Suy niệm hạnh thánh _ 08/5


Chân phước WALDO
(c 1320)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Waldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo, cả hai quê quán ở miền bắc nước Ý. Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm. Đổi lại, nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn nhờ sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện.
Sau cái chết của cha linh hướng, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến các sự trên trời. Theo đó, ngài đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.
Người ta kể rằng, một ngày trong tháng Năm 1320, chuông nhà thờ ở ngôi làng gần đó tự nhiên vang lên từng hồi một cách lạ lùng. Khi dân làng đổ về nhà thờ để chứng kiến cảnh kỳ lạ ấy, thì một người thợ săn từ khu rừng đi ra. Ông cho biết trong khi đi săn, ông thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu và các con chó của ông vừa quấn quít chung quanh cây ấy vừa cất tiếng sủa một cách vui mừng. Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây. Ngay khi ông ngừng kể thì tiếng chuông cũng im bặt.
Đối với người dân làng, hiển nhiên vị ẩn tu ấy là một người thánh thiện. Họ vào rừng, đem thi thể Waldo về nhà thờ và chôn cất ngay dưới bàn thờ chính. Trong những năm kế đó, nhiều phép lạ đã xảy ra ở ngôi mộ của Chân Phước Waldo, và một nhà nguyện được xây cất ở nơi khu rừng ngài sinh sống để kính Đức Maria.
Suy niệm 1: Môn đệ
Waldo, còn được gọi là Vivaldo hay Ubaldo, là môn đệ của một linh mục thánh thiện, Cha Bartolo.
Thật phúc cho Waldo được làm đệ tử của một vị thầy thánh thiện là linh mục Bartolo. Nhưng diễm phúc này được vươn cao hay bị đánh mất thì còn tùy thuộc vào thái độ sống của người đệ tử, vì người môn đệ đích thực phải là người biết lắng nghe và thực hành theo lời thầy mình. 
Thật vậy nhờ sống đúng chức năng của người đệ tử mà nền tảng đạo lý của Waldo được phong phú hơn theo sự chỉ dẫn của vị linh mục thánh thiện. Cũng như hai đồ đệ của Gioan Tiền Hô nhờ thực hành theo lời hướng dẫn của thầy, nên đi theo Đức Giêsu và được trở thành tông đồ của Chúa. Ngược lại Giuđa Ítcariốt được vinh dự làm đồ đệ của Đức Giêsu, nhưng lại chỉ nghe theo lời xúi giục của các thượng tế, nên đã phạm tội bội phản và giao nộp thầy mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn chọn được thầy tốt và nhất là chú tâm sống theo.
Suy niệm 2: Hầu hạ
Khi Cha Bartolo bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện, Waldo đã đi theo hầu hạ ngài cho đến khi chết trong vòng 20 năm.
Công việc hầu hạ thường được người đời hiểu là một công việc dành cho người tôi tớ đối với chủ nhân. Nhưng trong tầm nhìn và hướng sống của Đấng Cứu Thế thì không hẳn thế, như sự việc được nêu trong Tin Mừng Luca: người chủ đi về được các tôi tớ đang tỉnh thức đợi chờ đón tiếp thì chủ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đi lại hầu hạ họ (Lc 12,27).
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa như người chị họ Êlisabét xưng tụng (Lc 1,43), nhưng Mẹ lại sẵn lòng đóng vai người tôi tớ ở lại ba tháng hầu hạ bà suốt thời gian sanh nở (Lc 1,56). Hơn thế Đức Giêsu vừa là Chúa và là thầy cũng làm công việc hầu hạ bằng việc rửa chân cho các môn sinh (Ga 13,13-14). Vì thế việc Waldo vốn là môn đệ nên đã đi theo hầu hạ Cha Bartolo là thầy đang bị bệnh cùi và phải nằm bệnh viện cho đến khi chết trong vòng 20 năm, cũng thật là chính đáng.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con dầu đang ở đấng bậc nào cũng hằng tìm hầu hạ người hơn là được người hầu hạ.
