ĐÁM ĐÔNG CUỘC ĐỜI
Đám
đông cuộc đời vừa là cơ hội giúp tôi học hỏi, vừa là nguy cơ làm tôi đánh mất
chính mình.
Bài Thương khó được đọc trong phụng
vụ Chúa nhật Lễ Lá giống như một vở kịch dài có nhiều tình tiết, chương đoạn. Đức
Giêsu Kitô thành Nagiarét là nhân vật chính của vở kịch này. Khi lắng nghe và
suy tư Bài Thương khó, tôi lưu ý đến sự hiện diện của đám đông, là những nhân vật
phụ nhưng không kém phần quan trọng để làm nên vở kịch này.
Họ là ai?
Họ là những kinh sư, luật sĩ và biệt
phái. Đây là những người học hành uyên thâm. Họ có vị trí ưu tiên trong các buổi
hội họp. Họ được công chúng kính trọng và coi là những bậc nhân đức, thánh thiện.
Tuy vậy, những người này nhiều lần bị Chúa Giêsu lên án kịch liệt. Người phê
phán họ là những kẻ giả hình, giống như
những nấm mồ tô vôi, bên ngoài hào nhoáng, nhưng bên trong đầy thối tha. Họ
cũng bị lên án vì hay chất lên vai người ta những gánh nặng chính bản thân mình
không mang nổi. Họ là những người áp dụng một cách cứng nhắc các khoản luật, thậm
chí còn bày đặt thêm những quy định để bắt người ta tuân giữ. Trong đám đông
này, vị Thượng tế là người đứng đầu trong dân của Do Thái giáo. Nhưng vị thượng
tế cũng đã lạm dụng chức năng cầm cân nảy mực trong vụ lên án Chúa Giêsu, người
đang bị vu khống cách bất công.
Chủ tọa phiên tòa là Philatô, quan tổng
trấn. Ông là đại diện của đế quốc Rôma. Ông cũng là người đại diện của luật
pháp, có quyền tha bổng và có quyền kết án một con người, như chính ông đã nói
với Chúa Giêsu (x. Ga, 19-10). Vậy mà trước sức ép của đám đông, ông đã không
can đảm bênh vực người vô tội. Philatô đại diện cho những người cầm quyền nhưng hèn nhát và nhụt bước trước bạo quyền. “Lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” là như thế đó.
Tôi còn thấy những người dân thành
Giêrusalem. Trong số này, có những kẻ xu thời, “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”. Lúc Chúa
Giêsu vinh quang tiến vào thành thánh, họ vui mừng vỗ tay ủng hộ, vì coi Người
như Đavít tái giáng để lật đổ quyền thống trị của Rôma. Thế nhưng, trước tòa
Philatô, họ lại giơ cao những cánh tay để xin tha cho Baraba, lên án tử hình
cho Chúa.
Tôi thấy những môn đệ của Thày Giêsu. Họ vui mừng lúc cùng Chúa bước vào thành thánh, nhưng đó lại sợ hãi
hoang mang và bỏ chạy thoát thân. Thế mới biết “khi hoạn nạn mới biết ai là bạn
thật”. Trong số họ, có người can đảm như Phêrô, mạnh mẽ kiên quyết là thế, mà lại
chịu đầu hàng trước câu nói vu vơ của một cô hầu. Sau này, lúc Chúa chịu đóng
đinh, ông và vài môn đệ chỉ đứng xa xa, không dám đến gần (x. Ga 23,49).
Tôi còn thấy những
người phụ nữ và trẻ em trong đám đông này. Họ là những người
dân thành Giêrusalem thương cảm trước một người bị đem đi giết. Có lẽ họ chẳng
có dịp được nghe những lời tố cáo của các kỳ mục Do Thái. Họ cũng không cần biết
người này có tội hay không. Trước mắt họ là một con người bầm dập, tàn tạ và bị
bạo hành dã man. Một người phụ nữ trong họ, Bà Vêrônica, đã mạnh dạn len qua giữa
đám đông để lau mặt Chúa. Thế rồi, cũng có một người đàn ông nông dân, đi làm đồng
về, bị quân lính bắt vác đỡ thập giá cho Chúa Giêsu. Đây là những
người chân chất, thật thà và ngay thẳng. Họ chẳng cần
triết lý cao siêu. Họ chỉ hành động theo lời mách bảo của trái tim và lòng nhân
hậu.
Trong số đám đông hỗn tạp ấy, Chúa
Giêsu vác thập giá bước đi. Trước những lời phỉ nhổ chế nhạo, Người vẫn âm thầm,
thinh lặng, như con chiên bị đem đi giết. Đây là lúc Chúa thực hiện điều chính
Người đã giáo huấn: “Anh em hãy tha thứ cho kẻ thù!”; “Hãy học cùng tôi vì tôi
hiền lành và khiêm nhường trong lòng”; “Ai theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập
giá mình hằng ngày mà theo”. Trước đám người đang thương cảm, Chúa an ủi họ và
nhắc bảo hãy nghĩ đến cuộc đời của chính họ.
Và, may thay, trong đám đông này, vẫn
có những tâm hồn cao thượng và trung thành. Họ là Nicôđêmô, trước đây chỉ âm thầm thiện cảm với Chúa, nhưng sau cái chết của Chúa,
ông đã công khai nhận mình là môn đệ. Họ là Giuse Arimathia, là những người phụ nữ từ trước đi theo và giúp đỡ Chúa. Trong đám
đông, còn có những người vì miếng cơm manh áo phải cộng tác trong việc giết
Chúa, nhưng chứng kiến cái chết của Chúa, họ đã giác ngộ và nhận ra Người là
Con Thiên Chúa (x. Mt 27,54). Họ còn là Maria Mađalêna, một nữ môn đệ trung thành với Chúa. Bà là người đầu tiên được gặp Chúa
phục sinh.
Đã hai ngàn năm, đám đông trong ngày
Đức Giêsu chịu khổ nạn vẫn còn đó. Đó chính là đám-đông-cuộc-đời. Trong
đám đông hỗn loạn ấy, tôi thấy chính tôi. Có những
lúc tôi nhát đảm như Philatô, không dám bênh vực người vô tội. Có những lúc tôi
hừng hực căm thù, như những kỳ mục Do Thái. Lòng ghen ghét đã làm mờ lương tâm
của họ, cố tình nói “có” thành “không”. Có những lúc tôi giống như những người
“ba phải” ở Giêrusalem, lúc vui thì ủng hộ, lúc trái ý thì chống đối. Có lúc
tôi không dám nhận mình là môn đệ của Chúa, như Phêrô đã chối thầy mình. Tôi
tìm thấy tôi trong đám đông cuộc đời này. Tuy vậy, tôi không thất vọng, vì Chúa
đã đưa mắt bao dung nhìn Phêrô ngay khi ông vừa chối Chúa, Chúa cũng đưa mắt
nhìn tôi như thay lời muốn nói: “Ta tha tội cho con, vì Ta yêu con từ ngàn đời”.
Lời nói của Chúa giúp lau khô dòng lệ sám hối và ban cho tôi niềm vui
khôn tả của sự tha thứ. Tuy vậy, tôi phải luôn thận trọng
và tỉnh thức, vì trong đám đông cuộc đời, giữa tiếng hò la, nhiều khi tôi để
mình bị đám đông lôi kéo. Đây là một hiện tượng xã hội mang tên “tâm
lý đám đông”, có nghĩa là một hành động xấu, nhưng xung
quanh tôi người ta đều làm thế cả, bỗng dưng trở thành một hành động bình thường
được mọi người chấp nhận. Đám đông là môi trường làm tôi dễ “đánh lận con đen”,
là nơi “vàng thau lẫn lộn”. Đám đông cuộc đời vừa là cơ hội giúp tôi học hỏi, vừa là nguy cơ làm tôi đánh mất chính mình.
Ngày hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang
vác thập giá trong lòng cuộc đời. Gương mặt tàn tạ của Người đang tái hiện nơi
những người già cô đơn, nơi những người phong cùi, những người nghèo khó bất hạnh
cần sự nâng đỡ. Chúa đang mời gọi tôi lau mặt cho Chúa hoặc vác đỡ thập giá cho
Người nơi những anh chị em đó. Cây thập giá rất đẹp khi tôi đeo như đồ trang sức,
nhưng rất nặng nề khi chấp nhận dấn thân để nên giống Đấng đã chịu chết trên thập
giá vì tôi.
Đã hai ngàn năm, vẫn còn đó những kẻ
lên án, vẫn còn đó những kẻ sợ sệt, vẫn còn đó những người đe dọa đóng đinh
Chúa và còn tuyên bố Chúa đã chết lâu rồi. Ánh sáng và bóng tối vẫn giao tranh
quyết liệt. Sự sống và sự chết vẫn chiến đấu không ngừng. Tin Chúa Giêsu là can
đảm đứng về phía ánh sáng và sự sống, nhờ đó, chắc chắn tôi sẽ tìm được niềm
vui và an bình.