Lời Chúa cnps 2 _ hãy xỏ ngón tay con vào đây


HÃY XỎ NGÓN TAY CON VÀO ĐÂY  
Để niềm tin thành toàn là lời mời bước vào cuộc gặp gỡ thâm sâu, trong mọi chiều kích của cuộc sống, cùng sống và cùng chết với Ngài: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây.”
Lm. HK
Vivekananda là lãnh tụ tinh thần nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của triết lý Vedanta ở Ấn độ. Lúc nhỏ Vivekananda, thường gọi theo tên khai sinh là Narenda, đã tỏ ra là một cậu bé khôn ngoan và có trí nhớ tốt.
Từ lúc còn trẻ, những câu hỏi về Thượng Đế luôn nổi lên trong tâm trí Narenda. Anh tầm sư học đạo và có phần ngả theo trường phái Bất khả tri (Agnosticism) cho đến khi anh được giáo sư Hastie giới thiệu đến gặp Ramakrishna, một linh sư của Ấn độ, vào tháng 11 năm 1881.
Narenda gặp Ramakrishna đang ngồi trên giường, anh hỏi:
-       Thầy có tin vào Thượng đế không?
-       Có, tôi tin.
-       Thế à, còn con thì không. Điều gì đã khiến thầy tin vào Đấng Tối Cao? Thầy có thể chứng minh cho con là Ngài hiện hữu không?
-       Được chứ. Tôi thấy Ngài cũng như đang thấy anh đây, mà còn rõ ràng hơn thấy anh nữa.
Dù chưa thể tán thành với Ramakrishna. Narenda vẫn tỏ ra kinh ngạc và bối rối khi cảm thấy đó thực sự là những lời chân thật thốt ra từ chiều sâu tâm hồn. Anh bị cuốn hút và đổi mới cuộc sống từ đó.
Câu hỏi về Thượng Đế đồng hành với cuộc sống con người. Phần lớn đời người được định hình tuỳ theo việc tin hay không tin vào Đấng Tối Cao. Câu hỏi đó được gặp thấy trong mọi nền văn minh và có thể được coi như mạc khải tự nhiên cho một chân lý Thánh Kinh: “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất.” (St 1,26)
Câu hỏi về Thiên Chúa là mặt bên kia của câu hỏi về chính mình mà ai cũng phải có được một câu trả lời cho cuộc làm người.
Như thế, định mệnh con người gắn liền với Thiên Chúa đến nỗi con đường hạnh phúc của họ chính là con đường tìm kiếm Ngài: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày.” (Tv 1,1-2)
“Có bao nhiêu con đường dẫn tới Thiên Chúa?” Đó là câu hỏi phóng viên Seewald đã đặt cho ĐHY Ratzinger (sau này là ĐGH Bênêđictô 16), và câu trả lời của ngài thật bất ngờ: “Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường”, và ngài giải thích thêm: “Bởi vì ngay trong cùng một đức tin, con đường của mỗi người là hoàn toàn riêng tư.”
Lần Chúa hiện ra lần thứ hai cho các tông đồ có thể được coi như là cuộc hiện ra cách riêng cho Tôma. Bởi đó, bắt chước cách suy tư của ĐGH Bênêđictô, người ta cũng có thể nói: có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu con đường Chúa đến với nhân loại.
Trong niềm tin Kitô, Đức Kitô là điểm qui tụ của mọi con đường đến với Chúa, cũng như của mọi con đường Chúa đến với con người. Đức Kitô đã xưng mình: “Ta là Đường.” Con đường chỉ có một nhưng vẫn không mất đi sự riêng biệt, tính cá vị. Cũng một bàn tay Chúa đưa ra đó, nhưng lời ngỏ lại rất riêng tư: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây.”
Rất riêng tư, đơn giản nhưng không gì phong phú hơn, là lời ngỏ của Đức Kitô mời gọi mỗi người tiếp xúc với tận nguồn ơn cứu độ!
Đúng thế, con đường gần nhất để đến với niềm tin không phải là các giáo trình uyên bác với những định nghĩa hoàn hảo, những công thức tỉ mỉ, như ĐGH Bênêđictô đã cảnh báo trong cuốn “Muối cho đời”: “Chúng ta thấy đức tin được xây dựng hết sức hoàn hảo và được hệ thống hoá quá đáng, tới độ người ta không còn dễ dàng đến được với đức tin nữa.” mà là những cuộc gặp gỡ mới, như Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh tới ngay sau đó khi đề cập đến việc tân Phúc âm hoá.
Vâng, gặp gỡ Đức Kitô mới là điều cốt yếu của vấn đề. Người gặp Đức Kitô sẽ dễ dàng nhìn ra điều then chốt: “Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung.” (Cv 2,44) và thấy đau khổ là những thanh lọc cần thiết cho hạnh phúc Nước Trời: “Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1Pr 1,7)
Gặp Chúa là bước đầu cho niềm tin, Chúa đã mời gọi các môn đệ đầu tiên: "Đến mà xem." (Ga 1,39). Để niềm tin thành toàn là lời mời bước vào cuộc gặp gỡ thâm sâu, trong mọi chiều kích của cuộc sống, cùng sống và cùng chết với Ngài: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây.”
Cuộc sống có ý nghĩa nhất khi tôi biết mình chết vì điều gì!
Thế thì còn lời đề nghị nào cao trọng hơn lời đề nghị tôi sống và chết… như Chúa? Sao mà cao quí! Sao mà thân mật! “Hãy xỏ ngón tay con vào đây.”