TRO BỤI
Trong Kinh Thánh tro bụi là biểu tượng tội lỗi,
sự mỏng dòn của con người, sự khiêm tốn, nỗi đau khổ và cả sự thống hối ăn năn
khi con người đã lỡ vấp phạm.
Một nhà truyền giáo trên một đảo ngạc nhiên
khi nhìn thấy một phụ nữ mang một nắm cát ướt bước vào túp lều của ông.
-
Thưa cha, cha biết đây là gì không?
-
Nó giống như cát.
-
Cha có biết tại sao con mang nó vào đây không?
-
Không, tôi không thể tưởng tương được tại sao.
-
Đây là tội của con. Tội con không thể đếm được
như cát biển. Làm thế nào con có thể được tha thứ tất cả?
-
Bà hãy đưa cát đó ra bãi biển và chất thành một đụn
cát. Rồi ngồi nhìn xem những cơn sóng ập tới, chắc chắn sẽ cuốn đi tất cả. Đó
là cách Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài. Lòng nhân từ của Chúa bao la như đại
dương. Hãy thành thật hối lỗi và Chúa sẽ tha thứ.
Mùa Chay, mùa trở về cùng Chúa là Cha... bắt
đầu bằng tâm tình sám hối qua việc xức tro... Tại sao phải xức tro và tro có ý
nghĩa như thế nào?
Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa dùng bùn đất tạo
dựng con người đầu tiên là nguyên tổ Ađam (x. St 2, 7) và sau khi nguyên tổ phạm
tội bất phục tùng, Thiên Chúa đã phạt ông và con cháu sau này cũng sẽ trở về với
cát bụi: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về
với bụi đất” (St 3, 19), thân phận con người thật mỏng dòn rồi sẽ thoáng mất
đi, nhà thơ Miên Du xác tín khi dẫn vào bài thơ Rồi Mai Đây:
“Rồi
mai đây, ta đi về cát bụi,
Đời bâng khuâng, chỉ một thoáng ngậm ngùi.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù không là người
Kitô hữu, có lẽ ông lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh khi dùng hình ảnh "hạt
bụi" để nói về thân phận con người được cát bụi hóa kiếp thành con người rồi
sẽ trở về với bụi đất:
“Hạt
bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…
… Ôi
cát bụi phận nầy,
vết mực nào xóa bỏ không hay”
(Trịnh
Công Sơn, Cát Bụi)
Bụi thường được dùng kết hợp đồng hóa với
tro, bản Kinh Thánh Bảy Mươi nhiều lần các học giả dùng từ “bụi” để nói và đồng
hóa “tro”. Trong Kinh Thánh tro bụi là biểu tượng tội lỗi, sự mỏng dòn của con
người, sự khiêm tốn, nỗi đau khổ và cả sự thống hối ăn năn khi con người đã lỡ
vấp phạm.
Trái tim và tấm lòng của người tội lỗi được
ví như là bụi tro, sách Khôn Ngoan có nói rằng: “Con tim của anh là tro bụi, hy
vọng của anh hèn hơn đất, cuộc đời của anh tệ hơn bùn” (Kn 15, 10), không gì tệ
hơn bùn đất, tro bụi, con người tội lỗi được ví như tro bụi. Cho nên người tội
lỗi sẽ bị tiêu hủy thành bụi đất như Ngôn sứ Edêkien loan báo Sấm ngôn: “Vì ngươi chồng chất tội…. Ta cho phát ra một
ngọn lửa thiêu rụi ngươi; Ta biến ngươi thành tro bụi trên mặt đất…” (Ed
28, 18).
Tro bụi biểu hiện sự khiêm tốn bé nhỏ, Tổ Phụ
Abraraham nhìn nhận mình trước Thiên Chúa: “con
chỉ là thân tro bụi….” (St 18, 2).
Tro bụi được sử dụng để nói nên sự thống hối:
Sau khi nghe tiên tri Giona loan báo sự trừng phạt của Thiên Chúa xuống thành
Nivive do tội lỗi, Vua và toàn Dân xức tro để tỏ lòng thống hối vì lỗi lầm mà
mình đã phạm, xin Thiên Chúa xót thương (x. Gn 3, 6). Dù là người vẹn toàn giữa
thử thách, Gíop cũng biểu lộ lòng thống hối: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn (G 42, 6). Tro bụi với
sự biểu hiện lòng hối tiếc khi phạm tội (x. Gdt 4, 11-15; Ed 27, 30).
