Lời Chúa cnpsb _ mục tử tốt lành


MỤC TỬ TỐT LÀNH
Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên “mục tử” trong môi trường sống của mình, để hy sinh phục vụ và dẫn đưa mọi người về với Chúa.
Logos
Năm 1986, tại liên hoan phim Cannes, nước Pháp, một bộ phim về truyền giáo của đạo diễn Roland Joffé đã đoạt giải “Cành Cọ Vàng.” Bộ phim mang tên “Giáo Điểm Trên Cao” (The Mission). Những biến cố lịch sử trong bộ phim này đều có thật, đã xảy ra quanh biên giới các quốc gia Argentina, Paraguay và Brazil vào năm 1750.
Bộ phim kể lại câu chuyện về vị linh mục mang tên Robert de Niro thuộc dòng Tên. Ngài được sai đến một giáo điểm truyền giáo ở một vùng núi cao để truyền bá Tin Mừng cho thổ dân da đỏ tại đó. Dân da đỏ đã nhiệt thành lãnh nhận niềm tin và rất quý mến cha Robert de Niro.
Nhưng vì quyền lợi đất đai, chính quyền bảo hộ Bồ Đào Nha đã sai quân lính đến giải tán giáo điểm và đuổi thổ dân về rừng. Vị linh mục cùng dân chúng cương quyết ở lại, để giữ vững niềm tin và bảo vệ cộng đoàn. Cuối cùng, vì sự cương quyết đó, vị linh mục đã phải lãnh một loạt đạn của quân lính vào ngực. Ngài gục chết giữa đàn chiên yêu dấu của mình. Ngài đã thí mạng vì đàn chiên ấy.
Vị linh mục can đảm đó đã họa lại hình ảnh tuyệt vời của Chúa Giêsu Mục Tử mà thánh Gioan đã phác họa trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ta là Mục Tử tốt lành. Mục Tử tốt lành thí mạng sống vì chiên.”
Hôm nay, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chúng ta chiêm ngưỡng ba nét đẹp làm nên hình ảnh cao cả của Chúa Chiên Lành.
Mục tử thí mạng sống vì chiên
Nét đẹp thứ nhất, đó là mục tử dám chết cho đàn chiên. Trong đoạn Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta đếm được đến 5 lần Chúa Giêsu dùng cụm từ “thí mạng sống.” Điều đó cho thấy nét cao cả và đẹp đẽ nhất của người mục tử tốt lành là dám hy sinh mạng sống cho đàn chiên của mình. Và đó cũng là sứ mạng chính yếu của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã tự ví mình như mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành khác với người chăn thuê. Người mục tử chính danh là người luôn luôn yêu mến đàn chiên, vì nhận biết rằng đàn chiên là của mình. Còn kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, nên sẵn sàng bỏ rơi đàn chiên để chạy trốn khi sói dữ đến bắt chiên.
Hình ảnh “mục tử và đàn chiên” là hình ảnh quen thuộc đối với dân Palestina. Nhưng hình ảnh đó đối với họ chỉ nói lên một ngành nghề của dân du mục: vất vả chăn chiên để kiếm sống, chăm sóc chiên để chiên cho thịt và lông… Nhưng ở đây, hình ảnh “mục tử và đàn chiên” còn đưa ta vào một tương quan sống động giữa Chúa Giêsu và chúng ta. Ngài đã hy sinh tất cả cho đàn chiên, và sự hy sinh lớn lao nhất là hiến mạng sống vì đàn chiên. Đó chính là tình yêu cao cả nhất mà Ngài có thể thực hiện: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15, 13).
Mục tử biết chiên mình
Nét đẹp thứ hai, đó là mục tử biết tường tận chiên mình. Hôm nay, khi xưng nhận mình là Mục Tử Tốt Lành, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta là Mục Tử Tốt Lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta.”
Theo Kinh Thánh, từ ngữ “biết” không phải chỉ về một kiến thức trừu tượng, nhưng diễn tả một liên hệ hiện sinh: biết cái gì là có kinh nghiệm cụ thể về cái đó, biết ai tức là đã sống với người đó.
Chúa Giêsu biết chiên của mình, có nghĩa là Ngài biết từng con chiên, Ngài có thể gọi tên từng con chiên và mỗi con chiên đều có thể nghe được tiếng Ngài và đáp lại lời Ngài.
Chúa Giêsu biết chiên của mình, có nghĩa là Ngài luôn sống thân tình với đàn chiên. Ngài hiểu rõ nhu cầu của mỗi con chiên và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu đó. Ngài chăm sóc dưỡng nuôi và băng bó vết thương cho chiên mình.
Chúa Giêsu biết chiên của mình, còn có nghĩa là Ngài dồn tất cả tình thương và sự quan tâm cho đàn chiên. Ngài sẽ tìm đúng chỗ con chiên đi lạc để mang về đàn. Ngài đối xử với chiên bằng tấm lòng khoan dung tha thứ của người cha.
Vì thế, hôm nay Chúa Giêsu đã nói: “Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha.” Chúa Giêsu muốn mở rộng tương giao tình yêu sâu thẳm giữa Ngài và Cha Ngài để đàn chiên cũng được bước vào tương giao tình yêu sâu xa ấy.
Mục Tử quy tụ đàn chiên
Nét đẹp thứ ba, đó là Chúa Giêsu đến trong tư cách Mục Tử Tốt Lành để quy tụ mọi người thành một đàn chiên duy nhất: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này. Cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn… và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên.”
Là mục tử tốt lành, hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu rõ Giáo Hội, đàn chiên thân yêu của Ngài vẫn còn mang nhiều vết thương đau đớn. Một trong những vết thương lớn trên thân mình Giáo Hội đó là vết thương của những cuộc ly khai trong lịch sử Giáo Hội. Đàn chiên của Chúa đã từng tan tác, lẻ bầy. Đàn chiên của Chúa đã từng tản mác, chia lìa. Người Mục Tử Tốt Lành ấy vẫn mong ước nhìn thấy đàn chiên được quy tụ thành một đàn chiên và một chủ chiên duy nhất. Đó chính là nỗi trăn trở khôn nguôi của Chúa Giêsu mục tử.
Người Mục Tử Tốt Lành ấy vẫn tiếp tục xuống núi, bỏ 99 con chiên ở lại đàn, để băng mình vào thế giới hôm nay, đi tìm con chiên lạc. Khi tìm thấy, Ngài vui mừng vác chiên lên vai đưa về đàn. Thậm chí đã có lúc Ngài chạnh lòng thương xót dân chúng vì họ bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt.
Hợp cùng tâm thức và lòng mong ước của Chúa Giêsu về “một đàn chiên và một chủ chiên”, trong bài đọc I, trích sách Tông Đồ Công Vụ, thánh Phêrô đã quả quyết trước công nghị:
Không có Đấng Cứu Độ nào khác ngoài Đức Giêsu, Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, vì dưới bầu trời này, ơn cứu độ không gặp được ở một ai khác.
Còn chúng ta, chúng ta có hiệp thông với nỗi khắc khoải và ước mong như Chúa Giêsu Mục Tử không?
Trước đây, kênh Truyền Hình Cáp Việt Nam 2, (VCTV2) chiếu bộ phim “Bến Sông Trăng” của đạo diễn Đỗ Phú Hải. Bộ phim mô tả đời sống của những người cùi tại trại phong Qui Hòa thuộc Qui Nhơn. Chuyện phim kể rằng: Có một vị bác sĩ trẻ mới ra trường với danh vị thủ khoa. Sau một lần đến thăm trại cùi, vị bác sĩ trẻ ấy đã tình nguyện đến để phục vụ những người cùi tại nơi đây, mặc cho nhiều người dị nghị và ngăn cản. Động lực duy nhất thúc đẩy chàng bác sĩ ấy hy sinh tất cả vì chàng đã nhìn thấy tấm lòng cao cả và vô vị lợi của các chị nữ tu đang phục vụ tại nơi này. Chính mẹ bề trên đã đi thông nhà vệ sinh của các bệnh nhân khi nhà vệ sinh bị tắc nghẽn. Chính gương hy sinh đó đã làm thay đổi cuộc đời vị bác sĩ.
Phải chăng Đài Truyền Hình Cáp Việt Nam đang góp phần làm cho lễ Chúa Chiên Lành tăng thêm ý nghĩa khi đề cao các chị nữ tu kia? Các chị nữ tu đã trở thành “mục tử” của các bệnh nhân bất hạnh. Rồi đến lượt vị bác sĩ trẻ cũng trở thành “mục tử” sẵn sàng hy sinh tất cả cho những kẻ đau khổ.
Hôm nay, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên “mục tử” trong môi trường sống của mình, để hy sinh phục vụ và dẫn đưa mọi người về với Chúa.
Chúng ta cũng hãy cầu nguyện để Chúa đánh thức những ơn gọi làm linh mục và tu sĩ đang “ngủ quên” trong cộng đoàn và gia đình chúng ta, để Giáo Hội có thêm nhiều mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước.