Lời Chúa cnmc 1b _ cám dỗ dửng dưng


CÁM DỖ DỬNG DƯNG
Phải biết bắt chước Trái Tim nhân từ của Chúa bằng cách sống bao dung, quảng đại với tha nhân. Hãy sống bằng cảm xúc thật, chứ đừng sống trong những cảm xúc ảo trên Internet, trên điện thoại, trên facebook, trên zalo…
Lm. Thiện Duy
Tiên tri Hôsê đã nói: “Chúa đã quyến rũ tôi, đưa tôi vào sa mạc và kề lòng Ngài tỏ tình với tôi.” Mùa Chay và Sa Mạc là thời gian và nơi chốn để gặp gỡ Chúa, để được Chúa tỏ tình. Mùa Chay và Sa Mạc cũng chính là cuộc đời của mỗi chúng ta, khi chúng ta chờ đợi để được kết hiệp với Chúa trong vinh quang khi chấm dứt cuộc đời này, khi chúng ta chịu những cám dỗ và thử thách trong kiếp người. Với tuần lễ đầu tiên của mùa chay, Giáo Hội muốn chúng ta hãy nhìn đến mùa chay của cuộc đời mình, để cùng với Chúa Giêsu, chúng ta bước vào sa mạc hầu được Chúa thanh luyện cho đến khi “kề lòng” Chúa nói với chúng ta: “Ta đã gọi chính tên con, con là của riêng Ta.”
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1. Bài Đọc I:
Sau cơn đại hồng thủy kéo dài 40 ngày, Thiên Chúa đã lập giao ước với ông Nôê. Nội dung của giao ước là Thiên Chúa sẽ không trừng phạt con người giống như vậy nữa: “Mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt.” Thường một giao ước sẽ có hai bên cùng được hưởng quyền lợi và trách nhiệm như nhau, nhưng ở đây, Thiên Chúa lập giao ước một cách đơn phương, con người không bị buộc điều gì cả. Dấu chỉ của giao ước đó chính là cầu vồng trên bầu trời. Qua đó cho chúng ta thấy Thiên Chúa không muốn hủy diệt con người, ngược lại muốn tỏ tình yêu thương đối với họ.
2. Đáp Ca: TV 24
Đây là tâm tình của một người tin tưởng tuyệt đối vào Chúa. Ông xin Chúa chỉ cho mình biết đường lối của Chúa: “Xin chỉ dạy con biết đường lối Chúa, và dẫn con trong chân lý của Ngài.” Thánh vịnh này rất phù hợp với chúng ta trong mùa chay khi chúng ta van xin Chúa cho chúng ta biết đi theo đường lối của Ngài. Nếu chúng ta biết theo đường lối của Chúa, thì Chúa sẽ dẫn chúng ta đến một vùng đất mới, và ở đó Ngài sẽ tỏ tình với chúng ta.
3. Bài Đọc II:
Trong bức thư của mình, thánh Phêrô nhắc lại câu chuyện lụt đại hồng thủy thời ông Nôe, và coi đó là hình bóng của phép rửa tội. Ngày xưa sau lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa đã cứu sống gia đình ông Nôe, ngày hôm nay phép rửa tội cũng sẽ cứu thoát những người tin vào Thiên Chúa nhờ sự phục sinh của ĐGK.
4. Tin Mừng:
Trong bài Tin Mừng hôm nay thánh Maccô thuật lại một cách ngắn gọn biến cố CG vào sa mạc 40 đêm ngày, tương đương với thời gian lụt đại hồng thủy của bài đọc I. Trong thời gian đó, Ngài tìm thánh ý Chúa Cha như một người công chính trong TV 24 của bài đáp ca. Maccô không viết chi tiết CG phải chiến đấu như thế nào trong sa mạc. Còn Matthêu và Luca thì nói rất rõ về việc ma quỷ cám dỗ Ngài trong sa mạc. Tuy nhiên Ngài đã dùng lời Chúa để chiến thắng ma quỷ và thể hiện sự trung thành với Thiên Chúa Cha.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi chúng ta hãy “vào sa mạc” của cõi lòng mình, để nhìn lên tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu độ từng người và mỗi người chúng ta qua giao ước được ký kết bằng máu Đức Giêsu Kitô. Đồng thời nhìn đến cuộc chiến đấu thiêng liêng qua những cám dỗ và thử thách trong cuộc sống hằng ngày, để theo gương của ĐGK, chúng ta trung thành với Thiên Chúa mà vượt qua được những cám dỗ nhờ sức mạnh của lời Chúa.
II. CÁM DỖ CỦA CHÚNG TA
Mỗi người ai cũng có những cám dỗ của riêng mình. Từ những cám dỗ mênh mông, bao la, kiểu như: “Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật, thế cho nên tất bật đến bây giờ.” Cám dỗ của Tú Xương thì cụ thể hơn: “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta, chừa được cái nào hay cái nấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà.” Ông biết mình bị cám dỗ, ông có chống trả để sửa chữa nhưng vẫn giữ lại cái thứ lăng nhăng mà mình yêu thích. Và mỗi chúng ta với cám dỗ của xác thịt, của tiền bạc, của danh vọng, của quyền lực…
Trong sứ điệp mùa chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến sự dửng dưng của con người. Ngài nói: “Dửng dưng đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân cũng là cám dỗ thực sự đối với Kitô của chúng ta.” Vì vậy chúng ta hãy nhìn đến những cám dỗ khiến chúng ta sống dửng dưng.
1. Hưởng thụ:
 Cám dỗ thứ nhất là cám dỗ hưởng thụ.
Có một bài báo phỏng vấn một chuyên gia kinh tế về đề tài “người Việt tiêu xài khiến thế giới phát hoảng.” Trong cuộc phỏng vấn này, phóng viên đưa ra thực trạng ở Việt Nam, có những đại gia xài hàng hiệu, hàng “cực độc” mà nhiều người giàu có trên thế giới không dám nghĩ tới. Ví dụ có người đặt mua chiếc đồng hồ bên Thụy Sĩ có nạm vàng rồng, cẩn kim cương, giá gần 1 tỉ đồng; hoặc có người mua một cây viết để làm kỷ niệm, điều đó tốt thôi! nhưng cây viết này được làm bằng đá cẩm thạch trị giá gần nửa tỉ đồng; hay có nghệ sĩ nọ mua một lọ kem trang điểm trị giá 40 triệu đồng… còn nhiều thứ khác mà khi nghe nói đến giá của nó chúng ta phải phát hoảng. Vị giáo sư này nói không ai kết tội được những người này, không ai có quyền bắt họ ở tù, nhưng chúng ta có quyền lên án lối sống hưởng thụ bất chấp sự nghèo khổ của phần đông dân chúng, và nhất là những đồng tiền họ kiếm được, trên bình diện công bằng, thường thì không công bằng; vì nếu thực sự là đồng tiền làm bằng mồ hôi nước mắt, thì người ta ít dám tiêu hoang như vậy.
Đó không chỉ là cám dỗ của những người thuộc hàng quý tộc, mà nó còn là cám dỗ của nhiều người chúng ta, khi chúng ta tìm kiếm lối sống an nhàn, hưởng thụ mà không quan tâm đến những người nghèo khổ xung quanh mình.
 Đó cũng là tội của ông phú hộ trong Tin Mừng Lc 16, 19-26 khi ông lo vui chơi, ăn uống, hưởng thụ trong khi Lazarô nghèo khổ ngay trước cửa nhà mình mà ông không quan tâm đến.
2. Vô tình
Cám dỗ thứ hai là cám dỗ vô tình.
Con người ngày hôm nay bị ảnh hưởng của nhịp sống tất bật, xô bồ của xã hội dẫn đến vô tâm, vô tình, không còn nhạy cảm với những hoàn cảnh xung quanh, nhất là những hoàn cảnh đáng thương. Sự vô tình này còn xuất phát bởi một trái tim chai đá, khi người ta sống khép kín, chỉ loay hoay với những gì mình yêu thích, bạn bè của họ chỉ ở trên ti vi, màn hình vi tính, những trò chơi của họ không còn là những cuộc gặp gỡ trực tiếp, mà hoàn toàn trên máy móc… Có một thanh niên chia sẻ trên Facebook như sau: “Thôi, phải đi ngủ thôi, ngày mai còn đi đám tang của bà mình. Chết lúc nào không chết, lại chết vào lúc mình đang thi. Đang thi mà đi đến đám ma thì xui chết….” Một câu nói vô cảm hết sức vô cảm, thể hiện một con người không còn một chút cảm xúc nào. Nếu con tim chúng ta khô cứng như vậy thì làm sao biết rung lên trước những hoàn cảnh xung quanh? Mà một khi con tim không rung lên, thì làm sao có thể thực thi việc quan tâm đến người khác được.
III. MÙA CHAY, MÙA CANH TÂN
1. Sống gắn bó với Chúa
Để chống trả lại hai cám dỗ hưởng thụ và vô tình khiến chúng ta sống dửng dưng với người khác, điều trước hết mà Đức Thánh Cha Phanxicô dạy là hãy xin Chúa biến đổi trái tim mình nên giống Trái Tim Chúa Giêsu, một trái tim luôn trăn trở, thao thức trước những tội lỗi, những nỗi đau của con người. Nghĩa là trước hết chúng ta phải thay đổi lối sống dửng dưng với Chúa thành một lối sống thân tình hơn với Ngài, biết lắng nghe tiếng Chúa mới có thể lắng nghe được nhu cầu của anh chị em mình. Chúa Giêsu đã vào sa mạc để sống thân tình với Chúa Cha, thì chúng ta cũng phải có những giây phút riêng tư với Chúa ít là trong những giờ kinh hôm kinh mai, và nhất là phải quyết tâm để tham dự thánh lễ Chúa Nhật thường xuyên.
2. Quảng đại với tha nhân
Kế đến phải biết bắt chước Trái Tim nhân từ của Chúa bằng cách sống bao dung, quảng đại với tha nhân. Luôn kiên nhẫn để sửa dạy những sai lỗi của người khác. Đồng thời hãy biết quan tâm, thăm viếng, kết nghĩa để nâng đỡ nhau. Hãy sống bằng cảm xúc thật, chứ đừng sống trong những cảm xúc ảo trên Internet, trên điện thoại, trên facebook, trên zalo…
Lạy Đức Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống như rất thánh Trái Tim Chúa.