CHÚA XỬ VỚI CHÚNG CON LẠ LÙNG QUÁ!
“Bí
tích Thánh Thể thực là một góc trời mở ra trên trần gian!” (ĐTC Gioan-Phaolô II)
Hạnh thánh Giáo hoàng Piô X kể lại
chuyện một phụ nữ người Anh được ĐTC tiếp kiến riêng, bà ta dắt theo đứa con
trai mới bốn tuổi để xin ĐTC chúc lành. Trong khi bà nói chuyện thì đứa bé đứng
xa xa, một lát sau nó đến bên ĐTC, đặt hai tay trên đầu gối ngài và ngước mắt
nhìn ngài. ĐTC vừa xoa đầu cậu bé vừa hỏi người mẹ:
-
Cậu
bé được mấy tuổi rồi?
- Thưa ĐTC, cháu được bốn tuổi rồi, con
mong là hai hay ba năm nữa nó sẽ được rước lễ lần đầu.
ĐTC nhìn thẳng vào cặp mắt trong
xanh của cậu bé và hỏi:
-
Khi
rước lễ là con rước ai thế?
-
Dạ,
con rước Chúa Giêsu ạ, cậu bé trả lời.
-
Chúa
Giêsu là ai vậy con?, ĐTC hỏi thêm.
-
Chúa
Giêsu là Thiên Chúa, cậu bé trả lời thật mau mắn.
ĐTC liền bảo bà mẹ:
-
Ngày
mai hãy đem cháu lại đây, chính Cha sẽ cho nó rước Lễ.
Đức Giáo hoàng Piô X được gọi là “vị Giáo hoàng của bí tích Thánh Thể.” Ngài
đã có công rất lớn trong việc chống lại bè rối Jansénisme, một bè rối nhấn mạnh
quá đáng lòng tôn thờ phải có đối với bí tích Thánh Thể, quá kính sợ mà quên mất
rằng Thánh Thể là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng tình
yêu bao la của Ngài xoá tan mọi ngăn cách giữa một Thiên Chúa uy quyền và thánh
thiện với nhân loại hèn mọn và tội lỗi.
Với thánh Phaolô, Thánh Thể chính là
việc loan truyền về sự chết của Đức Kitô cho tội lỗi nhân loại: “Thật vậy, cho đến ngày Chúa đến, mỗi lần ăn
Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr
11,26), còn thánh Gioan lại nhấn mạnh Thánh Thể là việc Ngôi Lời nhập thể trở
nên lương thực cho con người: “Ai ăn thịt
và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào
ngày sau hết” (Ga 6,54).
Còn với Chúa Giêsu, Thánh Thể là việc
làm của tình yêu, để chia sẻ và nên một trong sự sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người
ấy” (Ga 6,55).
Năm xưa trong sa mạc, Chúa “đã cho anh em ăn manna, thức ăn mà cha ông
anh em chưa từng biết” (Đnl 8,16a), thì nay chẳng ai lại dám nghĩ đến việc
chia sẻ sự sống Thiên Chúa nếu đó không phải là Lời của chính Chúa! Hồng ân tuyệt
vời đó đã được ĐTC Gioan-Phaolô II khéo léo trình bày trong Thông điệp Bí tích
Thánh Thể: “Bí tích Thánh Thể thực là một
góc trời mở ra trên trần gian!”
Tình yêu Chúa luôn quan tâm đến con
người trên đường lữ hành về quê trời: Trên đường trở lại Galilê, Đức Kitô ngồi
trên bờ giếng hỏi một phụ nữ Samari cho Ngài xin chút nước. Trước sự ngạc nhiên
của chị, Đức Kitô đã nói về cái khát của Ngài là khát mong ban phát sự sống
siêu nhiên: “Ai uống nước này, sẽ lại
khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ
trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga
4,13-14).
Cái khát đó đã làm cho Đức Kitô vượt
qua lề thói của người Do thái, ngỏ lời xin nước với một phụ nữ Samaria để nói về
nước hằng sống. Cái khát đó làm cho Chúa như quên đi địa vị cao sang của mình
cho đến muôn đời để ngự nơi nhà tạm, ngỏ lời với mọi người, van nài mọi người: “Hãy đến cùng Ta”, để trao ban sự sống
cho bất cứ ai đến với Ngài.
Vâng, Chúa không đứng xa mà đích
thân đến gần con người: “Tôi là bánh hằng
sống từ trời xuống.” Lời ngỏ không ngừng ở việc diễn tả tình Chúa yêu thương
mà còn đòi hỏi một lời đáp trả tích cực từ mỗi người: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.”
Thông điệp Bí tích Thánh Thể đã cho
thấy vẻ đẹp cao quí của lời đáp trả tích cực đó: “Có một tương quan rất thâm sâu giữa tiếng xin vâng của Đức Maria đáp lại
lời thiên thần với tiếng Amen của người tín hữu khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa.”
Với Đức Mẹ, tiếng ‘xin vâng’ là bắt đầu cho sự hiện diện của Thánh Thể Chúa
trong lòng Mẹ và cũng là bắt đầu cho một sứ vụ, một cuộc đồng hành với Chúa
trong chương trình cứu độ; với mỗi tín hữu, lời đáp ‘amen’ là bắt đầu cho một sự
sống mới, một sứ vụ mới: “Thưa anh em,
khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào
Máu Đức Kitô ư? Và khi ta bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể
Người sao?” (1Cr 10,16).
Đúng như Công đồng Vatican II đã xác
định, hồng ân Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh sự sống nơi người tín hữu với
lời mời gọi: “Hãy đến cùng Ta.”
Trước lời ngỏ đầy tình yêu của Chúa
Giêsu trong phép Thánh Thể, tôi không thể nói gì khác hơn, là “Lạy Chúa ẩn dật, Chúa tạo thành thiên địa!
Chúa xử với chúng con lạ lùng quá” (Imit IV, I, 5, 1).