Các bài suy niệm Thứ Năm tuần Thánh
1. Thánh Thể, quà tặng tình yêu bằng giá máu:
Trong tuyển tập thơ “Có ai về Cát minh” của thi sĩ linh mục
Trăng Thập Tự, có một bài thơ mà tôi rất thích, bài thơ mang tựa đề “ĐÁP LỄ”.
Nội dung của bài thơ tác giả ngụ ý rằng: trong chính bữa tiệc tại nhà của chị
em cô Mác-ta ở Bê-ta-ni-a, trong một giây phút xuất thần khi đang cầm chén
rượu, Chúa Kitô đã chợt liên tưởng tới “Tấm Bánh-Ly rượu Thánh Thể” Ngài sẽ ban
tặng như một “đáp lễ” cho nghĩa cử thân tình của chị em nhà Mác-ta. Đây là bài
thơ đó:
Cầm
trên tay lưng chén rượu nồng,
Ngài
như chợt quên đời đi một lúc.
Sóng
sánh khổ đau hòa hạnh phúc,
Giữa
cao lương mỹ vị với tình người.
Có
hương trầm, nến sáng, hoa tươi,
những
hơi ấm, những mắt nhìn trìu mến.
Chỉ
phút chốc, Ngài chìm trong hiện diện,
Lời ca
ngừng, nhạc cũng lặng im theo.
Ta đã
dặn con khoản đãi người nghèo,
Lời ta
dạy, hôm nay con khéo nhớ:
Mời
đúng kẻ trôi sông lạc chợ,
Kẻ
sinh ra cuối phố đầu đường,
Ngày
không nhà, đêm ngủ dưới sương,
Suốt
đời chẳng một đồng xu dính túi,
Đến
trần gian và ra đi trần trụi.
Thì ra
con khéo nhớ lời Ta!
Con
làm ta lúng túng Mác-ta!
Đúng
là ta không có gì để trả lại.
Ôi,
thì ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi!
Phải
rồi, phải rồi, tại sao không?
Ta sẽ
trao chén máu tươi hồng
Và sự
sống run trong từng thớ thịt.
Ai nếm
thử, sẽ đời đời không chết,
Đúng
hơn, nó sẽ sống đời đời.
Và ơ
kìa, Maria nữa con ơi!
Con
đập vỡ cả bình dầu thơm phức
Từng
ngón chân ta, từng ngón chân, con xức.
Dầu
con thơm hay tóc con thơm?
Giữa
khi cuộc đời thiếu áo thèm cơm,
Con
trút cả gia tài lên chân Ta mà thách thức.
Và gục
xuống, con hôn không dứt,
Con
yêu thật à? Lẽ nào ta thua con!
Ta
cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt
sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ
đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta
cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.
Lạy
Cha, lòng con rất hân hoan,
Xin
hãy thực hiện đúng như Cha hằng muốn.
Và có
tiếng đáp:
Thật
đẹp lòng Ta, vì đúng như ta muốn.
Quả thật, đúng như ngụ ý của bài thơ, Thánh Thể chính là một
“Đáp Lễ” trọn vẹn cao vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại; hay đúng hơn,
Thánh Thể chính là một Quà Tặng tuyệt vời theo như định nghĩa của Đức Cố GH
G.P.II trong Thông điệp về Thánh Thể: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức
Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng
khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà
tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của
công trình cứu độ...”.
Tuy nhiên, đó lại là “một quà tặng tình yêu đòi giá máu”, là
“Bánh Hằng Sống từ trời xuống” mà ngay từ đầu đã làm dị ứng nhiều người.
Thì ra, “Quà tặng tình yêu” đó, “Bánh Hằng sống” đó, “lương thực
trường sinh đó”, lại chính là con người Đức Kitô, là Giêsu người Na-da-rét, là
Con ông Giuse thợ mộc và bà Maria, là Đấng đã hiên ngang xưng rằng: “Ta là mục
tử tốt lành…sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên”, là Đấng sẵn sàng đón nhận chén
đắng cho dù phải trải qua con đường khổ nạn, là Đấng chấp nhận “bị treo lên để
kéo mọi người lên với mình”, là Đấng yêu thương đến đổi hiến ban mạng sống. là
quà tặng tuyệt vời của Thiên Chúa gởi tặng con người, quà tặng tình yêu: “Thiên
Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một…” và là Đấng mà chút nữa đây, ngay
trên bàn thờ nầy, một lần nữa nói với chúng ta: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà
ăn, vì nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Tất cả các con hãy nhận lấy mà
uống, vì nầy là Chén Máu Thầy…”
Mầu nhiệm Thánh Thể cũng chỉ có thể được định nghĩa trong chiều
kích sâu thẳm nhất đó chính là “Quà Tặng tình Yêu”, đó chính là nghĩa cử của
lòng thương xót vô bờ bến. Đức G.P. II đã xác quyết trong thông điệp về Thánh
Thể: “Tôi muốn nhắc lại chân lý nầy một lần nữa và cùng với anh chị em yêu dấu,
tôn thờ mầu nhiệm nầy: mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của lòng thương xót. Đức
Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa chăng? Thật thế, trong Thánh Thể,
Người tỏ bày cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng” (Ga 13,1), một tình yêu
không thể đo lường được.” Quả thật chỉ có Thiên Chúa mới dám nghĩ ra Thứ quà
tặng độc đáo nầy, một thứ quà tặng gắn liền với hy sinh, với máu đào hy tế để
làm cho chúng ta được “thần hóa” thực sự, được thanh tẩy để “xứng đáng phụng
thờ Thiên Chúa” và “lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu”, được cứu độ và giải thoát
khỏi kiếp sống nô lệ tội lỗi…như đã từng được tiên báo trong Con Chiên Vượt qua
của dân Ít-ra-en ngày xưa trong biến cố Xuất Hành của họ. (BĐ 1). Hơn nữa, quà
tặng nầy lại còn là một kỷ niệm, một chúc thư sâu xa và tuyệt vời nhất trong ký
ức của Hội Thánh về Đấng đã khai sinh ra mình, và là trọng tâm của mọi lời rao
giảng như lời Thánh Phaolô trong Bđ 2 hôm nay: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến,
mỗi lần ăn Bánh và uống Chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.
2. Sống mầu nhiệm Thánh thể hôm nay:
Trong một thế giới mà nhu cầu vật chất được đề cao quá mức, sự
hưởng thụ lạc thú trần gian luôn là một cám dỗ mạnh mẽ, Bí Tích Thánh thể, “Manna
trường sinh” của người kitô hữu quả là một thách đố lớn lao cho nhiều người.
Ngày xưa, cách đây 2000 năm, sau bài giảng “Bánh Hằng Sống” của Đức Kitô, đã có
không ít người càm ràm: “Lời gì nghe chói tai quá” và một số môn đệ đã bỏ thầy
ra đi. Ngày hôm nay, sau 2000 năm, chắc cũng có rất nhiều người có thái độ “bỏ
đi” như thế, khi không cảm nhận được Thánh Thể có một sức thu hút nào, một, ích
lợi nào, một lợi nhuận nào cho cuộc sống. (Bằng chứng là ngay ở đây, tại nhà
thờ Tuy Hòa nầy, khi cộng đoàn cử hành nghi thức Rước lễ, thì có không ít người
ngang nhiên ra ngoài tán gẫu, hút thuốc, coi việc rước lễ như chẳng liên hệ gì
đến mình!).
