BÌNH AN CHO CÁC CON
Có một sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế
gian ban tặng” và “bình an Đức Giêsu ban tặng.”
Trên những chuyến
xe khách, xe buýt, các bến xe… người ta thường thấy những hàng chữ “chúc quý
khách thượng lộ bình an.” Người tài xế Công giáo treo hình Đức Mẹ trên xe có
kèm theo hàng chữ “Nữ Vương ban sự bình an.” Người tài xế Phật giáo treo hình Đức
Phật, dù có hay không có hàng chữ nào, trong lòng họ vẫn cầu mong Đức Phật ban
bình an.
Theo Hán tự, chữ
“bình” có nghĩa là bằng phẳng, đều hòa, hòa hợp, thoải mái, chữ “an”, theo cách
viết là “người nữ ở trong nhà”, có nghĩa là được bảo vệ, an toàn. Như vậy, bình
an nói lên trạng thái tâm hồn, trạng thái nội tâm
thư thái, an hòa, vui tươi, bình thản, vững chắc. Do đó, bình an khác với hòa
bình. Hòa bình nói lên trạng thái bên ngoài: không còn cạnh tranh, không còn
chinh chiến, xô xát, súng đạn, gươm đao. Cho nên có khi có hòa bình nhưng không
có bình an. Nhân loại thì khao khát hòa bình, còn mỗi người thì khao khát bình
an.
Chúa Giêsu sống
lại từ ngày thứ nhất trong tuần đã hiện ra với các môn đệ và ban bình an cho
các ông. Lời đầu tiên của Chúa Phục Sinh là: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19-21). Bình an là hồng ân của Chúa Phục
Sinh ban cho các môn đệ (Ga 20, 26; Lc 24, 36).
Các sách Tin Mừng
và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến đều thấy các môn đệ hội
họp trong nhà, cửa đóng then cài vì sợ người Do thái. Khi Chúa hiện diện, sự sợ
hãi của các môn đệ tan biến và các ông có được niềm vui, bình an, can đảm.
“Thầy ban bình an của Thầy cho anh em… anh
em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi” (Ga14, 27). Có một sự khác biệt cơ bản giữa bình an “thế gian ban tặng” và
“bình an Đức Giêsu ban tặng.”
1. Bình an Chúa
Giêsu là bình an trong tâm hồn
Chúa Giêsu Phục
sinh là niềm vui lớn lao nhất của các Tông Đồ và của các phụ nữ đạo đức. Niềm
vui nhân lên gấp bội khi Chúa trao quà tặng Bình an.
"Bình an cho các con." Khi tâm hồn của các Tông Đồ hoang mang lo
lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của
Chúa Giêsu rất đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của
các ông.
"Bình an cho các con." Sự bình an này không giống bình an của người
đời ban tặng. Sự bình an của người đời là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì
người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy bất an. Người ta
chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống. Người
giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm. Người có địa vị thì sợ kẻ
khác chiếm đoạt, lật đổ. Người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm.v.v... tất cả đều ở
trong trạng thái mất bình an.
Có câu chuyện kể
rằng: trong triều của một vua nọ có hai họa sĩ rất tài ba nhưng luôn ganh ghét
đố kỵ nhau. Một hôm nhà vua phán: “Ta muốn
phán quyết một lần dứt khoát ai trong hai ngươi là người giỏi nhất. Vậy hai
ngươi hãy vẽ mỗi người một bức tranh theo cùng một đề tài, đó là bình an.”
Hai họa sĩ đồng
ý. Một tuần sau họ trở lại, mỗi người mang theo bức vẽ của mình. Bức họa của
người thứ nhất vẽ một khung cảnh thơ mộng: những ngọn đồi nhấp nhô bao quanh một
cái hồ rộng với mặt nước phẳng lì không một gợn sóng. Toàn cảnh gợi lên một cảm
giác thanh thản, thoải mái. Sau khi xem xong, nhà vua nói: “Bức họa này rất đẹp, nhưng trẫm chưa hài lòng.” Bức họa của người
thứ hai vẽ một thác nước. Hình ảnh rất sinh động đến nỗi nhìn nó người ta như
nghe được tiếng nước đổ ầm ầm xuống vực thẳm. Nhà vua nói: “Đây đâu phải là một cảnh bình an.” Họa sĩ thứ hai bình tĩnh đáp: “Xin
bệ hạ nhìn kỹ hơn một chút nữa xem.” Nhà vua nhìn kỹ và khám phá một chi tiết
mà ông chưa chú ý: Trong một nhành cây nép mình sau dòng thác lũ, có một tổ
chim. Trong tổ, chim mẹ đang ấp trứng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở. Chim mẹ đang
bình thản chờ các con mình nở ra. Nhà vua nói: “Ta rất thích bức tranh này. Nó đã chuyển tải được một ý tưởng độc đáo
về bình an, đó là vẫn có thể sống bình an ngay giữa những xáo trộn của cuộc đời.”
