Lời Chúa thứ sáu tuần thánh _ các bài suy niệm

CÁC BÀI SUY NIỆM THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Is 52:13;53:12; Dt 4:14-16;5:7-9; Ga 18:1;19:42

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Lễ nghi chiều thứ Sáu Tuần Thánh được đề nghị cử hành vào lúc 3 giờ chiều (đối với những nơi phù hợp), vì theo truyền thống, Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên cây thập giá vào lúc giờ thứ chín (x. Mt 27,45-46). Phụng vụ hôm nay mang màu sắc đau thương, nhưng không hoàn toàn bi thảm, vì thập giá của Đức Giêsu vừa là dụng cụ khổ hình, vừa là cờ hiệu chiến thắng.
Chúa Giêsu đã tự vác thập giá, từ dinh quan Philatô đến núi Canvê. Theo những khám phá từ tấm khăn liệm thành Turinô và những nghiên cứu sử học, thì người bị kết án tử hình phải vác cây gỗ ngang, còn cây gỗ dọc thì đóng sẵn trên đồi. Việc vác cây gỗ ngang nhằm tránh tử tội trốn thoát, đồng thời cũng là một nhục hình để trừng phạt. Truyền thống Giáo Hội diễn tả con đường thập giá của Chúa Giêsu qua 14 hình ảnh được gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá.” Trên con đường này, nhiều biến cố đã xảy đến với Chúa Giêsu. Từ cuộc gặp gỡ với Đức Mẹ đến cuộc gặp gỡ với những người dân thành Giêrusalem. Từ những người ghen ghét chê bai nhạo cười đến những người cảm thương và giúp đỡ. Ông Simon và bà Vêrônica là hai người xa lạ và có địa vị thấp kém trong xã hội, lại là những người giúp Chúa, một người vác đỡ thập giá, một người lau mặt Chúa đang đầm đìa mồ hôi và máu. Trong hành trình thập giá, Chúa ngã ba lần, nhưng Người lại gượng dạy bước đi. Có lẽ, lời nguyện cùng Chúa Cha trong vườn Cây Dầu luôn vang lên trong tâm trí Chúa: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Đó là một cuộc giằng co khốc liệt giữa sự yếu đuối của con người và sự mạnh mẽ của Ngôi Hai nhập thể. Chúa Giêsu đã dứt khoát thi hành ý Chúa Cha, chấp nhận mọi nhục hình và gian nan khốn khó. Thập giá chính là bằng chứng của sự tuân phục và hy sinh của Người.
Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Chúa Giêsu đang nhìn tôi với cái nhìn đầy yêu thương. Trong thinh lặng, Chúa nói với tôi: “Ta tha thứ mọi tội lỗi cho con.” Vì thế, chiêm ngắm Chúa trên thập giá đem lại cho tôi hạnh phúc vì thấy mình được yêu thương. Trong giáo huấn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dạy hãy tha thứ cho kẻ thù. Giờ đây, trên thập giá, Chúa dạy tôi bài học tha thứ. Lúc này, Người thực hiện lời giáo huấn ấy khi xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ hành hạ mình. Biết bao lần tôi cố chấp muốn tự khẳng định vị thế của mình trong gia đình và trong xã hội. Sự cố chấp làm tôi mù quáng, không nhìn ra đâu lẽ phải, không nhận ra ai là anh em. Chúa Giêsu đã tha thứ trong lúc trái tim rướm máu. Điều đó cho thấy, để có thể tha thứ, phải chấp nhận hy sinh. Khi tha thứ, nhiều khi tôi phải chịu tiếng là hèn nhát, có khi tôi phải hạ mình và mất thanh danh. Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, khi tôi tha thứ, chắc chắn tôi tìm được sự an bình thanh thản trong tâm hồn.
Khi chiêm ngắm Đấng chịu treo trên thập giá, tôi nhận ra Người là Con Thiên Chúa. Viên bách quan đội trưởng là người đã tham gia vào vụ hành hình Chúa. Vậy mà vào lúc Chúa tắt thở, ông ta lại nhận ra thân thế đích thật của Người và hô lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Một Thiên Chúa trần trụi, bị khinh khi, khổ nhục và chịu chết vì yêu thương con người. Thập giá dạy tôi một cách nhìn nhận mới về đau khổ: Thiên Chúa đau khổ cho con người hạnh phúc. Người chết cho con người được sống. Như vậy, nếu muốn đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, tôi không thể trốn tránh đau khổ. Muốn yêu Chúa Giêsu, tôi không được khước từ thập giá. Thập giá không có Chúa Giêsu chỉ là một cây gỗ vô hồn; Chúa Giêsu không có thập giá không phải là Chúa Giêsu của Đức Tin.
Khi tôi chiêm ngắm Đấng chịu đóng đinh, tôi thấy những anh chị em Kitô hữu của tôi ở nhiều nơi đang bị bách hại. Chúa nhật Lễ Lá vừa qua (29-3-2015), tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu trên toàn thế giới hãy cầu nguyện cho những tín hữu bị giết tại một số quốc gia trên thế giới. Họ là những thừa sai, những linh mục, tu sĩ và có nhiều tín hữu giáo dân. Họ đã chết chỉ vì một lý do đơn giản: họ là Kitô hữu. Qua Đấng chịu đóng đinh, tôi cũng nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, những người nghèo nàn, bệnh tật, đau khổ. Họ quằn quại trong nỗi đau của kiếp người mà chưa có lối thoát. Chúa Giêsu vẫn đang chịu đóng đinh nơi những người bất hạnh này. Thập giá là lời kêu gọi hãy ngưng bạo lực, hãy xử với nhau cho đúng phẩm giá con người và hãy liên đới nâng đỡ nhau trong cuộc sống.
“Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, tôi thấy Người mời gọi tôi hãy vươn cao, hãy sống cao thượng, hãy hướng về trời. Dù tôi yếu đuối và tội lỗi, tôi vẫn có thể vươn cao, vì Chúa lôi kéo tôi bằng sự trợ giúp thiêng liêng. Tuy vậy, vươn cao để gặp Chúa đòi hỏi nhiều hy sinh. Phải can đảm dứt bỏ những gì đang ràng buộc. “Ai theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Theo Chúa Giêsu là đi trên con đường hy sinh của thập giá. Như thế, thập giá không phải một kỷ niệm vô hồn của quá khứ xa vời, nhưng là chính cuộc sống hằng ngày của tôi. Mỗi ngày sống, tôi đều có cơ hội tiếp cận thập giá, điều quan trọng là thái độ của tôi thế nào trước cây gỗ mà trên đó Con Thiên Chúa đã chịu đau đớn và đã chịu chết vì yêu tôi.
Lễ nghi chiều Thứ Sáu Tuần Thánh nhắc bảo tôi: Thập giá của Chúa cũng là thập giá của tôi. Khi suy niệm mầu nhiệm Mân Côi, thứ bốn của Năm Sự Thương, tôi cầu nguyện: xin cho tôi được vác thánh giá theo chân Chúa. Vâng,“Đây là gỗ thánh giá, nơi treo Đấng Cứu chuộc trần gian!” Tôi đến để tôn kính và thờ lạy. Tôi tin chắc Đấng đóng đinh sẽ ở bên tôi. Niềm xác tín ấy giúp tôi tìm thấy thư thái và an bình.


Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Trong sứ điệp Mùa Chay 2015, Đức Thánh Cha Fancis cảnh báo về lối sống đang diễn ra trong xã hội và thế giới hôm nay. Đó là lối sống dửng dưng vô cảm, thiếu quan tâm đến người khác. Ngài nhắc lại câu chuyện Cain và Abel trong Cựu Ước. Cain vì ghen tỵ, nghĩ là Thiên Chúa thương Abel hơn mình, nên đã tìm cách thủ tiêu Abel. Sau khi gây ra điều ác, Cain lẩn trốn Thiên Chúa, nhưng ánh mắt của Thiên Chúa vẫn dõi theo anh. Chúa hỏi anh: Cain ơi! Em ngươi đâu? Cain đã trả lời hết sức nhẫn tâm: Tôi không biết! Tôi không phải là người canh giữ em tôi!
Đức Thánh Cha cho thấy sự vô tâm, vô cảm đang ảnh hưởng trên nhiều cá nhân. Hơn nữa, nó còn mang tầm mức xã hội, quốc gia và thế giới. Nó thể hiện qua việc con người chỉ lo tìm kiếm phần lợi về cho mình mà không quan tâm đến hậu quả mình gây ra hoặc những điều đang xảy ra cho anh em. Lý do là vì khi con người cảm thấy an toàn, thoải mái trong sự hưởng thụ của mình, thì người ta quên những vấn đề của người khác cùng những đau khổ, bất công mà họ phải chịu… Những lúc ấy, con người rơi vào tình trạng dửng dưng.
Thái độ ích kỷ, dửng dưng trở nên hết sức nguy hiểm khi trở thành một lối sống trong xã hội. Ngày nay, con người tỏ ra dửng dưng với các sự kiện đang xảy ra, coi thường chân lý và sự thật, không lên tiếng phản đối những bất công để bảo vệ công lý. Từ dửng dưng với tha nhân sẽ dẫn đến dửng dưng với Thiên Chúa.
Bài Thương khó hôm nay cho thấy tình yêu hy sinh đến cùng của Thiên Chúa. Vì yêu con người, muốn cho con người hạnh phúc, Chúa Giêsu đã chấp nhận một cuộc hành hình đau đớn và cuối cùng là cái chết nhục nhã trên thánh giá. Cũng qua bài thương khó này, tác giả còn cho thấy sự dửng dưng, vô cảm của con người, của xã hội trước bản án bất công mà giới lãnh đạo đã cố tình áp đặt trên một người công chính.
Trước hết là sự dửng dưng, vô cảm của các môn đệ. Các ông là những người gần Chúa Giêsu nhất, đáng lẽ các ông phải là người hiểu và cảm thông với Chúa hơn mọi người. Thực tế thì ngược lại, các ông chỉ quan tâm đến bản thân, mà không hề đồng cảm với Chúa Giêsu khi Ngài phải đối diện với cuộc thương khó. Trong lúc Chúa đau khổ đến nỗi có thể chết được, thì các tông đồ vẫn còn say trong giấc ngủ, mắt các ông còn mơ màng. Khi Giuda dẫn người Do Thái đến bắt Chúa, Chúa Giêsu hết sức bênh vực cho các tông đồ, Ngài còn đề nghị với chúng: Các anh bắt tôi thì cứ bắt, nhưng hãy để cho những người này đi. Còn các tông đồ như vừa giật mình thức giấc, các ông phản ứng một cách yếu ớt. Cuối cùng, tất cả đều bỏ trốn, mặc cho Chúa Giêsu một mình bị quân dữ bắt trói và lôi đi.
Sự vô tâm của Giuda đã dẫn đến sự nhẫn tâm, tàn ác khi anh ta vì chút ít tiền, đã chấp nhận làm môi giới để quân lính bắt Thầy mình, đẩy Thầy vào con đường chết. Biết trước Thầy sẽ bị bắt, nhưng anh vẫn thản nhiên bước đến chào và hôn Thầy. Cái hôn này không còn là dấu chỉ biểu lộ tình yêu thương nồng ấm, nhưng đã trở thành cái hôn lạnh lùng, thành dấu chỉ của sự phản bội. Việc làm này của Giuda đã góp phần làm tổn thương Chúa Giêsu, làm cho đau khổ của Ngài không chỉ là nỗi đau thể xác, mà còn là nỗi đau thấu trong tâm hồn khi bị phản bội bởi chính người mình yêu quý.
