THÁNG HOA ĐỨC MẸ
“Trong
tháng này, những ơn phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ
ngai tòa rất dồi dào của Đức Mẹ” (ĐTC Phaolô 6)
Là người Công
giáo Việt Nam, nhất là những người đã lớn lên trong một xứ đạo miền Bắc, Trung
hoặc Nam, có lẽ họ không lạ gì sinh hoạt tôn giáo trong tháng Năm, tháng Hoa Đức
Mẹ.
Khi ngàn hoa
xanh, đỏ, trắng, tím, vàng nở rộ trong cánh đồng, thì con cái Mẹ cũng chuẩn bị
cho những đội dâng hoa, những cuộc rước kiệu, để tôn vinh Mẹ trên trời. Những
điệu ca quen thuộc trìu mến bỗng nổi dậy trong tâm hồn cách thân thương, nhất
là bài “Đây Tháng Hoa” của nhạc sĩ Duy Tân với điệu 2/4 nhịp nhàng:
“Đây tháng hoa, chúng con trung thành thật
thà. Dâng tiến hoa lòng mến dâng lời cung chúc. Hương sắc bay tỏa ngát nhan Mẹ
diễm phúc. Muôn tháng qua lòng mến yêu Mẹ không nhòa.
-
Đây muôn hoa đẹp còn tươi thắm xinh vô ngần. Đây
muôn tâm hồn bay theo lời ca tiến dâng. Ôi Maria, Mẹ tung xuống muôn hoa trời. Để
đời chúng con đẹp vui, nhớ quê xa vời.
-
Muôn dân trên trần mừng vui đón tháng hoa về. Vang
ca tưng bừng ngợi khen tạ ơn khắp nơi. Ánh hồng sắc hương càng tô thắm xinh
nhan Mẹ. Sóng nhạc reo vang tràn lan đến muôn muôn đời.”
Nếu có ai tự hỏi:
Tháng Hoa có từ đời nào? Do ai khởi xướng?
Gốc tích như thế
này: Vào những thế kỉ đầu, hàng năm, khi tháng Năm về, người Rôma
tôn kính sự thức giấc sau mùa đông dài của thiên nhiên bằng những cuộc tổ chức
gọi là những ngày lễ tôn kính Hoa là Nữ thần mùa Xuân. Các tín hữu Công giáo
trong các xứ đạo đã thánh hóa tập tục trên. Họ tổ chức những cuộc rước kiệu hoa
và cầu nguyện cho mùa màng phong phú.
Có nơi người ta
tổ chức các cuộc “Rước xanh.” Người ta đi cắt các cành cây xanh tươi đang nở
hoa, đưa về trang hoàng trong các nhà thờ và đặc biệt các bàn thờ dâng kính Đức
Mẹ. Các thi sĩ cũng như các thánh đua nhau sáng tác những bài hát, bài giảng ca
tụng những ngày lễ đó cũng như ca tụng Đức Mẹ.
Đến thế kỷ 14, linh
mục Henri Suzo dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và
lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ.
Thánh Philipe đệ
Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông
hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ
của chúng.
Đầu thế kỷ 17, tại Napoli, nước Ý, trong thánh đường
kính thánh Clara của các nữ tu Dòng
Phanxicô, tháng Đức Mẹ
được cử hành công cộng: Mỗi chiều đều có hát kính Đức Mẹ, ban phép lành Mình
Thánh. Từ ngày đó, tháng Đức Mẹ nhanh chóng lan rộng khắp các xứ đạo.
Năm 1654, cha
Nadasi, dòng Tên, xuất bản
tập sách nhỏ khuyên mời giáo hữu dành riêng mỗi năm một tháng để tôn kính Đức Mẹ
Chúa Trời.
Đầu thế kỷ 19, hết mọi xứ trong Giáo hội đều long trọng
kính tháng Đức Mẹ. Các nhà thờ chính có linh mục giảng thuyết, và gần như lấy
thời gian sau mùa chay là thời gian chính thức để tôn kính Đức Mẹ. Trong việc
này linh mục Chardon đã có nhiều công. Không những ngài làm cho lòng sốt sắng
trong tháng Đức Mẹ được phổ biến trong nước Pháp mà còn ở mọi nước Công giáo
khác nữa.
-
Đức Giáo hoàng Piô
12, trong Thông điệp “Đấng
Trung gian Thiên Chúa”, cho “việc tôn
kính Đức Mẹ trong tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức Phụng vụ,
được Giáo hội công nhận và cổ võ.”
