Tìm hiểu Lời Chúa _ thứ bảy tuần 5 mùa chay

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY
Ed 37,21-28; Ga 11,45-57
BÀI ĐỌC: Ed 37,21-28
21 Đức Chúa là Thiên Chúa phán như sau: Này chính Ta sẽ lấy con cái Ít-ra-en từ giữa các dân tộc chúng đã đi tới. Ta sẽ quy tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng. 22 Ta sẽ làm cho chúng thành một dân tộc duy nhất trong xứ, trên các núi Ít-ra-en; tất cả chúng chỉ có một vua duy nhất; chúng sẽ không còn là hai dân tộc, không còn chia thành hai vương quốc. 23 Chúng sẽ không còn ra ô uế vì những ngẫu tượng, những đồ gớm ghiếc và mọi tội ác của chúng nữa. Ta sẽ cứu chúng thoát khỏi mọi nơi chúng đã ở và đã phạm tội; Ta sẽ thanh tẩy chúng. Chúng sẽ là dân của Ta; còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. 24 Đa-vít, tôi tớ Ta, sẽ làm vua cai trị chúng; sẽ chỉ có một mục tử duy nhất cho chúng hết thảy. Chúng sẽ sống theo các phán quyết của Ta, sẽ tuân giữ các thánh chỉ của Ta và đem ra thực hành. 25 Chúng sẽ định cư trên đất Ta đã ban cho tôi tớ Ta là Gia-cóp, phần đất mà tổ tiên các ngươi đã cư ngụ. Chính chúng và con cháu chúng sẽ định cư mãi mãi trên đó. Đa-vít, tôi tớ Ta, sẽ là ông hoàng lãnh đạo chúng cho đến muôn đời. 26 Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. 27 Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta. 28 Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hoá Ít-ra-en, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời.
ĐÁP CA: Gr 31
Đ. Chúa canh giữ chúng ta, như mục tử canh giữ đàn chiên. (c 10d)
10 Muôn dân hỡi, lắng nghe lời Đức Chúa và loan đi các đảo xa vời, rằng Đấng đã phân tán Ít-ra-en, cũng chính Người sẽ thâu tập lại, canh giữ họ như mục tử canh giữ đàn chiên.
11 Vì Đức Chúa đã cứu chuộc nhà Gia-cóp, giải thoát họ khỏi tay kẻ mạnh hơn nhiều. 12ab Họ sẽ reo mừng đi tới đỉnh Xi-on, lũ lượt kéo nhau về hưởng ân lộc Chúa.
13 Thiếu nữ bấy giờ vui nhảy múa, trẻ già cùng mở hội tưng bừng. Tang tóc họ, Ta biến thành hoan hỷ,và sau cảnh sầu thương, sẽ cho họ được an ủi vui mừng.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ed 18,31
Đức Chúa phán: Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.
TIN MỪNG: Ga 11,45-57
45 Sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: "Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.”49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng: "Các ông không hiểu gì cả,50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là: thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân,52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau: "Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không? "57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh: ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.

MỤC TỬ GIÊSU CHĂM SÓC TA
TRONG PHỤNG VỤ
Các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm qua (thứ sáu sau CN 5 mùa Chay) lộ ra lý do chính người Do Thái đòi giết Đức Giêsu vì Ngài tự xưng mình là Thiên Chúa, là Con Cha trên trời. Tuy nhiên có người tin, có kẻ chống đối. Tin Mừng Ga 11,45-57 hôm nay bộc lộ rõ các đầu mục Do Thái nhất trí với thượng tế Caipha: “Cái lợi cho các ông hẳn là chỉ một người chết thay vì cả dân chứ đừng để toàn dân bị tru diệt”(Ga 11,50: Tin Mừng). Thánh sử Gioan cắt nghĩa ngay: “Điều ấy thượng tế Caipha nói ra không phải tự mình nhưng vì là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri là Đức Giêsu sẽ phải chết thay cho cả dân tộc, và không chỉ thay cho dân tộc mà thôi,nhưng còn để thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,51-52: Tin Mừng).
Xưa kia, tên Shêba âm mưu giết vua Đavid. Vì thế tướng Giôab rượt hắn chạy vào trong thành. Ông Giôab đem quân bao vây thành, và cho đào tường thành sập xuống để lính của ông ồ ạt tràn vào giết tất cả mọi người trong thành không sót một ai, dĩ nhiên là để chắc ăn giết được Shêba. Một phụ nữ trong thành ấy nghe tin này, bà đã gặp ông Gioab và thương lượng: “Để chúng tôi cắt đầu Shêba đưa cho ngài, vì không lẽ mọi người vô tội trong thành này phải chết vì một người có tội với vua sao?” Thế là bà trở lại thành xúi mọi người phải tìm cho bằng được Shêba để cắt đầu hắn, rồi quăng ra khỏi tường thành cho Gioab. Thế là ông Gioab liền cho rút quân để mọi người trong thành khỏi bị giết (x 2Sm 20).
