Suy niệm hạnh thánh _ 10/2

Thánh SCHOLASTICA
 (480-542?)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Đức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.
Sinh trong một gia đình giầu có, Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica. Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm.
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.
Theo cuốn Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và chuyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau.
Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện.
Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời."
Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong ngôi mộ mà ngài đã chuẩn bị cho mình.
Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng lìa trần.
Suy niệm 1: Giống nhau
Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Đức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.
Điểm giống nhau nổi bật cần phải được nêu lên ở hai anh em sinh đôi này, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa, nguồn của mọi điều thiện hảo, khiến giúp họ gần nhau và cùng sáng lập các tu hội.
Không như hai anh em sinh đôi Exau và Giacóp, ngay từ trong lòng mẹ đã chống đối nhau, để rồi lớn lên thì đành phải lìa xa nhau để tránh họa sát thân (St 25,22-23; 27,41-44).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con đào sâu lòng mến Chúa, như là mối giây liên kết tình huynh đệ giữa chúng con với nhau, vì có cùng Cha chung trên trời
Suy niệm 2: Gặp gỡ
Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.  
Mục tiêu gặp gỡ có thể nhiều, nhưng đâu là mục tiêu cao cả nhất. Hai anh em sinh đôi Benedict và Scholastica đã chọn phần trọn hảo là thảo luận về các vấn đề tinh thần, hầu giúp tu hội cách hữu hiệu hơn.
Nicôđêmô cũng từng xin gặp gỡ Đức Giêsu ban đêm để thảo luận về vấn đề tinh thần, cụ thể vấn đề tái sinh để được vào Nước Trời (Ga 3,3). Nhờ tiếp thu, Nicôđêmô đã can đảm bênh vực Đức Giêsu (Ga 7,50-51) và nhất là lo việc táng xác Đức Giêsu (Ga 19,39).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con can đảm tránh những cuộc gặp gỡ vô bổ và tai hại, để chỉ chọn những cuộc gặp gỡ hướng thượng. 
Suy niệm 3: Cầu nguyện
Theo cuốn Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài.
Thánh Scholastica và Benedict đã hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa, và coi trọng việc kết giao bằng hữu với Chúa qua sự cầu nguyện. Các ngài đã hy sinh một số cơ hội sẵn có để cùng nhau thực hiện ơn gọi tu trì. Tuy nhiên, khi càng gần gũi với Đức Kitô bao nhiêu, họ càng cảm thấy gần nhau hơn. Khi gia nhập cộng đồng tu sĩ, họ đã không quên và cũng không bỏ rơi gia đình mà trái lại họ có thêm các anh chị em mới.
"Mọi tu sĩ đều có bổn phận, tùy theo ơn gọi thích hợp, để cộng tác cách nhiệt thành và siêng năng trong việc xây dựng và gia tăng Nhiệm Thể Đức Kitô, và vì lợi ích tốt lành riêng của các cộng đồng… Họ có nhiệm vụ ấp ủ các mục tiêu này một cách chính yếu qua sự cầu nguyện, việc đền tội và sống gương mẫu" (Sắc Lệnh về các Giám Mục, 33). 
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tha thiết với việc cầu nguyện, để nhờ đó được gần gũi với Đức Kitô và với mọi người.
Suy niệm 4: Quy luật
Thánh Benedict không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra.
Đặt ra luật là một nỗ lực lớn nhưng giữ được luật mới là kỳ công, nhất là phải giữ luật như một tấm gương soi sáng người khác. Thà phế bỏ luật mình đặt ra còn hơn là vi phạm luật đã đặt.
Ý thức được thế nên Thánh Benedict nén lòng hy sinh tình anh em ruột thịt, để phục vụ tình huynh đệ thiêng liêng trong cộng đoàn tu hội.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con có giải thích luật, thì luôn giải thích rộng cho người, và thật khắt khe cho chính mình. 
Suy niệm 5: Chúa và người
Thánh Benedict kêu lên, "Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?" Thánh Scholastica trả lời, "Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời".
Tư tưởng Thiên Chúa vốn khác tư tưởng con người (Is 55,8), vì tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, nhưng Thiên Chúa lại càng siêu việt không lường (Gđt 8,14), rộng hơn đại dương, sâu hơn vực thẳm (Hc 24,29). Trời cao hơn đất chừng nào thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng con người chừng ấy (Is 55,9).
Tư tưởng đã khác, lối hành xử càng quảng đại và dễ dãi bao la. Người tha bảy lần, còn Chúa tha không tính lần (Mt 18,21-22). Thánh Scholastica xin anh chỉ một ơn huệ thì không được, nhưng Chúa lại nhận lời.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tập sống khó cho mình, còn luôn dễ với người.
Suy niệm 6: Bồ câu
Ba ngày sau, khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng.
Bồ câu biểu hiện sự hòa bình, ngoài ra còn biểu hiện sự trong trắng nữa. Chính vì ý nghĩa này mà chim bồ câu thường được dùng làm lễ vật toàn thiêu (Lv 1,14), lễ vật đền tội (Lv 5,7), lễ vật tạ tội (Lv 12,6), lễ vật xá tội (Lv 12,8), để mang lại sự thanh sạch cho đương sự.
Vẻ đẹp bên ngoài làm sao sánh được với nét đẹp tinh thần như người đời thường đánh giá “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Một cái nết tuyệt đẹp bên trong thường được biểu hiện bằng lòng trong trắng, nên bồ câu cũng được nhân cách hóa thành một nữ tình nhân tuyệt mỹ (Dc 4,1; 5,2; 6,9).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn quý trọng sự trong sạch tâm hồn, đến mức dầu phải chết cũng quyết bảo vệ, như các thánh trinh nữ tử đạo Anê và Agatha.