VIẾNG MỘ HAI THÁNH TÔNG ĐỒ
Đứng bên mộ, tôi cảm thấy các Ngài thật gần
gũi. Gần gũi trong thân phận làm người… trong ơn gọi Tông đồ… trong thao thức được
Chúa thương… được ấp ủ, được tan hoà vào cùng một tình yêu của Thiên Chúa.
Theo Giáo luật, cứ 5 năm một lần, mỗi Giám mục phải về viếng
mộ hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự cuộc
viếng mộ cùng với đông đủ các vị Giám mục và Giám quản của hầu hết các Giáo phận.
Cuộc viếng mộ diễn ra từ ngày 14 đến ngày 24. Trong suốt
10 ngày đã có 22 cuộc gặp gỡ chính thức. 18 cuộc gặp gỡ với các Bộ và các Hội đồng
Toà Thánh. 4 cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha. Tuy nhiên cao điểm vẫn là 2 thánh lễ
ở bên mộ hai Thánh Tông đồ. Đối với tôi, đây chính là hai cuộc gặp gỡ quan trọng
nhất, để lại trong tôi những cảm nghiệm sâu xa.
Cảm nghiệm thứ nhất là về ơn đức tin.
Đức tin không ai tự mình có được, nhưng là ơn Chúa ban. Điều
này được thấy rõ trong cuộc đời hai Thánh Tông đồ. Không thể nói hai Thánh Tông
đồ đã không có đức tin. Các ngài đã có một đức tin nào đó. Nhưng đó là thứ đức
tin sai lầm, giả hiệu.
Thánh Phaolô tin sai lầm nên đã trở thành cuồng tín. Chỉ
tin vào Lề Luật nên ngài ra sức bảo vệ Lề Luật. Không chỉ công kích mà còn đích
thân lùng bắt những người tin Chúa. Ngài trở thành cơn ác mộng của các Kitô hữu
tiên khởi. Để cảm hoá Ngài, Chúa đã quật ngã Ngài xuống khỏi lưng ngựa. Thay thế
lòng cuồng tín bằng một đức tin chân thật.
Thánh Phêrô, vì đức tin non nớt, đã trở thành tự mãn. Khi
mới tin Chúa, Ngài nghĩ rằng có thể làm được tất cả: đi trên mặt nước, trung
thành hơn những người khác. Nhưng không ngờ Ngài đã bị chìm xuống, đã phản bội.
Nhờ ơn Chúa thương yêu dìu dắt, dậy dỗ, đức tin của thánh nhân mới vững mạnh và
trở thành người nâng đỡ đức tin của anh em.
Chúa đã thương ban cho các Ngài đức tin chân chính. Chúa
đã huấn luyện cho đức tin của các Ngài nên trưởng thành. Đó là ơn của Chúa. Đó
là sáng kiến của Chúa. Nếu không có ơn Chúa, các Ngài sẽ mãi mãi xa lạc. Trước
mộ các ngài, tôi tha thiết cầu xin ơn đức tin. Tôi sợ đức tin của mình non nớt
dễ trở thành tự mãn. Tôi sợ đức tin của mình sai lạc dễ trở thành cuồng tín.
Cảm nghiệm thứ hai là về ơn sám hối.
Hai vị Tông đồ Cả đã có thời lầm lạc. Không chỉ phạm những
sai lầm nhỏ mọn nhưng là những sai lầm nghiêm trọng.
Thánh Phaolô đã là kẻ thù của Chúa, đi tìm bắt giết những
người theo Chúa. Thánh Phêrô là môn đệ của Chúa, nhưng đã phản bội, công khai
chối Thày.
Nhưng các Ngài đã được ơn ăn năn sám hối. Một cú ngã ngựa
đã làm thay đổi cuộc đời thánh Phaolô. Một ánh mắt của Thày Chí Thánh đã hoán cải
thánh Phêrô.
Thật lạ lùng sự hoán cải của tâm hồn con người. Đang cứng
cỏi bỗng trở nên mềm mại. Đang hung hăng bỗng trở nên hiền lành. Đang chống đối
bỗng trở nên kính mến. Đang thù ghét bỗng trở nên tin tưởng.