-
Đức giáo hoàng
Phaolô 6, trong Thông
điệp Tháng Năm, số 1 viết: “Tháng Năm là
Tháng mà lòng đạo đức của giáo dân đã kính dâng cách riêng cho Đức Mẹ. Đó là dịp
để bày tỏ niềm tin và lòng kính mến mà người Công giáo khắp nơi trên thế giới
có đối với Đức Mẹ Nữ Vương Thiên đàng.”
Trong tháng này, các Kitô hữu, cả ở trong
thánh đường cũng như nơi tư gia, dâng lên Mẹ từ các tấm lòng của họ những lời cầu
nguyện và tôn kính sốt sắng và mến yêu cách đặc biệt. Trong tháng này, những ơn
phúc của Thiên Chúa nhân từ cũng đổ tràn trên chúng ta từ ngai tòa rất dồi dào
của Đức Mẹ” (Dictionary of
Mary, Catholic book Pub. 1985, p. 236).
Một câu truyện cũ
đáng ta suy nghĩ:
Ở thành Nancêniô trong nước
Pháp, có một gia đình trung lưu. Vợ đạo đức, chồng hiền lành nhưng khô khan. Vợ
luôn cầu xin Chúa mở lòng cho chồng sửa mình , nhưng chồng cứng lòng mãi. Năm ấy
đầu tháng Hoa Đức Mẹ, bà sửa sang bàn thờ để mẹ con làm việc tháng Đức Mẹ. Chồng
bà bận việc làm ăn, ít khi ở nhà, và dù ông ở nhà cũng không bao giờ cầu nguyện
chung với mẹ con. Ngày lễ nghỉ không bận việc làm thì cũng đi chơi cả ngày,
nhưng ông có điều tốt là khi về nhà, bao giờ cũng kiếm mấy bông hoa dâng Đức Mẹ.
Ngày 15 tháng Sáu năm ấy, ông chết bất thình
lình, không kịp gặp linh mục. Bà vợ thấy chồng chết không kịp lãnh các phép đạo,
bà buồn lắm, nên sinh bệnh nặng, phải đi điều trị ở nơi xa. Khi qua làng Ars,
bà vào nhà xứ trình bày tâm sự cùng cha xứ là cha Gioan Vianey.
Cha Vianey là người đạo đức nổi tiếng, được mọi
người tặng là vị thánh sống. Bà vừa tới nơi chưa kịp nói điều gì, cha Gioan liền
bảo:
-
Đừng lo cho linh hồn chồng bà. Chắc bà còn
nhớ những bông hoa ông vẫn đem về cho mẹ con bà dâng cho Đức Mẹ trong tháng Hoa
vừa rồi chứ?
Nghe cha nói, bà hết sức kinh ngạc, vì bà chưa
hề nói với ai về những bông hoa ấy, nếu Chúa không soi cho cha, lẽ nào người biết
được?
-
Nhờ lời bà cầu nguyện và những việc lành
ông ấy đã làm để tôn kính Đức Mẹ, Chúa đã thương cho ông ấy được ăn năn tội
cách trọn trong giờ chết. Ông ấy đã thoát khỏi hỏa ngục, nhưng còn bị giam
trong luyện ngục, xin bà dâng lễ, cầu nguyện, làm việc lành thêm cầu cho ông
chóng ra khỏi nơi đền tội nóng nảy mà lên Thiên đàng. - Cha sở nói thêm.
Nghe xong lời cha Gioan, bà hết sức vui mừng tạ
ơn Đức Mẹ. (Sách Tháng Đức Bà, Hiện Tại xuất bản, 1969, trang 10).
Nếu chỉ vì mấy
bông hoa mọn dâng kính Đức Mẹ cũng được Đức Mẹ ban ơn cứu rỗi lớn lao như vậy,
thử hỏi, những ai trong tháng Năm này tham dự dâng Hoa, rước kiệu, đọc kinh Mân
côi, hơn nữa, họ dâng lên Mẹ những hoa tin, cậy, mến, hi sinh, đau khổ, bệnh nạn…
chắc sẽ còn được Đức Mẹ ban muôn ơn trọng hơn nữa? Vì Mẹ thích những bông hoa
Xanh của lòng Cậy, hoa Đỏ của Lòng mến, hoa Trắng của lòng trong sạch, hoa Tím
của hãm mình, hoa vàng của niềm tin, hoa Hồng của kinh Kính mừng lắm lắm.
Thánh Anphongsô
Ligori quả quyết rằng: “Nếu tôi thật lòng
yêu mến Mẹ, thì tôi chắc chắn được lên thiên đàng.”
Thánh Bênado diễn
tả văn vẻ hơn: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ
không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng.
Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ.”
Lm. Đoàn Quang,
CMC