Như thế, luật công bằng là kẻ có tội phải chết để người vô tội được sống, điều ấy đã là mừng, nhưng trong vụ án Đức Giêsu, Đấng Vô Tội, lại bị giết chết, vì Chúa Cha muốn cho cả loài người tội lỗi nhận biết tình yêu tuyệt vời của Ngài là, chấp nhận để phàm nhân tội lỗi giết Con Một của Ngài nhằm cứu độ nhân loại thoát tay tử thần, để được sống hạnh phúc dồi dào trong Chúa Giêsu (x Rm 8,32; Ga 10,10).
Thực vậy, sau khi Đức Giêsu bị giết chết, Ngài phục sinh vinh hiển, và nhận Vương quyền từ Chúa Cha nhằm chăm sóc đoàn dân đã tuyển chọn (Hội Thánh - Israel Mới) theo dòng vua Đavid, bằng tâm tình người mục tử đối với đàn chiên, mà ngôn sứ Ezekiel đã báo trước: “Chúa phán: này Ta sẽ kéo con cái Israel ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ khắp tứ phía. Ta sẽ đem chúng về lại thửa đất của chúng. Ta sẽ làm cho chúng nên một dân tộc. Chúng sẽ không còn là hai dân tộc. Chúng sẽ không để mình ra nhơ uế bởi các thần dơ dáy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi tội chúng đã phạm, và chúng sẽ là dân của Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Đavid tôi tớ Ta sẽ làm vua trên chúng. Chúng hết thảy sẽ chỉ có một mục tử mà thôi. Chúng sẽ đi theo các phán quyết của Ta. Chúng sẽ cư ngụ trên đất Ta đã ban cho Giacob tôi tớ của Ta. Đavid tôi tớ của Ta sẽ là lãnh tụ của chúng cho đến muôn đời. Ta sẽ cho chúng nên đông đảo. Ta sẽ đặt Thánh Điện của Ta giữa chúng cho đến đời đời” (Ed 37,21-28: Bài đọc).
Vậy Chúa Giêsu Phục Sinh đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Ezekiel trong Phụng Vụ mới Ngài thiết lập. Đó là lý do lời kết của Tin Mừng hôm nay nói đến việc người ta dứt khoát giết Đức Giêsu vào dịp lễ Vượt Qua của người Do Thái (x Ga 11,55-57: Tin Mừng). Nghĩa là lúc người Do Thái giết chiên tế lễ cho Thiên Chúa lúc 12 giờ trưa tại Đền Thờ, thì cũng chính giờ ấy tổng trấn Philatô trao Đức Giêsu cho người ta giết theo yêu sách của bọn đầu mục Do Thái (x Ga 19,14t). Khi Đức Giêsu tắt thở trên thập giá, màn trong Đền Thờ xé ra từ trên xuống dưới, đất động, đá vỡ ra, mồ mả mở toang, và xác của nhiều vị Thánh đã yên nghỉ được sống lại. Các ngài vào thành và hiện ra cho nhiều người (x Mt 27,51-53). Ta biết trong đền thờ Giêrusalem có bức màn chắn ngang cung thánh, đến giờ dâng Lễ, chỉ một người trúng thăm mới được qua bức màn đó mà vào cung thánh để dâng chiên Vượt Qua tế lễ Thiên Chúa (x Lc 1,9). Vào giờ Đức Giêsu tắt thở trên thập giá, bức màn ấy bị xé ra, tức là Phụng Vụ Do Thái bị phế bỏ, để không phải chỉ có một người trúng thăm mới được vào cung thánh dâng của vật chất lên Thiên Chúa, mà mọi người Công Giáo đều được vào tận Cung Thánh cùng với Chủ Tế là Chúa Giêsu Phục Sinh, Ngài cũng là Bàn Thờ và Lễ Vật dâng lên Chúa Cha (x GL Roma số 1348. 1383), vì Chúa Giêsu Phục Sinh đã cho người chết trong ơn nghĩa Chúa được đội mồ bước ra, đó là hiệu quả Đức Giêsu dâng Lễ trên đồi Sọ và còn tiếp tục trong Phụng Vụ Hội Thánh cho đến ngày cánh chung. Đức Giêsu biết trước những kẻ chống đối đang tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài chưa cho chúng ra tay, thì “Ngài lánh tới thành Ephraim, Ngài ở lại đó với các môn đệ” (x Ga 11,54). Ta biết Ephraim là con út của ông Giuse, người anh là Manassê (x St 41,51). Lý ra phúc lành của ông nội Giacob chúc phúc trên Manassê, thế mà ông Giacob lại chúc lành cho Ephraim. Điều này được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, đáng lẽ Ngài chúc phúc cho Israel,dân được tuyển chọn từ Ai Cập, thì Ngài lại chúc lành cho người Công Giáo, là những người được tập họp từ khắp các dân tộc vào Hội Thánh (x St 48 = Lc 24,50-53).
Như vậy, khi người Công Giáo dâng Lễ tạ ơn Chúa trong Thần Khí và Sự Thật mới được Chúa Cha chấp nhận (x Ga 4,23). Thế nên Hy Tế của Chúa Giêsu được gọi là lễ Tạ Ơn. Ta phải tạ ơn Chúa vì: “Chúa Cha đã không tha cho chính Con Một của Ngài nhưng đã trao nộp vì chúng ta hết thảy, làm sao Ngài lại không gia ân vạn sự cho ta làm một với Ngài” (Rm 8,32), để cứu chúng ta thoát chết vì tội đã phạm, tạo cho chúng ta một tâm hồn hân hoan dâng lời ca tụng Chúa: “Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đoàn chiên” (Gr 31,10d: Đáp ca). Vì chỉ khi hiệp dâng Thánh Lễ, ta mới được Đức Giêsu giúp thực hiện Lời Chúa kêu gọi qua miệng ngôn sứ Êzekiel: “Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (Ed 18,31:Tung Hô Tin Mừng).
Hồi Đệ nhị thế chiến, một trại tù của Đức Quốc xã có lệnh: “Các tù nhân có nhiệm vụ coi lẫn nhau. Nếu một tù nhân nào trốn trại, thì sẽ có 10 tù nhân khác thế mạng!”
Một buổi sáng kia, khi kiểm điểm các tù nhân, viên cai tù phát giác thiếu một người! Thế là tất cả các tù nhân hôm ấy phải đứng phơi nắng suốt ngày ngoài sân! Mãi đến chiều, người sĩ quan Đức có trách nhiệm nhà tù xuất hiện với bộ dạng giận dữ, tay chắp sau lưng, bước chân chậm rãi trên đôi giày bốt-đờ-xô nện trên nền đá nghe “cộp, cộp” đến lạnh người! Mắt ông trừng trừng nhìn thẳng vào mặt từng người tù, thỉnh thoảng ông dừng lại chỉ vào một người và buông lời cộc lốc: “Mày!” Cứ như thế ông đã chỉ đến người thứ 9, khi ông dừng lại người tù xấu số thứ 10, thì anh tù bật khóc nức nở kêu than: “Ôi em ơi, các con ơi!” Trong số tù nhân có Linh mục Maximiliano Kolbe liền giơ tay:
-            Xin ông cho tôi được chết thay cho người này!
Viên sĩ quan quát:
-            Con heo Ba Lan kia, mày có điên không?
Cha Maximiliano Kolbe ôn tồn đáp:
-            Thưa không, tôi là Linh mục chỉ có một mình, anh này còn vợ con, cần được sống.
Trước sức mạnh của tình thương, viên sĩ quan đứng lặng người trong giây lát, lạnh lùng buông lời:
-            Thuận.
Thế là cả 10 người “được chọn” bị đẩy vào hầm cho chết đói!Trong hầm, cha Maximiliano Kolbe luôn ca hát và cầu nguyện, cha đã cảm hóa được 9 người kia xin theo Đạo. Sau một tháng người ta mở cửa ngục ra xem, thấy cha Maximiliano Kolbe vẫn sống bình an, và vui vẻ. Thấy vậy tên cai ngục đã chích cho ngài mũi thuốc độc kết thúc cuộc đời…!
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho ngài ngày 14-10-1982. Hôm đó có cả gia đình anh tù được cha Kolbe chết thay cũng có mặt.
Quả thực: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình!” (Ga 15,13).
Vì cha Maximiliano Kolbe giống Chúa Giêsu, đã làm ứng nghiệm Lời Thánh Kinh: “Con cháu của chúng sẽ được định cư mãi trên miền đất Hứa. Đavid, tôi tớ của Ta là mục tử nhân hậu, là ông hoàng lãnh đạo dân cho đến muôn đời” (Ed 37,24b-25: Bài đọc); cha Kolbe đã nối dài và mở rộng Lời Kinh Thánh nói: “Thà một người chịu chết cho mọi người được sống, chứ đừng để mọi người bị tru diệt” (Ga 11,50).
THUỘC LÒNG
Thà một người chịu chết cho mọi người được sống, chứ đừng để mọi người bị tru diệt (Ga 11,50).
http://phaolomoi. net
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH