Chủ đề: Thiên Chúa là tình yêu.
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài
thọ tạo" (Mc 16,15)
-
Bài đọc I (Đnl 4,32-34.39-40) : Thiên Chúa duy nhất và là Thiên Chúa của
Giao ước.
-
Đáp ca (Tv 32) : "Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng
con"
-
Tin Mừng (Mt 28,16-20) : "Anh em hãy đi đến muôn dân, làm phép rửa
cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần"
-
Bài đọc II (Rm 8,14-17) : "Thần khí làm cho anh em nên nghĩa tử,
khiến chúng ta kêu lên Abba, Cha ơi"
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong
ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng
trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta
chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.
Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời
Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp
chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.
II. Gợi ý sám hối
-
Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác
vào tình yêu Chúa.
-
Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng
ta không biết tha thứ cho nhau.
-
Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha
trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm
chí là những kẻ thù.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Đnl 4,32-34. 39-40)
Đây là phần kết diễn từ thứ nhất "của
Môsê" nói với dân do thái trước khi họ vào Đất Hứa.
Trước tiên Môsê lưu ý dân về sự uy quyền và
lòng yêu thương của Thiên Chúa mà họ đã chọn tôn thờ: "Có dân nào đã nghe
tiếng Thiên Chúa phán bảo từ giữa hỏa hào như các ngươi được nghe?… Có Thiên
Chúa nào tìm lấy cho mình một nước giữa các nước khác bằng những dấu lạ, điềm
thiêng… như mọi sự Yavê Thiên Chúa các ngươi đã làm cho các ngươi?…"
Rồi Môsê khuyên dân hãy trung thành tuân giữ
những lệnh truyền của Thiên Chúa vừa uy quyền vừa yêu thương ấy.
2. Đáp ca (Tv 32)
Tv này được soạn sau thời lưu đày, ca tụng
Thiên Chúa là Đấng chủ tể của vũ trụ và lịch sử loài người, hằng yêu thương những
kẻ kính sợ Ngài.
3. Tin Mừng (Mt 28,16-20)
Đoạn Tin Mừng này được chọn đọc trong thánh
lễ hôm nay vì câu 19 "Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Trong lần gặp gỡ cuối cùng với các môn đệ
trước khi về trời, Đức Giêsu đã long trọng sai họ đi truyền giáo khắp nơi:
-
Kẻ sai họ đi là Đức Giêsu phục sinh, Đấng đã "được trao toàn quyền
trên trời dưới đất"
-
Ngài còn hứa sẽ "ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
-
Mục tiêu truyền giáo là làm phép rửa cho muôn dân "nhân danh Cha và
Con và Thánh Thần" và dạy người ta tuân giữ những lệnh truyền của Đức
Giêsu.
4. Bài đọc II (Rm 8,14-17)
Đoạn thư này cho thấy vai trò của Ba Ngôi
Thiên Chúa trong đời sống kitô hữu:
-
Kitô hữu là người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn
-
Nhờ đó họ có thể sống thân phận làm Con như Đức Giêsu
-
Họ có thể gọi Thiên Chúa là Cha "Abba"
IV. Gợi ý giảng
1.”Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận
thế"
Đôi khi ta không thể làm gì hơn cho một người
đang đau khổ ngoài việc ở bên cạnh họ. Nhưng việc này thật quý giá, vì người
đau khổ ấy cảm thấy được an ủi rất nhiều bởi tình bằng hữu của ta. Nếu biết có
ai đang ở với mình để an ủi mình thì cuộc đời sẽ khác đi rất nhiều do không còn
cảm thấy cô đơn nữa.
Đức Giêsu bảo các tông đồ đi rao giảng Tin
Mừng cho muôn dân và Ngài hứa sẽ ở cùng họ luôn mãi. Ngài chỉ hứa có bấy nhiêu,
không có sự bảo đảm nào khác. Nhưng đó chính là sự bảo đảm quan trọng nhất Ngài
có thể ban cho họ. Mặc dù Ngài không bảo đảm cho họ có một cuộc sống khỏi mọi
ưu phiền, thậm chí Ngài cũng không bảo đảm là họ sẽ thành công, tuy nhiên họ ý
thức rằng bao lâu Ngài còn ở với họ thì họ sẽ có can đảm và sức mạnh để có thể
đương đầu với bất cứ khó khăn nào trước mặt.
Ý thức có Chúa ở cùng chúng ta không thay đổi
được thế giới của chúng ta nhưng có thể cho chúng ta can đảm để đối diện thế giới
ấy. Chúng ta không xin Chúa thay đổi thế giới hầu làm cho thế giới dễ chịu hơn.
Chúng ta chỉ xin Ngài bảo đảm rằng Ngài sẽ luôn ở với chúng ta khi chúng ta phải
đương đầu với những khó khăn. Việc Ngài luôn ở với chúng ta sẽ che chở chúng ta
khỏi cảm giác cô đơn và thất vọng.
Chúa luôn ờ cùng chúng ta, nhưng chúng ta
không luôn ở cùng Chúa. Những bận rộn trong cuộc sống đã cắt đứt liên hệ của
chúng ta với Ngài, và khi liên hệ của chúng ta với Ngài bị cắt thì chúng ta phải
mất mát thiệt thòi rất nhiều.
Vì thế, chúng ta cần bồi dưỡng ý thức có
Chúa luôn ở cùng chúng ta, bồi dưỡng bằng cầu nguyện. (Viết theo Flor McCarthy)
2. Tin tưởng vào Chúa
Lời cầu nguyện dưới đây ghi trên một mảnh
giấy được tìm thấy trong thi thể một người lính trẻ tử trận trong thế chiến thứ
I:
"Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ
thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ đã nói với con rằng
Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua,
con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những
vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ
đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau.
Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ
lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây
còn đã làm gì? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh
phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận
đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc!
Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con
phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa.”
Tiếc là người lính trẻ này biết Chúa quá muộn.
Nhưng muộn còn hơn không. Khi chúng ta tự cho phép mình tách lìa khỏi Chúa thì
chúng ta phải chịu nhiều mất mát to lớn. Mà việc chúng ta tách lìa khỏi Thiên
Chúa không phải là do lỗi của Ngài. Bài đọc I hôm nay cho thấy Thiên Chúa đã chủ
động đến với con người để được gần gũi với con người như thế nào. Còn bài đọc
II thì cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người thân thiết đến mức
nào. Chúng ta không chỉ là thành viên của dân Chúa mà còn là con cái Ngài. Nếu
chúng ta liên kết với Ngài thì chúng ta trở nên những kẻ đồng thừa tự với Chúa
Con trong Nước Trời. (Viết theo Flor McCarthy)
3.”Dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền"
Những số liệu về kết quả truyền giáo khiến
chúng ta rất bi quan. Với tất cả mọi cố gắng và mọi phương tiện, mỗi năm có được
khoảng nửa triệu người lớn gia nhập đạo Công giáo; nếu cộng thêm vào đó số trẻ
em rửa tội nhờ cha mẹ là người công giáo khoảng 3 triệu rưỡi nữa, thì tổng cộng
mỗi năm có thêm chừng 4 triệu người rửa tội. Trong khi đó chỉ ở nước Trung Hoa
thôi mỗi năm có thêm 12 triệu dân, nghĩa là số dân Trung Hoa sinh ra trong một
năm đã gấp 3 lần số người công giáo tăng thêm trên toàn thế giới. Năm 1960 số
người công giáo toàn thế giới là 500 triệu, dân số Trung Hoa khoảng một tỉ rưởi,
nghĩa là gấp 3 lần người công giáo trên toàn thế giới, năm 2000, số giáo dân
hoàn cầu khoảng 600 triệu, còn dân Trung Hoa khoảng 2 tỉ rưỡi, nghĩa là giáo
dân toàn cầu chỉ còn bằng 1/5 số dân của chỉ riêng một nước Trung Hoa. Đó là ta
đem tổng số giáo dân của toàn thế giới so sánh với dân số của chỉ một nước
Trung Hoa thôi, chứ nếu so với tổng số nhân loại thì còn thể thảm hơn nữa. Cứ
cái đà này thì giáo dân hiện này đã là một thiểu số trong nhân loại, mà càng về
sau thì cái thiểu số đó càng nhỏ đi, tỉ lệ càng nhỏ đi hơn nữa. Như thế, có thể
nói việc truyền giáo là một thất bại!
Nhưng đó là chúng ta tính trên những con số
người được rửa tội, những con số rất bi quan. Còn nếu chúng ta nhìn vấn đề dưới
một khía cạnh khác thì lại lạc quan. Chẳng hạn như mỗi khi một nơi nào đó trên
thế giới gặp thiên tai như động đất, lũ lụt v. v. thì rất nhiều nước trên thế
giới không phân biệt lập trường chính trị hay ý thức hệ lập tức gởi tiền bạc,
lương thực, thuốc men, quần áo và nhân viên đến cứu trợ. Tinh thần bác ái xã hội
của nhân loại càng ngày càng lớn thêm. Nhân loại cũng càng ngày càng biết tôn
trọng phẩm giá con người hơn, càng ngày càng tôn trọng nhân phẩm của người phụ
nữ hơn, càng ngày càng tôn trọng trẻ con hơn, càng ngày tôn trọng nhân quyền
hơn... Do đâu mà có những sự tiến bộ đó? Chắc hẳn là do ảnh hưởng của tinh thần
Tin mừng Kitô giáo. Nói như vậy không phải là dành công cho Kitô giáo một cách
hồ đồ, mà có bằng chứng rõ ràng: trước khi Kitô giáo được truyền bá loài người
đã sống như thế nào? Khi đó, đa thê là tình trạng đương nhiên: Một người đàn
ông có quyền có nhiều vợ và muốn bỏ vợ lúc nào tuỳ ý. Khi đó người cha cũng có
toàn quyền sinh sát trên con cái: sinh con ra nếu nó không phải là con trai,
hay nếu nó tàn tật thì người cha có quyền giết chết nó đi không ai coi là tội.
Khi đó chế độ nô lệ cũng là tình trạng đương nhiên: Người giàu có quyền mua những
người nghèo về làm nô lệ phục dịch mình, người nô lệ ấy nếu còn mạnh khoẻ thì
còn được nuôi dưỡng, còn nếu đã già yếu hay bệnh tật thì chủ có quyền giết đi
hay đem bán cho người khác, người nô lệ được xem cũng như con trân con bò... Thế
rồi Kitô giáo xuất hiện, giáo hội mở trường dạy học cho giới bình dân, Giáo Hội
rao giảng vợ chồng nhất phu nhất phụ, GH lên án tục giết trẻ con, Giáo Hội vận
động huỷ bỏ chế độ nô lệ, GH dạy những người chủ phải yêu thương các tôi tớ, GH
dạy người giàu phải kính trọng những người nghèo... Vì tất cả đều là người, tất
cả đều là con của Chúa và là anh em bình đẳng với nhau. Và dần dần, chế độ đa
thê, chế độ nô lệ, tục lệ giết trẻ em biến mất... Dần dần người ta đề cao hơn
tình huynh đệ, tình liên đới xã hội v. v... Những giá trị tinh thần của Kitô
giáo ấy, ngày nay người ta coi là đương nhiên, kể cả những người không phải là
Kitô giáo cũng đương nhiên sống theo những giá trị tinh thần ấy. Người hữu thần
và người vô thần đều coi sống như thế là đúng, là phải, là đạo đức.
Những điều kể ra nảy giờ có ý nghĩa gì đối
với ngày lời Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay "Anh em hãy đi và
làm cho muôn dân trở thành môn đệ"? Những điều trình bày phía trên muốn
cho thấy rằng: nếu quan niệm truyền giáo chỉ là rửa tội cho người ta gia nhập
cơ cấu hữu hình của GH thì truyền giáo quả là một thất bại lớn. Nhưng nếu quan
niệm truyền giáo chính là truyền bá và làm thấm nhuần những giá trị Tin mừng
vào môi trường mình sống thì truyền giáo vẫn còn là một thành công. Cả hai cách
truyền giáo đều cần và bổ sung cho nhau. Nghĩa là GH ngày nay vẫn còn phải tiếp
tục đón nhận những ai đến xin lãnh nhận bí tích Rửa tội và gia nhập vào cơ cấu
hữu hình của GH, nhưng GH không nên tự mãn với việc Rửa tội, mà quan trọng hơn
là làm cho tinh thần Tin mừng thấm nhiễm vào thế giới. Thiết nghĩ, ngày nay phải
nhấn mạnh hơn vào cách thứ 2 này, bởi vì:
Việc dạy giáo lý, việc Rửa tội hầu như chỉ
thích hợp hơn cho các linh mục tu sĩ. Vậy thì giáo dân khỏi phải truyền giáo ư?
Không, giáo dân vẫn truyền giáo được bằng nếp sống tỏa chiếu tinh thần Tin mừng
cho mọi người chung quanh mình.
Rồi có những hoàn cảnh không tiện nói về đạo,
về Chúa, về Giáo Hội. Dù không tiện như thế nhưng ta vẫn có thể truyền giáo được
bằng nếp sống của ta.
Và cũng có thể có những người không chịu
Phép Rửa tôi được, không đi đến nhà thờ được, nhưng họ vẫn sống theo những giá
trị tinh thần tốt đẹp của Tin mừng. Làm sao cho có được những người như thế
cũng là một điều đáng mừng rồi. Thần học gia Karl Rahner đã gọi những người đó
là những "Kitô hữu ẩn danh", nghĩa là tuy họ không có danh hiệu là
Kitô hữu, nhưng thực chất họ sống y như một người Kitô hữu.
Có lẽ ngay từ ngày xưa Đức Giêsu đã nghĩ tới
cách truyền giáo đó và đề cao các đó khi Ngài giảng những dụ ngôn về Nước Trời:
Nước Trời giống như men vùi trong thúng bột. Tuy men âm thầm không ai thấy
nhưng nó dần dần làm cho cả thúng bột dậy men. Nước Trời giống như một cái hạt
gieo xuống lòng đất, cho dù chủ có biết hay không, cho dù chủ đất thức hay ngủ,
hạt giống ấy cứ ngày đêm đâm chồi mọc lên và cuối cùng thành một cây to lớn.
Công đồng Vaticanô để kêu gọi "Truyền
giáo là bổn phận của mọi Kitô hữu". Với hoàn cảnh, khả năng và phương tiện
của một người giáo dân, chúng ta có thể đáp lời kêu gọi của công đồng để truyền
giáo bằng cách sống như một hạt men như một hạt giống giữa những người khác,
nghĩa là bằng cuộc sống của mình, Chúng ta cho người ta thấy được sự tốt đẹp của
tinh thần Tin mừng và người ta ham thích sống theo đó, dù ý thức hay vô ý thức
cũng tốt. Cụ thể, chúng ta hãy sống như những lời kinh Hoà Bình mà thỉnh thoảng
chúng ta vẫn đọc:
Đem yêu thương vào nơi oán thù.
Đem thứ tha vào nơi lăng nhục.
Đem an hoà vào nơi tranh chấp.
Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Đem niềm tin vào nơi nghi ngờ.
Đem cậy trông vào nơi tuyệt vọng.
Đem ánh sáng vào chốn tối tăm.
Đem niềm vui vào nơi sầu thảm.
4. Thiên Chúa là Tình yêu
Thánh Gioan đã định nghĩa "Thiên Chúa
là Tình Yêu".
Thiên Chúa là Tình yêu nghĩa là Thiên Chúa
chính là nguồn gốc của mọi tình yêu, Thiên Chúa là mẫu mực cho mọi Tình yêu.
Thiên Chúa là Tình yêu có nghĩa là không có
nơi nào Tình yêu được trọn vẹn hoàn hảo cho bằng Tình yêu nơi Thiên Chúa. Vì thế
suy gẫm về Tình yêu Thiên Chúa có thể giúp ta rút ra được những gương mẫu cho
Tình yêu loài người.
Vậy hôm nay, dịp lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta
hãy suy gẫm về Tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa có những đặc điểm gì?
1/ Đặc điểm thứ nhất là Tình yêu của Thiên Chúa không cô độc.
THIÊN CHÚA không phải chỉ có một Ngôi tự
yêu thương mình, nhưng THIÊN CHÚA có Ba Ngôi yêu thương nhau.
Điều đó cho thấy Yêu thương phải có đối tượng.
Yêu thương thì là phải yêu thương ai khác mình, ngoài mình. Yêu thương không có
đối tượng là yêu thương chính mình, đó là ích kỷ, nếu không muốn nói là bệnh hoạn.
Ngày xưa có một anh chàng tên là Narcisse không yêu thương ai hết ngoài chính bản
thân anh ta, anh yêu mình đến nỗi một hôm nhìn thấy bóng dáng mình phản chiếu
trên mặt nước một cái giếng, anh xúc động quá nhảy tùm xuống giếng để ôm lấy
hình ảnh của mình và phải chết đuối. Về sau người ta đặt tên chứng bệnh tự yêu
thương mình là chứng bệnh Narcisse.
Nhưng tại sao yêu thương cần phải có đối tượng?
Thưa cần có đối tượng để mà chăm sóc, phục vụ, âu yếm, ban phát... nói tóm lại
để mà cho đi. Yêu thương là cho đi. Khi ta yêu thương ai, ta thích cho người đó
hoặc cái này hoặc cái nọ: khi thì cho một món quà, khi thì cho một sự chăm sóc,
khi thì cho một cử chỉ âu yếm, yêu thương cao độ nhất là cho người ấy chính bản
thân mình. Cho đi thì hạnh phúc hơn là lãnh nhận. Vì thế ai yêu thương thật thì
thích cho đi, trái lại kẻ nào thích lãnh nhận hơn thì là dấu kẻ đó còn ích kỷ
chưa yêu thương thật.
2/ Đặc điểm thứ hai của Tình yêu Thiên Chúa là vừa có sự khác biệt vừa có sự
hợp nhất.
Chỉ có một THIÊN CHÚA nhưng lại có Ba Ngôi.
Tuy có 3 Ngôi nhưng chỉ là một TC.
Có câu thơ "Mình với ta tuy 2 mà 1, ta
với mình tuy 1 mà 2".
Áp dụng vào Tình yêu Thiên Chúa thì câu này
có thể đổi lại là: Mình với ta tuy 3 mà một", hơi gượng ép một chút nhưng
cũng đồng một ý nghĩa.
Ý nghĩa đó là: THIÊN CHÚA có Ba Ngôi hoàn
toàn riêng biệt nhau: Ngôi Cha là đấng tạo dựng vũ trụ, Ngôi Con là Đấng cứu
chuộc loài người và Ngôi Thánh Thần là Đấng Thánh hóa loài người. Nhưng dù khác
biệt nhau mà 3 Ngôi không đối nghịch nhau, trái lại hoàn toàn hợp nhất với nhau
đến nỗi cả 3 chỉ là một TC.
Điều đó có ý nghĩa là: Yêu thương thì phải
chấp nhận và tôn trọng những khác biệt của nhau. Tuy nhiên những kẻ yêu thương
nhau thì cho dù khác biệt nhưng không được đối nghịch xung khắc với nhau, mà phải
hoà hợp với nhau.
Xin tóm lại những gì đã phân tích được từ
Tình yêu của THIÊN CHÚA Ba Ngôi:
-
Yêu thương là cho đi.
-
Yêu thương là chấp nhận và tôn trọng những khác
biệt của nhau.
-
Yêu thương là dù có khác biệt nhưng vẫn hoà hợp
với nhau.
5. Tình yêu hiệp nhất
Trong cuộc đời của nghị viên Rémaud có một
giai thoại lý thú sau đây: Lần đầu tiên từ Pyrénées đến Paris với tư cách là
nghị viên, ông Rémaud thuê phòng trong một khách sạn và trả tiền trước một
tháng: 150 quan Pháp. Chủ khách sạn hỏi:
-
Ông có cần biên nhận không?
-
Không, không cần thiết. Thiên Chúa nhìn thấy hết
chúng ta.
-
Ngài tin vào Thiên Chúa ư?
-
Lẽ dĩ nhiên! Ông cũng thế chứ?
-
Tôi thì không, thưa ngài.
-
A! Vậy xin ông cho tôi ngay một tờ biên nhận!
*
Người ta thường nói: "Tin đạo chứ đừng
tin người có đạo". Quả thật, khi gặp người có đạo chúng ta thấy tin tưởng
hơn, yên tâm hơn. Nhưng thực tế, không hẳn là như vậy! Ở đây, chúng ta muốn nói
đến niềm tin vào Thiên Chúa, tin các mầu nhiệm trong đạo. Đã tin là có liều
lĩnh, mạo hiểm. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm cao sâu, trí khôn
con người khó mà hiểu thấu.
Chúng ta thường dùng một vài hình ảnh loại
suy để hiểu một phần nào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đó là hình ảnh của nước.
Nước có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn, và thể lỏng. Hoặc ba nốt
nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất. Tuy nhiên tất cả những so sánh ấy không tránh
khỏi thiếu sót, vụng về khi nói về Thiên Chúa. Chỉ có Đấng ở trong cung lòng
Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô đã vén mở cho chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất
trong Ba Ngôi Vị: là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi khác nhau
nhưng cùng một Thiên Chúa.
Câu Kinh Thánh nổi tiếng về Ba Ngôi chính
là "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép Rửa cho họ, nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần" (Mt. 28,19). Và hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi
được mạc khải khi Đức Giêsu chịu phép rửa: Một hình chim bồ câu bay lượn trên
mình Người, và một tiếng từ trời phán: "Con là Con Ta yêu dấu" (Mc.
1,11). Đó là hình ảnh sống động về chân dung của Chúa Ba Ngôi. Theo thánh Tôma
Aquinô thì trong cuộc Hiển Dung, tất cả Ba Ngôi đã xuất hiện: "Chúa Cha
trong tiếng nói, Chúa Con trong Con người, Chúa Thánh Thần trong ánh mây sáng
chói".
Thánh Luca nhìn lịch sử cứu độ như một viễn
cảnh mang chiều kích Ba Ngôi: Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời loan
báo Tin mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời hậu Tin mừng mà Công vụ Tông đồ
ghi lại là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần. Kinh Tin Kính duy trì mẫu tuyên xưng
này: Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu chuộc, và Chúa Thánh Thần ban nguồn sống.
Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta dựa
vào thế giá của Đức Giêsu, Người là sự thật (x. Ga. 8,32) nên Người chẳng lừa dối
ai.
Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta sống
hiệp thông, chia sẻ và yêu thương. Vì "Ai ở trong Tình yêu thì ở lại trong
Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1Ga. 4,16).
Tin vào mầu nhiệm Ba Ngôi là chúng ta làm dấu
thánh giá trên thân xác, là in dấu Chúa Ba Ngôi trên cuộc đời mình, là họa lại
hình ảnh Ba Ngôi trong tâm hồn tha nhân.
*
Lạy Ba Ngôi chí thánh, Thiên Chúa là một cộng
đồng Tình yêu Hiệp nhất. Xin cho Giáo hội tìm thấy bản tính của mình trong bản
tính của Chúa Ba Ngôi. Xin cho chúng con hiệp nhất trong tình yêu, để minh chứng
cho Tình yêu Hiệp nhất của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã
yêu")
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu, một tình yêu sáng tạo cứu độ và
thánh hóa chúng ta; một tình yêu muốn hiệp thông với tất cả mọi người. Chúng ta
hãy dâng lên Ba Ngôi lời cầu xin của chúng ta:
1. Hiệp thông được phát xuất
từ Thiên Chúa Ba Ngôi, và Hội thánh phải qui hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi /
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Hội thánh luôn là dấu chỉ và dụng cụ của tình yêu
Thiên Chúa Ba Ngôi.
2. Thế giới và vũ trụ cũng
phát xuất từ tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà cầm
quyền cũng như mọi dân tộc / biết nhìn nhận Thiên Chúa là nguồn gốc và là cùng
đích của mọi người mọi vật.
3. Trong xã hội còn đầy dẫy
những chia rẽ, bè phái, kỳ thị, hận thù, giết hại nhau / Chúng ta hãy cầu xin
cho mọi người sớm nhận biết rằng / người trong bốn bể đều là anh em con Một
Chúa trên trời.
4. Hội thánh có sứ vụ đem mọi
người về hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hãy cầu xin cho cộng đồng
xứ đạo chúng ta luôn sống hiệp thông với Chúa và với nhau / để có thể đem mọi
người chung quanh về hiệp thông trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chủ tế: Lạy Chúa Cha, Chúa
Con và Chúa Thánh Thần Ba Ngôi chí thánh luôn hiệp thông với nhau; xin cho mỗi
người chúng con biết dẹp bỏ mọi chia sẻ, kỳ thị, hận thù; để chúng con luôn sống
hiệp thông với nhau, như anh em trong một gia đình Thiên Chúa. Chúa hằng sống
và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
-
Chủ tế chú ý nhấn mạnh tất cả những đoạn kết của các lời cầu nguyện có
công thức Ba Ngôi.
-
Trước kinh Lạy Cha: Lời kinh Lạy Cha sau đây, chúng ta hãy cố gắng đọc
lên với cả tâm tình con thảo như Đức Giêsu và do Chúa Thánh Thần khơi lên trong
lòng chúng ta.
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta đã dâng Thánh lễ
tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi đầy tình yêu thương.”Xin chúc anh chị em được đầy
ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của
Chúa Thánh Thần".