Thiết tưởng, cử hành mầu nhiệm Thánh Thể hôm nay, là dịp để mỗi
người chúng ta xác định lại không chỉ bằng một lời tuyên xưng suông về sự hiện
diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể; nhưng là bằng một cam kết dấn thân
sống cho và sống với sự hiện diện của “Bánh Hằng Sống” được trao ban trong mỗi
bước đi của cuộc đời.
Nói cách khác,
- Nếu bản thân tôi, gia đình mạnh mẽ tin và tích cực sống mầu
nhiệm Đức Kitô chính là Bánh Hằng Sống, biết trân trọng đón nhận quà tặng tuyệt
vời là Thánh Thể được ban tặng hằng ngày, thì lẽ nào tôi lại khô khan, gia đình
tôi lại nguội lạnh, thờ ơ trong việc thực hành sống đạo?
- Nếu tôi biết “sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh em” như lời
Đức Kitô trăn trối trong Bữa Tiệc Thánh Thể đầu tiên, thì làm sao mọi người
chung quanh tôi lại ác cảm, dị ứng hay đố kỵ với đạo, với chân lý cứu độ của
Tin Mừng?.
- Nếu tôi sẵn sàng mỗi ngày trở nên “tấm bánh được bẻ ra” của
tình chồng vợ hy sinh cho nhau, của cha mẹ hy sinh cho con cái, của bạn bè,
làng xóm giúp đỡ, sẻ chia, của giáo lý viên, của chức việc họ quản đại phục vụ
cộng đoàn...như Đức Kitô chính là Bánh hằng Sống đã yêu thương và yêu thương
đến cùng khi hiến thân trên thánh giá thì chắc chắn gương mặt của Mẹ Hội Thánh
phải đẹp hơn, duyên dáng và thuyết phục hơn đối với con người.
Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh khai mạc Tam Nhật Vượt Qua nầy,
Phụng vụ của Hội Thánh còn mời gọi chúng ta hướng về Chức linh mục thừa tác và
tất cả những ai đang quảng đại dấn thân trong thánh chức nầy. Cũng chính trong
ý nghĩa nầy mà cứ mỗi một lần “Thứ Năm Tuần Thánh trở về” là Đức Cố Giáo Hoàng
G.P. II lại gởi cho các linh mục trên toàn thế giới một bức tâm thư như những
lời tâm sự thấm đậm tình nghĩa phụ tử. Chúng ta thử đọc một đoạn ngắn trong bức
thư Thứ Năm Tuần Thánh cuối cùng của Ngài gởi cho các linh mục được Ngài viết
trước khi qua đời không bao lâu:
“Không thể nào lặp lại những lời truyền phép mà không cảm thấy
chính mình rúng động trong cử chỉ thiêng liêng này. Trong một nghĩa nào đó, khi
vị linh mục nói những lời: “hãy cầm lấy mà ăn”, ngài phải học biết cách áp dụng
những lời này cho chính mình, và nói lên những lời này trong sự thật và lòng quảng
đại. Nếu ngài có thể cho đi chính mình như một tặng vật, đặt mình dưới quyền sử
dụng của cộng đoàn và dưới sự phục vụ bất cứ ai cần, cuộc sống của ngài đạt đến
ý nghĩa trung thực của nó.”
Chúng ta cầu xin cho các linh mục, thừa tác viên chính thức của
mầu nhiệm Thánh Thể, được không ngừng trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa
Kitô, Đấng sẵn sàng trở nên Tâm Bánh được bẻ ra cho muôn người được hồng ân cứu
độ.
Sau hết, nếu hai đệ trên đường Emmau ngày xưa, khi tham dự “lễ
bẻ bánh” trong quán trọ với người “khách lạ” đã chợt nhận ra gương mặt của Thầy
Chí Thánh, thì hôm nay, ở đây, trong Thánh lễ nầy, với đức tin bé bỏng yếu mềm,
chúng ta hãy cầu xin cho nhau cũng được nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu đang
hiện diện giữa chúng ta và cùng với mỗi người chúng ta đồng hành trên mọi nẽo
đường cuộc sống.
Lạy
Chúa Giêsu, có cái gì tương tự
Giữa
phận làm người và phận làm bánh của Chúa.
Xin
cho chúng con biết cách
Đến
với con người hôm nay:
Đơn
sơ, khiêm hạ,
Không
chút vinh quang hay quyền lực.
Nhờ ăn
tấm bánh của Chúa,
Chúng
con cũng trở nên tấm bánh ngon,
Được
bẻ ra đẻ đáp ứng khẩu vị của nhiều người.
Uớc gì
chúng con dám rước Chúa
Đi vào
mọi vùng mờ tối của lòng mình,
Để sự
hiện diện của Chúa trong con được lớn lên.
Và ước
gì chúng con trở thành
Những
Nhà Tạm di động,
Đem
Chúa đến cho đồng bào
Và quê
hương chúng con. Amen.
3. Bữa tiệc ly
Bữa ăn chiều Thứ Năm năm nọ của Đức Chúa Giê-su với các môn đệ
là bữa ăn cuối cùng của Ngài ở trần gian, hay nói cách khác, Đức Chúa Giê-su đã
biết cuộc sống tại thế của Ngài sắp chấm dứt, bữa ăn phần xác kết thúc –tiệc
ly, để rồi mở đầu cho bữa ăn phần hồn vĩnh viễn và viên mãn –Máu Thịt của Ngài,
đó là bí tíchThánh Thể.
Để chuẩn bị cho bữa tiệc được trọn vẹn, Đức Chúa Giê-su đã dạy
các môn đệ hai việc quan trọng để được tham dự tiệc Hằng Sống:
1. Phục vụ.
2. Yêu thương.
Phục vụ và yêu thương giống như bánh miến và rượu nho kết hợp
với nhau để thành lương thực hằng sống; phục vụ và yêu thương giống như giọt
nước pha trong rượu, trộn lẫn vào nhau để hương vị phục vụ vừa với khẩu vị của
mỗi người.
A. Suy tư.
1- Phục vụ
“Nên trong một bữa ăn. Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài
ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rữa chân cho
các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.
Trước khi ăn người ta thường rửa tay, đây là phép vệ sinh tối
thiểu, nhưng rửa chân cho các môn đệ không phải là phép vệ sinh, mà là một hành
vi phục vụ, một thái độ khiêm tốn của người mà các môn đệ gọi là Thầy và là
Chúa, Đấng ấy là Đức Chúa Giê-su Ki-tô.
“Anh em gọi gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì
quả thật Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh
em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” .
Chỉ có bố mẹ mới rửa chân cho con cái, vì đây là tình yêu, thói
đời, không một ông chủ nào rửa chân cho đầy tớ, không một ông thầy nào rửa chân
cho học trò vì làm như vậy là tự giảm giá trị nhân cách của mình. Nhưng Đức
Chúa Giê-su đã làm điều ấy, không phải để biểu diễn, không phải để mị dân,
nhưng là vì yêu thương các môn đệ, và dạy cho các ông một bài học là phục vụ.
Bởi vì phục vụ là dấu chỉ để người ta nhận ra mình là môn đệ của Đức Chúa
Giê-su Kitô –Thiên Chúa làm người-
“Một ngày nọ, chim thiên nga hỏi Chúa Tạo Vật (Đấng sáng
tạo):
- Con có thể làm môn đồ của Ngài được chứ?
