Lời Chúa cnmc 4b _ thánh giá rạng ngời

THÁNH GIÁ RẠNG NGỜI
Đỉnh cao Thánh Giá chính là đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa. Càng ngước trông lên Thánh Giá, chúng ta càng được ngụp lặn trong sự sống, sự sáng và tình yêu Thiên Chúa.
Logos
Tháng 12 năm 1985, mẹ Têrêxa Calcutta đã đến New York, nước Mỹ. Và tại Manhattan, trung tâm tài chính lớn nhất thế giới, mẹ đã thực hiện một việc mà báo chí lúc đó gọi là “phép lạ ở Manhattan.” Đó là mẹ đã mở một trung tâm tiếp nhận những người bị Aids, những kẻ bị xã hội loài người và ngay cả gia đình và bạn bè bỏ rơi.
Khởi đầu, những cư dân sống chung quanh phản đối việc xây dựng trung tâm vì sợ lây nhiễm, nhưng mẹ đã được chính tổng thống Mỹ là ông Reagan và cơ quan y tế công cộng Hoa Kỳ ủng hộ, vì trung tâm này không gây ra sự lây nhiễm cho dân chúng.
Tại trung tâm này, mẹ xây một nhà nguyện và cũng ở nơi đây, mẹ đã dựng một thánh giá lớn ghi hai chữ “Tôi khát.”
Cây Thánh Giá chính là một dấu chỉ của sự bình an và sự chữa lành cho những kẻ bất hạnh đang mang chứng bệnh khủng khiếp của thế kỷ. Thánh Giá chính là dấu hiệu của ơn cứu độ.
Hôm nay, Chúa nhật thứ IV mùa Chay, qua hình ảnh con rắn đồng trong sa mạc, Giáo Hội phác họa hình ảnh tuyệt vời của cây Thánh Giá, trên đó, Chúa Giêsu bị treo lên để mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại lời Chúa Giêsu: “Như Môisen treo con rắn trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy….” Thánh Giá luôn là nguồn sự sống, sự sáng và tình yêu cho nhân loại trong thế giới hôm nay.
Thánh Giá, nguồn sự sống
Hình ảnh con rắn đồng được Chúa Giêsu nhắc đến xảy ra vào thời xuất hành của người Do Thái. Trên hành trình về Đất Hứa, dân Chúa phải trải qua 40 năm trường trong sa mạc, phải chịu gian khổ, thiếu thốn mọi thứ. Dân Do Thái mất kiên nhẫn và lòng tin, nên đã kêu trách Thiên Chúa và ông Môisen. Thiên Chúa đã trừng phạt họ bằng cách cho rắn lửa xuất hiện cắn chết nhiều người. Dân Do Thái sợ hãi kêu cầu Môisen xin Thiên Chúa tha thứ. Ông Môisen xin Thiên Chúa thương xót tha thứ cho dân. Thiên Chúa truyền cho ông Môisen đúc con rắn đồng treo lên cao, để ai bị rắn lửa cắn mà nhìn lên rắn đồng thì được cứu sống (Ds 21, 4-9).
Chúa Giêsu liên kết hình ảnh con rắn đồng bị treo lên với hình ảnh của chính Ngài, Đấng bị treo trên cây thập giá. Thật vậy, Chúa Giêsu bị “giương lên cao” để lôi kéo mọi người lên cùng Ngài và nhất là để ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh với niềm tin, sẽ được sự sống đời đời.
Như thế, mầu nhiệm thập giá chính là mầu nhiệm của sự sống. Ai chịu đánh mất mình vì thập giá Chúa Kitô, sẽ tìm lại được sự sống. Ai chịu đóng đinh mình vào thập giá Chúa, sẽ được cùng Ngài sống lại.
Thánh Giá, nguồn sự sáng
Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan đã kể lại câu chuyện của một con người đã từ bóng tối bước vào nguồn ánh sáng thần linh. Người ấy chính là ông Nicôđêmô. Ông đã đến gặp gỡ Chúa ban đêm vì sợ người Do Thái và nghi ngờ Chúa vì ông là thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái Giáo. Nhưng qua cuộc đàm đạo trong đêm tối, ông đã được Chúa biến đổi, để ông bước vào ánh sáng với một con người mới. Sau đó, ông đã xuất hiện hai lần nữa trong Tin Mừng theo thánh Gioan: khi các thủ lãnh Do Thái muốn giết Chúa Giêsu, là thành viên của Thượng Hội Đồng Do Thái Giáo, ông Nicôđêmô đã phản đối quyết định ấy. Ông đã bênh vực Chúa: “Lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” (Ga 7, 51).