Tâm hồn các Ngài biến chuyển nhanh chóng không nhờ sức
thuyết phục của lí trí con người, nhưng nhờ ơn Chúa. Ơn Chúa tác động làm cho
tâm hồn các Ngài nhạy bén nhận biết lỗi lầm và mau mắn trở về. Không có ơn Chúa
tâm hồn tội lỗi không thể biết ăn năn.
Trong đền thờ có tượng thánh Phêrô bằng đồng đen nhánh.
Nhưng bàn chân Ngài sáng bóng và mòn khuyết một nửa, vì mỗi khách hành hương đi
qua đều chạm vào. Bàn chân ấy được yêu mến vì lầm đường nhưng đã biết quay trở
lại. Xếp hàng rồng rắn theo đoàn hành hương, tôi cũng đến chạm vào bàn chân
Ngài, lòng thầm cầu xin ơn sám hối.
Cảm nghiệm thứ ba là về ơn khiêm nhường.
Khi viếng mộ hai thánh Tông đồ, phải cúi mình rất sâu, vì
phần mộ của các Ngài nằm sâu dưới lòng đất. Bước xuống những bậc thang sâu hun
hút, rồi nhìn lên các Vương Cung Thánh đường đồ sộ cao thăm thẳm, tôi có cảm tưởng
các Ngài bị chôn vùi thật sâu, đang phải oằn lưng gánh lấy sức nặng của những
phiến đá khổng lồ. Chính những ngôi mộ chìm sâu trong lòng đất đã trở
thành nền móng cho những ngôi thánh đường đồ sộ vươn lên. Hội Thánh được xây dựng
trên những nền tảng khiêm nhường. Đó là nền tảng vững chắc nhất.
Việc xây dựng như thế phản ảnh đúng đời sống khiêm nhường
của các Ngài. Sau khi được ơn sám hối, thánh Phêrô rất mực khiêm nhường. Theo lời
truyền, Ngài đã ăn năn khóc lóc tội lỗi suốt cả đời. Trong những hầm mộ ở ngoại
ô Rôma, nơi các Kitô hữu đầu tiên ẩn trú có khắc nhiều hàng chữ “Xin Chúa thương
xót con.” Truyền thống cho đó là lời của thánh Phêrô.
Còn thánh Phaolô thì không ngại xưng mình là “phân bón thế
gian, cặn bã của mọi người.” Các ngài giống như hạt lúa chịu chôn vùi dưới lòng
đất, chịu mục nát đi để sinh bông hạt phong phú. Các Ngài tự nguyện làm nền
móng cho những ngôi nhà đẹp đẽ vươn lên. Các Ngài tự nguyện làm gốc rễ nằm sâu
dưới lòng đất hút chất bổ dưỡng nuôi cho thân cây Hội Thánh được xanh lá, tươi
hoa, trĩu quả.
Sau cùng là cảm nghiệm về tình yêu.
Tất cả những ơn đức tin, ơn sám hối, ơn khiêm nhường các
Ngài nhận được đều do tình yêu thương của Chúa. Chính Chúa chủ động đi tìm, ban
ơn và dìu dắt các Ngài. Chúa đã bao phủ các Ngài bằng một tình yêu thương không
gì so sánh được. Và các Ngài cũng đã mở lòng ra đón nhận, cảm nghiệm và đáp đền
ơn tình yêu bằng một đời sống quảng đại, theo gương Thày Chí Thánh. Tình
yêu kêu gọi tình yêu. Tình yêu đền đáp tình yêu. Tình yêu
đã biến những con người bất tín trở thành tin tưởng, lầm lạc biết quay trở về,
tự mãn trở nên khiêm nhường, cứng cỏi trở nên chan chứa yêu thương.
Đứng bên mộ, tôi cảm thấy các Ngài thật gần gũi. Gần gũi
trong thân phận làm người với tất cả những yếu đuối mong manh. Gần gũi trong ơn
gọi Tông đồ tôi được hân hạnh cùng các Ngài chia sẻ. Gần gũi trong thao thức được
Chúa thương hoán cải, hướng dẫn. Nhất là gần gũi vì được ấp ủ, được tan hoà vào
cùng một tình yêu của Thiên chúa.