Thứ đến là sự dửng dưng, vô cảm của những người lãnh đạo Do Thái. Thánh Gioan cho thấy, những người lãnh đạo chỉ muốn tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình là loại trừ Chúa Giêsu. Vì thế, họ đã bất chấp công lý, từ chối sự thật. Họ biết rõ Chúa Giêsu không làm gì sai trái. Họ muốn giết Chúa chỉ vì Ngài đã lên tiếng bênh vực chân lý, chỉ ra những sai trái của họ, khiến họ cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, các thượng tế và luật sĩ đã coi mình như những người nắm giữ giáo lý, sở hữu chân lý. Vì thế, họ không chấp nhận một người nào khác nói về Thiên Chúa. Vậy nên khi Chúa Giêsu xuất hiện, Ngài nói về một Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Thiên Chúa nhân từ, thì các thương tế và luật sĩ đã tìm cách loại trừ Chúa. Họ thản nhiên tuyên bố: Nó phải chết!
Từ các thượng tế và luật sĩ, sự dửng dưng vô cảm đã lan truyền đến dân chúng. Trong số những người đứng biểu tình, la hét trước dinh Philatô đòi giết Chúa Giêsu, có nhiều người đã từng biết Chúa Giêsu, nghe Ngài giảng dạy. Thậm chí, nhiều kẻ đã từng được ăn bánh hoặc được hưởng phép lạ Chúa làm cho họ. Thế nhưng, trước dinh Philatô, họ thản nhiên kêu gào: Giết đi! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá! Sự dửng dưng, vô cảm của đám đông dân chúng đã trở thành nhẫn tâm, thành dã man khi họ quyết tâm loại trừ người công chính là Chúa Giêsu để chấp nhận kẻ gian ác là Baraba. Họ chấp nhận từ chối Thiên Chúa để làm nô lệ cho đế quốc khi họ kêu gào: Chúng tôi chỉ có một vua là Cesare! Cuối cùng, họ hồ hởi đi theo để xem một con người chịu đau khổ, bị hành hạ và bị kết án tử hình giống như thể mình là những người vô can. Trong đám đông dân chúng, có kẻ còn buông những lời độc địa, mỉa mai Đấng đã từng làm ơn cho mình.
Con người thường tỏ ra dửng dưng, vô cảm và đối xử nhẫn tâm với nhau, nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế. Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người và những đau khổ của họ. Thiên Chúa đã nhìn thấy con người đang phải đau khổ trong tội và bị kìm hãm, trói buộc bởi ma quỷ. Ngài đã tìm đến với con người, xoa dịu những đau khổ thể xác, chữa trị những vết thương trong tâm hồn và giành lại tự do, hạnh phúc cho con người.
Mặc dù chịu một bản án bất công và dã man nhưng Ngài không một lời than trách. Ngài vẫn tạo những cơ hội giúp con người nhìn lại đời sống và hành động của mình. Ngài đã đặt cho các tông đồ câu hỏi để giúp các ông thức tỉnh: Đến giờ này mà anh em còn ngủ được sao? Ngài cũng hỏi Giuda: Ngươi định dùng cái hôn để nộp con người sao? Trong lúc các môn đệ bỏ trốn hết vì sợ, Chúa Giêsu vẫn nhớ đến các ông và tin tưởng ở các ông. Ngài đã trả lời cho thầy thượng tế rằng: Điều tôi đã nói, ông cứ hỏi những người đã nghe tôi. Họ biết tôi đã nói gì.
Trên cây thập giá, khi bị treo cùng với hai tên trộm, Chúa Giêsu vẫn quan tâm tới lời cầu xin của tên trộm lành: Khi nào về Nước Trời, xin nhớ đến tôi! Chúa Giêsu đã hứa với anh: Ngay hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với tôi. Ngài quan tâm đến những tên lính, vì mệnh lệnh mà hành khổ Ngài, bằng lời cầu xin: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết! Trong giờ phút đau khổ nhất, Chúa Giêsu còn quan tâm đến Mẹ Maria và các môn đệ khi trao phó Mẹ cho Thánh Gioan: Đây là con của Bà và đây là Mẹ con!
Nghe bài Thương khó của chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng: Thiên Chúa luôn quan tâm đến con người, chỉ có con người thường dửng dưng, vô cảm với nhau và dửng dưng, vô cảm với Thiên Chúa. Sự dửng dưng, vô cảm ấy bắt đầu từ lối sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, đến lợi ích cá nhân mà bỏ quên người bên cạnh. Lối sống này cũng đang diễn ra ngay trong các gia đình, khi các thành viên chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến những người khác. Có nhiều người cha, người mẹ hoặc con cái bị bỏ quên trong gia đình, bị gạt ra khỏi sự quan tâm, chăm sóc, có khi còn lạnh lùng gây đau khổ cho nhau. Trong xã hội, nhiều người đã cố tình làm ngơ trước sự dữ, sự ác; nhiều người đã cộng tác với những bất công mà loại trừ những anh chị em đau khổ.
Nguyên nhân sâu xa của lối sống dửng dung này là vì con người dửng dưng với Thiên Chúa, nên họ cũng dửng dưng, vô cảm với anh em. Một khi con người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn mình thì chắc chắn sự dữ và sự ác sẽ đến trong tâm hồn. Một khi trái tim con người đóng kín trước lời mời gọi của Thiên Chúa thì cũng sẽ đóng kín trước những nhu cầu của anh chị em.
Cử hành cuộc thương khó của Chúa Giêsu hôm nay, xin Chúa biến đổi tâm hồn và cuộc sống chúng ta. Xin cho mỗi người trở nên mềm lòng trước tình yêu của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta có một trái tim thật mềm để biết chạnh thương, rung động trước những đau khổ của anh em, và có một tâm hồn thật nhạy bén để biết quan tâm và cảm thông. Amen.
Trầm Thiên Thu
Hôm nay là ngày Đại Tang của Công giáo và của những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Nếu cuộc đời là một bộ phim thì cảnh tượng hôm nay là bộ phim buồn nhất, thê lương nhất.
Cái gì cũng có cái giá của nó,hạnh phúc cũng phải “mua” bằng ít nhiều đau khổ, nhưng không gì mắc bằng “giá máu.” Máu màu đỏ, giúp cơ thể sống: Thiếu máu thì yếu, mất máu thì chết.
Mỗi phút, trái tim của một người trưởng thành, khoẻ mạnh bình thường, đập khoảng 70 lần, mỗi lần đẩy ra 150 ml máu. Mỗi ngày tim đập 105.000 lần và bơm hơn 6.000 lít máu vào các mạch máu dài 96.000 km. Trong suốt đời người, tim lần lượt đập khoảng 3 tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu. Tim và máu liên quan lẫn nhau. Vô cùng kỳ diệu!
Sách ngôn sứ Isaia có bốn “Bài Ca Người Tôi Trung” (Is 42:1-9; Is 49:1-7; Is 50:4-11; Is 52:13-15), nói về nỗi đau khổ của Người Tôi Trung, thế nên cũng gọi là Người Tôi Tớ Đau Khổ.
Bài đọc I trong nghi thức Đại Tang hôm nay là một trình thuật dài. Đây là bài ca thứ tư trong số các “Bài Ca Người Tôi Trung”, và là bài ca dài nhất: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng. Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.” Người Tôi Trung chịu đủ thứ đau khổ, từ tinh thần đến thể lý, và không còn gì là hình dạng một con người nữa! (*)
Sau đó, trình thuật Is 53:1-12 cho biết chuỗi đau khổ nối tiếp của Người Tôi Trung. Ngôn sứ Isaia đã đặt vấn đề: “Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?” (Is 53:1). Vâng, thật không thể tin nổi lại có người chịu nhục hình quá đỗi đến như vậy, và cũng chẳng thể tin nổi lại có những kẻ tàn ác đến thế. Họ không chỉ thay phiên nhau đánh Chúa Giêsu, mà còn đánh hội đồng, đánh không nương tay với những chùm dây da có gắn nhiều cục chì hoặc móc. Kinh khủng vô cùng!
Hôm nay, trước khi hôn kính Thánh Giá, chúng ta hãy lắng nghe thật kỹ chuyện về Người Tôi Tớ Đau Khổ để thấy chính mình trong đó, để thương khóc cho tội lỗi mình, chứ Chúa Giêsu không cần chúng ta khóc thương Ngài đâu!
Người Tôi Trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn, nhưng chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới. Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.
Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa. Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu. Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ. Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.
Nghe từng câu, thấm từng lời, chúng ta sẽ thấy mình khốn nạn, nhưng Chúa Giêsu vẫn chịu tất cả vì yêu chúng ta.
Dù chịu đựng nỗi đau khổ tột cùng, Người Tôi Trung vẫn một lòng thành tín: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín” (Tv 31:2 và 6).
Và dù “nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng” bị “bạn bè thân thích kinh hãi”, dù “ai cũng tránh xa”, hoặc bị lãng quên như kẻ chết không người tưởng nhớ” và “hoá thành đồ hư vất bỏ”, nhưng Người Tôi Trung “vẫn tin tưởng nơi Ngài”, vẫn dám thưa rằng: “Ngài là Thượng Đế của con” (Tv 31:12-15). Số phận có thế nào thì cũng là do Thiên Chúa định liệu, Người Tôi Trung nhất quyết trao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa: “Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ, khỏi người bách hại con. Xin toả ánh tôn nhan rạng ngời trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ” (Tv 31:16-17).
Hôm nay, một lần nữa, chúng ta hãy nhìn lại chính mình, và hãy lắng nghe lời động viên: “Hỡi mọi người! Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!” (Tv 31:25).
Vâng, hãy cậy tin vào Ngài! Thánh Phaolô vừa phân tích vừa động viên: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Dt 4:14-16).
Nói đến đau khổ thì vô cùng, đau khổ quá nhiều, đủ hình dạng, đủ kiểu cách. Gặp đau khổ thì ai cũng sợ, chán ngán hơn bất cứ thứ gì khác, nhưng nếu không có đau khổ, cuộc đời chúng ta sẽ nhàm chán. Thánh Phaolô cho biết: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:7-9). Vâng phục là nhân đức quan trọng, nhưng để học được bài học vâng phục thì phải trả giá rất đắt. Và chính Chúa Giêsu đã phải trả bằng GIÁ MÁU.
Trình thuật Ga 18:1–19:42 như một bộ phim dài, kể từ đêm Vườn Dầu cho tới chiều Đồi Sọ. Trong đó biết bao là tình tiết, nếu làm phim thì phải là bộ phim nhiều tập nói về bi kịch của một Con Người Công Chính – Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Khi ông Giuđa dẫn đầu một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pha-ri-sêu, có vũ trang đầy đủ. Đức Giêsu tiến ra và hỏi họ tìm ai. Họ nói thẳng là tìm Giêsu Nadarét. Ngài nói ngay: “Chính tôi đây.” Nghe vậy, họ lùi lại và ngã xuống đất – trong đó có cả Giuđa. Vậy mà họ vẫn không sợ. Đức Giêsu lại hỏi họ tìm ai. Họ vẫn khăng khăng là tìm Giêsu Nadarét. Đức Giêsu cho họ bắt, nhưng xin không bắt các đệ tử. Thế là ứng nghiệm lời Ngài đã nói: “Những người Cha đã ban cho con, con không để mất một ai.”
Khi đó, ông Phêrô máu bốc tới chỏm đầu, ông liền vung gươm chém đứt tai phải của Man-khô, đầy tớ của thầy thượng tế. Đức Giêsu bảo ông Phêrô xỏ gươm vào bao, vì Ngài chấp nhận uống Chén Đắng mà Chúa Cha đã trao. Rồi họ trói và dẫn độ Đức Giêsu đến ông Kha-nan, nhạc phụ của thượng tế Cai-pha. Ông Phêrô và một môn đệ khác (Gioan) đi theo Đức Giêsu. Người môn đệ này quen biết vị thượng tế nên được vào sân trong của tư dinh. Còn ông Phêrô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phêrô vào. Người tớ gái giữ cổng nhận ra ông Phêrô thuộc nhóm môn đệ, nhưng ông liền chối phăng. Vì trời lạnh, các đầy tớ và thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó, ông Phêrô cũng đứng sưởi với họ.
Thượng tế Caipha tra hỏi Đức Giêsu về các môn đệ và giáo huấn của Ngài, nhưng Ngài nói: “Tôi đã nói công khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi mọi người Do-thái tụ họp. Tôi không hề nói điều gì lén lút. Sao ông lại hỏi tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã nói gì.” Đức Giêsu vừa dứt lời, một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài vì cho Ngài trả lời như thế là vô lễ với thượng tế. Nhưng Ngài hỏi vặn lại: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?.” Tất nhiên họ câm họng. Họ chỉ muốn dùng quyền lực mà thay trắng đổi đen thôi!
Những kẻ thủ ác tội lỗi ngập đầu mà dám xét xử và kết án người vô tội. Chúng ta có như họ? Có đấy. Chúng ta không xét xử Chúa Giêsu nhưng chúng ta xét nét và khinh chê tha nhân, mà ghét người khác tức là ghét Chúa.
Trong khi đó, ông Phêrô vẫn đứng sưởi, chợt có người khác nhận ra ông thuộc nhóm môn đệ của Chúa Giêsu, và ông cũng lại chối ngay lập tức. Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị ông Phêrô chém đứt tai, cũng nhận ra ông Phêrô, nhưng ông vẫn nhất quyết nói không quen với Đức Giêsu. Ngay lúc ấy gà liền gáy. Ông Phêrô giật mình nhớ lại lời Thầy, và ông chạy ra chỗ khác mà khóc òa…
Sau đó, họ điệu Đức Giêsu tới dinh tổng trấn Philatô. Lúc đó trời vừa sáng. Ông Philatô hỏi họ tố cáo Đức Giêsu về tội gì. Họ không trả lời rõ mà vòng vo: “Nếu ông này không làm điều ác thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.” Ông Philatô bảo họ cứ xét xử theo luật của họ, nhưng họ nói rằng họ không có quyền xử tử ai.
Ông Philatô hỏi Đức Giêsu có phải là vua hay không, nhưng Ngài bảo đó là chính Philatô nói, và Nước của Ngài không thuộc về thế gian này, Ngài sinh ra và đã đến thế gian này là để làm chứng cho sự thật. Không biết dốt thật hay cố ý mà ông Philatô đã hỏi: “Sự thật là gì?.” Ngày nay, vẫn có nhiều người cố ý “giả nai” như vậy!
Tục lệ của người Do-thái thường tha một người nào đó vào dịp lễ Vượt Qua. Ông Philatô hỏi họ muốn tha “vua Do-thái” hay không, họ la toáng lên: “Đừng tha nó, nhưng xin tha Baraba!.” Thật tồi tệ, vì Chúa Giêsu đã bị họ ghét còn hơn tên cướp khét tiếng Baraba.
Vì hèn nhát, ông Philatô chiều ý họ mà truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Ngài. Họ kết vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Ngài, và khoác cho Ngài chiếc áo choàng đỏ, rồi vừa mỉa mai vừa vả vào mặt Ngài: “Kính chào Vua dân Do-thái!” (βασιλες τν ουδαίων). Sau đó, ông Philatô dẫn Đức Giêsu ra ngoài cho thấy mà thương, và muốn cho họ biết ông ta không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu. Nhưng vừa thấy Ngài, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!.” Ông Philatô lắc đầu, đành giao Ngài cho họ. Ông Philatô không dám hành động vì công lý, không dám bảo vệ sự thật, không có lập trường. Còn chúng ta? Đã bao lần chúng ta hèn nhát như ông Philatô?
Họ bắt chính Đức Giêsu vác lấy thập giá đến Đồi Sọ, tiếng Do-thái gọi là Gôn-gô-tha. Tại đây, họ đã đóng đinh Ngài vào thập giá. Cùng bị đóng đinh với Ngài là hai tử tội khác.
Trước đó, tổng trấn Philatô đã cho viết một tấm bảng bằng ba ngôn ngữ – Do Thái, Latin và Hy Lạp. Bảng đó ghi rõ: “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” (Ga 19:20). Tiếng Do Thái: תשווע מנצרת, מלך היהודים; tiếng Latin: INRI hoặc IN-RI (Iēsus Nazarēnus, Rēx Iūdaeōrum); tiếng Hy Lạp: ΙΝΒΙ (Ο Ιησούς από τη Ναζαρέτ, ο βασιλιάς των Εβραίων) – và tiếng Anh: Jesus the Nazarene, King of the Jews; tiếng Pháp: Jésus le Nazaréen, roi des Juifs. Tấm bảng này được treo ngay phía bên trên đầu Chúa Giêsu. Họ cũng không muốn viết vậy nhưng ông Philatô quyết không thay đổi. Họ cũng không có ý xác nhận, mà họ có ý mỉa mai. Nhưng, tất cả không ngoài Thánh Ý Chúa.
Đóng đinh Đức Giêsu xong, lính tráng chia nhau y phục của Đức Giêsu. Tay nào cũng hí hửng, cười toe toét, nhưng vẫn không giấu được nét bặm trợn của những kẻ tà tâm. Thiên Chúa vẫn tôn trọng quyền tự do của họ.
Đứng gần Thập Giá có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơlôpát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu đã trao Đức Mẹ cho Gioan, và xác nhận Đức Mẹ là mẹ của Gioan. Sau đó, Đức Giêsu kêu: “Tôi khát!.” Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!.” Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí.
Trời nắng chang chang mà bỗng tối sầm lại, sấm chớp rung động cả đất trời. Nhiều người đấm ngực ăn năn và nhận biết chính tử tội Giêsu là Con Thiên Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ và thương xót chúng con!
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế, họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu, họ thấy Ngài đã chết nên không đánh giập ống chân Ngài, nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.
Sau đó, ông Giô-xếp, người A-ri-ma-thê, cũng là môn đệ theo Đức Giêsu, nhưng cách kín đáo, vì sợ người Do-thái. Ông Giô-xếp và ông Ni-cô-đê-mô hạ thi hài Ngài xuống. Họ lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, theo tục lệ chôn cất của người Do-thái, các ông mai táng Đức Giêsu tại một ngôi mộ trong khu vườn gần đó. Người đời thấy vậy là hết. Chấm hết. Nhưng với Thiên Chúa thì đó lại là một khởi đầu mới của điều lạ mới…
Hôm nay, khi tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu nguyện theo cách của Thánh nữ Bernadette: “Con không xin thoát khỏi khổ đau, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong lúc khổ đau.”
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Ngài, xin tha thứ và giúp chúng con biết đi qua thung lũng đau khổ để có thể tới miền ánh sáng. Xin giúp chúng con biết chết cho tội lỗi mình hằng ngày để sống xứng đáng với Giá Máu của Con Yêu Dấu của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
(*) Xem phim “Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu” có lồng tiếng Việt –
https://www.youtube.com/watch?v=YthiJ07xRAs


Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM:
Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó
trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.
Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan.
Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông.
Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác.
Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động.
Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự.
Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài: “Các anh tìm ai?”
Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9).
Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn,
vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11).
Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn,
chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21).
Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23).
Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng.
Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động.
Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh,
bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do-thái giáo đang ở ngoài dinh.
Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6).
Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xê-da” mà ông đang nắm giữ (19, 12).
Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này.
Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13).
Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37),
một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực.
Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật,
sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên.
“Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14)
và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ:
“Giêsu Nadarét, Vua dân Do-thái” (19, 19).
Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa.
Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.
Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu.
Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất.
Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30).
Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13),
tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34).
Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16).
Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi.
Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp.
Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.
LỜI NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu,
vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,
xin cho những người nghèo khổ được no đủ.
Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,
xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện
với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.
Vì Chúa bị kết án bất công,
xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.
Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,
xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.
Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,
xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.
Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,
xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.
Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,
xin cho đất nối lại với trời,
con người nối lại mối dây liên đới với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,
xin cho chúng con biết đón lấy đời thường
với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.
 Lm Thiện Duy
Kính thưa… Chúng ta vừa đi trên con đường thương khó của Đức Giêsu Kitô theo trình thuật của thánh Gioan. Vì nó dài quá nên chúng ta không thể để ý đến tất cả những chi tiết trong cuộc thương khó của Chúa. Vả lại có những chi tiết mà quyển Tin Mừng này viết, còn quyển kia thì không. Ví dụ chi tiết hai tên trộm cướp cùng bị đóng đinh với CG thì chỉ có một mình Luca tường thuật rõ ràng, còn 3 tác giả kia thì không hoặc chỉ nhắc đến thôi. Tuy nhiên đây là hình ảnh đánh động tôi nhiều vì trong mùa chay năm nay tôi có dịp đọc lại quyển sách “Trên Đỉnh Cao Thập Giá” của ĐHY. Fullton Sheen, và vì nó nằm trong chủ đề sứ điệp mùa chay năm 2012 của ĐGH Ben. XVI, mời gọi chúng ta hãy quan tâm đến nhau, đặc biệt là sửa lỗi cho nhau. Mà muốn sửa lỗi cho nhau thì đòi hỏi mọi người phải nhận biết mình là người tội lỗi, mình cần được sửa lỗi chứ không phải chỉ người khác mới tội lỗi và cần được sửa lỗi.
Có hai con đường đưa người ta đến với Chúa, một là con đường thánh thiện, hai là con đường tội lỗi. Có những người đến với Chúa khi là người nhân đức, ví dụ Đức Maria “đầy ơn phúc”; thánh cả Giuse, “đấng công chính”; Nathanael, “người không gian dối”… Nhưng cũng có những người đến với Chúa khi là người xấu xa, ví dụ Mađalêna, cô gái điếm; Matthêu, người thu thuế; hay tên trộm, cùng chịu đóng đinh với Chúa trên thập giá hôm nay.
1. “Ngài bị liệt vào những kẻ hung ác” (Lc 22,37)
Với cái nhìn bình thường, người ta thường tự hào khi được quen biết với những bậc cao sang vị vọng. Vì vậy họ thường hay ghép mình vào những mối quan hệ đó. Được chụp hình chung với các ngôi sao. Được bắt tay với thủ tướng. Được đi uống nước, ăn cơm với những người nổi tiếng… Còn Thiên Chúa, khi đã trao nộp con mình, tại sao Ngài không để cho Con mình bị án tử hình chung với những người tù chính trị, hay ít ra là những người khét tiếng như Năm Cam chẳng hạn để được nở mày nở mặt một chút? mà Ngài lại để cho Con của mình bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp? 700 năm trước, tiên tri Isaia đã nói tiên tri về việc Chúa bị liệt vào những kẻ bất lương, còn thánh Luca thì cho biết: “Ngài bị liệt vào hàng những kẻ hung ác” (Lc 22, 37). Thực vậy, khi đến trần gian này, CG đã đồng bàn với những kẻ tội lỗi, bạn bè với quân thu thuế. Người ta nói: “Hãy cho tôi biết bạn bè của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh hay anh là người như thế nào.” Điều này không thể áp dụng cho CG, vì Ngài là Thiên Chúa nhưng ở giữa bọn đạo tặc; Đấng Cứu Thế nhưng ở giữa những người tội lỗi. Điều đó cho chúng ta thấy: cái làm cho chúng ta nên cao cả không hệ tại chúng ta là gì, mà hệ tại ơn thánh Ngài ban cho ta.
2. Tại sao người tội lỗi được tha thứ?
 Tại sao tên trộm được ơn cứu độ ngay trên thập giá, hay nói ví von theo lời của ĐHY. Fullton Sheen là “Tên trộm này đến chết vẫn còn hành nghề đạo chích, vì đến lúc chết, còn ăn trộm được thiên đàng”? Mặt khác, tại sao CG lại nói với những người biệt phái và Pharisêu: “Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào thiên đàng trước các ông”? Tại sao CG lại gọi những người được xem là đạo đức thánh thiện bằng những danh từ: “Nòi rắn độc”, “Mồ mả tô vôi”? Tại sao Chúa lại dùng những lời lẽ cứng rắn với họ như vậy, trong khi lại từ tốn, nhẹ nhàng, êm dịu đối với người phụ nữ có 5 đời chồng, với tên thu thuế Matthêu và người trộm lành hôm nay?
Thưa vì những người tội lỗi có nhiều khả năng ăn năn trở lại hơn những người tự mãn về chính mình.Vì cái trống rỗng của tâm hồn tự nó là cơ hội để tiếp nhận lòng thương xót của Chúa; và sự chán chường về chính bản thân của mình là bước đầu của sự ăn năn hối cải, vì chán chường là dấu chỉ tính kiêu ngạo đã bị chết. Người ta sẽ trở về với Chúa không phải vì họ đạo đức, mà vì họ biết mình tội lỗi.
3. Mất ý thức về tội
Nếu người ta ý thức mình tội lỗi thì người ta sẽ dễ quay trở lại và được ơn tha thứ. Chúa chờ đợi điều đó! Nhưng điều đáng nói là có những người không ý thức về tội lỗi của mình, nên họ không thấy cần phải quay trở lại với Chúa, vì vậy mà họ không thể được ơn tha thứ. Có một tác giả nói rằng: “Ở trần gian này có một điều xấu xa hơn tội, đó là không công nhận tình trạng tội lỗi của mình.” Chúng ta không còn xa lạ gì với kiểu nói của những người khi chúng ta khuyên họ đi xưng tội, họ nói tội gì đâu mà xưng; hay bảo họ giao hòa với Chúa, họ nói tôi có làm gì phiền Chúa đâu, tôi để Chúa yên, tại sao Chúa không để tôi yên? Tại sao họ lại nói như vậy? Thưa bởi vì họ đã tự coi mình là chúa, thì kêu họ đi giao hòa với Chúa, điều đó thật là ngớ ngẩn. Cũng giống như những người bệnh đến mê sảng, thì họ sẽ dần dần mất ý thức về căn bệnh của mình. Khi nào người ta không còn tin mình luôn tốt lành thánh thiện, và bắt đầu công nhận sự tệ hại, xấu xa của mình, là lúc người ta bước vào con đường của người trộm lành để hối cải. Cũng như khi biết mình bị bệnh người ta mới đi chữa trị.
Nói tóm lại, Đức Giêsu Kitô đã tự liệt mình vào hàng tội nhân để nâng tội nhân lên làm thánh nhân, nhưng với điều kiện là họ phải ý thức thân phận tội lỗi của mình để được Chúa cứu. Điều đó đã được một trong hai tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa thực hiện, vì vậy mà Chúa Giêsu đã nói: “Ngay hôm nay, ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.”
4. Thông điệp từ thập giá
Ý thức được điều đó, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình để quay trở về với Chúa. Đừng kiêu ngạo mà cho rằng mình không làm gì sai trái nên không cần phải ăn năn sám hối. Thứ Sáu Tuần Thánh hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá để thấy được tội lỗi của nhân loại và của từng người chúng ta. Nhưng đừng dừng lại ở Thánh Giá mà từ Thánh Giá hãy bước đến tòa giải tội, vì đó là thông điệp từ thập giá: “Người đã bị liệt vào hàng tội lỗi” để đồng cảm và tha thứ cho họ. Đó cũng là điểm thực hành mà Giáo Phận Cần Thơ mời gọi chúng ta sống trong năm nay, sống Bí Tích Giải Tội.
Sống BTGT không chỉ đơn thuần là việc đi xưng tội, mà hơn thế nữa là có những giây phút để nhìn lại một ngày sống của mình, những điều mình đã hành xử với anh chị em, với những người xung quanh; hoặc sự giả dối của chính bản thân mình, có thể che mắt người khác chứ không thể che được cái nhìn của Chúa. Sống BTGT còn là biết đón nhận những lời góp ý chân thành của người khác, đôi khi đụng chạm đến tự ái của chúng ta… Đó là thông điệp từ thập giá mà CG muốn gởi đến chúng ta trong ngày hôm nay, khi Ngài chấp nhận chịu đóng đinh giữa hai người trộm cướp. Đó cũng là tất cả tâm tình của tôi muốn chia sẻ với anh chị em trong ngày thứ sáu hôm nay, nhất là những người tội lỗi, vì anh chị em và cả tôi nữa là những người được Chúa yêu thương.
Xin ơn Chúa giúp qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, thánh cả Giuse cho chúng ta ý thức được thân phận yếu đuối tội lỗi của mình để luôn biết sống khiêm tốn hầu có thể “ăn trộm” được thiên đàng như người trộm lành hôm nay.
1. “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (Lc 23, 34).
Câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu trên thập giá là lời tha thứ, lời của một trái tim chan chứa yêu thương. Chúa chịu chết để mong xóa đi mọi tội lỗi của ta, để ta được nên tinh tuyền và thánh thiện nhờ tình thương của Ngài (Ep 1, 4). Dù tội lỗi của chúng ta có lớn lao đến mức độ nào chăng nữa thì cũng nằm trong tình yêu thương tha thứ của Ngài.
Trái tim biết tha thứ là trái tim của TC: một trái tim chấp nhận rỉ máu vì yêu thương để làm nên một cuộc sống mới.
Chúa tha thứ cho chúng ta cũng là mong chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau (Lc 6, 37; Mt 6, 14-15). Không có gì là không thể tha thứ được với một tâm hồn muốn sống trong hạnh phúc yêu thương, như Chúa đã yêu thương ta.
2. “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
Chúa chết đi là để trao ban Thiên đàng cho người tội lỗi biết thật lòng ăn năn sám hối. Chúa mong muốn cứu rỗi ta còn hơn chính ta mong muốn. Hãy nói lên tiếng nói đón nhận Ngài từ chính con tim mình, để Ngài có thể trao ban cho ta tất cả.
Dù đang phải khốn khổ, nhưng người trộm lành vẫn biết hướng đến nỗi khốn khổ của người bên cạnh. Tấm lòng nhân ái đó đã giúp ông nhận ra Chúa Giêsu, Đấng biến nỗi đau thương của ông thành vinh phúc ngàn đời.
Một cách nào đó Chúa cũng đang chịu đau thương cùng với chúng ta, bên cạnh chúng ta. Đừng quay quắt với những nỗi đau của mình, nhưng hãy bước ra khỏi chính mình để nhìn xuống với tâm tình cảm thông với anh em, và nhìn lên với tấm lòng cậy trông vào Chúa.
Điều quan trọng không phải là những lỗi lầm, nhưng sự nhận thức và thái độ phía sau những lỗi lầm mới là đáng kể. Mọi sự đều tùy thuộc vào tấm lòng. Giữa những đau thương ta cần có được tấm lòng chân thật và khiêm tốn như người trộm lành.
3. “Thưa Bà, đây là con của Bà.”(Ga 19, 26).
Qua Thánh Gioan, Chúa trối phú ta làm con Đức Maria, một người nữ tuyệt vời có một không hai trong nhân loại. Mẹ là kho tàng thiêng liêng vô giá mà TC đã làm nên cho con người, là tình yêu thẳm sâu và cao quí nhất của Chúa Giêsu mà Ngài trao lại cho ta. Hãy đón nhận ân ban bao la này với lòng cảm mến chan chứa suốt cuộc đời ta.
Qua Chúa Giêsu tử nạn, Mẹ sinh ra ta bằng máu lệ trong đau đớn nhục nhằn, trong trái tim bị đâm thâu tan vỡ, để cho ta một đời sống mới trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Hãy phó thác tất cả cuộc sống cho Mẹ với lòng tin tưởng và tha thiết mến yêu.
Từ nay, trên con đường bước đi theo Chúa với những vui buồn có Mẹ có con, sướng khổ Mẹ con chia sớt. Có Mẹ là có tất cả những gì con mơ ước. Với Mẹ mọi sự đều có thể. Nơi Mẹ mọi cái nơi con sẽ được tinh luyện trong sáng. Vì Mẹ con vui bước dấn thân sống cho mọi người. Trong Mẹ con tiến vào cõi hạnh phúc ngàn thu cùng với Chúa Giêsu.
4. “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).
“Eli! Eli! Lamma sabacthani?.” Tiếng kêu than này trong ngôn ngữ Do Thái phô diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện: Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa dường như đã không còn là TC nữa khi Ngài bị tước đoạt trần trụi vì tội lỗi chúng ta. Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn: bị loài người từ bỏ không nói chi, nhưng dường như bị TC từ bỏ. Thiên Chúa vẫn có đó như mặt trời vẫn soi sáng ở không trung, nhưng áng mây đen dầy đặc của tội lỗi nhân loại đã che kín sự hiện diện của Ngài. Dù còn những người thân yêu đứng bên cạnh, nhưng sự hiện diện của họ chẳng thể bù lấp phần nào sự cảm nhận trống vắng TC trong tâm hồn. Điều đó cho hiểu rằng, khi con người đánh mất TC là niềm ủi an duy nhất của đời mình thì tình trạng sẽ ra kinh khủng như thế nào.
Trong nỗi đớn đau và cô đơn khủng khiếp Chúa Giêsu đã đền tội cho 3 hạng người: hạng người từ chối TC; hạng người nghi ngờ sự hiện diện của TC; hạng người lãnh đạm với TC. Cả 3 hạng người này đều hiển hiện một cách nào đó trong lối sống của mỗi người, và hậu quả bi thảm của nó mang tính cách nền tảng nhân sinh:
- Khi từ chối TC, đời sống của con người trở thành hư vô, và mọi sự trong đó chỉ còn phi lý và vô nghĩa, “cuộc đời đáng nôn mửa” (Jean Paul Sartre).
- Khi nghi ngờ sự hiện diện của TC, con người trở nên nghi ngờ chính mình; không thể thiết lập tương quan với TC thì tương quan với tha nhân chỉ còn là vá víu; ý nghĩa và giá trị cuộc sống bị lung lay; bản thân con người dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành.