Tro bụi nói lên sự buồn phiền đau khổ: bị
người đời khinh chê, Thamar đã xức tro trên đầu (x. G 42, 6; Gn 3, 6; Mt 11,
21); theo sách Étte, người Do Thái xức tro khi lo sợ trước cái chết đe dọa (Et
6, 1-4).
Mùa
Chay Thánh bắt đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro - ngày được gọi là ngày “Bụi Tro” bởi vì
trong ngày này, người tín hữu lãnh nhận tro được ghi hình thánh giá trên trán. Nghi
thức xức tro trong ngày đầu Mùa Chay đã bắt đầu vào thời Ðức Giáo Hoàng
Grêgrôriô Cả (590-604). Nghi thức xức tro được đưa vào phụng vụ Tây Phương vào
thế kỷ 10, và được phổ biến rộng rãi trong Giáo Hội tại Công Ðồng Benevento năm
1091. Với tất cả ý nghĩa của tro bụi trong Thánh Kinh, việc lãnh nhận tro trên
trán là dấu chỉ nhắc nhở sự chết: trở về với tro bụi và sự ăn năn, ý thức thân
phận mỏng dòn như bụi đất, sám hối vì những lầm lỗi mà mình phạm.
Khi xức tro lên trán người tín hữu, Thừa
tác viên kêu gọi sự sám hối của người muốn nhận lãnh tro và khiêm tốn nhìn nhận
mình thấp hèn: "Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất" (St
3,19), hay Thừa tác viên dùng lời kêu gọi ý thức mình tội lỗi, sám hối và canh
tân đổi mới theo Tin Mừng với lời mà Chúa Giêsu đã kêu gọi: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng"
(Mc 1,15).
Con người dù trong thân phận thấp hèn yếu
đuối như tro bụi, nhưng qua cử chỉ khiêm tốn nhận tro với Dấu Thánh Giá được
ghi trên trán, dấu tượng trưng cho ấn tín thánh mà người Tín Hữu lãnh nhận khi
lãnh phép rửa tội. Dấu giải phóng khỏi tội, qua dấu đó, người tín hữu được liệt
vào con cái của Thiên Chúa (x. Rm. 6, 3-18). Đó là dấu chỉ con người trở về với
bụi đất. Nhưng trong bụi đất, nhờ Đức Kitô qua cái chết và phục sinh với thập
giá, con người sẽ tham dự vào vinh quanh với Ngài.
Cho nên việc lãnh tro cũng được coi như là
dấu chỉ của sự trở về trong vinh quang khi chúng ta được lãnh nhận làm con cái
của Thiên Chúa đã được diễn tả trong Sách Khải Huyền, vinh quang với Chiên chiến
thắng là Đức Kitô khải hoàn, như Enzo Bianchi đã suy niệm về Tro bụi: “Vâng, đón nhận tro chúng ta ý thức rằng: Lửa
tình yêu Thiên Chúa đã thiêu rụi tội lỗi, đốt cháy bởi lòng thương xót của
Ngài… hay nhìn tro, mang ý nghĩa tuyên xưng Đức tin vào mầu nhiệm Pascale: “một ngày chúng ta sẽ là tro bụi, nhưng được
dành để Phục sinh” (Donner sens au temps, Bayard (2004).
Cho nên, thật là ý nghĩa trong ngày thứ tư
đầu mùa chay, khi lãnh nhận tro, chúng ta nhớ lại lời dạy của ĐTC Gioan Phaolo
II: "Việc đặt tro rõ ràng và một cách nhấn mạnh đến thân phận thụ tạo,
nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Tạo Hóa. Hành động khiêm tốn lãnh nhận
tro thánh trên trán… ngược lại hoàn toàn với cử chỉ kiêu ngạo của Adam và Eva,
bởi sự bất tuân phục, đã phá hủy mọi quan hệ tình bạn hữu với Thiên Chúa tạo
hóa" (Thứ tư Lễ Tro 1998).
Xức tro nhận mình yếu đuối, sám hối lỗi lầm,
nhưng cũng tuyên tín rằng sẽ được tìm thấy, gắn liền lại tình yêu, tình bạn hữu
với Tạo Hóa bởi dấu thánh giá…
Vâng, với tro bụi, chúng ta nhìn nhận thân
phận bất toàn, sám hối lầm lỗi, tro bụi với Dấu Thập Giá - trở nên dấu vinh
quang.
LM Vinh Sơn