Thời sự GH _ hồng y trong giáo hội công giáo

HỒNG Y TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Các Hồng y là những "đại cử tri và cử tri duy nhất", hợp thành Hồng y đoàn, có nhiệm vụ bầu Giáo hoàng mới, là những cố vấn trực tiếp và cộng tác đắc lực của Đức Giáo hoàng trong việc quản trị Giáo hội hoàn cầu.  
TH
Đức Tổng Giám mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn vừa được Đức Giáo hoàng Phanxicô vinh thăng Hồng y. Xin tòa soạn cho biết tước vị Hồng y và trách nhiệm Hồng y là gì?
Sau Đức Giáo hoàng, các vị giáo sĩ cấp cao nhất trong Giáo hội Công giáo được gọi là Cardinal, hay Cardinalis (số nhiều, tiếng Latinh, có nghĩa là yếu tố thuộc bản chất, then chốt, chủ yếu, là nền tảng, là cột trụ...). Hồng y là danh xưng tiếng Việt, dịch theo mầu của y phục (Hồng: mầu đỏ hồng. Y: áo), dựa vào phẩm phục vị giáo sĩ mặc. Hồng y không phải là một chức thánh, mà chỉ là một tước vị. Tất cả các Hồng y, thông thường đều phải có chức Giám mục, nhận tước hiệu của một nhà thờ trong thành Rôma.
Bộ Giáo luật đã dành nhiều khoản để nói về các Hồng y. Các ngài là những "đại cử tri và cử tri duy nhất", hợp thành Hồng y đoàn, có nhiệm vụ bầu Giáo hoàng mới, là những cố vấn trực tiếp và cộng tác đắc lực của Đức Giáo hoàng trong việc quản trị Giáo hội hoàn cầu. Hồng y đoàn có một vị niên tưởng đứng đầu, giữ hiệu tòa Ostia.
Có ba bậc Hồng y: Hồng y Giám mục là các vị có tước hiệu trong bảy giáo phận chung quanh Rôma (Ostia, Palestrina, Albano, Frascati, Porto Santa Rufina, Sabina Poggio Mirteto và Velletri Segni). Hồng y Linh mục là những vị đứng đầu các giáo phận. Hồng y Phó tế là các vị đứng đầu một cơ quan Tòa Thánh ở giáo triều Rôma. Việc phận biệt ba bậc hồng y là một truyền thống lâu đời, nói lên ba Thừa tác vụ của chức thánh trong Giáo hội: Giám mục, Linh mục và Phó tế, chứ không có sự khác biệt nào giữa các ngài.
Bổ nhiệm Hồng y là quyền tuyệt đối và hoàn toàn tự do của Đức Giáo hoàng. Các ứng viên được lựa chọn đều thông thạo giáo lý, có lòng đạo đức, đời sống thánh thiện, khôn ngoan trong việc quản trị, quân bình trong phê phán, có công lớn và lòng trung thành với Giáo hội. Khi trao mũ đỏ cho từng vị, Đức Giáo hoàng luôn mời gọi "sống trung thành dù cho phải hy sinh, đổ máu" để xứng đáng với danh xưng Cardinal (cột trụ, nền tảng của đức tin và của lòng trung thành).
Đức Giáo hoàng bổ nhiệm Hồng y bằng thể thức công khai tuyên bố danh sách. Có một vài trường hợp vì hoàn cảnh chưa cho phép tiết lộ, Đức Giáo hoàng công bố giữ kín tên vị được bổ nhiệm (in pectore), mà Việt Nam ta hay nói là "Hồng y trong lòng".
Hồng y đoàn được triệu tập khi cần thiết. Công nghị Hồng Y mật chỉ có Đức Giáo hoàng và các Hồng Y họp. Công nghị Hồng y công khai có sự tham dự của một số giám mục, linh mục, giáo dân hoặc đại diện tổ chức xã hội. Đức Giáo hoàng có thể họp với các vị Hồng y trên thế giới, tùy vào mức độ quan trọng liên hệ đến đời sống Giáo hội.
Giáo luật ấn định: Trong khi trống ngôi Giáo hoàng, Hồng y đoàn lãnh nhận quyền quản trị tạm công việc trong Giáo hội, theo luật lệ riêng. Bao gồm việc triệu tập các Hồng y dưới 80 tuổi trên toàn thế giới về Rôma, để họp Mật viện bầu Giáo hoàng mới. Các ngài phải cầu nguyện, ăn chay, để xin ơn Chúa Thánh Thần, và thề hứa:hoàn toàn tự do theo tiếng lương tâm và ơn Chúa soi sáng, chọn vị "nghĩ là xứng đáng hơn cả". Vị đắc cử phải được 2/3 số phiếu của các Hồng y hiện diện. Luật cũng chỉ định vị Hồng y đứng đầu các Hồng y Phó tế có nhiệm vụ loan báo cho dân chúng chờ đợi tại quảng trường Thánh Phêrô tên của người vừa được bầu làm Giáo hoàng.
TH