Sống đức tin _ viết gởi tặng người giáo dân "tầm thường"


Viết gởi tặng  
người giáo dân “tầm thường’’
Ở đâu có tình yêu đúng nghĩa, ở đấy có sự bình yên và hạnh phúc chan hòa.
Ả SIÊU
Người giáo dân “tầm thường’’ ở đây ám chỉ là người giáo dân nghèo, và vì biết phận mình nghèo nên không dám cộng tác bất cứ sự gì trong giáo xứ. Hằng ngày họ chỉ đến nhà thờ dự Thánh Lễ, Rước Chúa vào lòng cho nghe ấm lòng, rồi họ cúi đầu lặng lẽ ra về. Hầu hết dáng họ đi lủi thủi như một bóng ma…
Nhưng thưa quý bạn “tầm thường’’ của Ả Siêu rất thương mến!
Bên cạnh trái tim hình như cũng đã bị hóa đá của một số vị linh mục chánh xứ phó xứ “tân thời’’, và nhiều ánh mắt khinh người của các cô/bà đại gia nhiều tiền lắm của, thì còn đây tấm lòng của bà má Anna chúng ta! Má Anna cũng có thể coi là một người giáo dân “tầm thường’’, nhưng những việc làm tông đồ bác ái của bà không tầm thường chút nào.
Ả Siêu thân kính mời quý độc giả cùng chia sẻ với Ả Siêu một hồi ký mang tên “Chiếc lá khô rơi’’ sau đây, và xin cùng nhau cầu nguyện cho linh hồn má Anna được về nơi bình an vĩnh cửu cùng Thiên Chúa Cha chúng ta. Amen!!

CHIẾC LÁ KHÔ RƠI

 Người viết: Ả SIÊU
1. Má Anna… 91 tuổi, nhà ở số… đường… thuộc họ đạo… nằm trên địa bàn Q-I TP/Sài-Gòn đã trút hơi thở cuối cùng rồi các bạn ạ! Ai cũng nói má ra đi rất bình an và lành thánh. Riêng tôi là người có một thời gian hân hạnh được gần gũi bên má Anna, tôi càng vững tin giờ đây má ấy đang mỉm cười vinh hiển bên Đấng mà lúc còn sinh thời bà luôn sống cuộc đời phó thác và Tin Yêu Ngài một cách tuyệt đối. Và, đêm nay… má Anna ơi! Con xin giã biệt má bằng bài viết này. Con không có ý đưa má lên làm “người tốt việc tốt” trong hàng ngũ người giáo dân hết sức “tầm thường’’ như con và má đâu nha. Nhưng hình như… có cái gì cao hơn nữa, má là người của Trái Tim! Từ Trái Tim đến trái tim. Những trái tim hãy còn biết tỏa sáng tình yêu của Thiên Chúa. Ở đâu có tình yêu đúng nghĩa, ở đấy có sự bình yên và hạnh phúc chan hòa.
2. Dạo ấy má Anna luôn tỏ vẻ quí mến tôi, vì theo má tôi cũng có địa vị chút-chút trong xã hội, vậy mà tôi lại ưng chịu làm người thường xuyên đi quét dọn lau chùi sạch sẽ các nơi trong nhà thờ tính từ nhà nguyện, phòng Thánh, ra tới sân, rồi dãy nhà vệ sinh nữa. Còn tôi, tôi quí yêu má và luôn xem má như người mẹ ruột của mình, vì bà tuy đã cao tuổi, nhưng trí óc còn rất sáng suốt, nhất là việc làm tông đồ bác ái của má Anna không hề bị suy giảm theo tháng năm. Cụ thể như sau khi hay tin cha sở sắp cùng anh chị em trong Ban HĐMV Giaó Xứ đi ủy lạo các nơi nghèo khổ, không có cơm ăn, không có quần áo để mặc thay đổi che thân, má Anna sang liền tìm mọi cách để xin quần áo cũ ở các cộng đoàn từ thiện và ở các gia đình khá giả. Tôi từng nhìn thấy “chiến lợi phẩm” của má Anna buộc cứng từng bao, chất thành đống to đùng. Tiền bạc con cháu cho, má Anna cất kỹ trong túi, má ít xài riêng cho bản thân. Trừ trường hợp má cần đi khám bệnh hay trả tiền cho chú chạy xe ôm, hằng ngày đưa rước má đi nhà thờ. Má tiết kiệm lắm. Má để dành tiền Xin Lễ cầu bình an, Lễ Tạ Ơn, Lễ cầu hồn… và chia cho người nghèo. Thỉnh thoảng má Anna còn có được tiền kha khá trong túi, má xin cha sở và thầy quản lý cho phép má vào bếp tự nấu một vài món ngon để đãi các ngài. Có một vị linh mục cao tuổi, xem ra rất khó làm cho ngài ưng ý mỗi khi ngài ngồi vào bàn ăn. Vậy mà ngài phải buộc miệng khen bà Anna nấu ăn ngon tuyệt vời!! Ngoài ra, má Anna còn là người thích thu gom các Kinh sách cũ màu giấy đã ngả vàng mà nhà thờ không còn cần tới nữa, để má đem gởi về các nhà thờ ở vùng sâu vùng xa. Má nói: “Mình ở đây dư thừa, chứ các nhà thờ ở dưới quê thì thiếu thốn đủ thứ. Họ nhận được, mừng lắm con ạ!’’ Tôi nhận ra tấm lòng và tình yêu Thiên Chúa trong má Anna bao la vô bờ bến. Má rất đáng cho mọi người noi gương theo.
3. Kỷ niệm khó quên của tôi và má Anna là kỷ niệm mỗi tháng một lần chúng tôi hẹn nhau chùi rửa nền gạch của đền thờ Đức Mẹ Maria, nằm trong nhà thờ, nơi mà hai chúng tôi đều mang phận “tầm thường’’. Và lần nào cũng thế, đúng ngày hẹn nhau, má đều mang theo trong chiếc giỏ xách nylon của má một cái bàn chải to loại chà nền nhà, một chai nước rửa chén loại nhỏ nhằm để các vết bám bẩn dễ trôi, và một cái ca múc nước. Má Anna mang theo như vậy có ý bà cũng cố gắng “lao động” chung với tôi cho vui. Nhưng không bao giờ tôi để cho bà rời khỏi chiếc ghế bố dựa mà bà vẫn hay ngồi trên đại sảnh trước nhà nguyện và đối diện với đền thờ Đức Mẹ Maria này. “Má cứ ngồi xem con làm. Chỗ nào còn dơ má chỉ con, con làm lại cho má xem mát trời ông địa luôn!” Má Anna cười vui sau câu nói pha trò dí dỏm của tôi. Gương mặt má già nhưng hãy còn toát nét duyên dáng và hiền hậu của người đàn bà Miền Tây Nam Bộ. Và, sau mỗi lần chùi rửa, tưới nước mát các chậu bông hoa và quét dọn sạch sẽ xung quanh đền thờ Đức Mẹ Maria như vậy, hai mẹ con chúng tôi đều nghe nhẹ nhõm trong lòng. Tôi còn nhớ má Anna thường hay nói: “Hôm nay Đức Mẹ và Chúa Giêsu cũng rất vui đó con.”
Câu nói sau đây của má Anna mới là câu nói làm cho mọi người, kể cả các vị linh mục nghe mà ray rứt và phải tự hỏi lại mình: Người giáo dân có yêu nhà thờ và xem nhà thờ như ngôi nhà thứ hai của mình hay không là tùy thuộc vào đạo đức Kitô Giáo cũng như cách cư xử tốt xấu của ông cha sở! Có ông làm cho xong bổn phận bắt buộc rồi thôi! Người giáo dân muốn tìm gặp, khó như đi tìm gặp vị Tổng Thống của một cường quốc!! Có ngài vừa nhìn thấy là giống y như mình nhìn thấy Chúa Giêsu. Như cha sở của mình bây giờ đây, tuy ngài nghiêm, ít nói, nhưng tính tình rất bình dân, rất dễ chịu, rất dễ tiếp cận. Làm người giáo dân của ngài ai cũng vui vẻ và an tâm mà giữ đạo.”
4. Cuộc đời vốn rất là vô thường. Sau ba năm, cha sở cũ đổi đi, cha sở mới chuyển về. Với nhiều người giáo dân khác, chuyện các cha sở di chuyển tới lui trong Giáo Hạt của Giáo Phận là chuyện bình thường. Vì vậy, họ dễ dàng hòa nhập vào sự xoay chuyển mới của cha sở mới một cách vui vẻ, rồi cũng dễ quên đi sự hụt hẫng thoáng qua… Nhưng tôi biết má Anna thì không vô tư như vậy được! Bà có những nỗi trăn trở và nhiều nặng nịu riêng tư của người già!! Người già, dẫu được con cháu chăm lo chu toàn vẫn hay mang mặc cảm là gánh nặng buộc phải cưu mang của gia đình! Người già lụm cụm bước vào nhà thờ với tấm thân gần đất xa trời cũng thường ít được ai chú ý tới và chịu kết thân. Vì vậy đừng có ai hỏi tại sao má Anna khóc rất nhiều khi biết cha sở thường hay thân cận và nhiệt tình giúp đỡ người giáo dân “tầm thường’’ sắp chuyển về một giáo xứ khác!!
Thế là hết! Hết cái thời mà má Anna xem nhà thờ này như ngôi nhà thứ hai của mình! Chiếc ghế bố ngồi dựa lưng của má thường hay xếp gởi bên dưới chiếc cầu thang làm bằng gỗ, chỗ đi lên xuống lầu một cũng bị người ta mang ra sân nhà thờ, để nép vào một góc không an toàn nếu gặp lúc trời mưa. Má không hề buồn trách chi ai. Bởi vì cái lớn bao la đối với má chính là Tình Yêu Thiên Chúa luôn dành cho loài người. Người càng nghèo khó, càng bệnh tật, càng già yếu, càng được Chúa thương yêu chở che đùm bọc nhiều hơn. Má Anna vững tin như vậy!
5. Những ngày kế tiếp nữa, sau khi cha sở mới chuyển về, tôi thấy má Anna vẫn ngồi trên chiếc ghế bố dựa lưng đặt trên đại sảnh trước nhà nguyện để chờ tới giờ Thánh Lễ chính thức bắt đầu. Nhưng trên gương mặt, ánh mắt… cùng các cử điệu u-buồn và băng lạnh của má, đều cho tôi thấy giờ đây bà chỉ còn như một người khách lạ dừng lại viếng Chúa rồi đi!! Lũ trẻ nhỏ chạy giỡn la-ó om-sòm trên sân nhà thờ bà không la rầy chúng như trước kia nữa. Có lần tôi tò mò muốn biết lý do, má Anna chậm rãi trả lời: “Bây giờ thành lập ban bệ hết rồi con. Mình xía vô, coi chừng bị la. Lòng nhiệt thành phải biết đặt cho đúng chỗ. Bộ con không biết như vậy sao?’’ Tôi trả lời má Anna bằng sự im lặng… cùng lúc có chiếc lá khô trên cành bị gió thổi tạt qua, nó buông mình rồi la đà bay đáp xuống mặt đất. Má Anna cũng chợt nhìn thấy chiếc lá khô rơi ấy. Bà vội nắm tay tôi. Siết mạnh. Như bà muốn nói một điều gì, muốn gởi gắm một điều chi…
Rồi tôi cũng có cái cảnh trái ngang và bệnh tật của riêng tôi. Từ thành phố Sài Gòn tôi chuyển về thành phố Cần Thơ để chữa bệnh là chính. Cuộc ra đi này tôi không thích từ giã bất cứ ai trong nhà thờ hay bạn bè thân tín gần xa, cho dù đó là má Anna. Vì bà đã rất đau lòng khi bà đã bị xa mất một người thường chăm sóc và an ủi tinh thần bà theo cách riêng. Nay bị xa rời tôi nữa, dù muốn hay không, tôi cũng sẽ làm cho bà bị u-buồn thêm.
6. Nhớ má Anna. Nhớ một thời làm người tổng vệ sinh trong nhà thờ, tôi về thăm lại nơi có rất nhiều dấu ấn vui buồn ghi đậm trong tâm hồn tôi! Má Anna, người má và cũng là người bạn già rất thân thương của tôi đã ra đi ngủ giấc nghìn thu. Vậy mà lạ thay! Từ cổng nhà thờ nhìn vào tôi thấy má vẫn còn ngồi đó. Y chang chỗ cũ. Trên chiếc ghế bố dựa lưng, và bà còn nhìn tôi với nụ cười tươi rói trên đôi môi móm mém của bà nữa. Giọng nói của bà êm nhẹ ngọt ngào như dạo nào: “Can đảm lên đi con! Đừng bao giờ sợ các thánh giá Chúa thương ban cho! Vì chính đó là Lễ vật mà Thiên Chúa ưng ý nhất. Và không có vinh quang nào mà không có sự đánh đổi qua Máu của Chúa Giêsu, cùng nghị lực pha nước mắt của chính bản thân mình.”
Sài-Gòn, những ngày nắng nóng.
15-05-2015
Ả SIÊU