TÌNH YÊU
LỚN NHẤT
Thiên Chúa không kết án luận phạt chúng ta,
sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy
tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét đoán để khỏi bị Chúa xét đoán”.
Có rất nhiều
giai thoại kể về những tượng thánh giá cổ xưa… Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha,
có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn
đóng vào gỗ giá, nhưng cánh tay mặt thì rời ra và đưa lên phía trước trong tư
thế ban phép lành.
Người Tây Ban
Nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Một hôm có một hôm có một tội nhân đến xưng tội với vị linh mục chính xứ
ngay dưới cây thánh giá này. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho một tội nhân
có quá nhiều tội nặng, vị linh mục này thường tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc
đền tội thật nặng cũng như ngăm đe nhiều điều. Tội nhân ra về lòng cảm thấy nhẹ
nhàng. Nhưng tính nào tật nấy, không bao lâu, người đó lại sa ngã. Lần này, sau
khi tội nhân xưng thú tội lỗi, vị linh mục lại đe doạ: “Đây là lần cuối cùng
tôi giải tội cho anh!”
Nhiều tháng trôi qua, tội nhân lại đến quỳ
dưới chân linh mục cũng bên cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa.
Nhưng lần này, vị linh mục đã dứt khoát. Ngài lên giọng: “Anh đừng có đùa với
Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho anh nữa!.” Nhưng lạ lùng thay, khi vị
linh mục vừa khước từ tội nhân sám hối, thì Ngài bỗng nghe một tiếng thì thầm từ
bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và
ban phép lành cho hối nhân. Và vị linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy nói:
“Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi.”
Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi
trong tư thế ban phép lành, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha
thứ. Du khách đến viếng, nhìn lên thánh giá đều có cảm tưởng như ánh mắt của
Chúa Giêsu nhìn mình và nghe như có tiếng thì thầm: “Ta không hề kết án con.”
Anh chị em thân
mến, Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lên thập
giá của Đức Kitô. Nhìn lên
thập giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Ngài luôn tha thứ chứ không kết án. “Ta không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn nó bỏ đường tội lỗi, quay
trở lại để được sống” (Ed 33,11). “Quả
vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian,
nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ.” “Cũng như Môsê treo con rắn
đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy, để tất cả những
ai tin ở Ngài sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời.” Thập giá đã trở
thành dấu chỉ ơn cứu độ cho những ai tin vào Ngài, tương tự như con rắn đồng đã
được Môsê giương cao trong sa mạc thuở xưa, để những ai bị rắn lửa cắn, nhìn
lên con rắn đồng ấy đều được cứu sống.
Thánh Gioan còn
nói tiếp: “Thiên Chúa yêu thương thế gian
đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được
sống muôn đời.” Thiên Chúa một lần nữa lại biểu lộ tất cả tình thương của
Ngài đối với chúng ta trong Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Tất cả bắt nguồn
từ Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu của Ngài không ở trên mây trên gió, nhưng được
thể hiện qua hành vi “trao ban.” Điều quí nhất của Người Cha là Người Con. Thế
mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho nhân loại chính Con Một dâú yêu của Ngài.
Ngài đã cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu chính là quà tặng lớn nhất Thiên Chúa
Cha đã trao ban cho nhân loại. Việc trao ban này trước tiên được biểu lộ qua việc
Ngài sai Con Người và cuối cùng qua việc nộp Con Một cho loài người treo lên thập
giá. Đó là lúc Thiên Chúa trao ban
Con Một của Ngài cho loài
người một cách trọn vẹn nhất, dứt khoát nhất. Bởi vậy, chính lúc đó là lúc
Thiên Chúa đã đặt Con của Ngài làm Đấng ban sự sống cho loài người, để ai tin
vào Người Con ấy thì được sống đời đời. Vì con của Ngài đến không phải để kết
án luận phạt, nhưng để cứu loài người khỏi chết và cho thông phần vào cuộc Phục
Sinh vinh quang của Ngài.
Thưa anh chị
em, đứng trước thập giá Đức Kitô, chúng ta phải có
thái độ nào? Tin vào tình
yêu Thiên Chúa hay chối từ tình yêu của Ngài? Chính thái độ đó sẽ định đoạt số
phận của chúng ta. Vì thế, tin hay không tin là một chọn lựa sống chết. Mỗi người
có đủ tự do tiếp nhận hay từ chối ánh sáng. Ai tin là đón nhận ánh sáng, là bước
vào cõi sống. Ai không tin là từ chối ánh sáng và tự đầy đọa mình trong tăm tối,
trong cõi chết. Thiên Chúa không cần kết án luận phạt nữa.
“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã
ban Con Một của Ngài”, đó là chân lý cơ bản nhất của Kitô giáo. Tất cả cuộc đời cuả Chúa Giêsu,
cái chết của Ngài trên thập giá, là ngôn ngữ Chúa muốn sử dụng để nói với chúng
ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, yêu thương đến nỗi sẵn sàng để cho Ngươì Con
Một yêu quí của Ngài chết thay cho chúng ta.
Hãy nhìn lên thập
giá để thấy được tình yêu bao la của Chúa. Phải, bên kia sự ác độc của tội lỗi,
Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình
yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn
phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập
giá Chúa Kitô không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, trái lại để cảm
nghiệm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu
hơn.
Nhìn lên thập
giá Chúa Kitô để cảm nghiệm được ơn tha thứ của Ngài, để chúng ta cũng biết cảm
thông và tha thứ cho anh em chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của
Chúa, chúng ta càng được mời gọi yêu thương tha thứ cho anh em nhiều hơn. Thiên
Chúa không kết án luận phạt chúng ta, sao ta lại kết án luận phạt anh em mình? “Hãy tha thứ để được Chúa tha thứ. Đừng xét
đoán để khỏi bị Chúa xét đoán” (Lc 6, 36-37). Hãy yêu thương như
Chúa đã yêu thương ta.
Một lần nữa,
hãy ngước nhìn lên thập giá Chúa Kitô:
Hãy xem đó thì
biết phép công thẳng của Chúa là thế nào! Hãy xem đó thì biết tội nặng nề gớm
ghiếc là chừng nào! Hãy xem đó thì rõ biết lòng Chúa quá yêu thương ta là dường
nào! (Đàng Thánh Giá, chặng 13).