Chúa tạo vật vui vẻ trả lời: “Được, được”.
Một lúc sau Chúa Tạo Vật nói với chim thiên nga:
- “Con nhìn xem con vịt mẹ đàng kia kìa, nó vừa kiếm ăn từ dưới
bùn lầy đi lên đấy, chân nó quá dơ, con đến giúp rửa chân cho nó đi”.
Chim thiên nga lắc đầu không chịu, nói to:
- “Làm môn đồ của Chúa Tạo Vật thì không thể nào đi rửa chân cho
người khác”.
Chúa Tạo Vật nói:
- “Này con, nếu con không rửa chân cho người khác, thì ai biết
con là môn đồ của Ta chứ??” (1)
Câu chuyện nhỏ nhưng đạo lí thì lớn.
Phục vụ tha nhân không vì họ là anh em bà con của mình, nhưng vì
họ là hình ảnh Đức Chúa Giê-su, là hình ảnh của Chúa Tạo Vật, bởi vì họ là anh
em của mình trong đức ái.
Ai cũng thích người khác phục vụ mình, chứ không ai thích mình
phục vụ người khác, đó chính là bản chất cốt yếu của căn tính con người là kiêu
căng và thích thống trị, không một liều thuốc nào có thể chữa trị được căn bệnh
“truyền thống” kiêu căng ấy nơi con người, cũng như không có ai có đủ bản lãnh
để chiến thắng nó.
Chỉ có Đức Chúa Giê-su, Đấng đến không phải để được người ta
phục vụ, nhưng là đến để phục vụ mọi người, và cái giá phải trả đó chính là
chết trên thập giá. Với cái chết này, Đức Chúa Giê-su đã trị được căn bệnh kiêu
căng và thích thống trị của con người, của ma quỷ; và với cái chết này, Đức
Chúa Giê-su đã ghi tận trong tim mỗi người môn đệ của Ngài hai chữ phục vụ, và
phục vụ đã trở nên đấu chỉ để cho nhân loại nhận ra mình là người môn đệ của
Đức Chúa Giê-su, Đấng đã phục vụ cho đến chết.
2. Yêu thương
“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương
nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
Yêu thương nhau là chuyện cũ rất xưa của loài người, nhưng vẫn
cứ mới cho người mới yêu, được yêu, và càng mới hơn nữa cho những người biết
khám ra yêu thương chính là phục vụ Thiên Chúa trong tha nhân.
Có người nói yêu
thương là sự rung cảm của hai con tim.
Có người nói yêu
thương là sự liên kết giữa hai tâm hồn.
Có người nói yêu
thương là xoá bỏ hận thù.
Có người nói yêu
thương là sống chết có nhau.
Có người nói yêu
thương là trao ban, là cho đi...
Đức Chúa Giê-su nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em
là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”
Đức Chúa Giê-su không đợi lúc sắp chết trên thập giá mới nói
những câu này, Đức Chúa Giê-su không đợi khi sống lại mới nói câu này, nhưng
Ngài đã nói trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ –bữa tiệc ly- bởi vì yêu
thương và phục vụ là nhân tố chính để được tham dự tiệc Con Chiên trong Nước
Trời. Không yêu thương thì không phục vụ, mà đã phục vụ thì điều cốt lõi là
phải có yêu thương, và khi đã vì yêu thương mà phục vụ thì chúng ta mới xứng đáng
tham dự tiệc Con Chiên –bí tích Thánh Thể-
Cuộc đời của Đức Chúa Giê-su là cuộc đời của phục vụ, cuộc sống
của Đức Chúa Giê-su là cuộc sống của tình yêu, Ngài vì dân chúng mà phục vụ
không ngơi nghỉ, Ngài vì dân chúng lầm than mà thi ân giáng phúc cho họ không
biết cơ man nào mà kể. Và cuối cùng Ngài bị nghiền nát để trở nên tấm Bánh Hằng
Sống nuôi dưỡng linh hồn người tín hữu không những ngay đời này mà cho đến cả
đời sau.
B. Cầu nguyện
Lạy Đức Chúa Giê-su Thánh Thể,
Hôm nay là ngày Thứ Năm Tuần Thánh, mỗi người trong chúng con
đều hiểu rất rõ ý nghĩa của các lễ nghi trong chiều nay, chúng con thuộc lòng
từng câu từng chữ mà Chúa đã nói với các môn đệ trong ăn bữa cuối cùng với họ,
chúng con đã hiểu và chúng con đã tin. Nhưng cái hiểu biết của chúng con chưa
rốt ráo, chưa trọn vẹn, nên chúng con chưa phục vụ tốt tha nhân, nên chúng con
chưa thật tình yêu thương mọi người.
Hôm nay quỳ trước Nhà Tạm của Chúa trong nơi yên tĩnh này, tâm
hồn của chúng con mới được soi sáng về ý nghĩa của phục vụ và yêu thương, đó
chính là hai phương thế giúp chúng con tiến tới bàn tiệc thánh thiên quốc.
Xin Chúa ban cho chúng con biêt phục vụ quên mình, phục vụ mà
không đòi điều kiện; biết yêu thương cách chân thành mà không đòi được yêu, để
chúng con xứng đáng tham dự bí tích của tình yêu là Mình và Máu Thánh của Chúa.
Amen
(1) Trích trong “Chuyện
ngụ ngôn cho thời hiện nay” bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
4. Yêu và cách yêu
Tình yêu là danh từ trừu tượng, thuộc lĩnh vực vô hình, nghĩa là
không thể thấy, cũng không thể sờ, thế nhưng lại khả dĩ cảm nhận. Yêu là một
động từ có vẻ dễ thực hiện nhưng lại rất khó sống trọn vẹn. Rất kỳ lạ!
Hôm nay là ngày vui mừng, với ba sự kiện lạ, cũng là ba bài học
sâu sắc: Bí tích Thánh Thể, chức linh mục, và việc rửa chân. Bí tích Thánh Thể
dạy chúng ta phải hy sinh, quên mình vì người khác; chức linh mục dạy chúng ta
phải dấn thân phục vụ tha nhân; và việc rửa chân dạy chúng ta phải yêu thương
bất cứ ai, nhất là đối với những người hèn mọn. Bài học nào cũng vô giá.
Đó là tình yêu ba-trong-một. Tất cả tóm gọn chỉ bằng một chữ
YÊU. Tuy nhiên, yêu cũng phải biết cách, yêu cũng có phương pháp vậy.
Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday) còn gọi là Thứ Năm Giao
Ước, Thứ Năm Tuyệt Đối, hoặc Thứ Năm của các Mầu Nhiệm. Theo La ngữ, chữ Maundy
nghĩa là “mệnh lệnh”. Thứ Năm Tuần Thánh muốn nói tới mệnh lệnh mà Chúa Giêsu
truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau” (Ga 13:34; Ga
15:12; Ga 15:17). Và Ngài gọi đó là Điều Răn Mới. Có thể gọi Thứ Năm Tuần Thánh
là Ngày Tình Yêu Thánh của các Kitô hữu.
Về cách mừng lễ, Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aharon trên
đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng
thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng
này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà
ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất,
tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà
chọn con chiên” (Xh 12:1-4). Con chiên đó phải có các đặc điểm: toàn vẹn, giống
đực, không quá một tuổi. Nếu không tìm được con chiên đủ các điều kiện đó thì
có thể thay thế bằng con dê.
Về cách thực hiện, Đức Chúa cho biết: “Phải nhốt nó cho tới ngày
mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc
xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn
ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng” (Xh 12:6-8).
Cách ăn mừng lễ cũng khác hẳn, “lưng thắt gọn, chân đi dép, tay
cầm gậy, và ăn vội vã” (Xh 12:11). Lý do đơn giản: Đó là lễ Vượt Qua mừng Đức
Chúa. Và Đức Chúa còn cho biết thêm: “Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát
hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và
sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi
sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các
ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. Các
ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi
thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời”
(Xh 12:12-14). Vết máu là dấu chỉ “chuyện chẳng lành”, nhưng ở đây, vết máu lại
là điềm tốt lành cho dân chúng.
Bữa Tiệc Ly là dạ tiệc, nhưng không chỉ là dạ tiệc mừng lễ Vượt
Qua bình thường, mà là Dạ Tiệc Thánh – Tiệc Thánh Thể. Thánh Phaolô nói: “Chén
chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô” (1 Cr 10:16).
Ăn và uống là hai hành động không thể tách rời, Việt ngữ gọi là
ăn uống. Ăn uống để duy trì sự sống, nhưng vào thời điểm này hơn hai ngàn năm
trước, Chúa Giêsu đã cho chúng ta loại ẩm thực đặc biệt, không chỉ nuôi sống
thể lý mà còn nuôi dưỡng linh hồn: Mình Máu Thánh. Quả là đại hồng ân đối với
chúng ta, nhưng chúng ta chỉ là những kẻ trắng tay: “Biết lấy chi đền đáp Chúa
bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 116:12). Chắc hẳn không gì hơn là
“nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116:13).
Biết ơn và muốn cảm tạ, nhưng lại không có gì để chứng tỏ. Thật
buồn cho kiếp con người. Thế nhưng cũng với tâm trạng đó, học giả Rabindranath
Tagore (Rabīndranātha Thākura, 1861-1941, Ấn Độ) lại có ước mong rất tuyệt vời:
“Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong
tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi
sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế
tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng
còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người, và thực hiện ý Người trong suốt
đời tôi”. Ước gì mỗi chúng ta cũng thực sự có ước muốn như vậy, nhất là trong
Đêm Thánh hôm nay, khi chúng ta lặng lẽ chầu kính Thánh Thể.
Chắc hẳn đêm nay rất kỳ diệu, cảm giác rất khó tả, nhất là khi
chúng ta kiệu Mình Thánh và cùng chúc tụng Chúa qua bài thánh ca Pange Lingua
(*) của Thánh Thomas Aquinas (1225-1274), Linh mục, Tiến sĩ Giáo hội.
Thánh Phaolô vừa chia sẻ cảm nghiệm vừa xác nhận việc làm chứng
nhân: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh
em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ
ra và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em
hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người
nâng chén và nói: ‘Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi
uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy’. Thật vậy, cho tới
ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã
chịu chết” (1 Cr 11:23-25). Những lời này không lạ, nếu không muốn nói là quen,
nhưng hôm nay nghe hoặc đọc lại, chúng ta thấy có điều khác lạ.
Điều quan trọng cần lưu ý là lời cảnh báo của Thánh Phaolô: “Bất
cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và
Máu Chúa” (1 Cr 11:26-27). Nghe rất bình thường mà lại rất khác thường, vì liên
quan “vận mệnh” của chúng ta ngày sau!
Trình thuật Ga 13:1-15 nói về tình yêu thương và cách yêu thương
mà Chúa Giêsu thể hiện, nhưng có ý nghĩa mạnh mẽ hơn: “Trước lễ Vượt Qua, Đức
Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người
vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ
đến cùng”. Điểm nhấn mạnh ở đâu? Đó là tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu, với
cách yêu thương là “yêu thương đến cùng”. Đã yêu là mãi yêu, dù người được yêu
hoàn toàn bất xứng, và Ngài luôn cho họ có nhiều cơ hội chấn chỉnh chứ không
chỉ một cơ hội. Phàm nhân có mấy ai?
Mỗi năm chúng ta nghe đoạn Phúc Âm này ít nhất một lần vào chiều
Thứ Năm Tuần Thánh. Nhưng có lẽ chúng ta ít khi cảm thấy “sự lạ” trong đó. Con
người chúng ta thật phức tạp, và cũng thật tệ! Chúng ta chưa xin mà Thiên Chúa
vẫn cho chúng ta có thêm cơ hội để tu tâm sửa tính.
Cảnh vui chưa trọn, cảnh buồn vội nối theo. Đêm định mệnh năm
xưa, ma quỷ đã gieo ý định nộp Đức Giêsu vào lòng môn đệ Giuđa, con ông Simôn
Ítcariốt. Đức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Ngài, Ngài
bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa.
Cũng trong đêm định mệnh đó, khi Thầy trò cùng ăn mừng lễ, Ngài
đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi đổ nước vào
chậu, Ngài bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
Khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông ngạc nhiên và nói: “Thưa
Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?”. Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm,
bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”. Ông Phêrô nhất định không
chịu. Nhưng Đức Giêsu nghiêm giọng: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng
được chung phần với Thầy”. Ôi, thế thì không ổn rồi! Thế là ông liền phấn khởi
nói: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”.
Chả trật đi đâu, y như rằng người nóng tính là người mau mắn.
Tuy nhiên, Đức Giêsu lại khác hẳn, không như người ta tưởng.
Ngài phân tích: “Ai đã tắm rồi thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy
đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”. Câu nói
thật là thâm thúy, vì Ngài biết ai sẽ nộp Ngài. Với tính từ “sạch”, người ta
chỉ hiểu theo nghĩa đen, nhưng Chúa Giêsu nói theo nghĩa bóng.
Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào và về
chỗ. Ngài âu yếm nhìn các môn đệ và ôn tồn nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới
làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm,
vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa
chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho
anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Đoạn Phúc Âm dừng lại như màn kéo che sân khấu sau mỗi cảnh. Câu
hỏi của Chúa Giêsu đặt ra vẫn còn vang vọng mãi: “Anh em có hiểu việc Thầy mới
làm cho anh em không?”. Và mỗi người phải tự trả lời với Ngài về chữ YÊU và
CÁCH YÊU của chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin thương tha thứ về việc chúng con chưa thực
sự yêu mến Thánh Thể Ngài và chưa thực hiện đúng “Điều Răn Mới” mà Ngài truyền
dạy. Xin biến đổi chúng con và giúp chúng con biết cách yêu cho đúng ý Ngài
muốn. Nhờ đó, chúng con biết loan báo về Ngài và xứng đáng là môn đệ của Ngài
tại trần gian này. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, hiệp
nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
5. Rửa chân cho nhau
Tình yêu là căn tính của niềm tin Kitô giáo… “Chính
khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản
thân.”
Lm. HK
Đức Khổng tử đi chơi núi Thái sơn, gặp ông
Vinh Khải Kỳ ngao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu thắt lưng dây, tay gảy đàn cầm,
vừa đi vừa hát. Đức Khổng tử hỏi: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui
vẻ thế?”
Ông Vinh Khải Kỳ nói: “Trời sinh
muôn vật, loài người quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui.
Trong loài người, đàn ông quý hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai
điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yểu, mà ta hoàn
toàn khoẻ mạnh nay đã chín mươi tuổi; thế là ba điều đáng vui… Còn cái nghèo là
sự thường của thế gian, cái chết là sự hết của đời người. Ta nay xử cảnh thường,
đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn?”
Đức Khổng tử nói: “Phải lắm! Tiên
sinh thế là biết cách tự làm cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.”
Xưa nay người ta thường thán phục ông Vinh
Khải Kỳ vì đã có một quan niệm sống rất lạc quan, coi đó như là một sáng kiến
thực sự đem lại hạnh phúc cho cuộc sống nhân loại có nhiều bất toàn. Nhưng để ý
một chút ta thấy cái đáng vui của ông vẫn bị “hổng chân”, vì đó là những cái vui dựa trên sự trổi vượt của mình so với người khác, ngay cả khi sự trổi vượt đó bao
hàm cả sự bất hạnh của người khác.
Cái vui, cái phúc thật là hài lòng, thoả
mãn về những gì mình là và mình có:“Ngươi không được ham muốn vợ người ta,
ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò
con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” (Đnl 5,21).
Còn hơn thế nữa, vì được dựng nên theo hình
ảnh Thiên Chúa, cái phúc thật nơi con người không dựa trên một điều gì khác
ngoài sự hiệp thông với Thiên Chúa, chia sẻ sự sống Thiên Chúa bằng đời sống
yêu thương: “Thiên Chúa là tình yêu, và ai sống trong tình yêu là sống
trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa sống trong người ấy” (1Ga 4,16).
ĐGH Bênêđíctô XVI đã dùng câu Lời Chúa trên
để mở đầu thông điệp đầu tiên cho triều đại Giáo hoàng của ngài: “Những
lời từ thư thứ nhất của thánh Gioan này diễn tả một cách hết sức rõ ràng tâm
điểm của đức tin Kitô giáo: chúng ta đã được tạo dựng giống hình ảnh Thiên
Chúa, để nhờ đó chúng ta có thể phản ảnh tình yêu Thiên Chúa và đó là lý do tại
sao chúng ta được dựng nên (…) Qua những lời này người Kitô hữu có thể bày tỏ
một quyết định căn bản về cuộc đời của mình.”
Nói cách khác, tình yêu là căn tính của
niềm tin Kitô giáo. Đó là lý do tại sao những lời nói sau hết và những việc làm
cuối cùng của Đức Kitô đều hướng lòng trí các môn đệ về đời sống yêu
thương, một tình yêu sẵn lòng thí mạng vì người mình yêu.
Lời nói và việc làm sau cùng của Đức Kitô
trước cuộc khổ nạn trình bày một cách rõ ràng và đầy sức thuyết phục vẻ đẹp
linh thánh của tình yêu đó. Là Thầy và là Chúa, Đức Kitô rửa chân các môn đệ,
kể cả cho Giuđa mà Chúa biết rõ sự phản bội, cho Phêrô mà Chúa đã thấy sự yếu
đuối. Tất cả cho thấy điểm đặc biệt của tình
yêu Kitô giáo là dung hòa vị kỷ với vị tha:
người ta sống cho mình nhiều nhất khi hướng đến tha nhân, cũng như không ai có
thể yêu người khác mà lại không yêu mình. Thánh Phanxicô Assisi đã cô đọng tinh
thần đó trong lời Kinh Hoà bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận
lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”
Tình yêu đó lên đến tột đỉnh trong việc
thiết lập bí tích Thánh Thể, khi Đức
Kitô coi sự sống và hạnh phúc của phàm nhân như là hạnh phúc và ý nghĩa sống
của Ngài: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì
anh em… Chén này là Giao ước mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy
làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25).
Tình yêu Đức Kitô còn đó giữa trần gian mãi
cho đến tận thế nhờ bí tích Truyền Chức. Cho đến ngàn sau, chức linh mục vẫn là
hồng ân và phép lạ Chúa đã và đang thực hiện cho cả thế giới, cho mỗi tín hữu:
Đức Kitô không còn là một câu chuyện xúc động đã qua mà là phúc lành đến từ
trời cao, nằm trong tầm tay với của mỗi người.
Trong cuốn “Lời kinh thắp sáng cuộc đời”,
cha Michel Quoist đã diễn tả tình yêu vị tha Chúa đòi hỏi nơi mỗi linh mục, qua
lời nguyện chiều Chúa nhật của một linh mục:
“Lạy Chúa, chiều nay con
trơ trọi, những tiếng động trong nhà thờ lịm tắt dần. Những người đi chầu đi lễ
đã về hết rồi và con cũng lủi thủi trở về nhà xứ, một thân, một bóng…
“Yên lặng làm con ngạt
thở, cô đơn làm con bực dọc.
“Lạy Chúa, con cũng có
một thân xác như bao nhiêu người khác, với những bàn tay để làm việc, với một
quả tim được dành để yêu thương.”
Kỳ diệu làm sao cái tình yêu Chúa mang
xuống trần gian! Với tình yêu, Chúa đã thực hiện một phép rửa không phải bằng
nước, mà bằng lửa, một phép rửa thanh tẩy tôi sạch hẳn mọi vết nhơ tội
lỗi: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa.” (Mt
3,11)
Chúa đã “mang lửa xuống trần gian” để thực
hiện phép rửa đó. Ngọn lửa được trao cho tôi. Tôi có tiếp lửa đó, yêu như Chúa
yêu, hay để lụi tàn?
6. Tình yêu trọn hảo
+Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Với kinh Vinh Danh được long trọng xướng lên trong thánh lễ
chiều nay, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Tam nhật thánh. Khởi đi từ căn
nhà nay được gọi là “Nhà tiệc ly”, Chúa Giêsu bắt đầu bước vào cuộc khổ nạn.
Bức tranh do danh họa Leonardo Da Vinci, người Italia, mang tựa
đề “Tiệc Ly” hay “Bữa tối cuối cùng – Last supper” là bức tranh sơn tường đầu
tiên được khởi vẽ năm 1495 và hoàn thành năm 1498, trên bức tường của một phòng
ăn tập thể ở Nữ tu viện Santa Maria delle Grazie, Milan, Ý. Đây là một tác phẩm
bất hủ đã góp phần đem lại danh tiếng cho nhà họa sĩ. Các tông đồ được chia làm
bốn nhóm, mỗi nhóm ba người. Mỗi vị tông đồ đều được diễn tả trong tâm trạng
ngỡ ngàng đến mức thất kinh, hoảng sợ. Họ vừa nghe Chúa nói: “Có một kẻ trong
anh em sẽ nộp Thày ”(Ga 13,22). Riêng Giuđa, kẻ bán thày, thì vẫn thản nhiên.
Sự lạnh lùng được thể hiện rõ trên khuôn mặt. Không những thế, họa sĩ còn thể
hiện khuôn mặt Giuđa với màu sậm. Phải chăng, ông muốn diễn tả, sự giảo quyệt
gian dối hiện rõ cả nơi khuôn mặt của người tông đồ phản bội?
Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu được diễn tả như một người bình
thản. Người điềm tĩnh giữa phong ba, như Người vẫn điềm tĩnh khi thuyền gặp bão
trên biển hồ, khi phải đối diện với Philatô, với Hêrôđê, với những người biệt
phái và dân chúng bị kích động đang căm ghét Chúa.