Khi táng xác Chúa Giêsu, ông Nicôđêmô đã đến để tẩm liệm Chúa theo cách thức thật long trọng: 100 cân mộc dược trộn với trầm hương, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn xác theo tục lệ chôn cất của người Do Thái (Ga 19, 39-40).
Chúa Giêsu đã mạc khải chính Ngài là ánh sáng thật. Ánh sáng đã đến thế gian, để mời gọi mọi người đi theo, yêu mến và hành động theo ánh sáng rạng ngời.
Thánh Giá, nguồn tình yêu
Hôm nay, phụng vụ lời Chúa còn giới thiệu lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa qua hình ảnh người Con Một của Người đã chấp nhận chịu treo trên Thánh Giá vì nhân loại: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời.”
Chúa Giêsu chính là hiện thân tuyệt đối của tình yêu Thiên Chúa, được Thiên Chúa trao ban “nhưng không” cho trần gian. Ngài là món quà vô giá không gì có thể sánh ví được. Món quà ấy đã được ban tặng cho con người, ngay cả khi con người không hề hay biết và không một chút xứng đáng.
Thiên Chúa là Chúa cao cả, là Chúa Tể càn khôn, chỉ vì yêu đã cúi xuống đến tận cùng. Cúi sâu đến nỗi không còn cách nào diễn tả hơn là ban tặng chính Con Một của mình.
Còn Chúa Giêsu đã chấp nhận được “giương lên” như con rắn trong sa mạc để bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã biến đổi cây thập giá ô nhục thành cây Thánh Giá vinh quang và Ngài đã nêu cao bài học của tình yêu ấy trên Thánh Giá.
Hôm nay, chúng ta được mời gọi để luôn hướng mắt nhìn lên Thánh Giá, chiêm ngưỡng tình yêu cao vời đó. Càng gắn chặt đời mình vào Thánh Giá, chúng ta càng cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho chúng ta thật sâu xa. Càng bước sâu vào con đường khổ giá, chúng ta càng trở nên giống Chúa hơn.
Bài trích sách Ký Sự quyển thứ hai hôm nay chính là một hồi ức về tình yêu cao cả của Thiên Chúa: tác giả điểm lại những giai đoạn trong lịch sử của dân Israel. Vì bất trung và phản bội Thiên Chúa nên Thiên Chúa để cho họ phải mất nước và lưu đầy. Nhưng vì tình yêu, Chúa lại tha thứ và cho họ được hồi hương.
Cuộc đời chúng ta cũng là một “ký ức” về tình yêu. Thiên Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ta biết ăn năn sám hối và quay về với Ngài. Đỉnh cao Thánh Giá chính là đỉnh cao tình yêu Thiên Chúa. Càng ngước trông lên Thánh Giá, chúng ta càng được ngụp lặn trong sự sống, sự sáng và tình yêu Thiên Chúa.
Ngày xưa, khi thánh Bonaventura theo học tại Paris, nước Pháp, ngài quen thân với một sinh viên tài ba là Tôma Aquinô. Chàng trai sinh viên Tôma rất khâm phục và ngạc nhiên trước sự thông thái của Bonaventura nên mới hỏi bạn xem bạn học ở sách vở nào. Bonaventura dẫn Tôma đến trước cây Thánh Giá và nói: “Đây là nguồn mọi sự hiểu biết của tôi. Tôi luôn học Chúa Giêsu chịu đóng đinh.”
Bài học từ cây Thánh Giá luôn phải là bài học lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta phải đối diện với thử thách gian truân, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá để kín múc lấy nghị lực, lòng can đảm, sức mạnh và sẵn sàng vượt qua tất cả. Thánh Giá luôn là điểm hẹn tình yêu, là đích đến sáng ngời, đem lại cho chúng ta niềm hy vọng và sự bình an.