Lời Chúa cnps 4b _ hy sinh mạng sống cho đoàn chiên

“HY SINH MẠNG SỐNG CHO ĐOÀN CHIÊN”
“Suốt đời tôi, tôi luôn cầu xin Chúa ban cho tôi ba điều: Chịu đau khổ - kiên nhẫn chịu đựng – và được chết nơi đây giữa đoàn chiên yêu quý của tôi.” (ĐGM Cassaigne)
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Đề tài các bài đọc, cũng như chính lời nguyện thánh lễ Chúa Nhật này: Chúa Giêsu là Chúa chiên lành.
Đề tài này không phải là mới mẻ, mà ngay thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã phác họa trên bức tường của hang toại đạo hình ảnh mục tử vác trên vai một con chiên: Hình ảnh này ca tụng lòng Chúa thương yêu săn sóc đoàn chiên của Chúa.
Chúa Giêsu có nhiều danh xưng: ngoài tên “Giêsu”, thiên thần đặt cho ngài, ta còn gọi ngài là ngôi lời, ngôi hai thiên Chúa, còn gọi ngài là đấng cứu thế, đấng cứu chuộc… Người ta tính ra Chúa Giêsu có tới 30 tên gọi. Những tên gọi hoặc do chúng ta xưng hô, hoặc do chính ngài tự nhận, khi ngài còn ở trần gian: ta là sự sáng thế gian; ta là đàng; ta là sự thật; ta là sự sống; ta là cây nho; ta là bánh hằng sống; ta là sự sống lại v.v.
Chúa nhật này Giáo Hội nhắc chúng ta: Chúa Giêsu là Chúa chiên lành: đó không phải là danh xưng ta gán cho ngài, mà chính là danh xưng ngài đã tự công bố. Ngài nói rõ Ngài không phải là mục tử chăn thuê, mà ngài luôn luôn lo lắng, săn sóc đoàn chiên, ngài biét tên từng con chiên của ngài, ngài lặn lội đi tìm chiên lạc, và ngài đã hy sinh mạng sống ngài cho chính đoàn chiên, Ngài có nhiệm vụ quy tụ các chiên vào một đàn… Nói chung là Ngài có trách nhiệm lớn lao đối với chính đoàn chiên của ngài.
Ta thường nói: cha mẹ có trách nhiệm đối với con cái, bề trên có trách nhiệm đối với người dưới quyền, bạn bè hàng xóm láng diềng có trách nhiệm đối với nhau.
Vậy thế nào là con người có trách nhiệm?
Đây là câu truyện của một người có trách nhiệm.
Hoa Hâm chạy loạn, cùng đi với một bọn sáu bảy người. Giữa đường gặp một người cũng chạy loạn, đến kêu nài xin nhập bọn. Sáu bảy người kia thuận cho anh nhập bọn. Một mình Hoa Hâm nói: “Không nên! Đang lúc nguy hiểm, sinh tử, họa phúc có nhau, ta đi bấy nhiêu người cũng như một vậy. Bây giờ vô cớ nhận một người lạ, lỡ khi xẩy ra việc gì, thì có bỏ được người ta không?”
Sáu bảy người kia xúm vào, cố nói với Hoa Hâm cho anh ta cùng đi. Hoa Hâm bằng lòng. Người này đi được một quãng đường, chẳng may sa chân ngã xuống giếng. Cả bọn muốn bỏ mặc, để đi cho rảnh thân. Một mình Hoa Hâm nói: “Không nên, người ta cùng đi với mình, thì là người bọn mình, gặp sự chẳng may như vậy, mà mình bỏ người ta sao cho đành!”
Nói rồi bảo bấy nhiêu người cùng đi, ở lại vớt người kia lên. Sau cứu mãi không được, Hoa Hâm lại bảo phải ở lại an táng chu tất rồi mới đi.
Hoa Hâm là người có tinh thần trách nhiệm đối với người đã nhập bọn.
Sở dĩ Chúa Giêsu có trách niệm với chúng ta là vì, khi xuống thế, Thiên Chúa Cha đã trao chúng ta cho Chúa Giêsu, vì chính người đã nói: “Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con…” (Gioan 17,6). Ngài còn quả quyết: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi, đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài… Tất cả nhưng người Chúa Cha ban cho tôi, đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài… Tất cả những người Ngài đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngài sau hết” (Gioan 6, 37-39).
Những lời trên dây chứng tỏ chúng ta đã được Chúa Cha trao phó cho Chúa Giêsu
Vậy Chúa Giêsu có trách nhiệm đối với chúng ta. Đoạn văn sau đây coi là đoạn văn hay nhất, cảm động nhất, và có ý nghĩa nhất nói về trách nhiệm của một người đối với những người thuộc quyền mình (Nói về Chúa đã thực hành trách nhiệm đối với chúng ta như thế nào.)
“Tôi chính là mục tử nhân lành.
Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm chiên tán loạn, vì anh là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi… Tôi còn có những chiên khác, không thuộc đàn này, tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng tôi, và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu tôi là vì tôi hy sinh mạng sống…” (Gioan 10,11-16)
Chúng ta đang sống trong Giáo Hội: Một Giáo Hội trải qua hai ngàn năm, đã có biết bao nhiêu vị theo chân Chúa, sống xứng đáng một mục tử tốt lành. Vì thời giờ không cho phép dài dòng, ta chỉ kể ra một mục tử trong trăm ngàn mục tử đó.
Đức Cha Gioan.B. Sanh thụ phong linh mục ngày 19 tháng 12 năm 1925. Ngày 24 tháng 1 năm 1927 được bổ nhiệm coi xứ đạo Di linh. Nói là xứ đạo, chứ thực ra, Di linh lúc đó chỉ là một giáo điểm chưa có người nào tòng giáo, cũng chưa có một tín hữu nào. Đôi khi có những công nhân công giáo làm đồn điền tại các vùng lân cận tới dự thánh lễ vào ngày chúa nhật. Di Linh thời đó chỉ có đồng bào thiểu số thuộc sắc tộc Kô Hô. Họ không hiểu tiếng kinh, mà cũng không có một người kinh nào hiểu tiếng họ.
Nhận giáo xứ được ba năm từ 1927 tới ngày 29 tháng 3 năm 1930 mới có một người thượng lãnh pháp thánh tẩy: tên anh là K’Rai, nhận tên thánh là Giu Se.
Sắc tộc Kôhô thời đó có rất nhiều người mắc bệnh phong cùi. Khi còn làm việc được, thì người mắc bệnh cùi vẫn được chung sống với gia đình, nhưng khi thân tàn ma dại, không làm gì được nữa, và khi các vết ung cùi phá miệng lở loét, mủ máu váy đầy: khiến những người chung quanh không chịu được sự hôi tanh, thì dân làng đưa họ vào rừng, cất cho họ một túp lều tranh, để người cùi ở lại đó một mình, sống chết ra sao mặc kệ. Rồi bị yếu kiệt cô đơn trong túp lều hiu quạnh, người cùi đói khổ mà chết dần, một cách thảm khốc, hoặc là vì sống lẻ loi, nên bị cọp ăn thịt. Lúc bệnh vùi đã phá nặng, thì thân thể họ như một thây ma. Mình mẩy sưng phù lên, hoặc cũng có thể bị khô teo lại, mặt mày trở nét lạ thường, ai thấy cũng sợ. Hai vành tai chảy dài, dái tai lòng thòng và sưng phù lên, lỗ mũi bành ra khác thường. Đôi môi sưng húp, cặp mắt đỏ ngầu, tay chân biến đổi kỳ dị, rồi từng ngón tay, từng ngón chân rụng di, làm gân co quắp lại.
Một ngày vào cuối thu năm 1927, trong một chuyến đi thăm làng thượng bên cạnh, nhá nhem tối ngài mới về. Nhưng đang đi ven bìa rừng, thì có một số bóng đen lố nhố, như những bóng ma xuất hiện trên đường ngài đang đi. Rồi những người này kêu lớn tiếng: “Ôi Ông, xin thương chúng tôi!”
Ngài hỏi: “Các anh muốn gì?”
Họ đáp: “Chúng tôi là những người hủi bị bỏ rơi, rải rắc quanh đây, xin Ông giúp đỡ chúng tôi”
Ngài yên ủi họ, và hứa sẽ tổ chức một trại cùi để đưa họ về cùng sống chết với nhau ở đó. Năm 1929 trại cùi đầu tiên của Việt Nam được thành lập, cách xứ Di Linh khoảng 1000 mét. Lúc thành lập có 21 người cùi, cuối năm 1929 số người cùi lên tới 33, và rồi vào năm sau, lên tới 120 người.
Chính ngài lo ăn uống, thuốc men, nhà cửa cho họ. Rồi hằng ngày cũng chính ngài đứng ra săn sóc họ. Ít lâu sau mới có một số nữ tu tới cộng tác với ngài.
Ngày 1942 Tòa Thánh phong chức Giám mục cho ngài và chuyển ngài về coi sóc giáo phận Sàigòn. Tới năm 1955, ngài xin từ chức Giám Mục, trở về Di linh sống với bổn đạo cũ của ngài và săn sóc trại cùi ngài đã thành lập. Vì quá tận tụy với những người cùi, nên ngài cũng bị mắc bệnh cùi của họ. Khi bệnh tình đã quá nặng, có một lần Đức Giám Mục Đàlạt tới đề nghị với ngài, là sẽ đưa ngài đi Âu Châu điều trị tại một bệnh viện danh tiếng. Nhưng ngài đã chắp hai tay lại và nói như van nài: “Suốt đời tôi, tôi luôn cầu xin Chúa ban cho tôi ba điều: Chịu đau khổ - Kiên nhẫn chịu đựng – và được chết nơi đây giữa đoàn chiên yêu quý của tôi.”
Ngài mất tại Di Linh ngày 31 tháng 10 năm 1973
Đề tựa của Lm. HK