Chính trong bối cảnh này, Chúa Giêsu hiến mình làm của ăn của
uống cho các môn đệ, và qua các môn đệ, Chúa Giêsu nuôi dưỡng ngàn thế hệ mai
sau. Người ta thường trao quà tặng trong lúc vui vẻ hạnh phúc và cho những
người trung thành có công trạng. Chúa Giêsu trao ban chính mình trong một bữa
ăn mà mọi người tham dự đều có tâm trạng hoảng loạn và có người phản bội. Chúa
trao ban thân mình để bày tỏ tình yêu thương và giúp họ can đảm đón nhận mầu
nhiệm thập giá gần kề.
Ngày hôm nay, hai mươi thế kỷ sau biến cố Tiệc ly, Chúa Giêsu
vẫn tiếp tục trao ban thân mình cho nhân loại. Mỗi khi linh mục dâng lễ, qua
lời truyền phép, bánh trở nên Mình Chúa, rượu trở nên Máu Chúa. Bức tranh “Tiệc
ly” cũng vẫn đang thể hiện cuộc đời này. Trước lời mời gọi đến đón nhận Mình
Thánh Chúa Giêsu, có nhiều người nhiệt thành sốt sắng, nhưng cũng có những kẻ
dửng dưng lạnh lùng, thậm chí có người lại lộng ngôn phạm thượng. Tại
“Bàn-tiệc-cuộc-đời” này, tôi mang khuôn mặt nào trong số các tông đồ? Trong
“cõi người ta” đầy bon chen bận rộn, Thánh Thể vẫn hiện diện, âm thầm và sâu
lắng, như bằng chứng của một tình yêu tự hiến, yêu cho đến cùng, yêu hết mọi
người dù gặp nhiều phản bội dối gian.
Thánh Thể là Bí tích của tình yêu thương. Ai đón nhận bí tích
này đều được mời gọi thực hành đức bác ái. Người tín hữu không có đức bác ái sẽ
đi ngược với ý nghĩa của bí tích này. Trong khi các tông đồ hoảng loạn thất
kinh, Chúa Giêsu đã làm một việc không ai ngờ tới: Người bưng chậu nước đi rửa
chân cho từng người trong họ, kể cả chân Giuđa, người tông đồ phản bội. Chúa
không chỉ rửa chân cho những người luôn ở bên cạnh Chúa như Phêrô, Gioan và
Giacôbê mà bỏ rơi những tông đồ khác. Đó là cách hành xử của con người theo
kiểu sòng phẳng có trao có nhận. Chúa bao dung và nhân hậu với hết mọi người.
Cử chỉ rửa chân được chính Chúa lý giải liền sau đó: “Nếu Thày là Chúa, là
Thày, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thày
đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thày đã làm cho anh em” (Ga
13,14-15). Như thế là đã rõ, cử chỉ của Chúa Giêsu vừa là nghĩa cử khiêm nhường
yêu thương, vừa là một bài học nêu gương và một lệnh truyền cho các tông đồ hãy
bắt chước người.
Hãy thinh lặng âm thầm cầu nguyện bên Thánh Thể để học sống yêu
thương và hy sinh cho người khác. Chúa Giêsu hiến thân vì con người, nhưng con
người lại quá so đo tính toán khi hiến thân cho Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô,
trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2015 này, đã nói đến sự dửng dưng vô cảm của con
người đối với Thiên Chúa và đối với đồng loại. Thiên Chúa không bao giờ dửng
dưng trước nỗi đau của con người. Chúng ta hãy học nơi Thánh Thể tình yêu
thương và sự hy sinh, phục vụ vì hạnh phúc của những người xung quanh.
Sống màu nhiệm Thánh Thể không dừng lại ở việc rước Mình Thánh
Chúa, mà còn được thể hiện qua những nghĩa cử yêu thương, tha thứ, hài hòa
trong cách đối xử với tha nhân. Đó là tình yêu trọn hảo và là lời mời gọi của
thánh lễ chiều thứ Năm Tuần thánh.
7.Tình Chúa - tình người
Lm. Giuse Dương Hữu Tình
Nếu đọc Tin Mừng của thánh Luca, tôi rất cám ơn ngài vì ngài là
người duy nhất đã ghi lại lời Chúa Giêsu dạy về dụ ngôn người cha nhân hậu (x.Lc
15,11-31), thì tôi cũng rất biết ơn thánh sử Gioan vì ngài cũng là thánh sử duy
nhất ghi lại sự kiện vô cùng ý nghĩa xảy ra trước giờ phút Chúa chịu tử nạn, đó
là việc Người rửa chân cho các môn đệ (x.Ga 13,1-20).
Đây là một sự kiện đã trở thành nguồn suối vô tận cho biết bao
suy tư đạo đức như bài học về đức khiêm nhường, tinh thần phục vụ, tình yêu
thương; cũng như trở thành một linh đạo, một chân lý sống cho biết bao người.
Đúng như thế, chính thánh sử Gioan đã ghi lại lời Chúa nói hôm ấy như sau: “Thầy
đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga
13,15). Sự kiện rõ ràng như vậy, nhưng dưới cái nhìn thần học của thánh Gioan,
ta không được phép dừng lại ở những bài học đạo đức luân lý, vì chắc chắn thánh
Gioan hiểu Chúa Giêsu không phải chỉ là một vị thầy dạy về luân thường đạo lý
như biết bao vị sáng lập các tôn giáo khác, có điều gì đó vượt xa hơn thế rất
nhiều.
Thật vậy, Thánh Gioan, “con chim phượng hoàng” của dòng thần học
từ trên xuống, dường như muốn chúng ta cất cánh bay cao hơn, tới tận biên giới
của vương quốc Thiên Chúa. Bởi thế, trước khi kể lại sự kiện Chúa rửa chân cho
các môn đệ, ngài đã cẩn thận nói thế này: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết
giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13,1). Đó,
những câu “Vượt Qua” và “về với Cha” như muốn khẳng định ngay với chúng ta về
nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu. Sự ra đi của Người chính là một cuộc Vượt
Qua, Vượt Qua để về với Thiên Chúa Cha, về với chính huyền nhiệm sâu thẳm vốn
có của Người. Nguồn gốc ấy cho thấy rõ con người thật của Người. Người đích
thực là ai? Người là vị Thiên Chúa mà dân It-ra-en không dám gọi bằng tên,
không dám tới gần, là vị Thiên Chúa từng được sách Khôn Ngoan ca ngợi rằng:
“tỏa ra từ quyền năng Thiên Chúa và rực lên trong ngần từ vinh hiển Đấng Toàn
Năng” (Kn 7,25). Nhưng Người cũng là một vị Thiên Chúa đang hiện diện giữa loài
người, mang tên là Em-ma-nu-en mà tiên tri I-sa-ia đã tiên báo (Is 7,14). Đức
Giêsu chính là vị Thiên Chúa đó, vị Thiên Chúa đang ở với loài người và sắp
“phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha”.
