Lỗi không phải ở ngày nghỉ
Những vấn đề khác... chủ yếu là vấn đề quản lý con người và có thể khắc phục
được, nếu người ta thực sự muốn, chứ bản thân những ngày nghỉ không có lỗi.
Hồi còn làm
trong một cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam, một ngày giữa tháng 6, tôi nhận
được thư của khách hàng, là một tổ chức tài chính nước ngoài, yêu cầu cung cấp
lịch nghỉ lễ của Việt Nam cho cả năm sau đó. Tôi đành chịu vì không kiếm đâu ra
cuốn lịch nào ở Việt Nam cho năm kế tiếp.
Đó cũng là lúc
tôi mới nhận thức được rằng đối với khách hàng, nhất là người nước ngoài, chuyện
sắp đặt lịch trình, kế hoạch làm việc từ trước rất lâu là điều bình thường, thiết
yếu. Sau này, khi làm việc ở Nhật Bản và Singapore, vấn đề này càng hiển nhiên
với tôi, và các cuốn lịch của họ cũng đều ghi rõ các ngày nghỉ lễ trong cả năm,
rất thuận lợi cho mọi người.
Các nước khác dễ
dàng in và công bố lịch cho năm sau từ trước đó rất lâu bởi họ có những quy định
rõ ràng và nghiêm túc thực hiện những quy định này. Chẳng hạn, nhiều nước quy định
nếu ngày nghỉ lễ trùng với thứ bảy, chủ nhật thì ngày kế tiếp sẽ là ngày nghỉ
bù - sẽ luôn là thế và chỉ có thế. Họ không tùy tiện cho làm bù để nghỉ bù. Nếu
cứ nghiêm túc làm như vậy thì cho dù chưa có lịch công bố, chưa rõ lịch nghỉ lễ
cho năm sau, ai cũng biết rằng nếu ngày lễ, ví dụ ngày Tết Dương lịch 1/1 rơi
vào thứ năm thì thứ sáu chắc chắn phải là ngày làm việc bình thường.
Nhưng cách làm
của ta hiện nay khác với nhiều nước. Ví dụ ngày Tết Dương lịch 1/1 rơi vào thứ
năm, trước đó khoảng 1-2 tháng, Chính phủ mới đột nhiên công bố hoán đổi thêm một
ngày làm việc để kéo dài đợt nghỉ Tết Dương lịch thành 4 ngày liên tục (từ thứ
năm đến chủ nhật), thay vì chỉ nghỉ đúng ngày như thông lệ. Sự hoán đổi này tùy
tiện, mỗi năm một khác. Đó là điều theo tôi nên tránh.
Nghỉ lễ dài hay
ngắn, ít hay nhiều là câu chuyện gây ra tranh cãi ở Việt Nam. Thành thực mà
nói, tôi không có câu trả lời dứt khoát nên hay không nên nghỉ lễ dài. Nhưng có
một vấn đề rất quan trọng là Chính phủ cần công bố và cho in vào lịch những
ngày nghỉ lễ cho năm kế tiếp để các cơ quan, doanh nghiệp và người dân chủ động
được kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi của mình. Hoặc nếu thống nhất áp dụng
phương pháp nghỉ ghép, hoán đổi ngày làm việc, thì phương pháp này nên được quy
định rõ ràng, thành nguyên tắc chung. Theo đó, ai cũng có thể tự tiên liệu được
năm tới, kỳ tới sẽ có những ngày nghỉ lễ, nghỉ bù và ngày đi làm bù nào.
Với tôi, tính
minh bạch, nhất quán và rõ ràng trong việc lên lịch nghỉ lễ để không gây ảnh hưởng
và đảo lộn tới đời sống xã hội một cách đột ngột như trên mới là quan trọng. Những
vấn đề khác như nghỉ dài quá thì tinh thần và thái độ làm việc ảnh hưởng, các
cơ quan không làm việc nghiêm túc, năng suất lao động giảm... chủ yếu là vấn đề
quản lý con người và có thể khắc phục được, nếu người ta thực sự muốn, chứ bản
thân những ngày nghỉ không có lỗi.
Phan Minh Ngọc