Và nhà vua đã trao giải nhất cho tác giả bức họa này.
Bình an không
phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong.
Bình an là tình
trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với
Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự
công chính. Bởi thế,
không có bình an cho kẻ dữ.
Bình an là kết
quả của lòng trông cậy vào Chúa và khi ước muốn làm đẹp lòng Chúa là điều quan
trọng bậc nhất trong đời. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn,
xung đột và những vấn đề rắc rối chưa giải quyết được.
Chỉ có Bình An
của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc. Bởi vì bình an là thông hiệp với
Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa nên Ngài vẫn có
thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết
Ngài.
"Bình an cho các con." Thế giới như đang sống trên một lò lửa. Chiến
tranh, khủng bố, thiên tai, động đất… Thế gian chưa có bình an. Cho nên sự Bình
An của Chúa Giêsu vẫn luôn có giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn
khắc khoải tìm kiếm bình an trong cuộc sống.
2. Hoa quả của Bình
An
Có nhân thì có
quả. Có tranh chấp thì sinh ra hận thù, có ghét ghen thì sinh ra mưu mô thủ đoạn.
Đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết. Việc lành
cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó.
Hoa quả của
Bình An là: yêu thương, tha thứ,
bao dung, quảng đại, khiêm tốn, nhẫn nại, nhịn nhục...
Khi trong tâm hồn
có sự bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh, thì chúng ta biết thông cảm với người làm ta bực mình, dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến, sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói trong cử chỉ thái độ của mình... Hoa quả của bình an
chính là tình yêu của Chúa Kitô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách
chúng ta vì anh em mà phục vụ như Chúa Kitô đã phục vụ, như các thánh Tông Đồ
đã phục vụ Giáo Hội.
Hoa quả bình
an thể hiện bằng tiếng cười, niềm vui, hạnh phúc trong gia đình, an hòa thư
thái trong tâm hồn.
Hoa quả bình an
cũng chính là sự thật. Ta cảm thấy bình an khi mình sống ngay thẳng, sống theo
sự thật.
Con người ta ai
cũng muốn có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an. Nhưng
sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn không có tinh thần Phục Sinh của Chúa
Kitô, tinh thần đổi mới con người cũ trở nên con người mới sống theo hướng dẫn
của Thánh Thần.
Con người ta ai
cũng cần sự bình an, có khi còn cần hơn cả cơm ăn áo mặc nữa. Chúa luôn muốn
ban bình an cho chúng ta. Giáo hội cũng mong muốn như vậy. Cho nên mỗi khi tham
dự thánh lễ, linh mục thay mặt Chúa và Giáo hội cầu chúc: “Bình an của Chúa ở
cùng anh chị em,” rồi linh mục nói với chúng ta: “Anh chị em hãy chúc bình an
cho nhau.” Có bình an của Chúa ở nơi mình, chúng ta mới có bình an để chia sẻ
cho nhau.
Bình an là một
hồng ân Chúa ban và cũng là một trách nhiệm. Không phải chúng ta chỉ cầu khẩn
và tìm kiếm bình an cho mình mà còn phải là “khí cụ bình an của Chúa,” góp phần
tạo nên bình an cho mọi người và cho toàn xã hội.
Ước gì cuộc đời
của tôi của bạn, trong mọi nơi mọi lúc, nhất là lúc cam go sợ hãi thử thách
luôn nghe được lời chúc bình an của Chúa Phục Sinh: Bình an cho anh em.
Lm Giuse Nguyễn
Hữu An