Thánh Gioan đưa ra lý do để ta có thể hiểu tại sao Người lại rửa
chân cho các môn đệ: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế
gian và Người yêu thương họ đến cùng”. Nếu không đưa ra lý do này, ta sẽ dễ
dàng hiểu việc Chúa sắp làm chỉ là một cử chỉ giáo dục đạo đức, một việc làm có
tính cách tượng trưng. Và như thế, chúng ta dễ bị cám dỗ đánh đồng việc Chúa
làm với những việc giáo dục đạo đức, với những lời chỉ dạy luân lý thông
thường. Trong một thời đại mà người ta dễ dàng đưa ra những lời dạy rất hay về
lẽ sống, cách sống, kỹ năng sống.... nhưng thực tế lại không sống hay không
sổng nổi như thế, thì việc hiểu hành động Chúa làm chỉ là một bài học đạo đức luân
lý sẽ rất nguy hiểm.
Không, Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa làm người. Sau hơn ba mươi ba
năm ở trần gian, Người sẽ trở về với nguồn gốc đích thực của mình. Trước khi ra
đi, Người muốn một lần nữa tỏ cho các môn đệ biết khuôn mặt đích thật của Thiên
Chúa. Một Thiên Chúa mà con người phải ngỡ ngàng cúi đầu tôn thờ. Thiên Chúa đó
đã rửa chân cho từng môn đệ để họ có cơ hội nhận ra Thiên Chúa thật khi họ cúi
xuống nhìn Người. Làm sao có thể có được một kinh nghiệm vô cùng lạ lùng đến
như vậy. Từ trước tới nay, con người phải cố ngẩng cao đầu, cố hướng mắt nhìn
lên tận nơi cao xa may ra có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa phần nào. Nay các môn
đệ lại phải cúi đầu xuống mới có thể nhận ra Người, một Thiên Chúa mà khuôn mặt
đang rất sát bàn chân và đầu gối của họ. Kinh nghiệm lạ lùng này, các môn đệ sẽ
chỉ có thể nghiệm được lần thứ hai. Và lần này không còn phải cúi xuống mà là
nhìn lên, nhìn lên lại để chiêm ngưỡng một Thiên Chúa trong thân phận một tử
tội.
Hai kinh nghiệm cách nhau chưa đầy hai mươi tư tiếng đồng hồ
nhưng là cả một huyền nhiệm vô cùng lớn lao về Thiên Chúa. Đó là kinh nghiệm về
một Thiên Chúa yêu thương. Ngôn ngữ của con người thật rất giới hạn, nhưng sẽ
không có một lời giải thích nào thỏa đáng nếu không dùng đến ngôn ngữ của tình
yêu. Vì yêu thương, Thiên Chúa sẵn sàng làm tất cả những gì có thể cho con
người. Rõ ràng thánh sử Gioan đã ghi lại lời Chúa dạy: “Vậy, nếu Thầy là Chúa,
là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”,
nhưng chắc chắn Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã rửa chân cho được bao nhiêu
người, nhưng Chúa sẽ hỏi đôi bàn tay chúng ta đã giúp đỡ sẻ chia cho được những
ai! Chúa sẽ không hỏi chúng ta đã hôn được bao nhiêu bàn chân, nhưng Chúa sẽ
hỏi môi miệng chúng ta đã làm cho bao nhiêu người được hạnh phúc. Chúa không
muốn chúng ta trở thành những người thợ làm thuê (rửa chân- hôn chân thuê),
những robot, người máy của thời hiện đại, nhưng muốn chúng ta thực sự trở thành
những con trai con gái của một vị Thiên Chúa yêu thương, yêu thương đến
cùng.
8. Tình yêu đến cùng: Rửa chân và Thánh Thể
Để chiêm ngắm, có thể nói “mầu nhiệm rửa chân” hơn, bởi vì Đức
Giê-su nói với thánh Phê-rô: “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu”, chúng ta
được mời gọi chú ý đến bối cảnh. Đức Giê-su rửa chân cho các các môn đệ trong
bối cảnh, Người “biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa
Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu
thương họ đến cùng”.
Đức Giê-su từ cung lòng của Thiên Chúa Cha, sinh ra trong thế
giới của chúng ta bởi quyền năng của Thánh Thần, và từ thế giới của chúng ta,
Người về với Chúa Cha, sứ mạng của Người là bày tỏ “tình yêu đến cùng” của Ba
Ngôi Thiên Chúa cho loài người và cho từng người. Như thế, hành vi “rửa chân”
của Đức Giê-su hướng tới mầu nhiệm Vượt Qua, để diễn tả mầu nhiệm tình yêu của
Thiên Chúa. Khi chiêm ngắm “mầu nhiệm rửa chân”, xin Chúa ban cho chúng ta ơn
nhận ra điều Chúa muốn thông truyền cho chúng ta, chính là tình yêu đến cùng và
sự sống viễn mãn của Người, và để cho con tim của chúng ta được chinh phục hôm
nay, suốt đời và mãi mãi; như Người nói với thánh Phê-rô:
Nếu Thầy không rửa cho
anh,
anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.
anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.
1. Đức Giê-su rửa chân (c. 1-5)
a. “Mầu nhiệm rửa chân” và bí tích Thánh Thể
Tại sao thánh sử Gioan không tường thuật biến cố Đức Giê-su lập
bí tích Thánh Thể? Có thể là vì ba Tin Mừng nhất lãm đã tường thuật rồi, nên
thánh Gioan cảm thấy không cần phải nhắc lại, nhưng muốn làm bật lên ý nghĩa «
hiện sinh » của mầu nhiệm Thánh Thể, nghĩa là Giáo Hội được mời gọi không chỉ
cử hành, nhưng còn sống mầu nhiệm Thánh Thể; hay đúng hơn, cử hành và sống mầu
nhiệm Thánh Thể phải là hai chiều kích hướng về nhau trong cùng một hành trình
đi theo Đức Ki-tô trong cuộc sống. Hơn nữa, đối với thánh Gioan, lòng ước ao
trao ban chính mình như là của ăn và của uống, đã có từ rất sớm và đã được Chúa
bày tỏ rồi (x. Ga 6). Như thế, thay vì chỉ hiểu hành vi rửa chân như là một bài
học thực hành, một gương mẫu, về việc phục vụ khiêm tốn, chúng ta được mời gọi
hiểu dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thánh Thể:
So sánh hai trình thuật, chúng ta có thể nhận ra rằng hành vi
rửa chân cho các môn đệ mang tầm mức Thánh Thể: một bên, Đức Giêsu trở nên của
ăn, một bên, Ngài trở nên người tôi tớ phục vụ bàn ăn. Cả hai đều là hành vi
trao ban chính ngôi vị: một đàng là sự sống, một đàng là danh dự. Cả hai cử chỉ
đều diễn tả tình yêu tuyệt đỉnh: « Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn
ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng » (c. 1). Chính vì thế mà, Đức
Giêsu nói với Phêrô: « việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh
sẽ hiểu ».
Như thế, cũng như mầu nhiệm Thánh Thể, hành vi rửa chân muốn diễn
tả tình yêu đến cùng của Đức Giê-su dành cho các môn đệ. Tuy nhiên, như chính
hành vi rửa sạch gợi ra, qua hành vi rửa chân, Đức Giê-su làm cho các môn đệ
trở nên thanh sạch tận căn, làm cho chúng ta nên công chính tận căn, bằng chính
ngôi vị của Ngài, bằng sự sống của Ngài, bằng máu của Ngài.
b. “Mầu nhiệm rửa chân” và hành vi phản bội
“Trình thuật rửa chân” của Tin Mừng theo thánh Gioan được đánh
dấu rõ nét bởi hành vi phản bội: ở phần đầu (c. 2), phần cuối (c 18) và phần
giữa (c. 11).
- “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa
được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
- “Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11), trong lời tường thuật
này của thánh sử Gioan, Giuđa được nhìn như là tác nhân.
- “Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con
chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Trong lời nói
này của chính Đức Giê-su, Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Như thế, bản chất đích thực của hành vi phản bội phức tạp hơn
chúng ta tưởng; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được
tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giuđa, và cùng với Giu-đa là
Satan, không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giêsu, nhưng vô tình
làm cho tình yêu ấy trở nên tuyệt đối và đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành
cho các môn đệ, trong đó có Giuđa, cho từng người chúng ta.
c. Chiêm ngắm Đức Giê-su rửa chân
Vậy, chúng ta hãy dừng lại thật lâu để chiêm ngắm Đức Giê-su rửa
chân: Nhìn Đức Giê-su và từng người; lắng nghe sự thinh lặng và tiếng nói nội
tâm; quan sát cử chỉ rửa chân và phản ứng của từng người. Và nếu Đức Giê-su rửa
chân cho tôi thì sao?
Chúa muốn nói gì với chúng ta ngang qua hành vi rửa chân? “Đôi
chân” của chúng ta ở vị trí nào trong cơ thể, sạch đẹp ra sao, dùng để làm gì,
nói lên điều gì, mang những ý nghĩa nào? (thấp nhất, bẩn nhất, hay đi “lung
tung”, mang nhiều dấu ấn và dấu vết cuộc đời nhất…). Ngài không nói, nhưng
chúng ta có nghe tiếng lòng của Ngài không, nghe được tiếng lòng của các môn đệ
không? Không có mùi thơm của nước hoa (ngược lại là mùi hôi chân!), nhưng chúng
ta có ngửi ra được mùi thơm tình yêu cho đi đến cùng và một cách nhưng không
của Đức Giê-su không? Chúng ta có nếm được sự ngọt ngào của tình yêu này không?
Đức Giê-su đụng đến chân của các tông đồ: lòng của ngài xúc động thế nào, lòng
các môn đệ và lòng chúng ta có xao động không? Chúng ta có kinh nghiệm được
Chúa “rửa chân” chưa?
Đặc biệt là Ngài rửa chân cho từng người (chứ không phải, Ngài
rửa chân cho một môn đệ, rồi môn đệ này rửa chân cho môn đệ kia). Ngài tự làm
lấy tất cả. Hành vi này tương ứng với hành vi trao “bánh” cho các môn đệ trong
các trình thuật Nhất Lãm. Qua hành vi này, Ngài ước ao chia sẻ chính ngôi vị
của Ngài và những gì thuộc về Ngài, như Ngài sẽ nói với tông đồ: “Nếu Thầy
không rửa chân cho anh, Ngài nói với Phêrô, anh sẽ chẳng được chung phần với
Thầy” (c. 8). Chứ không phải chỉ là làm mẫu cho chúng ta bắt chước. Chúng ta
đừng quên ánh mắt và tâm tình của các môn đệ.
2. Không hiểu (c. 6-11)
Không có tông đồ nào phản ứng, chỉ có một mình tông đồ Phêrô
thôi. Thật đáng khâm phục! Vì không thể để cho Thầy của mình, Chúa của mình cúi
xuống rửa chân cho mình được. Chúng ta hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa ông
Phê-rô và Đức Giê-su: “Thầy mà rửa chân cho con sao?” Trong câu trả lời, Đức
Giêsu nói rằng: “việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu”. Thật lạ lùng, đồng thời
cũng diễn tả tình yêu đến cùng của Người: ông chưa hiểu, nhưng Ngài vẫn cứ rửa,
vẫn cứ trao ban; như hàng ngày Đức Giêsu vẫn cứ rửa cho chúng ta qua rất nhiều
ân huệ, nhất là qua Mình và Máu Ngài, cho dù chúng ta không hiểu, hay đúng hơn,
không thèm hiểu. Đó là bởi vì, Ngài hi vọng rằng, có một ngày “đẹp trời” nào
đó, chúng ta sẽ hiểu ra. Ngoài ra, nơi Phê-rô và các môn đệ, không chỉ có vấn
đề không hiểu, nhưng còn có vấn đề chưa hoàn hảo. Ngài vẫn “rửa chân” cho chúng
ta, trong bí tích Thánh Thể, như thế đó. Bởi vì ơn huệ ở ngọn nguồn, luôn luôn
là ơn huệ nhưng không.
Phêrô vẫn chưa chịu, vì ông đóng kín mình trong cách hiểu của
mình: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu”. Đức Giêsu đành
phải mặc khải cho ông lời hứa chung phần. Mặc khải quá lớn, nhưng điều kiện
cũng không kém lớn: đó là để cho Thầy cúi xuống rửa chân, để cho Thầy trở thành
lương thực cho anh, để Thầy trở thành sự sống cho anh.
Lời hứa “chung phần”, nhưng là phần gì đây, đối với Phêrô và đối
với chúng ta? Có vẻ Phêrô ngộ ra, nên ông chịu để cho Thầy rửa chân. Nhưng lời
của ông để lộ ra cách ông hiểu vẫn còn nhiều vấn đề: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ
rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa”. Rửa “nhiều phần” như vậy,
phải chẳng là để được “nhiều phần” hơn người khác. Và “nhiều phần”, phải chăng
là chỗ ngồi bên phải hay chỗ ngồi bên trái, bên phải, là bổng lộc, là đỗ đạt,
là vinh dự…?
3. Đức Giê-su giải thích (c. 12-15)
Hãy lắng nghe lời giải thích của Đức Giê-su. Chúng ta có thể chú
ý đặc biệt đến lời sau đây: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm
như Thầy đã làm cho anh em”. “Như Thầy đã làm cho anh em”, nghĩa là như Thầy đã
“rửa chân” cho từng người trong anh em. Vì thế, lời của Đức Giê-su không dừng
lại ở mức độ, Ngài đã nêu gương hạ mình phục vụ, và chúng ta được mời gọi bắt
chước. Điều này cũng đúng nhưng chưa đủ, vì Thầy và trò vẫn còn ở bên ngoài
nhau, và trò bắt chước Thầy một hồi là đuối! Chính chúng ta phải có kinh nghiệm
được Đức Giê-su đích thân “rửa chân”, lúc ấy chúng ta mới có lòng ước ao và có
sức mạnh nội tâm “rửa chân” cho nhau.
Nhưng rửa chân có nghĩa là gì, phải chăng là một nghi thức mà
mỗi năm chúng ta lập lại một lần hay nghe kể lại một lần? “Như Thầy đã làm cho
anh em”, cho từng người trong anh em, là một điều không dễ hiểu, như Đức Giêsu
vừa nói với Phêrô: “việc Thầy làm bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ
hiểu”; và càng không dễ đón nhận, vì quá nhưng không. Chúng ta thích cái gì
sòng phẳng hơn, vì như thế mình làm chủ được. Hành vi “rửa chân” được Tin Mừng
Gioan đặt vào chỗ của mầu nhiệm Thánh Thể, nên cũng là một mầu nhiệm: Ngài trao
ban chính sự sống và ngôi vị cho chúng ta, dù chúng ta ở trong tình trạng nào,
để chúng ta “được chung phần” với Ngài. Chính tình yêu nhưng không này mới làm
cho chúng ta có thể “rửa chân” cho nhau theo cách của Đức Giê-su.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc