NGÀY 2 THÁNG 2
DÂNG ĐỨC GIÊSU
VÀO ĐỀN THÁNH
BÀI ĐỌC I: Ml 3, 1-4
1 Đức Chúa là
Chúa Thượng phán thế này: Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và
bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa,
vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, - ĐỨC CHÚA các đạo binh
phán. 2 Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất
hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. 3
Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lê-vi và tinh
luyện chúng như vàng, như bạc. Bấy giờ, đối với ĐỨC CHÚA, chúng sẽ là những kẻ
đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. 4 Lễ vật của Giu-đa và của
Giê-ru-sa-lem sẽ làm đẹp lòng ĐỨC CHÚA như những ngày xa xưa, như những năm
thuở trước.
ĐÁP CA: Tv 23
Đ.
Lạy Chúa Tể càn khôn: Chính Người là Đức
Vua vinh hiển. (c 10b)
7 Hỡi cửa đền, hãy
cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
8 Đức Vua vinh
hiển đó là ai? Là ĐỨC CHÚA mạnh mẽ oai hùng, ĐỨC CHÚA oai hùng khi xuất trận.
9 Hỡi cửa đền, hãy
cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào.
10 Đức Vua vinh
hiển đó là ai? Là Chúa Tể càn khôn: chính Người là Đức Vua vinh hiển.
BÀI ĐỌC II: Dt 2, 14-18
14 Thưa anh em, vì
con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết
nhục đó. Như vậy, nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây
ra sự chết, tức là ma quỷ, 15 và đã giải thoát những ai vì sợ chết
mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ. 16 Vì những kẻ được Người
giúp đỡ không phải là các thiên thần, mà là con cháu Áp-ra-ham. 17
Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành
một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền
tội cho dân. 18 Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên
Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lc 2, 32
Hall-Hall: Đức Ki-tô là ánh sáng soi
đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Chúa. Hall.
TIN MỪNG: Lc 2, 22-40
22 Khi đã đến
ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem
con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong
Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành
cho Chúa", 24 và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là
một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có
một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong
chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông
đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi
được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông
lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật
đã truyền liên quan đến Người, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và
chúc tụng Thiên Chúa rằng:
29 "Muôn
lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31 Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
32 Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của
Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài
Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. 34 Ông
Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi:
"Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã
xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;35
và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một
lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
36 Lại cũng có
một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều
tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi
ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu
nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến
lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong
chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
39 Khi hai ông
bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành
Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm
vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
TRONG CHÚA
GIÊSU,
ĐỨC MARIA THI
HÀNH CHỨC TƯ TẾ MỚI
Chúng
ta biết nếu không nhờ Đức Maria, loài người không có Đấng Cứu Độ. Từ ngày Con
Thiên Chúa sinh làm người đến ngày Mẹ Maria dâng Con vào Đền Thờ, ta chỉ thấy
mấy chú mục đồng, rồi ba nhà đạo sĩ đi tìm gặp vua Do Thái mới sinh. Nhưng
những người ấy mới chỉ là dấu chỉ con người được Chúa cứu độ, để tới 40 ngày Con
Thiên Chúa cũng là Con của Mẹ Maria được dâng vào Đền Thánh; Ta lưu ý con số 40
dựa vào Mạc Khải nói lên thời Thiên Chúa cứu độ, thời sung mãn ân sủng, Chúa
đưa con người đến đỉnh cao hạnh phúc hơn lòng mọi người mơ ước! Mầu nhiệm này
Phụng Vụ Hội Thánh hôm nay đã nối dài và mở rộng ba ý nghĩa và giá trị ngày lễ
Đức Mẹ Dâng Con:
-
Ai được ở trong Chúa Giêsu, người ấy vừa là tư tế vừa là
của lễ Chúa ưa chuộng.
-
Phụng Vụ Tân Ước mới có giá trị thanh tẩy lòng kẻ tin Chúa.
-
Chúa Kitô mới thực là ánh sáng, là vinh quang của Đền Thờ.
I.
AI ĐƯỢC Ở TRONG CHÚA GIÊSU, NGƯỜI ẤY VỪA LÀ TƯ TẾ VỪA LÀ CỦA LỄ CHÚA ƯA CHUỘNG.
Phụng
Vụ Cựu Ước: Tư tế và lễ vật khác nhau, tư tế dâng vật chất, tức là dâng của
ngoài bản thân mình; nhưng từ ngày Đức Maria dâng Con vào Đền Thờ, Phụng Vụ Cựu
Ước phải cáo chung: Đức Maria là Tư Tế mới, Con của Đức Maria là Lễ Vật mới, mà
Đức Maria cũng chỉ được trở nên Tư Tế vì mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể đã nhận
thân xác từ xương thịt Đức Maria, lúc ấy Ngôi Lời mới trở thành Vị Tư Tế đầu
tiên, và Ngài hoàn tất chức Tư Tế của Ngài khi sống lại từ cõi chết, Ngài tiến
thẳng vào cung trời dâng Của Lễ mới: “Trong
thân xác được Chúa Cha nắn tạo, này Con xin đến để thi hành thánh ý Cha”
(Dt 10, 5-7).”Các điều này Ngài đã thông
chia cho những người cùng chung máu thịt với Ngài. Vì Ngài không bao bọc các Thiên
thần, nhưng bao bọc dòng giống Abraham, để cùng trở thành Vị Tư Tế lo việc
Thiên Chúa …vì Đức Kitô đã trải qua thử thách và đau khổ, hầu đáp cứu những ai
chịu thử thách” (Dt 2, 14-18: Bài đọc II).
Như
thế trong ngày lễ Mẹ Dâng Con vào Đền Thờ đã khai mào Phụng Vụ mới: chỉ có Đức
Maria cùng chung máu thịt với Đức Giêsu và cùng chịu đau khổ thử thách với Con
của Mẹ, như lời ông Simêon đã nói tiên tri về Hài Nhi và Mẹ Ngài: “Ngài có mệnh làm cớ cho nhiều bổ nhào và
chỗi dậy trong Israel, và làm dấu gợi lên chống đối, và hồn bà, mũi gươm sẽ đâm
thâu, ngõ hầu ý nghĩ của nhiều hồn phải bày ra”(Lc 2, 34-35: Tin Mừng). Căn
cứ vào điều này mà Đức Maria được vinh dự trở thành “vị TRẠNG SƯ, VỊ BẢO TRỢ, ĐẤNG
PHÙ HỘ, và ĐẤNG TRUNG GIAN TRONG CHÚA GIÊSU” (Hiến Chế Hội Thánh số 62). Vì “Chúa Cha rất nhân từ, đã muốn sự ưng thuận
của người mẹ được tiền định trước khi Chúa Con nhập thể, để như một người nữ đã
hợp tác cho sự chết, thì cũng một người nữ hợp tác cho sự sống. Điều đó đặc
biệt thích hợp với Mẹ Chúa Giêsu, vì Ngài đem đến cho thế giới chính Nguồn Sống
cải tạo mọi sự. Do đó thánh Irênê nói: “Chính
Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể
nhân loại; nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Eva, nay đã gỡ ra nhờ sự
vâng phục của Đức Maria, điều mà trinh nữ Eva buộc lại bởi cứng lòng tin, thì Đức
Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ lòng tin. Bởi Eva có sự chết, thì nhờ Maria lại
được sống” (Hiến Chế Hội Thánh số 56).
Cũng
chính nhờ vinh dự này mà trong Phụng Vụ của Hội Thánh, Đức Maria được ưu thắng
hơn mọi thần thánh. Cụ thể suốt năm Phụng Vụ có tới 15 Lễ về Đức Mẹ:
1-
Lễ Mẹ Thiên Chúa ngày 1-1.
2-
Lễ Mẹ Dâng Con Vào Đền Thờ ngày 2-2.
3-
Lễ Mẹ Lộ Đức ngày 11-2.
4-
Lễ Mẹ được Truyền Tin ngày 25-3.
5-
Lễ Mẹ Đi Thăm Viếng Bà Êlysabeth ngày 31-5.
6-
Lễ Mẹ Núi Carmelo ngày 16-7.
7-
Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả ngày 5-8.
8-
Lễ Mẹ Lên Trời ngày 15-8.
9-
Lễ Trinh Nữ Vương ngày 22-8.
10-
Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ ngày 8-9.
11-
Lễ Bảy Sự Đau Đớn Đức Mẹ ngày 15-9.
12-
Lễ Mẹ Mân Côi ngày 7-10.
13-
Lễ Mẹ Dâng Mình ngày 21-11.
14-
Lễ Mẹ Vô Nhiễm ngày 8-12.
15-
Lễ Trái Tim Mẹ (sau Lễ Thánh Tâm).
II.
PHỤNG VỤ TÂN ƯỚC MỚI CÓ GIÁ TRỊ THANH TẨY LÒNG KẺ TIN CHÚA.
Tác
giả thư Do Thái nói: “Máu Đức Kitô sau
khi đã hiến dâng mình một lần để cất tội lỗi nhiều người”. Trái lại “máu chiên bò hiến dâng lên Chúa không khử
trừ được tội lỗi” (Dt 9, 28; 10, 4).
Thánh
sử Luca viết về ngày Mẹ dâng Chúa Giêsu: “Khi
đã đầy ngày, lúc phải làm thanh tẩy cho các đấng theo Luật Môsê, thì ông bà đem
Hài Nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” (Lc 2, 22:Tin Mừng). Theo Luật
Môsê, chỉ buộc người mẹ nếu sinh con trai bị dơ 40 ngày; nếu sinh con gái, thì
bị dơ gấp đôi: 80 ngày! Thời gian ấy họ không được tới tham dự Phụng Vụ, sau đó
người mẹ phải lên Đền Thờ để được thanh tẩy (x Lv 12, 2-4). Thế mà ông Luca lại
ghi: “Thanh tẩy cho CÁC ĐẤNG”, nghĩa là thanh tẩy cho Giuse và Maria,
vì Đức Giêsu gánh lấy tội loài người, nghĩa là nhờ Hy Tế của Chúa Giêsu, Hội
Thánh luôn được thanh tẩy. Bởi vì Hội Thánh luôn ôm ấp các tội nhân trong lòng,
như thửa ruộng có lúa và cỏ, do đó Hội Thánh luôn sám hối và canh tân không
ngừng (x Mt 13, 24-30; HCHT số 8).
Ơn
thanh tẩy ấy chính là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Malaki nói về thời Thiên Chúa
ra tay cứu độ loài người: “Giao ước của
Ta với nó là sự sống và sự bình an: Ta đã ban những thứ ấy cũng như sự kính sợ
cho nó. Nó sẽ kính sợ Ta và kinh hãi trước Danh Ta. Miệng nó nói lời lẽ chân
thật và môi nó không nói lời gian ác! Nó
đi với Ta trên nẻo đường bình an và ngay thẳng; nó đã làm cho nhiều người cải
tà quy chính. Thật vậy, môi của tư tế chất chứa sự hiểu biết và người ta
tìm điều Luật dạy nơi miệng nó; quả thế, nó là thần sứ của ĐỨC CHÚA các đạo
binh” (Ml 2, 5-7). Mà sở dĩ có Lời Chúa hứa như vậy vì, vào thời ngôn sứ
Malaki, khoảng 450 năm trước Công nguyên, các tư tế đã không lưu tâm đến việc
tôn vinh Chúa, bởi thế Chúa răn đe: “Hỡi
các tư tế, nếu các ngươi không nghe và nếu các ngươi không lưu tâm mà tôn vinh
danh Ta – Yavê các cơ binh đã phán –Ta sẽ phóng chúc dữ xuống trên các ngươi, và
Ta sẽ chúc dữ cho sự chúc lành của các ngươi. Phải, Ta sẽ chúc dữ cho nó. Vì
các ngươi chẳng lưu tâm gì cả. Này Ta chặt cánh tay các ngươi, và Ta sẽ vãi
phân lên mặt các ngươi, phân do lễ bái của các ngươi, và làm một với phân ấy
người ta sẽ mang các ngươi đi. Tại các ngươi nói: Phàm ai làm dữ trước mặt Chúa
đều tốt cả. Nơi chúng, Người được vui thỏa. Hay là các ngươi nói: Đâu nào Thiên
Chúa phán xét” (Ml 2, 1-3. 17b – Bản dịch NTT).
Với
hàng tư tế như thế, Chúa sai ông Gioan Bt đến dọn đường cho “Vị Chúa Tể thình lình vào Đền Thờ, kẻ ác nào
đứng vững trước nhan Ngài? Vì Ngài như lửa, như thợ luyện kim, như thuốc tẩy
của người phiếu giặt, Ngài thanh tẩy con cái Lêvi và chúng sẽ là những kẻ tiến
dâng lễ vật cho Chúa đúng theo lễ nghĩa” (Mt 3, 6-10 = Ml 3, 1-4: Bài đọc).
Việc
thanh tẩy trong ngày Đức Maria dâng Con vào Đền Thờ còn tạo nên một dân tộc Thánh,
dân tư tế của Thiên Chúa, như xưa sau khi ông Môsê đã dẫn dân Do Thái thoát ách
nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho ông nói với dân: “Các ngươi hãy nhớ ngày ra khỏi Ai Cập, khỏi kiếp nô lệ, về đất Chúa hứa,
các ngươi phải dâng cho Chúa con trai đầu lòng của các ngươi, cũng như các con
đực đầu lòng của gia súc, con vật ấy được thay bằng con chiên” (x Xh 13, 1-16).
III.
CHÚA KITÔ MỚI LÀ ÁNH SÁNG, LÀ VINH QUANG CỦA ĐỀN THỜ.
Lễ
Đức Mẹ Dâng Con còn được gọi là Lễ Nến, Lễ này có nghi thức làm Phép nến, chính
là làm phép cây nến, nối tiếp cây nến cháy sáng đã được thắp từ nến Phục Sinh, rồi
trao cho người đỡ đầu, người đỡ đầu lại trao cho thụ nhân trong ngày lãnh Bí
tích Thánh Tẩy. Với cây nến này được thắp lên vào giờ cầu nguyện kỷ niệm ngày
lãnh Bí tích Thánh Tẩy, thắp lên trong đêm Phục Sinh và thắp lên vào ngày Chúa
gọi ra khỏi thế gian, nêu dấu chỉ là trinh nữ khôn ngoan, được Chàng Rể Giêsu
đón vào tiệc cưới Nước Trời (x Mt 25, 1-13). Lúc Đức Maria dâng Con vào Đền Thờ,
ông Simêon và bà Anna phải đến Nhà Thờ mới được Đức Maria trao Ánh Sáng vinh
quang của Israel, dân Chúa (x Lc 2, 32: Tin Mừng), thì hôm nay mỗi khi ta tham
dự Phụng Vụ, nhất là hiệp thông Thánh Thể, Hội Thánh là Mẹ chúng ta lại đặt vào
lòng ta chính Con của Đức Maria đã đánh gục thần chết mà sống lại, “Ngài mới thực là Ánh Sáng ban sự sống. Ai
theo Ngài sẽ không phải đi trong tối tăm” (Ga 8, 12), bởi vì “Đức Kitô là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel
dân Chúa” (Lc 2, 32: Tung Hô Tin Mừng).
Tấm
lòng rung cảm của ông Simêon khi ôm Hài Nhi vào lòng: “Xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an – xin được chết lành – vì chính mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ”
(Lc 2, 29-30: Tin Mừng), cũng như tấm lòng cảm tạ ơn Chúa của bà Anna khi ôm
Chúa vào lòng và giới thiệu cho muôn dân (x Lc 2, 38: Tin Mừng), phải là tâm
tình của mỗi Kitô hữu lúc hiệp thông Thánh Thể, để rồi sau Thánh Lễ, khi ra về,
ta đưa Ánh Sáng Cứu Độ cho mọi người ta gặp gỡ.
Hôm
nay có hai mẫu người được ôm Đấng Cứu Độ vào lòng, nhưng bà Anna làm vinh danh
Chúa hơn ông Simêon, vì ông Simêon gặp được Chúa rồi, ông chỉ muốn yên nghỉ
trong Chúa để giữ trọn niềm vui cho mình; còn bà Anna khi đã biết Chúa, bà lại
giới thiệu Chúa cho người khác. Tưởng đó là do tình thương Chúa ban cho bà, nhưng
cũng còn phải nhận rằng bà có công, vì thời gian ở với chồng được bảy năm, khi
ông qua đời, lúc ấy bà chừng 22 tuổi, còn rạo rực và mộng mơ trong tuổi thanh
xuân, nhưng bà không tái giá, đêm ngày cầu nguyện ở Đền Thờ trông chờ Đấng Cứu
Thế. Nên khi được ôm Chúa vào lòng, bà được 84 tuổi, số năm ấy đã trở nên dấu
chỉ khuyến khích mọi Kitô hữu bắt chước Chúa Giêsu lúc lên 12 tuổi (8+4 = 12), Ngài
đã thiết tha với Phụng Vụ Lời Chúa của dịp Lễ phải được kéo dài, nên khi tan Lễ
mọi người ra về, Đức Giêsu còn trốn cha mẹ ở lại dạy Lời Chúa cho các thầy
thông luật (x Lc 2, 41t). Bà Anna đã làm mẫu cho chúng ta đến Đền Thờ nghe Lời
Chúa mới làm nhiều người cất lời cầu: “Lạy
Chúa là Chúa Tể càn khôn, chính Người là Đức Vua vinh hiển” (Tv 24/23, 10b:
Đáp ca).
THUỘC LÒNG
Đức Giêsu nói:
"Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối,
nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8, 12).
Lm GIUSE ĐINH
QUANG THỊNH