kitô hữu, mặc dầu cha Ricci dòng Tên có cố gắng hội nhập vào văn hóa
Trung Hoa nhưng sau khi bộ truyền giáo cấm các lễ nghi thờ cúng tổ tiên thì bên
Trung hoa cấm đạo. Ở Á châu, trong đó có Việt Nam, người ta có thành kiến đạo
công giáo là đạo Tây phương, theo đạo công giáo là “ bỏ ông bà.” Giáo hội đã
chưa kịp Tân Phúc Âm hóa nên chưa đạt kết quả tốt trong việc truyền giảng Phúc
Âm.
b/ Việc nhà bác học Galilê khám phá trái đất xoay quanh mặt trời. Năm 1610
nhà bác học Galilê là Kitô hữu, khám phá rằng trái đất xoay quanh mặt trời. Các
nhà thần học thời đó dựa theo Kinh Thánh quả quyết là mặt trời mọc và lặn, và kết
án ông Galilê tuyên bố như vậy là lạc giáo. Ông bị đưa ra tòa và bị buộc từ bỏ
khám phá đó. Người ta kể lại là sau khi bị buộc từ bỏ, ông đã giậm chân xuống đất
và lẩm bẩm “ nhưng dẫu sao trái đất vẫn xoay quanh mặt trời.” Mãi đến năm 1992
đức giáo hoàng Gioan Phaolô II mới phục hồi danh dự cho ông... Giáo hội thời
đó chưa theo kịp đà tiến của khoa học thế giới, và cũng chưa học hỏi để hiểu
đúng Kinh Thánh, vì trong Kinh Thánh có lúc có thể hiểu theo nghĩa đen, nhưng
trường hợp 11 chương đầu của sách Sáng Thế thì không thể hiểu theo nghĩa đen được.
Giáo hội thời đó bị coi là lạc hậu, chống khoa học. Giáo Hội chưa kịp Tân Phúc
Âm hóa.
c/ Cuộc cách mạng Pháp (1789) và cuộc cách mạng Nga (1917). Hai cuộc cách mạng
cũng phát xuất từ hai nước theo Kitô giáo. Ở nước Pháp giới giáo quyền cao cấp
hay tu viện trưởng hưởng nhiều đặc ân của chế độ quân chủ. Khi cách mạng lật đổ
chế độ thì giáo hội cũng chịu chung số phận. Cách mạng cho rằng tôn giáo chỉ là
vết tích thời cổ xưa, làm cản bước phát triển của xã hội. Càng ngày càng nhiều
người trở nên vô thần, duy vật, duy xã hội, thù nghịch với giáo hội. Ở nước
Nga, cách mạng cũng chấm dứt chế độ Nga hoàng. Nhưng chỉ vài tháng sau Lênin
lên nắm quyền đã quyết liệt chống Kitô giáo, coi như cản trở cho xã hội tiến
hóa: nhà thờ bị đóng cửa, linh mục tu sĩ giáo dân bị xử tử hoặc đi lưu đầy lao
động. Rồi khi Stalin lên nắm quyền, ông công bố: “ tự do theo tôn giáo và tự do
chống tôn giáo” và đến kế hoạch 5 năm (1933-1937) ông đặt mục tiêu là diệt trừ
tôn giáo hoàn toàn.
Ta thử hỏi có
phải tại Phúc Âm không? Chắc chắn tuyệt đối là không, mà là tại cách sống Phúc
Âm và cách truyền giảng Phúc Âm của Kitô hữu đã không phải là tin mừng, tin đem
lại hạnh phúc cho con người và xã hội thời đó. Giáo hội đã chưa Tân Phúc Âm hóa
kịp thời đối với con người và xã hội.
d/ Thế chiến thứ I và II. Sau hai cuộc cách mạng đã có những biến chuyển
quan trọng hơn về tâm lý con người: ham tự do, ham hưởng thụ ích kỷ, ham thế tục
hóa chạy theo vật chất... Khi phát minh công nghệ mới là máy chạy bằng hơi nước
và điện lực, thay thế cho sức lao động con người thì trong xã hội phát sinh một
giai cấp mới là giới chủ nhân có tiền, có quyền, có tư bản và sở hữu máy móc;
và một giai cấp khác là giai cấp công nhân, nông dân vô sản, chỉ có sức lao động;
nên khi giới chủ nhân nắm chính quyền họ cấu kết với nhau để cạnh tranh với giới
chủ nhân các nước khác. Khi họ không giải quyết được các tranh chấp quyền lợi
thì họ dùng võ lực gây chiến tranh. Đó là nguyên nhân của hai cuộc thế chiến.
Thế chiến I
(1914-1918) Nước Đức gây chiến trước với vài nước Âu châu rồi nước Pháp và Anh
lâm chiến. Đây là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn giữa 14 nước Âu châu theo
Kitô giáo: 65 triệu người phải nhập ngũ, 8 triệu rưỡi lính tử trận, cả triệu
dân là nạn nhân. Năm 1918 nước Đức thua phải ký kết hòa ước, nhưng chỉ là để củng
cố chủ nghĩa quốc xã rồi liên minh với nước Ý và nước Nhật mở màn Thế chiến II
(1939-1945). Phe của nước Đức đánh chiếm các nước Âu châu, phe các nước Pháp,
Anh liên minh với Mỹ chống lại: 90 triệu người lâm trận, ước chừng 35 đến 60
triệu tử vong.
Kết quả là giáo
hội đã không thể cản trở được chiến tranh giữa các Kitô hữu. Các đức giáo hoàng
Lêô XIII và Piô XI có lên tiếng về vấn đề công bằng xã hội; vấn đề phân phối lợi
nhuận... nhưng không hòa giải được tranh chấp. Tình hình giáo hội và xã hội sau
hai thế chiến còn tồi tệ hơn, nhiều Kitô hữu rời bỏ Kitô giáo, nhiều người khác
lo âu không biết sống Phúc Âm thế nào, bảo thủ hay “tiến bộ.” Các giáo hoàng cố
gắng giúp các phe đối nghịch hòa giải, tôn trọng công lý và hòa bình. Nhưng hai
cường quốc Mỹ và Liên xô muốn tranh làm bá chủ thế giới, chạy đua chế tạo khí
giới hạt nhân, tạo ra một thứ chiến tranh lạnh làm cả thế giới lo sợ. Cả giáo hội
và thế giới đang ở trong tình trạng bất ổn và chờ đợi một sự đổi mới.
4/ Cuộc cải cách của Công đồng Vatican II (1963 -1965)
Nếu coi thời kỳ
trung cổ là khúc ngoặt có ảnh hưởng trong giáo hội và thế giới suốt 400 năm thì
công đồng Vatican II cũng là một khúc ngoặt quan trọng vì chấm dứt 400 năm sống
Phúc Âm và truyền giảng Phúc Âm theo thời trung cổ. Năm 1958 đức giáo hoàng
Gioan XXIII lên ngôi và ba tháng sau ngài loan báo sẽ họp công đồng chung. Ngài
gọi công đồng là một lễ Hiện xuống mới, có mục đích cập nhật hóa giáo hội với
thế giới. Ở đây chỉ tóm tắt việc cải cách của công đồng có liên quan trực tiếp
đến cách sống Phúc Âm và phương pháp truyền giảng Phúc Âm. Có bốn việc sau: về
giáo hội, về phụng vụ bí tích, về huấn giáo, về truyền giáo.
a/ Về giáo hội. Công đồng Vatican II đã thay thế quan niệm của công đồng
Trentô coi giáo hội như là một xã hội hoàn hảo theo mô hình kim tự tháp thời
trung cổ suốt 400 năm, thay thế bằng quan niệm giáo hội như Dân Thiên Chúa và
theo mô hình mới là mô hình hiệp thông: các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân như những
vòng tròn đồng tâm nghĩa là có cùng một tâm điểm là Chúa Giêsu. Tất cả bình đẳng
trong phẩm giá và hiệp thông với nhau. Mô hình này xuất phát từ Kinh Thánh, từ
mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa và Dân Chúa. Giáo
hội được định nghĩa là một Dân mới của Thiên Chúa, một bí tích hiệp thông, là
ánh sáng muôn dân. Mô hình này làm cho giáo dân không còn lệ thuộc hàng giáo sĩ
mà được bình đẳng trong phẩm giá và ơn gọi, cùng được tham gia vào sứ vụ tiên
tri, tư tế, vương giả của Chúa Giêsu theo cách của họ; và có ơn gọi là tìm kiếm
Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và sắp đặt chúng theo ý Thiên
Chúa (xem Hiến chế Giáo hội số 31).
b/ Về phụng vụ. Công đồng Vatican II không còn buộc chỉ dùng tiếng latinh
trong cả giáo hội mà cho phép cử hành phụng vụ, bí tích, các giờ kinh nhật tụng
bằng tiếng địa phương để ai cũng có thể tham gia tích cực. Công đồng cũng cho
phép hội nhập những nghi lễ theo văn hóa địa phương vào phụng vụ: như bái lạy,
đốt nhang, lễ tết, lễ giỗ... Công đồng cũng cho dịch Kinh Thánh sang tiếng địa
phương để mọi người có thể đọc hàng ngày. Giáo dân còn có chức tư tế chung để
tham gia tích cực trong thánh lễ như đọc sách Thánh, trong bí tích rửa tội như
được rửa tội khi gặp trường hợp khẩn cấp, trong việc họ đích thân cử hành bí
tích hôn phối, còn linh mục chỉ là người làm chứng thôi.
c/ Về huấn giáo. Sau công đồng Vatican II 20 năm, khi Thượng Hội đồng giám
mục đặc biệt duyệt lại việc áp dụng những cải cách của công đồng thì thấy nhiều
cải cách chưa thấm nhập vào Dân Chúa, vì thế giáo hội quyết tâm soạn Sách Giáo
lý Giáo hội Công giáo (1992) thay thế sách giáo lý Rôma (1566) đã lỗi thời.
Công đồng còn đổi mới phương pháp huấn giáo cho thích hợp từng lứa tuổi lớn nhỏ,
và việc quan trọng nữa là đổi mới quan niệm về giáo lý viên: giáo lý viên không
phải chỉ là giảng viên giáo lý như thời trung cổ chỉ biết đọc giáo lý theo sách
giáo lý cho học viên học thuộc lòng như con vẹt, nhưng giáo lý viên vừa phải là
giảng viên giáo lý, vừa là nhà giáo dục đức tin, vừa là chứng nhân về giáo lý
mình dạy, như Chúa Giêsu là giáo lý viên số một (xem Chỉ dẫn tổng quát về huấn
giáo 1997). Điều này nhiều người trong giáo hội Việt Nam tới năm 2015 chưa biết
tới, vẫn gọi họ là giảng viên giáo lý.
d/ Về các tôn giáo khác với Kitô giáo như Do thái giáo, Hồi giáo, Phật
giáo, Ấn giáo... liên quan đến hơn một tỷ người, trong suốt 400 năm trước, giáo
hội chỉ lên án các sai lầm. Nay công nhận những giá trị luân lý và tôn giáo của
các tôn giáo đó và minh định rằng: những ai vô tình không nhận biết Phúc Âm của
Chúa Kitô và giáo hội của Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới
tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình
theo sự hướng dẫn của lương tâm thì họ có thể được cứu rỗi (xem Hiến chế giáo hội
số 16).
Kết quả thời cải
cách. Có thể tóm lược cuộc cải cách của Luther và công đồng Trentô giúp sửa đổi
cách sống và phương pháp truyền giảng Phúc Âm cho có trật tự ổn định theo nề nếp
Phúc Âm giống như thời kỳ trước, có thể gọi là Tái Phúc Âm hóa. Còn cuộc cải
cách của công đồng Vatican II là Tân Phúc Âm hóa giúp giáo hội cập nhật hóa với
thế giới trong thế kỷ XX. Nhưng giáo hội chưa kịp thực hiện hết những cải cách
của công đồng thì tình trạng con người và thế giới đã thay đổi rất mau chóng do
tốc độ tục hóa, duy vật hóa, toàn cầu hóa... Vì thế giáo hội cần Tân Phúc Âm
hóa.
II. PHÚC ÂM HÓA VÀ TÂN PHÚC ÂM HÓA
1. Mười năm sau công đồng Vatican II nhờ cùng với các nghị phụ trở về nguồn
Phúc Âm, đức Phaolô VI đã nhận thức rằng dùng chữ loan báo Phúc Âm trong thời
gian trước đây chỉ nói lên được khía cạnh “loan báo” mà thôi, phải dùng chữ
“Phúc Âm hóa” mới lột hết được một phần nào sự phong phú, đa dạng của Phúc Âm,
vì Phúc Âm là một thực tại vĩnh cửu, mầu nhiệm.
2. Mười bốn năm sau công đồng (1979) đức Gioan Phaolô II khi nhận thấy còn
nhiều người và nhiều miền trên thế giới chưa biết gì về Phúc Âm nên quyết định,
phải “Tân Phúc Âm hóa như chính ngài đã giải nghĩa (xem Dẫn nhập).
3. Bốn mươi năm sau công đồng (2005) Đức Bênêđictô XVI khi mới lên ngôi
giáo hoàng đã chọn tân Phúc Âm hóa là đề tài trung tâm của triều giáo hoàng của
ngài. Năm 2012 ngài mở Thượng Hội đồng giám mục thế giới thứ 13 về “Tân Phúc Âm
hóa để truyền giảng Phúc Âm.” Ngài nói với Hội đồng giáo hoàng để thăng tiến việc
tân Phúc Âm hóa rằng phải kiên trì dùng phương pháp “tiếp thị tôn giáo” (Marketing
religious) để nghiên cứu đánh giá về con người, về phương pháp, về kế hoạch
thông tin phù hợp, nhất là nhờ hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong việc cầu
nguyện bằng Kinh Thánh (lectio divina) để có những sáng kiến và trực giác mới.
4. Bốn mươi tám năm sau công đồng (2013) khi đức Phanxicô lên ngôi, ngài
theo kinh nghiệm của các vị tiền nhiệm, chỉ 7 tháng sau, lập một Hội đồng 8 hồng
y đại diện cho năm châu, làm cố vấn để đổi mới giáo hội (làm tiếp thị tôn
giáo). Ngài bắt tay vào việc Tân Phúc Âm hóa hàng giáo sĩ trước hết, đó là vào
tháng 10 -2013 ngài chọn 9 ưu tiên mà 6 ưu tiên đầu là để Tân Phúc Âm hóa hàng
giáo sĩ (thứ nhất là chấm dứt lối sống giáo sĩ trị...). Dịp lễ giáng sinh 2014,
ngài kêu gọi phải chữa trị 15 bệnh cho giáo triều Rôma. Rồi ngài nói với các
nghị phụ Thượng Hội đồng giám mục về Tân Phúc Âm hóa rằng: Tân Phúc Âm hóa khác
biệt mạnh mẽ với Phúc Âm hóa cổ điển thời trung cổ, phải lưu ý ba đặc điểm:
a/ Tân Phúc Âm hóa phải dành ưu tiên để làm chứng cho điều cốt lõi nhất của
Phúc Âm là Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa của tình yêu, của lòng thương xót hết mọi
người. Ngài nhắc lại lời bất hủ của Đức Phaolô VI:“ Người thời nay thích nghe
những chứng nhân hơn là thầy giáo, và nếu có nghe thầy giáo thì chính vì thầy
giáo là chứng nhân.”
b/ làm chứng bằng kinh nghiệm bản thân của mình rằng mình đã có tương quan
gặp gỡ thân tình với Chúa Kitô.
c/ luôn nhờ ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn qua việc cầu nguyện bằng Kinh
Thánh (lectio divina) để Người ban ơn có những sáng kiến, trực giác, lòng can đảm
phù hợp với con người và thế giới hôm nay.