- Khi đã lãnh đạm với TC thì cuộc sống và mọi cái trong đó đều trở nên trơ trọi. Trong sự lãnh đạm đó, tình yêu không thể phát sinh, nên hạnh phúc cũng không thể thành hình. Trong tâm trạng đó mọi cái đều trở nên vô hồn, hoang vu và trống rỗng, và cuối cùng, con người là sự bế tắc cho chính mình. Chính vì thế mà tiếng kêu than của Chúa Giêsu đã vang lên từ trong cô đơn sâu thẳm của lòng người, cho con người và vì con người.
5. “Tôi khát” (Ga 19, 28)
Trong đau đớn và tủi nhục, trong sầu thương và cô đơn tận cùng, Chúa Giêsu khao khát tình yêu. Chúa muốn nhận chịu tất cả vì tình yêu. Dù biết rằng yêu là chấp nhận tang thương, đổ máu, Chúa cũng vẫn tha thiết yêu cho tới cùng, vì con người là chóp đỉnh công trình tình yêu của Ngài: “Vì Ngài mà muôn vật được tạo thành.”
Mỗi người chúng ta nằm trong cơn khát của Chúa Giêsu. Tình yêu Ngài đã trút cạn cho ta, nên Ngài khao khát chính ta. Ngài đang chờ trái tim ta mở rộng cho nỗi khao khát của tình yêu Ngài. Lạ lùng thay! một Thiên Chúa lại khát khao con người. Đó là điều không thể tưởng, nhưng có thật, cũng giống như mầu nhiệm Chúa làm người.
Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Tình Yêu là cơn khát khôn nguôi, là dòng chảy khôn xiết, là sức mạnh khôn lường, là sự da diết khôn tả. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là như thế trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Có điều trớ trêu thay, nhiều khi chúng ta không dám tin là như vậy, nhưng thực sự mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa là như thế. Hãy tin! hãy cảm thụ cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá từ chính trái tim mình, để ta không còn sống bâng quơ và hững hờ trước ngọn lửa tình yêu đang bốc cao như thiêu đốt chính Ngài trong cơn khát vô cùng.
6. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30)
Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình, mỗi tội phạm vẫn là một Thập Giá mới treo thân Chúa não nề.
Con người và thập giá là hai hình ảnh không thể tách rời trong cuộc sống nhân loại. Ngày nào con người còn là thập giá còn. Con người không thể coi thập giá như sự đối chọi nghiệt ngã của đời sống mình, nhưng phải coi như một sự tương tác để tồn tại và hình thành chính mình trong một sự sống mới mà Chúa Giêsu đã làm nên. Con người và thập giá, tuy không tương đồng tương ứng, nhưng tương khắc tương sinh theo cách thức của TC.
Chúa Giêsu đã rời khỏi thập giá để cho ta bước lên, không phải thập giá của hận thù nhưng là thập giá của tình yêu, không phải thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn nhưng là thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của TC. Đó là thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của chiến thắng và vinh quang, vì được hiến thân cho người mình yêu. Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu không có ngày thứ sáu thụ nạn, sẽ chẳng bao giờ có Chúa nhật phục sinh; không có tủi nhục thì không có vinh quang; không có chiến đấu thì không có chiến thắng; không có khao khát thì không có no thỏa; không dám chết thì không thể sống lại. Chúa sẽ thực hiện và bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại lo sợ khi mình đang được yêu.
7. “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc, 23, 46)
Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).
Tâm tình hiếu thảo của Chúa Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha. Tình thâm nghĩa thiết thật cao dày khôn sánh, đẹp quá tình nghĩa Cha Con thật thắm thiết đậm đà. Cha được rạng rỡ nơi Con, Con được tôn vinh nơi Cha, và Thánh Thần là Tình Yêu kết nối trong sự hiệp thông duy nhất. Nhiệm cục cứu độ là công trình tình yêu của TC Ba Ngôi muốn kết hiệp mọi người nên một trong sự sống Thần Linh Thiên Chúa bây giờ và mãi mãi.
Nhờ Chúa Giêsu, con xin phó thác cuộc đời con vào lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin yêu, thờ lạy và cảm tạ đến muôn đời. Amen.
LM Thái Nguyên
Hôm nay, một hình dáng xù xì, khẳng khiu, vươn cao lên, xòe rộng ra, ôm lấy chúng ta, bao phủ chúng ta, đó là bóng Cây Thánh Giá của Chúa Giêsu Kitô.
Thập giá và Thánh Giá khác nhau một trời một vực: thập giá là do lòng hận thù độc ác của loài người sản xuất ra, còn Thánh Giá là do lòng yêu thương vô bờ vô bến của Thiên Chúa sáng tạo nên.
Trước khi trở thành Thánh giá, thập giá là hai miếng gỗ sù sì, trần trụi, gồ ghề, nặng nề, bắt chéo vào nhau như một hình chữ thập, dùng để giết người một cách rất dã man.
Thập giá là hình khổ kinh khủng nhất, do người Rôma độc ác bày ra để hành hạ và giết chết những kẻ phản loạn, những người nô lệ, những ai bị họ đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Thập giá ghê tởm nầy, cách đây hơn 2000 năm, đã được Chúa Giêsu vác lên Núi Sọ và bị đóng đinh chết vào đó. Và kể từ đó, kể từ khi Con Đức Chúa Trời chịu đóng đinh chết tất tưởi trên thập giá, thì thập giá đã trở thành Thánh Giá lạ lùng. Lạ lùng đến nỗi loài người không thể nào hiểu được và không thể nào cắt nghĩa được!
Trước, thì thập giá quá đên tối, quá kinh tởm, quá tủi nhục; nay, thì Thánh Giá quá sáng chói, quá hấp dẫn, quá cao sang.
Trước, thì thập giá chỉ có mặt nơi tử địa, nơi pháp trường, nơi những chổ đê hèn nhục nhã; nay, thì Thánh Giá có mặt khắp nơi, nơi trang trọng nhất, nơi cao sang nhất.
Trước, thì thập giá bị chối từ, bị nhờm gớm; nay, thì Thánh Giá được ôm ấp, được ao ước, được mang nơi ngực, được đeo nơi cổ, được hôn kính dấu yêu.
Trước, thì thập giá được làm bằng lọai gỗ sần sù, lởm chởm; nay, thì Thánh Giá được làm bằng vàng, bằng bạc, bằng mọi thứ kim loại đắc giá nhất trên đời nầy.
Vì sao người công giáo chúng ta lại dành cho Thánh Giá một địa vị vô cùng đặc biệt như thế? - Vì trên Thánh Giá, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, vì yêu thương loài người quá bội, nên đã nộp mình chịu chết để cứu chuộc loài người, để cho loài người được sống.
Nhìn lên Thánh giá, người Công Giáo chúng ta thấy hai chữ ĐAU KHỔ.
Trên thánh giá, Chúa Giêsu nếm chịu mọi nỗi đau khổ:
- đau khổ vật chất (bị lột hết áo quần ra, không một mãnh vải che thân );
- đau khổ thể xác (từ trên đỉnh đầu cho đến dưới bàn chân, chẳng chổ nào là chẵng xể xài rách nát, cùng bày xương ra...);
- đau khổ tinh thần (bị sĩ nhục, bị bỏ vạ, bị cáo gian, bị chửi rủa thậm tệ);
- đau khổ tâm hồn (thấy trước đủ mọi tội lổi tầy trời của loài người chống lại Thiên Chúa, thấy trước mọi vong ân bội nghiã của loài người đối với Thiên Chúa );
- đau khổ tình cảm (thấy những người thân yêu, nhất là Mẹ yêu dấu của mình, đang ở dưới chân mà không an ủi gì được).
Nhìn lên Thánh Giá, người công giáo chúng ta thấy hai điều trái ngược: Đấng vô tội, lại bị vu cáo; Đấng công chính, lại bị kết án; Đấng vô cùng thánh thiện, lại bị đày ải; Đấng cao sang vô cùng trên trời dưới đất, lại bị hành hạ, bị đóng đinh chết; Đấng toàn năng, phép tắc vô cùng, lại bị sĩ nhục; Đấng giàu có vô cùng, lại bị trần truồng nhuốc hổ; Đấng sáng láng vô cùng, lại bị tối tăm vây phủ; Đấng là sự sống, thì nay lại tắt thở và chết.
Nhưng, sau khi nếm cái chết chẳng đủ ba ngày, Chúa Giêsu sống lại, đánh bại tủ thần, và ban cho những ai biết đi theo Ngài trên Con Đường Thánh Giá và bằng lòng chết với Ngài trên Cậy Thánh Giá, được sống lại và sống muôn đời.
Đối với người công giáo chúng ta, Thánh Giá của Chúa Giêsu là nguồn hy vọng rạng ngời, là nguồn hạnh phúc vô biên.
Người công giáo chúng ta tung hô Thánh Giá là Cây cứu chuộc muôn dân đặng rỗi, là Cây làm cho kẻ có phước được phần vui mừng, là Cây làm cho kẻ có tội được lòng trông cậy, là Cây làm cho kẻ yếu đuối được nhờ sức mạnh, là Cây làm cho kẻ khốn nạn được sự an lành, là Cây tốt lành rất mực, diềm dà im mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn hỏa hình; là gươm giáo dẹp giặc linh hồn, khử trừ đánh diệt tam cừu oan gia, sát phạt tà ma, thịt mình, thế tục; là chìa khóa mở cửa thiên đàng, đưa chúng ta vào nơi Quê Thật.
Thánh Giá gồm những mầu nhiệm cao siêu nhất trong Đạo Công Giáo: Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Mầu Nhiệm Ngôi Hai Xuống Thế Làm Người, Mầu Nhiệm Thiên Chúa Cứu Chuộc Loài Người.
Thánh Giá dạy người công giáo những bài học mà Chúa Giêsu đã truyền dạy phải sống và thi hành:
Hình thẳng hướng lên: Người Công Giáo hãy sống mến Chúa!
Hình ngang: Người Công Giáo hãy sống yêu người!
Tay Chúa giăng ra: Người Công Giáo hãy rộng mở đôi tay đối với mọi người, không xua đuổi ai. Người Công Giáo hãy tha thứ mọi xúc phạm của người khác đối với mình, không loại trừ xúc phạm nào.
Tay Chúa bị đóng đinh: Người Công Giáo hãy dùng đôi tay để cầu nguyện, lao động, giúp đỡ, bố thí. Người Công Giáo hãy đền tội cho đôi tay của mình là đôi tay thường biếng nhác, cắp trộm, đánh đập kẻ khác, dâm ô hèn hạ.
Chân Chúa bị đóng đinh: Người Công Giáo hãy dùng đôi chân để đi Nhà Thờ, đi làm việc đạo đức bác ái, đi làm việc hữu ích. Người Công Giáo hãy biết đền tội cho đôi chân của mình là đôi chân thường đi vô ích, đi đến nơi tội lỗi, đi đến với kẻ phạm tội.
Tim Chúa bị đâm thủng: Người Công Giáo hãy thắp lửa mến Chúa và yêu người trong trái tim của mình. Người Công Giáo hãy tắt lửa dục tình trong lòng mình. Người Công Giáo hãy biết ăn năn thống hối về những tội mình đã vô tình và vô ơn đối với Chúa.
+++
Người Công Giáo chúng ta hãy đặt Thánh Giá nơi chỗ cao trọng nhất trong nhà mình!
Người Công Giáo chúng ta hãy đeo Thánh Giá trên ngực là nơi đầy ý nghĩa nhất trong con người của mình.
Người Công Giáo chúng ta hãy làm Dấu Thánh Giá trên con người của mình, làm một cách nghêm trang, sốt sắng, và làm cho ra Một Hình Thánh Giá cân đối.