Suy niệm 3: Đối thoại
Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa.
         Nhờ Mặc Khải, “do tình yêu vô biên, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với con người như với bạn hữu, cụ thể với tổ phụ Ápraham (St 18,22-32) cũng như với đại ngôn sứ Môsê (Xh 33,11). Người đối thoại với họ, để mời gọi họ hiệp thông với Người (MK 2).
Nhờ vậy, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (Ep 2,18;2Pr 1,4). Thấu hiểu thế nên để đáp tình Thiên Chúa, Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Người.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết dành thì giờ đối thoại với Thiên Chúa nhiều hơn là đối với tha nhân.
Suy niệm 4: Nơi gặp Chúa
Waldo đi vào một khu rừng không xa nơi sinh trưởng là bao, và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó.
Waldo quyết định sống tách biệt khỏi thế gian để chỉ đối thoại với Thiên Chúa và hướng lòng đến các sự trên trời. Ngài đi vào một khu rừng và tìm thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu. Và ngài đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.
Điều này cho thấy miễn là có lòng, còn ở đâu cũng có thể gặp gỡ và đối thoại với Chúa được, vì Chúa vốn ở khắp mọi nơi như giáo lý dạy. Chính Thiên Chúa đã hé mở cho thấy, khi mời gọi Môsê lên núi Xinai (Xh 24,12) cũng như Êlia lên núi Khôrếp (1V 19,11) để gặp Chúa. Và sau này Đức Giêsu lại tiến xa hơn khi khẳng định, đã đến giờ làm việc thờ phượng không phải trên núi Gơridim hay tại Giêrusalem mà trong thần khí và sự thật (Ga 4,21-23).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con không chủ yếu kiếm tìm địa điểm gặp gỡ hoặc thờ phượng Chúa mà là tấm lòng, còn ở đâu cũng được.
Suy niệm 5: Ẩn dật
Waldo đã sống cuộc đời ẩn dật trong nhiều năm, hoàn toàn cô độc.
Thị giác vốn không chỉ là cửa sổ của tâm hồn mà còn cả trí óc nữa, vì qua đó mọi cảnh vật cũng như chước cám dỗ đều có thể ào ạt xâm chiếm tâm trí con người. Hiểu biết được thế nên Waldo đã quyết định sống tách biệt khỏi thế gian và đi vào rừng sâu.
Xa rời nơi phồn hoa đô thị với các chước cám dỗ của nó, Waldo vẫn chưa yên lòng, vì tại đây ngài cảm nhận được đôi mắt vẫn còn có thể hoat động mãnh liệt để cản trở cho việc gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa, nên ngài tìm cách hạn chế thị giác đến mức tối đa bằng cách  chọn một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giữ mắt chúng con khỏi nhìn theo những gì hư ảo, và cho chúng con được sống nhờ đường lối của Ngài (Tv 119,37).
Suy niệm 6: Quỳ                
Khi quan sát thân cây thì ông khám phá ra vị ẩn tu đã chết trong tư thế quỳ ở chỗ lõm của cây.
Trong giờ cầu nguyện, ngoài phần thờ lạy, ngợi khen, chúc tụng và cảm tạ, thường cũng có phần cầu xin nữa. Vì thế một cử chỉ mà cơ thể biểu hiện xứng hợp nhất, đó là quỳ gối. Do đó khi thấy một cây dẻ lớn có chỗ lõm sâu, chỉ đủ để một người quỳ ở trong đó, thì Waldo đã chọn để sống đời cầu nguyện và chết trong tư thế ấy.
Trong đêm sắp bị nộp tại núi Ôliu, chính Đức Giêsu cũng quỳ gối cầu nguyện với lời xin chân thành: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha" (Lc 22,42). Cũng thế để xin ơn phục sinh cho bà Tabitha, Phêrô cũng đã quỳ gối cầu nguyện (Cv 9,40).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đừng coi thường các tư thế cầu nguyện của cơ thể vì chúng vẫn giúp tạo được những tâm tình nội tâm.