5. Thượng Hội đồng về Tân Phúc Âm hóa có tài liệu làm việc gồm 4 chương dài
và 58 đề nghị: chương 1 về Bản chất cốt lõi của Tân Phúc Âm hóa, chương 2 Những
bối cảnh của Tân Phúc Âm hóa, chương 3 Những đáp ứng mục vụ cho các bối cảnh, chương 4 Những tác nhân
tham gia việc Tân Phúc Âm hóa....
Riêng tôi đã cố
gắng dành thời giờ đọc các tài liệu rất phong phú nhưng khá dài. Tôi nghĩ các
cha coi xứ hay giáo dân sống giữa gia đình, khó mà kiếm tài liệu cũng như thời
giờ để nghiên cứu, nên khi gặp tài liệu “ Giải mã Tân Phúc Âm hóa trong 5 chữ
(décrypter la nouvelle évangélisation en 5 mots)” tôi rất đỗi vui mừng vì nó rất
ngắn gọn, đầy đủ những gì cốt yếu, rút ra từ Kinh Thánh và kinh nghiệm của giáo
hội xưa cũng như nay. Vì thế tôi cố gắng viết bài này, trước hết để trả lời câu
hỏi ở phần Dẫn nhập là: trước năm 1975 có Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa không;
và cũng để giúp độc giả có cơ hội duyệt qua các thời kỳ trong lịch sử giáo hội
để hiểu biết về Phúc Âm hóa và Tân Phúc Âm hóa là gì, đồng thời cũng hiểu biết
được cách sống Phúc Âm và phương pháp truyền giảng Phúc Âm nào không đúng với ý
nghĩa và chủ dích của Chúa Giêsu và Phúc Âm, khiến cho ngày nay giáo hội phải
Tân Phúc Âm hóa.
III/ GIẢI MÃ TÂN PHÚC ÂM HÓA BẰNG 5 CHỮ
Giải mã bằng 5
chữ nghĩa là giải thích một ký hiệu bằng 5 chữ; 5 chữ này có ý chỉ 5 việc cốt yếu
mà tiến trình Tân Phúc Âm hóa từ thời Chúa Giêsu đến nay luôn được thực hiện và
còn thực hiện mãi mãi. Năm việc đó là:
1. Công bố trước hết về Chúa Giêsu Kitô (Kérygma)
Đấng là Thiên
Chúa đã làm người, chịu chết, và sống lại và đang sống trong giáo hội. Người là
Chúa đầy lòng thương xót, cảm thương hết mọi người. Rồi kèm theo lời công bố là
lời huấn giáo (katechesis) về các giáo huấn và về giáo hội của Người. Tân Phúc
Âm hóa phải công bố tập trung trước hết về Chúa Giêsu. Hơn mười thế kỷ
đầu đã thực hiện việc công bố này, sau đó bị quên dần.
2. Nhờ đoàn sủng của Chúa Thánh Thần (Kharisma)
Tân Phúc Âm hóa
là việc của Chúa Thánh Thần biến đổi con người, Người là tác nhân chủ động
trong việc này. Người luôn liên hợp với Chúa Giêsu để hướng dẫn giáo hội của
Chúa Giêsu. Chỉ cần xem Tân Ước và Công vụ các tông đồ là thấy rõ: Người luôn
có mặt để chỉ đường, ban ơn can đảm, ban những sáng kiến, những trực giác cho
giáo hội, còn giáo hội thì cầu nguyện trong khi suy niệm Kinh Thánh (lectio
divina) để đón nhận đoàn sủng của Người. Giáo hội luôn được cải cách đổi mới là
nhờ Chúa Thánh Thần. Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân muốn Tân Phúc Âm hóa bản thân rất
cần nhờ đoàn sủng của Chúa Thánh Thần. Điều mà thời trước đây đã ít quan tâm.
3. Sống hiệp thông (Koinonia)
Các nghị phụ
Công đồng Vatican II coi chữ hiệp thông là chữ “ tuyệt vời nhất” (dernier mot)
làm nền tảng cho các văn kiện của công đồng, bởi vì nó diễn tả sự kết hiệp giữa
Ba Ngôi, giữa Thiên Chúa với giáo hội, với con người, với vạn vật... giữa con
người với con người (mô hình hiệp thông). Hiệp thông cốt tại gặp gỡ, đón nhận,
chia sẻ, tham gia, đối thoại... Thánh Gioan có nói đến hiệp thông giữa Chúa
Giêsu và môn đệ (xem Ga 1,7) và sách Công vụ nói đến hiệp thông trong cộng đoàn
đầu tiên (Cv 2,42). Hiến chế Vui mừng và Hy vọng có nêu một cách giúp hiệp
thông là: hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ,
bác ái trong mọi sự” (số 92). Một câu ngạn ngữ thời các giáo phụ giúp nhận biết
những gì là chính yếu, đó là “ những gì mà nơi nào cũng cần, thời nào cũng cần,
người nào cũng cần.” Tân Phúc Âm hóa phải chọn cách sống hiệp thông là cách sống
Phúc Âm tuyệt vời nhất mà Chúa Giê-su đã nêu gương.
4. Ra đi đến với muôn dân (Missio ad Gentes)
Các môn đệ Chúa
Giêsu phải đi “ đến với muôn dân” (Mt 28,19) phải “ đi khắp tứ phương thiên hạ”
(Mc 15,16) “ đi khắp miền Giuđêa, Samari cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8) để
Phúc Âm hóa. Đức Phanxicô thêm rằng phải đi tới vùng ngoại biên, đến với người
nghèo, người chưa biết gì về Phúc Âm, mặc dầu giáo hội có bị lấm láp hay bị hôi
mùi của chiên. Tân Phúc Âm hóa phải ra đi tới vùng ngoại biên chưa được nghe biết Phúc
Âm, nhất là người nghèo, điều mà thời trước đây ít quan tâm.
5. Có một nhóm làm tiếp thị tôn giáo (Religious Marketing)
Để thực hiện 4
việc trên phải có một số người hợp tác với nhau để tiếp thị tôn giáo nghĩa là
nghiên cứu học hỏi Phúc Âm, nghiên cứu cách sống và cách truyền giảng Phúc Âm,
nghiên cứu bổi cảnh của những người và xã hội mình sẽ Phúc Âm hóa. Rồi soạn kế
hoạch cụ thể, thông tin, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm soát... sao cho đạt kết quả.
Cần phải có chương trình kế hoạch và được lãnh đạo trường kỳ mới mong kết quả,
không thể đánh trống bỏ dùi.
ĐỂ KẾT
Giải mã Tân
Phúc Âm hóa là giải nghĩa một cụm từ rất phong phú, đa dạng, nhiệm mầu bằng 5
chữ tiêu biểu cho 5 hoạt động có liên hệ mật thiết đến Tân Phúc Âm hóa, đó là
3K: Kérygma, Kharisma, Koinonia và 2 M: Missio ad Gentes, Marketing Religious.
Rút gọn như vậy để dễ nhớ và dễ lo Tân Phúc Âm hóa bản thân mình trước hết. Cụ
thể là làm sao cho cách sống Phúc Âm và cách truyền giảng Phúc Âm của mình thực
sự là tin mừng, tin vui, tin lành, và tin đem lại hạnh phúc cho người khác, chứ
không phải thứ tin chỉ làm cho người ta thêm “tức”, không muốn nghe còn muốn dập
tắt tiêu diệt... chẳng hạn những cách “ khoe đạo mình, chê đạo người vô lối.”..
Linh mục Antôn
Nguyễn Mạnh Đồng
Nhà hưu dưỡng
linh mục Cần thơ