Người Công Giáo chúng ta hãy năng nhìn lên Thánh Giá để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu đang đau khổ vì tội lỗi của loài người. Thánh Casimirô, mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, là mỗi lần ngài cảm động và rơi lệ.
Người Công Giáo chúng ta hãy luôn mang Thánh Giá trong tâm hồn mình để tỏ lòng yêu mến Chúa Giêsu, luôn mang Thánh Giá trong đầu óc mình để suy niệm về tình Chúa Giêsu yêu thương loài người..
Và nhất là, trong cuộc sống của mình, người Công Giáo chúng ta hãy luôn sống và thực hành những bài học của Thánh Giá Chúa Giêsu. Amen.
Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang
(Is 52, 13-53)
Thưa quí vị.
Năm nay tôi chọn viết suy niệm về vai trò người tôi tớ trong sách tiên tri Isaia. Người tôi tớ này kích thích nhiều suy tư của các nhà chú giải. Người thì cho chỉ có một nhân vật tôi tớ, tác giả khác lại đưa ra ý kiến có nhiều, thậm chí cả một dẫy dài, kẻ khác chủ trương có một, nhưng trong ý nghĩa tập thể, tức đại diện cho toàn dân Israel! Theo nguyên văn thì khó xác định ai đúng, ai sai. Trong Isaia có bốn bài ca về người tôi tớ. Bài đọc hôm nay là bài ca số 4.
Tác giả John Mc Kenzie, dòng Tên, trong cuốn Từ điển Thánh kinh nói rằng từ “tôi tớ” có nghĩa rất rộng. Nó ám chỉ nô lệ hạng sang như khi nói: “Thần là nô lệ của nhà vua.” Rõ ràng một tước vị thuộc hàng khanh tướng. Ngược lại, người ta cũng có thể dùng để nói nhún nhường như Moisen, David được gọi là tôi tớ Đức Chúa. Các ngôn sứ cũng thường được dùng trong nghĩa này. Dân tộc Do thái được gán danh hiệu “tôi tớ” khi đối chiếu với toàn thể thế giới. Đây là ý nghĩa sứ mệnh của dân Israel. Như vậy từ “tôi tớ” được gán khi ai đó là “dụng cụ” Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu độ. Trong dòng văn của ngôn sứ Isaia, từ tôi tớ không bao hàm chức Thiên sai. Nhưng từ đầu Hội thánh, chữ này được áp dụng cho Chúa Kitô chịu thương khó, bài đọc hôm nay chẳng hạn. Đoạn văn này và nhiều đoạn văn tương tự được các Hội thánh tiên khởi sử dụng để đối phó với việc Chúa Giêsu gặp thất bại, bị khước từ, khổ nạn và cái chết nhục nhã.
Các bài thơ người tôi tớ được Tân ước trích dẫn rõ ràng hoặc chỉ qui chiếu gián tiếp. Thí dụ, trong các trình thuật về phép rửa của Đức Giêsu hoặc lễ biến hình. Nếu chúng ta đổi từ Con sang từ tôi tớ của lời phán bởi trời thì chúng ta có được hầu như nguyên văn Isaia 42,1. Quan niệm về cái chết cứu độ của người tôi tớ trung tín trong Isaia ảnh hưởng trực tiếp đến giọng văn của Tân ước mô tả cuộc đời và sự nghiệp của Chúa Giêsu. Nội dung đoạn văn chúng ta đọc hôm nay cũng là căn bản giáo lý của Hội thánh về vai trò Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi. Như vậy chúng ta thấy có hai vế song hành: Người tôi tớ Giavê đối với dân tộc Israel giống như Chúa Giêsu đối với Hội thánh. Chúa Giêsu chịu khổ nạn để thánh hoá giáo hội thì người tôi tớ Cựu ước cũng phải chịu bầm dập để làm cho dân Do thái trong sạch, nên thánh. Ngày nay hình ảnh tôi tớ Giavê vẫn được sử dụng để minh hoạ cho việc Chúa Giêsu tiếp tục chịu đau khổ trong các chi thể Hội thánh để làm cho Hội thánh được thanh sạch.
Mở đầu của bài đọc 1 hôm nay là: “Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật và được suy tôn đến tột cùng.” Xin nhớ rõ điều này, bởi lẽ những dòng tiếp theo thật u ám. Một bản mô tả rất sống động về sự thất thế, đau khổ cũng của người tôi tớ đó. Ông sẽ không còn được nhận ra nữa: “Khi thấy tôi trung của Ta, mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa.” Mọi người ngoảnh mặt đi chẳng dám nhìn người tôi tớ đau khổ. Điều gây sửng sốt nhất là hình phạt này xem ra là do Thiên Chúa gây nên. Xưa nay vẫn giải thích như vậy. Thực thế bản văn có một câu làm tôi lưu ý mãi: “Đức Chúa hài lòng khi thấy người bị nghiền nát trong yếu đuối.” Đức Chúa này là Thiên Chúa nào mà lại hài lòng vì người vô tội bị nghiền nát?
Chắc chắn khi nghe đọc đến đây, nhiều thính giả lương thiện sẽ nghĩ trong lòng “Ông Trời đáng ghét của Cựu ước.” Nhưng nhìn kỹ hơn vào toàn thể bài ca thì đoạn văn này được viết dưới dạng kịch nghệ. Tức có sự thay đổi về người nói. Khởi đầu thì Thiên Chúa nói, sau đó đến các khách bàng quan bàn tán khi quan sát người tôi tớ trong khổ đau. Đối với những người này thì rõ ràng Thiên Chúa đang nghiền nát người tôi tớ vô tội. Chuyện này giống như khi chúng ta kêu ca về những đau đớn của mình: “Chúa thử thách đức tin của tôi quá sức chịu đựng. Thật ngã lòng, chẳng thể còn kiên nhẫn hơn nữa.” Đúng vậy, thượng đế đã đẩy người ta đến bờ vực thẳm của thất vọng?
Rồi thay đổi vai trò của khách bàng quan: Họ cố gắng tìm hiểu căn do sự đau khổ của người tôi tớ, và khám phá ra rằng chính vì tội lỗi của mình mà người tôi tớ phải chịu cực hình. Thật là điều gây ngỡ ngàng hết cỡ. Ông ta chịu đựng đau khổ để cứu chuộc thiên hạ. Họ đã sai lầm khi lên án ông, coi ông như kẻ có tội. Họ ăn năn hối lỗi, thú nhận sai lầm của mình. Sự thật là người tôi tớ đã gánh lấy tội thiên hạ và chính họ là những kẻ được hưởng sự tha thứ của Thượng đế: “Tôi trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.”
Do đó, ý muốn của Đức Chúa Trời là tội lỗi nhân loại được tẩy sạch nhờ đau khổ và cái chết của người tôi tớ. Đúng là một màu nhiệm. Đường lối suy nghĩ của chúng ta hoàn toàn phá sản, bởi lẽ công việc vĩ đại như xoá tội trần gian lại không theo quy trình quyền lực bình thường kiểu mọi người mong đợi. Thay vào đó, trong người tôi tớ, Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta gương khiêm nhường, nhịn nhục của một nhân vật yếu đuối, dễ bị tổn thương, một dấu chỉ của sự chống đối. Cho nên chẳng lạ gì các tác giả Tân ước sử dụng những bài ca này để nói về Chúa Giêsu và lòng nhân từ, thương xót của Đức Chúa Trời. Thí dụ, thánh Phaolô nhiều lần đã chỉ ra cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô khi Ngài bị dân Do thái khước từ, chối bỏ. Chính trong công việc này mà nhân loại được lợi không kể xiết. Tác giả thơ Do thái cũng thường khích lệ độc giả của ông không nên hổ thẹn vì thập giá Đức Ki-tô, ngược lại “hãy mạnh dạn tiến lại gần Ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” Bởi lẽ Thiên Chúa đã cho phép Đức Giêsu, người tôi tớ, chia sẻ những yếu hèn và đau khổ với nhân loại. Cho nên quan niệm về “ông Trời đáng ghét của Cựu ước” là sai lầm. Chính qua người tôi tớ khiêm nhường mà Thiên Chúa mặc khải gương mặt yêu thương, nhân từ của Ngài.
Người tôi tớ Giavê đứng làm trung gian cho cả Thiên Chúa và loài người. Một sự tổng hợp kỳ lạ giữa thần linh và nhân loại. Ông là đại diện cho thần linh, đứng về phía Thiên Chúa, Ngài gọi ông: “Tôi tớ của Ta.” Trong ông, ý muốn của Đức Chúa hoàn toàn được thành tựu. Ông cũng đại diện cho nhân loại tội lỗi, mặt mày tan nát, chịu khổ đau đến cùng cực, chịu chung số phận với loài người, đồng hoá với anh em mình. Chúng ta nhìn nơi ông hành động của thượng đế trên nhân loại và vì nhân loại. Chính trong nơi người tôi tớ mà chúng ta cảm thấy được Thiên Chúa cứu độ.
Nhưng người tôi trung cũng có tham gia phần của mình vào cuộc đau khổ mà Thiên Chúa đã chỉ định cho ông. Ông đồng ý với chương trình của Đức Chúa, gánh chịu hậu quả của tội lỗi người khác, vâng lời Thiên Chúa cho đến mức bằng lòng chịu chết thay cho thiên hạ. Ông là một nhân tố tự do và tự nguyện, không ai ép buộc ông, nhưng hoàn toàn hiến dâng cho Thượng đế. Đây là một sự cộng tác lạ lùng giữa Thiên Chúa và nhân loại để mưu ích cho loài người. Kết quả là một công trình vĩ đại. Bởi người tôi tớ đã “xoá tội trần gian và tranh thủ được ơn tha thứ cho những kẻ xúc phạm.” Ai đã thi hành cuộc hy sinh? Thiên Chúa hay người tôi tớ? Câu trả lời là cả hai. Thiên Chúa đã hy sinh người tôi trung. Người tôi trung đã bằng lòng hiến tế. Trường hợp của Abraham và người con duy nhất Isaac. Trong văn bản, kẻ có lỗi dùng ở đại từ “chúng ta”: “Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta… Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội… Chúng ta đã đi lạc như chiên cừu v.v…” Hoá ra người tôi tớ này không phải là kẻ phạm tội. Đau khổ của ông có mục đích duy nhất là thức tỉnh ý thức tội lỗi của nhân loại!
Tóm lại, Thiên Chúa toàn năng có thể đổi ngược những tình huống vô vọng. Điều chúng ta bất lực, thì Ngài làm được dễ dàng. Trước mắt thiên hạ, người tôi tớ vô tội và nín tiếng bị những kẻ gian ác tố cáo bất công, lôi đi hành hạ, trừ khử, mai táng. Ông ta hoàn toàn thất bại và rơi vào quên lãng, quá khứ. Nhưng Thiên Chúa đã nâng ông trỗi dậy, thành công hiển hách. Đấng khởi sự nói và ban lời đoan hứa trong bài đọc hôm nay chính là thượng đế, Tạo hoá dựng nên muôn loài muôn vật (51, 9-10). Đấng ấy đã giải cứu Israel khỏi kiếp nô lệ Ai cập, dẫn đưa họ qua Biển đỏ khô chân, gây dựng họ từ chỗ ô hợp thành một dân tộc. Trong tay Ngài bây giờ là người tôi trung đã chết, chỉ có Ngài mới làm được cho kẻ qua đời sống lại. Hiện thời, thì Satan thắng thế, sự dữ ngự trị trên thân phận con người và xem ra là vĩnh viễn. Nhưng Thượng đế có thể thực hiện những chi loài người, tự thân, không làm được. Ngài có thể phục hồi sự sống cho những xác chết và ban cho một tương lai tươi sáng, phát đạt! Các bài đọc Thánh kinh hôm nay luôn nhắc nhở cộng đồng tín hữu về sự kiện đó. Thiên Chúa sẽ toàn thắng tội lỗi và sự chết, gây dựng chúng ta từ bất trung, phản bội thành dân thánh trung thành, từ những kẻ từ khước Chúa Giêsu, Người tôi tớ Giavê thành những tín hữu, khao khát ơn cứu độ. Amen.
