CỦA LỄ HY SINH
Vinh dự mà Chúa muốn ban cho chúng ta, khi bước sang Năm
Mới này là: Được nên của lễ hy sinh theo Chúa Giêsu. Chúng ta có sẵn sàng đón
nhận vinh dự đó không?
1. Dịp đầu Xuân mới này, tôi tha thiết xin Chúa ban cho tôi một Lời Chúa
làm lộc Xuân. Lời Chúa như lộc Xuân, mà Chúa ban, được tôi coi như phương hướng
tôi phải tập trung vào, để sống đức tin trong Năm Ất Mùi- 2015
2. Chúa soi vào lòng tôi Lời Chúa
sau đây: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt
16,24).
3. Lời Chúa trên đây có nhiều ý
nghĩa. Nhưng ý nghĩa nổi nhất, mà Chúa kêu gọi tôi hãy đón nhận, đó là: tôi hãy nên của lễ hy sinh như Chúa muốn. Cụ thể như sau:
a) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự làm mọi việc lành và chịu mọi khổ đau với tinh thần sám hối đền tội. Bởi vì tôi
đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.
b) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự dâng đời mình với những hy sinh cụ thể, để cầu nguyện cho mọi người thân đã qua đời.
c) Hãy là của lễ hy sinh suốt đời, ở sự hiến dâng bản thân mình với những hy sinh quảng đại, để phục vụ Hội Thánh và Quê Hương.
d) Hãy là của lễ hy sinh trong đời sống thường ngày ở sự phục vụ tình yêu Chúa đối với mọi người.
Thường ngày, khi phục vụ cho
tình yêu tha nhân, tôi phải hy sinh nhiều, để biết tế nhị, nhất là trong bổn phận
hiếu thảo, biết ơn và tình nghĩa. Thiếu hy sinh, tôi dễ có những xúc phạm đến
người khác trong tư tưởng, lời nói và thái độ. Một chút xúc phạm nhỏ có thể gây
nên thương tích lớn cho người khác. Hậu quả sẽ khôn lường.
e) Hãy là của lễ hy sinh trong những dịp khác thường đặc biệt, ở sự tôi
phải sẵn sàng hy sinh
trọn vẹn tất cả mạng sống mình vì mến Chúa và vì yêu thương người khác.
f) Hãy là của lễ hy sinh trong trường hợp khác thường không đặc biệt vẫn
xảy ra, khi đối tượng tôi phải phục vụ là những người già cả, những người bệnh nạn, những người tật nguyền. Thường thì Chúa không đòi tôi phải hy
sinh mạng sống tôi cho họ. Nhưng Chúa đòi tôi phải hy sinh, ít là ở mức độ nhân
bản, để họ cảm thấy mình được kính trọng, được yêu thương, được nâng đỡ, nhờ đó
mà họ nghĩ đến Chúa.
Ở đây, tôi xin tận tình cảm ơn
những người đã hy sinh cho tôi và vì tôi. Nhờ họ, và qua họ, Chúa đã ban tôi sự
sống và sự sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Hy sinh nhiều, hy sinh cụ thể,
hy sinh quảng đại, hy sinh quên mình, đó là dấu ấn Chúa muốn tôi đóng vào mọi của
lễ tôi dâng lên Chúa.
4. Sống như một của lễ hy sinh sẽ
làm cho đời tôi có một ý nghĩa cao quý. Bởi vì sống như một của lễ hy sinh sẽ
đem lại nhiều ích lợi cao cả cho muôn vàn người.
Xưa, với 5 chiếc bánh và 2 con
cá của một đứa trẻ, Chúa đã nuôi hơn hai ngàn người, mà hãy còn dư (x. Ga
6,1-15). Tương tự cũng thế. Với lễ vật hy sinh của một người hèn mọn, Chúa cũng
sẽ nuôi được rất nhiều linh hồn. Bởi vì của lễ hy sinh của họ được gắn kết vào
của lễ hy sinh của Chúa Giêsu là một lương thực vô cùng phong phú có sức cứu độ
cho cả nhân loại.
5. Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh
như vậy mang một xác tín huy hoàng. Đó là thấy mình có một tự do nội tâm vững
chắc, chọn cho mình một hướng đúng, đi về với Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng
thương xót. Niềm vui ấy sẽ đời đời bền vững trên thiên đàng là cõi Phúc vô cùng
vô tận.
6. Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh
như vậy là chấp nhận sống khó nghèo như Chúa Giêsu: “Con cáo có hang, chim trời
có tổ, nhưng Con Người không có nơi để gối đầu” (Mt 8,20). Sống khó nghèo không
phải chỉ trong lãnh vực của cải, mà cũng trong lãnh vực chức quyền, danh dự, và
trong lối sống.
7. Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh
đòi tôi phải phấn đấu rất nhiều, không những để xa tránh tội lỗi và chống
lại các thói hư tật xấu nơi tôi, mà còn để sống thực sự theo thánh ý Chúa. Một
điều trong những sự Chúa muốn là tôi phải phấn đấu cam go để có thể vượt qua được
những đau đớn, tủi nhục, cay đắng, thất vọng do thực tế cuộc đời gây nên cho
tôi từ nhiều phía, kể cả từ phía lỗi lầm của tôi. Trong phấn đấu, tôi tin Chúa ở
bên tôi.
8. Sống ơn gọi làm của lễ hy sinh
như vậy là sống niềm hy vọng đầy vui mừng hạnh phúc: “Thiên Chúa sẽ lau
sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết. Cũng không còn tang tóc và đau khổ nữa,
vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4). Bởi vì “họ sẽ là dân của Người, còn
chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kh 21,3).
9. Tôi chắc chắn điều này: Trong
năm Ất Mùi 2015, Chúa đợi chờ ở Hội Thánh Việt Nam ta nhiều của lễ hy sinh. Chính
những của lễ hy sinh đó sẽ mang lại Mùa Xuân cứu độ cho Quê Hương chúng ta và cho muôn vàn người
thiện chí, chân thành.
10.Tôi tin Chúa Giêsu, tôi theo Chúa Giêsu, nên tôi dâng mình làm của lễ
hy sinh một cách trọn vẹn suốt cả cuộc đời, đó là hạnh phúc của tôi. Với hạnh
phúc đó, tôi xin thân ái chia sẻ ơn gọi của tôi. Xin anh chị em thương cầu nguyện
cho tôi.
Tôi tin rằng: Đón nhận ơn gọi
làm của lễ hy sinh chính là đón nhận Chúa Giêsu của tôi.
Tôi cũng tin rằng: Với ơn gọi
làm của lễ hy sinh, Chúa đang cứu tôi và cứu nhiều người khác khỏi những sự dữ
gây hại cho phần rỗi.
11.Chúng ta hân hoan bước sang Năm Mới trong Chúa Giêsu là của lễ hy
sinh vô giá, Đấng cứu chuộc chúng ta, Đấng xoá tội chúng ta, Đấng yêu thương
chúng ta.
Vinh dự mà Chúa muốn ban cho chúng ta, khi bước sang Năm Mới này là: Được nên của
lễ hy sinh theo Chúa Giêsu. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận vinh dự đó không?
Dù đã sẵn sàng, dù chưa sẵn
sàng, chúng ta cũng hãy cảm tạ Chúa đã thương yêu gọi chúng ta với những lời
thân thiết nhất: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thánh giá mình, mà
theo Thầy” (Mt 16,24).
Long Xuyên, ngày đầu Xuân Ất Mùi – 2015