Ơn thiên triệu _ gương một linh mục giữ ấn tín tòa giải tội


Gương thánh thiện của một vị linh mục:  
ẤN TÍN TÒA GIẢI TỘI.
Gương thánh thiện của cha Pierre hầu như có mãnh lực cảm hóa được bốn tâm hồn đậm nét hận thù và tội lỗi: chúng tôi có cảm tưởng được cứu chuộc và dung thứ.
René Belbenois, người tù khổ sai trên đảo Guyane thuộc Pháp, đã vượt ngục trên chiếc thuyền độc mộc của thổ dân. Ông vượt hàng ngàn hải lý qua biển Antilles, đi bộ xuyên những cánh rừng bạt ngàn ở châu Mỹ La tinh, để sau cùng đến được Mỹ. Tập nhật ký dầy cộm của ông ghi nhận trung thực số phận bị thảm của tù nhân được các nhà xã hội học và giới văn học Mỹ đặc biệt quan tâm. Sau khi được sắp xếp, gọt giũa lại, tác phẩm bỗng chốc trở thành một best-seller với hành triệu ấn bản được tiêu thụ trong thời gian ngắn.
Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc 1 đoạn sau đây:
Dòng hải lưu đẩy con thuyền nhỏ của chúng tôi lao vun vút hướng về cửa sông Rio Acarouany. Ánh chiều tà bắt đầu nhợt nhạt để bóng tối chóng dâng lên từ các cánh rừng già mênh mông. Sau lưng chúng tôi là ngục tù thảm khóc. Trước mặt là biển Antilles lúc nhúc cá nhà táng, mồ chôn xác những kể đánh đu cùng định mệnh tìm đường vượt biển.
1. Marcel, tên đầu sỏ, ra lệnh cặp thuyền vào bờ, cạnh 1 trại tù bỏ phế để qua đêm. Loay hoay tìm một cành khô đốt lửa, chúng tôi bắt gặp một ngôi mộ nhỏ cùng cây thánh giá gọt đẽo sơ sài, vùi dập dưới đám dây leo chằng chịt. Nơi đây, tù nhân chết thường được vứt cho cá mập đớp gọn. Ngôi mộ là một hiện tượng bất thường. Marcel vung thanh mã tấu gọt sạch rong rêu trên cây thánh giá, trầm giọng bảo:
-      Linh mục Pierre đấy! Cũng là một tù khổ sai như tớ và các cậu. Bất chợt, giọng anh ta chùng hẳn lại, hầu như thì thầm: Một sứ giả của Chúa.
Có thể nói Marcel là tên bất trị trong số những tù nhân hung hãn nhất trong trại. Thân thể lực lưỡng của hắn xâm đầy hình ảnh thô tục, mặt chằng chịt sau những trận đánh nhau. Lần đầu tiên trong đời, chúng ta vừa thấy hắn ra biểu lộ nét tôn kính.
Quây quần bên ngọn lửa bập bùng, bốn đứa chúng tôi nép mình sau làn khói cay sè, xua dạt đàn muỗi đen kịt lượn lờ chung quanh. Marcel trầm ngâm đảo mắt nhìn cây thánh giá chơ vơ đến tội nghiệp bên ven rừng.
2. Tớ gặp cha Pierre trên chuyến tàu chở những trọng phạm lưu đày sang quần đảo Guyane. Chúng tớ không "ngửi" được ông ấy khi biết ông đã nhẫn tâm giết một bà lão góa bụa cư ngụ cạnh giáo đường. Chúng tớ thường gọi ông là "lão thầy Tu lạc đạo.” Một sáng, người ta tìm thấy thi thể mụ góa Duval nằm sóng sượt trước nhà, quần áo rắch tươm. Những vết chân còn lưu lại từ nhà mụ đến cổng giáo đường, đôi giầy và chiếc áo dòng loang lổ máu của cha chôn giấu ở khuôn viên nhà nguyện là bằng chứng cụ thể bọn cướp trưng ra chống lai cha Pierre. Cha nhận bản án chung thân, dù luôn khẳng định mình vô tội.
 3. Đến đảo, chúng tớ được áp tải ngay đến trại Oraput nổi tiếng là khắc nghiệt. Tù phải lao động trong đầm lầy, nước ngập đen xì đến tận ngực, trên đầu muỗi vo ve như sáo. Cha lao động cật lực như chúng tớ và không bao giờ phàn nàn. Xong việc cha còn cố giúp những bạn tù thương tật khác.
Năm sau cha được phân công đến phòng y tế thay cho tên vừa bị rắn độc mổ chết. Các cậu hẳn biết đấy là công việc béo bổ: bán thuốc quinine với giá cắt cổ cho những tên đang lên cơn sốt, ăn chận khẩu phần bồi dưỡng của những người ốm nặng...và còn biết bao là những bóc lột khác. Với cha Pierre không còn cảnh mánh mung trên xác chết. Đôi khi, cha "dập" chúng tớ 1 điếu thuốc cũng là để cho 1 người tù đau ốm khác. Bọn tớ rất quý cha, cả những tên cai ngục ác ôn cũng phải thay đổi thái độ trước con người trung thực ấy.
Khi trại Oraput được lệnh đóng cửa vì bệnh dịch, cha xin được di chuyển đến đảo Saint-Louis, nơi biệt giam những tên bị hủi, một thế giới hoàn toàn cách ly với xã hội con người. Hằng tuần, 1 tên cai ngục đáp ca-nô vứt bừa lên bãi cát 1 bao thực phẩm rồi chuồn thẳng. Gầy gò như cây đinh, nhưng cha vẫn chăm sóc bọn người không mệt mỏi.
 4. Một hôm, người ta mang đến cho cha tên Groscaillou. Nằm dài trên chiếc cáng, coi hắn không còn tí gì là dáng dấp của con người. Vừa thấy linh mục mang ly sữa đến, hắn hốt hoảng "Không, không thể là cha Pierre"
-      Anh biết tôi à? Cha dịu dàng hỏi.
-      Con là Groscaillou, người làm vườn trong nhà thờ lúc trước, hắn đáp.
Cha nhìn hắn thật lâu trước khi thốt nên lời.
-      "Khốn khổ cho con. Chúa trừng phạt con thật nghiêm khắc.”
Bọn hủi xum xít quanh tấm lều đổ nát, háo hức lắng nghe. Giọng tên tội phạm thì thầm như từ cõi âm vọng lại:
-      Chính tôi đã giết mụ góa Duval. Biết mụ vừa nhận một món tiền khá lớn. Tối hôm đó, tôi khoác chiếc áo dòng đánh cắp của cha và đến bấm chuông. Thấy tà áo đen thấp thoáng, mụ tin tưởng vội ra mở cổng. Khi nhận ra rõ mặt, mụ hãi quá định gào lên cầu cứu, buộc lòng tôi phải siết cổ mụ. Quay lại nhà nguyện tôi chạm mặt ngay với cha Pierre. Người biết tôi vừa làm một cú dại dột.
Sau khi nghe tôi xưng tội, cha khuyên tôi nên ra đầu thú. Lúc bọn "cớm" đến bắt cha, dù nắm rõ bí ẩn của vụ án, cha vẫn tuân thủ giới luật im lặng của Chúa. Chấp nhận một bản án chung thân như một tông đồ tử đạo, không hé răng khai báo. Các cậu hãy giải oan cho cha để tôi ra đi thanh thản.
-      Không cần thiết con ạ! Hãy thành tâm khấn nguyện và con sẽ được tha thứ. Cha từ tốn đáp.
Sáng hôm sau, các tù nhân bắt gặp thi thể Groscaillou ngoài bãi cát, bấp bênh theo triều sóng.
 5. Sáu tháng trôi qua, khi quyết định tự do của cha được gởi đến thì đã quá muộn. Trước khi mất, cha mong sẽ được chôn trên đảo, giữa những người bất hạnh mà cha hằng chăm sóc. Chính những tên đại bàng đã kính cẩn an táng và dựng cho cha cây thánh giá này.
Marcel ngừng kể, đăm chiêu nhìn ngôi mộ đơn sơ ở bìa rừng rồi khẽ kết luận: một tấm lòng vĩ đại.
Ngả người trên thảm lá khô, tôi bâng khuâng nhìn ánh sao đêm nhẹ lung linh trên bầu trời nhiệt đới, Gương thánh thiện của cha Pierre hầu như có mãnh lực cảm hóa được bốn tâm hồn đậm nét hận thù và tội lỗi: chúng tôi có cảm tưởng được cứu chuộc và dung thứ. Chắn hẳn, với niềm tin vừa tìm lại được, chúng tôi sẽ vững vàng đối mặt với vô vàn hiểm nguy và cái chết bất chợt đón chờ trong chuyến du hành dài đăng đẳng trở lại với xã hội con người.