Bernard Huỳnh Hữu Phúc op
 “Không Có Tình Thương Nào Cao Cả Hơn Tình Thương
Của Người Đã Hy Sinh Tính Mạng Vì Bạn Hữu Của Mình.” (Ga 15,13)
Ngày Thứ Sáu Tử Nạn, Chúa Giêsu đã tuyên xưng danh tánh trước toà án Cai-pha: “Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.”(Mt 26,64) Chính sự hiên ngang tuyên bố của Chúa Giêsu trước toà án đã định đoạt số phận của Ngài: “Nó đáng chết.”
Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu thật bi ai thảm thiết, nhưng là để ứng nghiệm chương trình Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thực vậy, trên núi Can-vê, không ai đã tham dự vào cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự; có chăng, người ta thấy Chúa tắt hơi, có thấy thân hình Chúa tái nhợt. Thế nhưng, chính nội tại cái chết của Ngài đã vượt qua khỏi con mắt nhìn của thiên hạ, duy có Chúa Cha mới chứng kiến được cái chết ấy. Và khi tôn vinh Đức Giêsu, Chúa Cha đã mặc khải cho loài người tỏ tường cái chết đó là gì: nó là biến cố Chúa Giêsu dứt khoát bước vào sự sống Con Thảo của Thiên Chúa; đồng thời nhờ Ngài, con người cũng được thông hiệp vào sự sống ấy trong cương vị làm Con Thiên Chúa. Điều đó minh chứng cho một Thiên Chúa yêu thương con người đến tận cùng.
Người Kitô hữu ngày nay luôn hướng đến một tình yêu như thế! Tuy nhiên cuộc đời con người không bao giờ đạt được mức thập toàn, nó rất manh mún, rất phân tán qua từng giờ từng ngày; sự cống hiến bản thân, dù triệt để đến mấy, cũng vẫn là vụn vặt. Vẫn hay, tình yêu bộc lộ qua hành động, nhưng không phải hành động nào cũng xuất phát từ tình yêu. Một con người tốt bụng vẫn cảm thấy mình sống lạ lẫm với tình yêu. Và với những thất bại như thế, con người tìm cách chấn chỉnh đền bù bằng ước vọng yêu thương, chúng ta không ngừng yêu đi yêu lại hoài, đó cũng chỉ là cách thế để mỗi người được hoạ lại hình ảnh của Thiên Chúa, vị Thiên Chúa hiện thân là Tình Yêu.
Thiên Chúa là Tình Yêu! Qủa thế, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27), tiến trình tạo dựng đang đi tới kết thúc trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu, Đấng dám tuyên bố: “Mọi sự đã hoàn tất.”(Ga 19,30) Việc Đức Giêsu, Con Thiên Chúa “thí mạng mình” đã thể hiện tính cao độ nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Vì Đức Kitô đã chết bằng cái chết hướng về Chúa Cha cho tất cả mọi người, nên mọi người tín hữu cũng được mời gọi bước vào cái chết của Chúa, đó là một cái chết vì yêu, bởi duy tình yêu mới làm cho con người vượt qua thời gian đi lên Chúa Cha, để bước vào mối tình vĩnh cửu bằng lòng yêu mến, nhờ bởi quyền năng tình yêu là Thần Khí.
Lạy Chúa!“Con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường.” Mỗi chúng con đều được mời gọi đi lại con đường thương khó của Chúa, con đường của ngày Thứ Sáu Tử Nạn. Xin Chúa ban cho chúng con học cách nhẫn nhục của Ngài để được thông phần vào sự sống lại của Ngài. Amen.
Dom. Lê Đức Thiện op
“Ngài vẫn yêu thương và yêu thương đến cùng” (Ga 13,1)
Trong cuộc sống của con người, không ai có thể sống mà không yêu, và cũng chẳng có niềm vui nào, hạnh phúc nào sánh được với niềm vui, niềm hạnh phúc vì được yêu. Tuy nhiên, dù niềm vui nơi tình yêu là tuyệt đối duy nhất, nhưng nó lại không thể không có khổ đau. Vì yêu chính là chết đi với mình, là khước từ sống trong mình, cho mình và nhờ mình, nhưng là sống cho người mình yêu và sống nhờ người mình yêu. Đó là sự đón nhận và cho đi. Vì vậy, có thể nói rằng: sống, là yêu, mà tận cùng của tình yêu cũng chính là chết đi cho người mình yêu.
Đó chính là điều mà Đức Giêsu đã dạy chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13); và đó cũng là điều mà Đức Giêsu đã thực hiện khi Ngài gánh chịu mọi khổ đau để rồi chết trên cây thập giá hầu ban ơn cứu độ cho chúng ta. Đó là một hành trình của tình yêu, mà Đức Giêsu, qua cuộc thương khó của mình, Ngài dẫn đưa chúng ta tiến tới sự sống và hạnh phúc muôn đời.
Thật vậy, khi chấp nhận mang lấy những khổ đau và nhục nhã của cái chết nơi thập giá, Đức Giêsu đã trở nên như hạt lúa phải mục nát đi để, từ đó, sự sống mới phát sinh, như Thánh Phaolô nói: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Điều này có nghĩa là: Đức Giêsu Kitô, khi tự hạ làm nô lệ, khi tự để mình bị trói buộc trong cuộc khổ nạn và từ bỏ chính mạng sống của mình, chính lúc ấy, Ngài đã thể hiện một tình yêu vẹn toàn, một tình yêu đi đến tận cùng của tình yêu, là cái chết. Nhờ đó, sự sống đời đời xuất hiện cho chúng ta. Đó chính là con đường nối kết giữa sự chết và sự sống: chấp nhận khổ đau và chết vì yêu thương sẽ mở ra con đường dẫn đến sự sống muôn đời.
Tự bản chất, đau khổ không mang một giá trị nào, nhưng Đức Giêsu đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng: chính tình yêu sẽ mang đến cho đau khổ một ý nghĩa, một giá trị cứu độ. Bởi vì yêu thương chúng ta mà Đức Giêsu đã chấp nhận đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, chấp nhận cả cái chết để chúng ta được sống. Ngài đã ban cho cuộc sống của chúng ta một ý nghĩa, một niềm hy vọng. Chính từ trái tim bị đâm thâu của Ngài mà ân sủng được ban tặng và ơn cứu độ đến với chúng ta.
Nhìn lên thập giá, chúng ta được mời gọi hãy chết đi cho tội lỗi, và sống lại trong ân sủng; hãy vượt qua mọi dụcvọng đam mê và điều khiển lý trí của mình theo như ý Chúa, như Thánh Phaolô đã nêu gương cho chúng ta: “Tôi chịu đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô, nên tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dạy chúng con trở thành những người môn đệ chân chính của Chúa, biết quên đi cái tôi của mình và ngày càng liên kết với mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa hơn, để chúng con cũng biết yêu thương như Chúa đã yêu, mà trước hết là biết yêu thương và hy sinh cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè,… và sau đó là xa hơn nữa, cho cả những người ghét và làm hại chúng con nữa như khi xưa Chúa đã dạy chúng con: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).
Dom. Đinh Viết Tiên op
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu có lúc con mỏi mệt và xao xuyến,
xin nhắc nhở con rằng
trong vườn Cây Dầu
Chúa buồn muốn chết được.
Nếu có lúc thấy bóng tối bủa vây,
Xin nhắc nhớ con rằng trên thập giá,
Chúa đã thốt lên: sao Cha bỏ con!
I. Trong Vườn Cây Dầu
Cùng với các Tông đồ theo Chúa vào vườn Cây Dầu
Đây là ba tông đồ được Đức Giêsu ưu đãi và được Người chọn để chứng kiến một vài biến cố quan trọng. Ví dụ: vụ Đức Giêsu cho đứa bé con ông Gia-ia sống lại (Mc 5,21-43), hoặc vụ Người đổi hình dạng trên núi (Mt 17,1-9).
Thường thường, Đức Giêsu đi xa dân chúng và môn đệ mà cầu nguyện. Nhưng hôm nay, khi đi cầu nguyện, Người lại đem các môn đệ theo, vì hoàn cảnh hôm nay rất là đặc biệt. Người muốn các môn đệ ấy chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt cuối cùng của mình, chia sẻ và chấp nhận Thập giá với mình. Nếu không tất cả, thì ít ra là ba môn đệ đã hai lần được đặc ân chứng kiến quyền năng của Người, vì đã được chia ngọt sớt bùi, thì cũng phải chia cay sẻ đắng.
Trong tâm trạng buồn sầu Đức Giêsu cảm thấy buồn rầu, xao xuyến, vì bỗng nhiên Người thấy mình phải đương đầu với cái chết đã đến nơi. Người mới để ba môn đệ ở lại, đi xa hơn một chút, sấp mình cầu nguyện.
Cử chỉ sấp mình, thoạt nghe, cũng hơi lạ, vì dân Do-thái đứng mà cầu nguyện, chứ không sấp mình. Thánh Luca lại nói: “Đức Giêsu qùy gối cầu nguyện.” Nhưng dân Do-thái cũng không quỳ. Ở đây, Đức Giêsu không đứng cầu nguyện, cũng không sấp mình, nhưng phải nói như thánh Mác-cô, là: Người ngã xuống đất và cầu nguyện.
Khỏi uống chén đắng này
Thánh Mác-cô viết: “Đức Giêsu ngã xuống đất và cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy.” Người nói: “Xin cho con khỏi uống chén (đắng) này.” Nhưng từ “giờ” nghĩa là gì? Từ “giờ” có một nội dung đặc biệt trong Thánh Kinh, nhất là trong sách Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong sách Tin Mừng thứ tư này, từ “giờ” có nghĩa là lúc Đức Giêsu phải chết trên Thập giá để cứu độ chúng ta. Đứng trước cái chết kinh khiếp sắp đến nơi, Đức Giêsu cảm thấy hãi hùng, xao xuyến, nên xin Chúa Cha cho mình khỏi phải qua giờ ấy. Mt 26,39
Nói lên tư tưởng ấy bằng công thức trực tiếp: “Lạy Cha, xin cho con khỏi uống chén (đắng) này.” Chỉ có điểm phải nói, là: thay vì nói: “khỏi phải qua GIƠ này”, thì Đức Giêsu trong sách Mát-thêu nói: “khỏi uống chén này.” Trong Thánh Kinh, từ “chén” cũng là một từ có nội dung đặc biệt, và có nghĩa là: mật đắng phải uống, đau khổ phải chịu, số phận đau thương. Đức Giêsu xin cho khỏi uống chén “đắng”, tức là Người xin cho khỏi cái chết trên Thập Giá mà Chúa Cha đã định.
Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng nhân tính của Đức Giêsu. Làm người, ai cũng sợ chết; hơn nữa, cái chết càng gần và càng thảm khốc, thì con người càng hãi hùng (Mc), buồn rầu (Mt), xao xuyến. Mà đó là trường hợp của Đức Giêsu. Người nói với môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến nỗi chết được.” Rồi Người xin Chúa Cha cho khỏi phải qua giờ đau khổ, khỏi uống chén đắng. Tuy nhiên, dầu sợ chết, Người cũng sẵn sàng chết, nếu đó là Thánh Ý Chúa Cha: “Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.”
Canh thức và cầu nguyện
Không thấy Chúa Cha đáp lời, Đức Giêsu mới trở lại với ba môn đệ. Nhưng ba ông lại ngủ mất, nên Người đã buồn rầu lại càng thấy mình cô đơn. Người mới kêu ông Phê-rô mà than trách. Theo thánh Mác-cô, thì Đức Giêsu kêu ông Phê-rô mà than trách chính ông: “Si-mon, anh không thức nổi một giờ sao?.”
Sau khi than trách, Đức Giêsu bảo các môn đệ: “Phải canh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” Mỗi người đều có kinh nghiệm bản thân về hiện tượng giằng co giữa tinh thần và thể xác, và cũng phải thú nhận rằng tinh thần không dễ gì chế ngự thể xác luôn đâu. Vì sự việc là thế đó, nên chỉ có một cách là đề phòng và cầu nguyện, nhất lại khi đó là cơn thử thách cánh chung mà Đức Giêsu muốn nói ở đây, một cơn thử thách, một cơn cám dỗ làm cho con người khiếp hãi, bỏ cuộc và sa ngã trong giờ chung kết mà không chu toàn sứ mệnh cứu độ.
Mồ hôi máu nhỏ từng giọt (Lc 22,44)
Theo thánh Luca thì Đức Giêsu cũng đi cầu nguyện và trở lại với các môn đệ, nhưng chỉ một lần mà thôi. Thế là tác giả không nhấn mạnh đủ. Tuy nhiên, thay vì nói đi nói lại ba lần việc Đức Giêsu cầu nguyện và trở lại với các môn đệ, thánh Luca nói rõ rằng Người khẩn thiết cầu xin, và hơn nữa, ngài còn nói thêm: Đức Giêsu khẩn thiết cầu xin như thế, là vì lòng Người hãi hùng xao xuyến như lâm cơn hấp hối, đến nỗi mồ hôi Người như máu nhỏ giọt xuống đất.
Thánh Luca còn ghi thêm một chi tiết khác, là sau khi Đức Giêsu cầu xin, liền có thiên thần xuất hiện an ủi. Là môn đệ của thánh Phao-lô, thánh Luca được thấm nhiễm tư tưởng của thầy, để ý hơn ai hết mối tương quan giữa sự yếu đuối của loài người và sự trợ giúp của Thiên Chúa.
Thánh Phao-lô nói: “Lúc tôi yếu, là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,10). Mà, ở đây, nhân tính của Đức Giêsu cũng phải đau khổ, chết chóc. Nên, chính vào lúc đó, Chúa Cha đã sai phái thiên thần đến, tiếp sức cho Đức Giêsu. Ngày xưa, sau khi thắng cơn cám dỗ trong hoang địa, Chúa Cha đã sai thiên thần đến “hầu bàn”, thì hôm nay, cũng thế.
Xin cho con can đảm ,
Đối diện với những thách đố,
Vì biết rằng cuối cùng ,
chiến thắng thuộc về người có niềm hy vọng lớn lao.
II. Trên Thập Giá
Đứng gần Thập giá (Ga 19,25):
Tại đồi Gôn-gô-tha, trong các bà con thân hữu có mặt, phải kể một số phụ nữ, tuy thánh Mát-thêu chỉ nói đến khi tường thuật những việc sau khi Đức Giêsu đã qua đời. Các bà này đã theo Người từ miền Ga-li-lê, họ theo để giúp đỡ.
Nhưng, trong các bà ấy, người đáng nói hơn hết, chính là Đức Maria, vì Người là Mẹ Đức Giêsu, và nhất là vì Đức Giêsu, trên cây thập giá, trước khi tắt thở, đã trối cho Người này lời di chúc quan trọng.
Thưa Bà, đây là con của Bà (Ga 19,26):
Thánh Gioan viết: “Thấy thân mẫu và môn đệ mình yêu quý (tức là thánh Gioan) đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh”.” Lời văn đơn sơ, dễ hiểu, đồng thời lại cho chúng ta thấy một vấn đề rất quan trọng là Đức Maria không còn người con nào khác, ngoài Đức Giêsu. Anh em Thệ phản cho rằng: Đức Maria còn có nhiều người con khác, ngoài Đức Giêsu. Nhưng bản văn nói trên cho chúng ta thấy ngược lại.
Quả vậy, Đức Giêsu chết, thì những người con ruột khác của Đức Maria phải chăm lo, săn sóc, nếu có. Nhưng Đức Giêsu đã phải nhờ thánh Gioan chăm lo, săn sóc. Thì phải hiểu ngầm rằng: ngoài Đức Giêsu ra, Đức Maria không còn người con ruột nào khác nữa. Đó là nghĩa đen của bản văn.
Người trao cho Đức Maria một sứ mệnh, là làm Mẹ thánh Gioan và làm Mẹ chúng ta, mà thánh Gioan là người đại diện dưới cây thập giá. Và, như thế, các nhà Thánh Kinh Công giáo thấy rằng Đức Giêsu đã đặt Đức Maria làm Mẹ chúng ta, và bản văn Ga 19,26 này là bản văn nền tảng cho tín điều ấy.
Muốn thấy rõ hơn, chúng ta phải đọc bản văn Ga 19,26 cùng với bản văn Ga 2,1-12 (tiệc cưới tại Ca-na), vì hai bản văn ấy như là hai bản văn xướng đáp, mở đóng.
Hôm ấy, tại tiệc cưới Ca-na, Đức Giêsu nói với Đức Maria và cũng gọi Người là “Bà”, theo nghĩa “đàn bà”, người làm mẹ. Khi Đức Maria xin Người cứu giúp gia đình tân hôn khỏi nhục nhã vì hết rượu giữa đám, Đức Giêsu đáp: “Thưa Bà, giờ tôi chưa đến” (Ga 2,4). Nói thế, Đức Giêsu có vẻ như hẹn với Đức Maria một giờ nào đó hãy xin.
Hôm nay, Giờ Đức Giêsu đã đến, nghĩa là Giờ Đức Giêsu được tôn vinh vì Người đã vâng ý Chúa Cha mà chịu chết, Giờ ấy đã đến trên thập giá, Người trao cho Đức Maria chẳng những gia đình tân hôn hôm ấy phải chăm lo, mà còn tất cả các môn đệ của Người, tất cả những ai tin vào Người trong quá khứ cũng như ở tương lai. Đó là ý nghĩa của câu: “Thưa Bà, đây là con của Bà.”
Lạy Cha, sao Cha bỏ con
Vào độ 3 giờ, Đức Giêsu kêu lớn tiếng. Đây không phải là tiếng kêu la của con người khi bị đau đớn tột độ.
Đức Giêsu kêu lớn tiếng rằng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma sa-bác-tha-ni”, nghĩa là: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?.”
Thánh vịnh 22 mở đầu bằng đau khổ, nhưng kết thúc trong hy vọng. Nên, khi đọc Tv 22,2, Đức Giêsu muốn nói lên nỗi khốn khổ của mình trên thập giá, nhưng đồng thời cũng khẳng định niềm hy vọng vững chắc rằng, Chúa Cha sẽ cứu mình.
Kêu một tiếng lớn:
Có kẻ cho rằng la như thế là dấu chỉ Người thất vọng, hoặc là dấu Người còn sức mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là một công thức thường gặp trong Thánh Kinh (Cv 14,10; 26,24; Lc 17,15; 19,37), và thường dùng để lưu ý đến lời nói tiếp sau. Lời nói ấy là lời nói nào? Thánh Mát-thêu không nói, nhưng thánh Luca và thánh Gioan có nói (Lc 23,46; Ga 19,30).
Hoàn tất (Ga 19,30) - Phó thác (Lc 23,46):
Theo thánh Gioan thì, trước khi tắt thở, Đức Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời ấy cho chúng ta thấy rằng Đức Giêsu suốt đời những muốn chu toàn Thánh Ý Chúa Cha được ghi chép trong Thánh Kinh (Ga 4,34; 6,38; 17,4; 13,1), và, hôm nay, Người đã chu toàn tất cả Thánh Ý Chúa Cha: từ việc nhập thể trong lòng Đức Maria cho đến chuyện uống giấm vừa xong, tất cả đều được thực thi đúng mức. Thật là tốt đẹp, một sứ mệnh cao cả được chu toàn.
Theo thánh Luca thì trước khi tắt thở, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Câu này, Người mượn ở Tv 31 (30),6. Mà Thánh vịnh này là lời của người sầu khổ kêu xin, phó thác. Nên, khi dùng Thánh vịnh này kết thúc cuộc đời, Đức Giêsu cho thấy Người phải khốn cùng, nhưng sống chết vẫn cầu xin, phó thác vào bàn tay Thiên Chúa.
Trút hơi thở:
Sau đó, các sách Tin Mừng nói: “Người tắt thở” (Mc, Lc), “Người trút hơi thở” (Mt), “Người trao hơi thở” (Ga). Chúa chết, sự việc thật là to tát, nhưng được diễn tả bằng vài chữ ngắn gọn. Mà cũng phải, vì sự việc như thế, không nên mô tả bằng lời văn lãng mạn, và cũng không thể mô tả bằng ngôn ngữ loài người. Tốt hơn hết là nói ít hoặc làm thinh.
Sứ mệnh chu toàn, Người phó thác linh hồn rồi ra đi. Và, theo thánh Gioan, thì cả việc ra đi này, Đức Giêsu cũng chủ động chứ không phải vì kiệt sức, hết hơi.
Đức Giêsu bị treo trên thập giá và, lúc ba giờ chiều, Người tắt thở. Trước mắt người phàm, thì Đức Giêsu thất bại hoàn toàn, lại còn phải ô nhục. Người đau khổ đến nỗi phải kêu lên.
Người kêu, nhưng Chúa Cha vẫn làm thinh. Loài người lại còn chế giễu. Người kêu lên như thế, có phải là vì thất vọng không? Thưa không.
Đức Giêsu đã dùng lời Thánh vịnh 22 (21) mà kêu. Mà Thánh vịnh này kết thúc với tâm hồn trông cậy. Mà cũng phải. Thực thì Đức Giêsu đã chết; và tất cả những gì là đặc biệt của cái chết của người phàm, đều thấy có trên thập giá chiều hôm ấy.
Tuy nhiên, cái chết của Đức Giêsu chỉ là một cuộc vượt qua, vì Người sẽ sống lại vinh hiển. Hơn nữa, nó đổi thay số phận loài người, mang lại cho loài người sự sống vĩnh cửu. Những biến cố xảy ra chiều hôm ấy cũng đủ để minh chứng điều ấy: Đền thờ, cảnh vật, những người lành của Cựu ước và nhất là người dân ngoại (Mt 27,54).
Lạy Chúa,
Chúa đã chết để cứu sống con
Chúa đã chấp nhận nhục nhã tủi hổ
Để con sống trong sự tự do hào hùng
của người con cái Chúa