Suy niệm hạnh thánh _ 23/3

Thánh TURIBIUS ở MOGROVEJO
(1538-1606)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.
Sinh ở Tây Ban Nha và theo học về luật, ngài trở thành một học giả sáng giá đến nỗi được làm giáo sư luật cho Đại Học Salamanca, và sau đó trở thành chánh án Tòa Thẩm Tra ở Granada dưới thời Vua Philip II. Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.
Khi tòa giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru năm 1581, là nơi ngài chứng kiến sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân. Ở đây, người Tây Ban Nha xâm lăng vi phạm đủ mọi loại tội lỗi đối với dân địa phương. Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, Đức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.
Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông. Ngài học tiếng địa phương, và trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Mỗi sáng ngài đều xưng tội với cha tuyên úy, và cử hành Thánh Lễ với sự sốt sắng tột độ. Trong những người được Thêm Sức từ tay ngài là Thánh Rosa ở Lima, và có lẽ cả Thánh Martin de Porres nữa.
Ngài được phong thánh năm 1726.
Suy niệm 1: Phục vụ
Cùng với Thánh Rosa ở Lima, Thánh Turibius là vị thánh đầu tiên nổi tiếng ở Tân Thế Giới, phục vụ Thiên Chúa ở Peru, Nam Mỹ trong 26 năm.
Xuất thân là một giáo sư luật ở cường quốc Tây Ban Nha, Thánh Turibius đã lăn xã và hòa mình phục vụ người thổ dân thuộc địa Peru. Ngài học tiếng địa phương, giúp thiết lập các trường học, nhà thờ, và mở cửa chủng viện đầu tiên trong Tân Thế Giới.
Bí quyết thành công trong việc phục vụ tha nhân của thánh Turibius, đó là ngài phục vụ tha nhân như là phục vụ chính Thiên Chúa, hay nói cách khác ngài thể hiện việc phục vụ chính Thiên Chúa bằng việc phục vụ tha nhân (Mt 25,40).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn nhận ra Chúa đang hiện diện nơi tha nhân để dễ thực hiện tinh thần phục vụ.
Suy niệm 2: Biến cố
Ngài rất thành công, nhưng vẫn chưa phải là một luật sư có thể ngăn cản được những biến cố đột ngột xảy ra trong đời.
Khi tòa giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức. Sau khi được thụ phong linh mục và tấn phong giám mục, ngài được gửi sang Peru.
Quả thật Thiên Chúa đã uốn thẳng các đường lối quanh co. Trái với ý định của Turibius, và lại phát xuất từ điểm không ai ngờ là Tòa Thẩm Tra, con người này đã trở nên vị chủ chăn giống như Đức Kitô của các người nghèo và bị áp bức. Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn biết yêu thương tha nhân như điều họ mong đợi.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đọc được các biến cố theo sự quan phòng của Thiên Chúa.
Suy niệm 3: Đạo đức
Khi tòa giám mục Lima trong thuộc địa Peru của Tây Ban Nha trống ngôi, nhà vua quyết định Turibius phải là người giữ chức vụ đó: vì ngài cương quyết và có tinh thần đạo đức.
Một vị lãnh đạo tinh thần phải là một người hoàn hảo đến mức không ai có thể chê trách được điều gì, nhất là xét về mặt đạo đức (1Tm 3,2;Tt 1,6-7). Chính vì thế thánh Turibius đã được tuyển chọn.
Trong lịch sử dân Chúa, dầu là nữ nhưng nhờ lòng đạo đức (Gđt 8,8), bà Giuđích cũng đã được chính Thiên Chúa chọn làm thủ lãnh để cứu dân thoát khỏi sự xâm lấn của đạo quân của tướng Hôlôphécnê. Cũng như hai vợ chồng Dacaria và Êlisabét được chọn làm phụ mẫu của Gioan Tiền Hô dọn dường cho Chúa đến, là nhờ vào lòng đạo đức (Lc 1,6).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chuyên tâm vun đắp tinh thần đạo đức, để xứng với ơn Chúa thương chọn chúng con làm người con Chúa.
Suy niệm 4: Cải tổ
Các lạm dụng của hàng giáo sĩ cũng thật lộ liễu, và Đức Turibius đã dồn mọi nỗ lực để cải tổ lãnh vực này trước hết.
Dầu khó khăn và thậm chí bị chống đối, nhưng Đức Turibius không thể không bắt tay vào việc cải tổ, để chận đứng những lạm dụng của hàng giáo sĩ, vốn gây tác hại trầm trọng cho sự sống còn của Giáo Hội.
Xưa kia Đức Giêsu cũng mạnh dạn quở trách các kinh sư và người Pharisêu bằng lối sống giả hình đã khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào: “Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào... Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người” (Mt 23,13-15).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cải tổ lối sống mình theo sát huấn giáo của Chúa, để không gây thiệt hại cho mình và cho người.
Suy niệm 5: Thăm viếng
Ngài bắt đầu các cuộc thăm viếng lâu dài và gian khổ đến tất cả các giáo xứ trong tổng giáo phận mênh mông.
Tâm lý thường tình cho hay ai cũng muốn ở nhà và ngại đến nơi xa lạ, vì dầu sao ở nhà mình thường có tâm lý thoải mái và yên ổn hơn, đến mức có người cảm thấy khó dỗ được giấc ngủ ở một chỗ khác dầu tiện nghi đến đâu.
Vì lợi ích lớn hơn, Đức Tubirius chấp nhận rời nhà để thể hiện nhiều cuộc thăm viếng. Nhất là trong các chuyến công tác, có khi phải ở đó đến hai ba ngày mà thường không có thực phẩm cũng như giường chiếu. Đức Giêsu cũng từng chấp nhận không có chỗ gối đầu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con chú trọng đến công tác thăm viếng vốn không kém quan trọng hơn các công tác mục vụ khác.
Suy niệm 6: Học tiếng địa phương
Để sinh hoạt mục vụ với những người thổ dân, Ngài chẳng những học tiếng địa phương mà còn sành sõi một vài tiếng địa phương nữa.
Một trong các lãnh vực phải học, đó là phải học tiếng nước ngoài. Ngoại trừ những người có năng khiếu ngoại ngữ, còn nói chung học một tiếng nước ngoài với một người lớn tuổi, nhất là tiếng thổ dân, thì đấy không phải là một việc dễ dàng. Nhưng vì lợi ích mục vụ, Đức Turibius đã chấp nhận khó khăn này.
Một thánh nhân cũng thông thạo nhiều tiếng nước ngoài, không những tiếng Latinh, Hylạp mà còn cả tiếng Dothái và Chaldée nữa, đó là thánh Hiêrônimô. Vận dụng khả năng này, ngài đã dành thì giờ nghiên cứu và phiên dịch Thánh Kinh sang La ngữ. Đó là bản Vulgata vẫn còn dùng trong Giáo Hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp các tác phẩm của các dịch giả được nhiều người đón nhận như cách động viên việc đóng góp của họ vào ngôi vườn văn hóa.