THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh Lễ Tiệc Ly
BÀI ĐỌC I: Xh 12,1-8. 11-14
1 Ngày ấy, Đức Chúa
phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập:2 "Tháng
này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3
Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt
một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít
người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất,
tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà
chọn con chiên. 5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không
quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. 6 Phải nhốt nó
cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem
sát tế vào lúc xế chiều,7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn
thịt chiên. 8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh
không men và rau đắng. 11 Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn,
chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức
Chúa. 12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu
lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư
thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. 13 Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ
là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi
sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. 14
Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua
mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn
đời.
ĐÁP CA: Tv 115
Đ. Khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào
Máu Đức Kitô. (x 1Cr 10,16)
12 Biết lấy chi đền đáp
Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? 13 Tôi xin nâng chén
mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa.
15 Đối với Chúa thật là
đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. 16 Vâng lạy
Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc
con, Ngài đã tháo cởi.
17 Con sẽ dâng lễ tế tạ
ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa . 18 Lời khấn nguyền với Chúa,
tôi xin giữ trọn,trước toàn thể dân Người.
BÀI ĐỌC II: 1Cr 11,23-26
23 Thưa anh em, điều
tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp,
Chúa Giê-su cầm lấy bánh,24 dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và
nói: "Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em
hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”25 Cũng thế, cuối
bữa ăn, Người nâng chén và nói: "Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập
Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến
Thầy.”26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống
Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 13,34
Chúa nói: “Thầy ban cho anh em một Điều
Răn Mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.”
TIN MỪNG: Ga 13,1-15
1 Trước lễ Vượt Qua,
Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người
vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ
đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào
lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3
Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi
Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa,4 nên trong một bữa
ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5
Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn
thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ
ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: "Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân
cho con sao? "7 Đức Giê-su trả lời: "Việc Thầy làm, bây
giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”8 Ông Phê-rô lại thưa:
"Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giê-su
đáp: "Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”9
Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: "Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những
chân, mà cả tay và đầu con nữa.”10 Đức Giê-su bảo ông: "Ai đã
tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh
em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! "11 Thật vậy,
Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh em đều
sạch.”
12 Khi rửa chân cho các
môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: "Anh em có hiểu việc
Thầy mới làm cho anh em không?13 Anh em gọi Thầy là
"Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là
Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu
gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
GIỚI RĂN YÊU MỚI CỦA
ĐỨC GIÊSU
Khi Giuđa
đã ra khỏi bàn tiệc để nộp Thầy cho kẻ ác (x Ga 13,30), chỉ còn 11 môn đệ ở
lại, Đức Giêsu mới lên tiếng dạy các ông: “Thầy ban cho anh em một Điều Răn Mới, là anh
em phải yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13,34; Tung Hô
Tin Mừng).
Giới Răn
Yêu Mới này Đức Giêsu ban trong lúc Ngài thiết lập Bí tích Truyền Chức và Bí
tích Thánh Thể (Hy Tế Mới). Đây là Giới Răn nhằm diễn tả những điều mới trong
chức Linh mục Đức Giêsu thiết lập.
Những
việc làm diễn tả tình yêu mới mà Đức Giêsu dạy phải được thể hiện khi phục vụ
đồng loại trong chức Linh mục Chúa Giêsu thiết lập, khác với chức tư tế thời
Cựu Ước:
1/ Chức tư tế thời
Cựu Ước trong dân Do Thái chỉ dành riêng cho dòng họ Lêvi (x. Xh 4,14; Ds 3,16).
Trái lại khi Con Thiên Chúa làm
người,Ngài thuộc dòng Giuđa, con Vua Đavid, Ngài nhận lấy chức Tư Tế, để làm
trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x 1Tm 2,5-6), và
Ngài thông ban chức này cho tất cả những ai thuộc về Ngài khởi đi từ Bí tích
Thánh Tẩy.
2/ Tư tế thời Cựu Ước
là người được chọn như Aharon trong dòng Lêvi, tư tế này không phải chết vì sứ
vụ, dù ông giữ chức phát ngôn viên của ông Môsê (x Xh 4,14-17), nơi dân Israel
(x Xh 4,27-31).
Trái lại, chức Tư Tế của Đức Giêsu
thiết lập nhằm thông chia ơn cứu độ cho muôn dân và phải sẵn sàng chết vì sứ
mệnh này.
3/ Của lễ người Do Thái
dâng là con chiên bị sát tế (x Xh 12,43).
Trái lại, của lễ Đức Giêsu dâng chính
là Ngài tự hiến tế. (x Dt 10,6-10)
4/ Lễ tế của người Do
Thái chỉ là tỏ lòng biết ơn Chúa về biến cố Ngài dạy dân trong đêm Vượt Qua
giết chiên ăn thịt, lấy máu bôi lên cửa. Khi thần Chúa đến Ai Cập, nhà nào
không có máu chiên bôi lên cửa, thì các con đầu lòng của người cũng như loài
vật sẽ bị giết. Như vậy, lễ vượt qua của người Do Thái chỉ nhằm giải thoát dân
khỏi ách nô lệ Ai Cập về phần xác (x Xh 12,1-8. 11-14: Bài đọc I).
Thua xa lễ Vượt Qua của Đức Giêsu
nhằm giải phóng muôn dân vượt qua tội lỗi, thoát tay tử thần, trở nên Con Thiên
Chúa để được sống hạnh phúc và vinh hiển trong Chúa Giêsu Phục Sinh. (x Ga 8,36; 10,10;
Gl 2,20).
5/ Lễ vật dâng trong lễ
tế Do Thái giáo, cuối cùng dành riêng cho hàng tư tế được no bụng (x Lv 24,9;
Gr. 31,14).
Trái lại, lễ vật trong Hy Tế Mới của
Đức Giêsu ban cho tất cả những ai đã thuộc về Ngài khởi đi từ Bí tích Thánh
Tẩy, để được trở nên cùng một nguồn gốc, cùng một xương thịt với Chúa Giêsu. Vì
thế, Ngài không hổ thẹn gọi họ là anh em của mình (Dt 2,11-14) .
6/ Ý nghĩa máu con
vật đổ ra trong lễ tế của Do Thái giáo chỉ là hình bóng thanh tẩy tội lỗi của
dân, chứ thực ra máu con vật bị sát tế không thể tẩy xóa được tội lỗi ai (x Dt
10,4).
Thua xa Máu của Chúa Kitô đổ ra thanh
tẩy tội lỗi những người có lòng sám hối, xin lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy; hoặc Bí
tích giao hòa hoặc Bí tích xức
dầu, nhất là Bí tích Thánh Thể và
còn được lãnh nhận di chúc hưởng gia nghiệp Nước Trời (Dt. 9,16 &x Giáo Lý Roma số 1414 và 1416).
Bởi vậy chỉ khi tham dự Hy Tế là lễ Vượt
Qua của Chúa Giêsu, ta mới được hân hoan cất lời kinh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho. Tôi
xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu Thánh Danh Đức Chúa”(Tv 116/115,
12-13).
7/ Lễ tế trong Do
Thái giáo: tư tế, lễ vật và bàn thờ hoàn toàn khác nhau
Trái
lại hy tế của Đức Giêsu: vị tư tế, lễ vật và bàn thờ là một (x Giáo Lý Rôma
1383&1410).
Cho
nên, tác giả thư Do Thái viết: “Trong khi
nói “mới” thì Người đã cho Giao Ước thứ nhất là cũ, mà cũ, hủ, thì đã gần tàn”
(Dt
8,13). Bởi vì vị tư tế thời Tân Ước là
phải cho người khác ăn kể cả lúc mình còn túng thiếu (x Mt 14,16). Cũng chính vì vậy mà cha Sơviê nói: “Linh mục là tấm bánh cho người khác ăn”.
Có nghĩa là phục vụ giống Thầy Giêsu, Ngài chết vì sứ mệnh rao giảng để trở
thành Tấm Bánh Hằng Sống nuôi dân Ngài.
Vậy Giới
Răn Yêu của Chúa Giêsu dạy vừa biết nhận
vừa biết cho. Vì khi Đức Giêsu
rửa chân cho các môn đệ, đến lượt ông Phêrô, ông hoảng hốt la lên: “Không đời nào Thầy rửa chân cho con”,
Đức Giêsu đáp lại: “Nếu Thầy không rửa
chân cho con, con không có phần nào với Thầy” (Ga 13,8: Tin Mừng). Nói cách
khác, ở đâu có tình yêu, ở đó có quà tặng. quà
tặng là dấu tình yêu chuyển lưu từ người này đến người khác.
Có một bà mẹ khi dự tiệc, người ta đưa cho bà trái cam để ăn
tráng miệng, nhưng vì nghĩ đến đứa con ở nhà, nên bà bỏ trái cam vào túi.
Đứa con thấy mẹ về nên hớn hở chạy ra đón, bà liền trao trái cam
cho con. Em bé mừng quýnh cám ơn mẹ, rồi định lấy dao bổ cam ra ăn cho đỡ thèm!
Nhưng em chợt nghĩ đến bố đang đạp xích lô nắng nôi thiêu cháy ngoài đường, em
thương bố nên cất trái cam đợi bố về để tặng bố.
Khi ông bố vừa về đến nhà, em bé cầm trái cam chạy đến nói:
-
Thưa bố, chắc bố mệt lắm, con có trái cam biếu bố ăn cho đỡ mệt nè, để con phụ
đem xích lô vào nhà cho.
Ông bố vô cùng cảm động trước cử chỉ của con, ông cám ơn con và
định không nhận, nhưng em cứ nằng nặc đòi bố phải lấy ăn cho đỡ mệt!
Cầm trái cam vào nhà, ông định lấy dao bổ ra cho hai cha con ăn.
Nhưng ông chợt nghĩ: con mình còn bé mà còn biết cách làm cho cha mẹ vui, sao
mình không biết nghĩ đến vợ đang vất vả trong bếp? Vì ở đâu có tình yêu ở đấy
có quà tặng! Thế là ông chồng cầm ngay trái cam vào bếp tươi cười chào vợ và
nói:
-
Anh đi làm về, không có gì để tặng em, chỉ có trái cam này, em dùng cho đỡ mệt.
Như thế cả gia đình vợ chồng con cái đã biết sống lời thánh
Gioan nói: “Đừng ai yêu bằng đầu lưỡi,
nhưng yêu bằng việc làm thực sự!” (1Ga 3,18). chỉ riêng Thiên Chúa cho chúng ta biết bao món quà quý giá,
mà Ngài không nhận lại điều gì, vì sự giàu sang vinh quang của Ngài không bao
giờ vơi cạn. Loài người không ai có thể cho người khác điều gì tốt nếu không
biết nhận từ nơi Thiên Chúa. những
ân lộc Chúa ban cho, không chỉ để ta hưởng dùng, mà còn để chia sẻ diễn tả tình
yêu chân thật của ta, đó là cách tạ ơn Chúa, vì thế trong kinh Tiền Tụng Tạ Ơn,
Hội Thánh cất lời chúc tụng: “Việc tạ ơn
của chúng con không thêm gì cho Chúa nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng con”.
Rõ ràng vị
Tư Tế thời Tân Ước phục vụ lật ngược bảng giá trị chức vị người đời hành quyền.
Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ: “Chúng con
không được giống như các vua chúa trần gian bắt người khác phục vụ mình. Trái
lại, trong chúng con ai muốn làm thủ lãnh thì phải làm tôi tớ mọi người, cũng như Con Người không đến để được
người ta hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống mình làm giá chuộc thay
cho nhiều người” (Mt 20,25-28). Trong bữa tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu đã làm
cử chỉ gây kinh ngạc cho các môn đệ: Ngài là Thầy, là Chúa rửa chân cho trò, là
phàm nhân. Đức Giêsu thấy ông Phêrô quyết liệt không để Thầy rửa chân cho, Ngài
nói: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa
hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”Ông Phêrô lại thưa: "Thầy mà rửa chân cho
con, không đời nào con chịu đâu! " Đức Giêsu đáp: "Nếu Thầy không rửa
cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ông Simôn Phêrô liền thưa:
"Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”Đức
Giêsu bảo ông: "Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người
ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu! "
Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: "Không phải tất cả anh
em đều sạch” (Ga 13,7-11: Tin Mừng).
Đức Giêsu
nói thế Ngài nhắm hai đối tượng:
a-
Ngài trách khéo Giuđa, vì Ngài đã biết rõ kẻ sẽ nộp Ngài, nên nói
với các môn đệ: “Không phải tất cả anh em
đều sạch”. Giuđa nghe thế chắc ông phải hiểu rằng: Thầy đã biết mình phản
bội nộp Thầy, mà Thầy vẫn phục vụ mình như một nô lệ. Như thế Thầy có làm gì
phiền mình đâu mà lại nhẫn tâm nộp Thầy cho kẻ ác.
b-
Ngài xác nhận 11 môn đệ toàn thân đã được tắm sạch, không cần
phải rửa, nhưng Ngài vẫn rửa chân cho các ông, để tỏ dấu Ngài phục vụ như người
nô lệ, không phân biệt kẻ ác cũng như người lành, mà kẻ ác vẫn đòi lấy mạng
Ngài! Nhưng chính lúc Ngài đổ máu trên thập giá, máu ấy tắm rửa 11 môn đệ trước
nhất được sạch tội, thì các ông cũng phải biết làm cho đồng loại được nên tinh
sạch bằng việc chu toàn sứ mệnh cầu nguyện và giảng dạy.
-
Sứ mệnh cầu nguyện:
Giáo huấn
của Công Đồng Vat. II trong Hiến Chế Phụng Vụ số 84 và 86 dạy: “Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến
trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Các Linh mục dù đang miệt mài với
công việc mục vụ Thánh, càng cần sốt sắng chu toàn các giờ ngợi khen, nếu càng
ý thức sống động hơn rằng: mình phải tuân giữ lời căn dặn của Chúa Giêsu mà thánh
Phaolô nhắc lại: “Hãy cầu nguyện không ngừng” (Lc 18,1 = 1Tx
5,17). Vì chưng chỉ một mình Chúa mới có thể ban hiệu quả và sự tiến triển cho
công việc họ làm, bởi Chúa đã phán: “Không có Ta các con không thể làm được
việc gì” (Ga 15,5). Vì thế khi
thiết lập hàng Phó Tế, các Tông Đồ đã nói: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ
chuyên tâm đến việc cầu nguyện và giảng dạy” (Cv 6,4)”.
-
Sứ mệnh giảng dạy:
Trong Sắc
Lệnh Nhiệm Vụ Mục Vụ của Các Giám Mục, Hội Thánh cũng dạy: “Nhiệm vụ chính của Giám mục, của Linh mục là
rao giảng toàn thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô” (x số 11,12,15,22,30). Chính vì vậy
mà Đức Giêsu vốn dĩ là Đấng toàn năng, nhưng đứng trước nhu cầu thân xác mọi
người đang mong đợi Ngài thương giúp, thì Ngài lại lẩn trốn họ đi cầu nguyện và
giảng Lời (x Mc 1,21-39).
Có lần
các Tông Đồ mất ý thức sống theo mẫu gương phục vụ của Đức Giêsu, nên xao nhãng
việc cầu nguyện và giảng Lời, vì để hết thời giờ vào việc phục vụ nhu cầu thân
xác của đồng loại. Kết quả đã gây xáo trộn trong cộng đoàn! Nhưng nhờ các Tông
Đồ sớm tỉnh ngộ, trao công việc ấy cho các Phó tế, còn các ông trở về bổn phận
chính là cầu nguyện và giảng Lời, từ bấy giờ cộng đoàn được bình an và phát
triển (x Cv 6,1-7).
Cũng
chính vì vậy mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Một nỗi nguy hiểm thường xảy ra nơi các giáo sĩ, là họ quá hăng say
trong những công việc của Chúa, mà quên mất Chúa là Chủ công việc.”
Làm Tư Tế trong Đức Giêsu, khi phục
vụ đồng loại không được chọn đối tượng, mà tất cả mọi người dù bạn hay thù,
đều là những đối tượng ta phục vụ cách đồng đều theo khả năng của mình có, để nên
giống Cha trên trời “đã làm mưa, làm nắng
trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (x Mt 5,45). Bởi thế, khi Đức
Giêsu thiết lập chức Linh mục, Ngài đã tự trở nên như kẻ nô lệ: Trong bữa tiệc
Ngài tự thắt lưng và rửa chân cho tất cả các môn đệ, không trừ Giuđa,kẻ phản
bội Ngài (x Ga 13,2-11: Tin Mừng).
Các Linh
mục phải bắt chước Chúa Giêsu, Ngài phục vụ như một nô lệ rửa chân cho các môn
đệ, không phải chỉ là tỏ dấu hạ mình phục vụ người khác, mà nhất là trở thành
dấu chỉ các ngài đã được Chúa Giêsu thánh hóa. Tình yêu này các Linh mục phải
thể hiện bằng việc đến với người anh em đang sống trong lầm lạc, để dìu họ về
với Chúa Giêsu hầu cũng được thanh tẩy (x Ga 13,4-5).
Vậy những
điểm giáo lý nói về chức Linh Mục Chúa Giêsu thiết lập để tiếp tục cử hành Hy
Lễ Mới diễn tả Đức Ái, Ngài muốn các môn đệ làm hiện tại hóa để nối dài và mở
rộng Hy Tế này, hầu đem ơn cứu độ đến cho muôn dân. Vì thế thánh Tông Đồ nhắc
lại Lệnh Đức Giêsu truyền khi Ngài lập Bí tích Thánh Thể: “Chúng con hãy làm việc này mà nhớ
đến Thầy” (1Cr 11,23-26: Bài đọc II). Bởi vì “khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào Máu Đức Kitô” (1Cr
10,16: Đáp ca). Đó là cách người Công Giáo thực thi Giới Răn Yêu mới Đức Giêsu
dạy: “Thầy ban cho anh em một Điều Răn
Mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13,34:
Tung Hô Tin Mừng).
THUỘC LÒNG
Đức
Giêsu nói: “Thầy ban cho anh em một Giới Răn Mới là anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Không
có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu của
mình (Ga 15,13).
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH