ĐÔI TAY TÌNH YÊU
Cái chạm tay của Chúa đã đem lại cho những
luật lệ “cứng nhắc” một ý nghĩa mới, tràn đầy tình nhân ái và sự cao thượng.
Helen Keller là một cô gái nổi tiếng
ở nước Mỹ. Cô nổi tiếng vì cuộc đời cô hết sức bất hạnh: vừa được 19 tháng tuổi,
sau một cơn đau màng óc, cô hoàn toàn bị câm điếc và mù lòa. Thế nhưng cô đã vượt
qua nỗi bất hạnh để học xong đại học, lấy được bằng tiến sĩ và trở thành một
văn sĩ.
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức
cho một người đã câm điếc lại mù lòa như thế? Mọi người cảm thấy bất lực! Nhưng
có một cô giáo tên Anna Sullivan đã không bỏ cuộc. Cô truyền thụ kiến thức qua
bàn tay của cô gái bất hạnh. Cô giáo cho cô bé câm điếc và mù lòa ấy chạm tay
vào một vật, rồi viết tên của vật ấy vào lòng bàn tay của cô bé để cô bé nhận
biết được sự vật ấy.
Dạy về những vật cụ thể như cái bàn,
cái ghế thì rất dễ, nhưng làm thế nào để diễn tả được những ý niệm trừu tượng
như “tình yêu” chẳng hạn?
Ngày kia, cô giáo Anna Sullivan viết
lên tay của Helen Keller hai chữ “tình yêu” rồi ôm chầm lấy cô bé vào lòng với
tất cả sự âu yếm, trìu mến. Lần đầu tiên trong đời, cô gái câm điếc và mù lòa bỗng
cảm thấy xúc động và hiểu được thế nào là tình yêu thương.
Ngôn ngữ của tình yêu là những hành
động cụ thể. Một vòng tay ôm của người mẹ dành cho đứa con thơ có giá trị hơn bất
cứ một cuốn sách nào nói về tình yêu. Một ánh mắt trìu mến thiết tha của một người
yêu dành cho một người yêu là cách diễn tả về tình yêu hùng hồn hơn cả trăm lời
nói hoa mỹ nhưng trống rỗng. Một bàn tay nắm lấy một bàn tay trong sự chân tình
sẽ biểu lộ tình cảm mạnh mẽ hơn những bài diễn văn long trọng nhưng đầy sáo ngữ.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo
thánh Marcô, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ yêu thương thật đáng khâm phục: Một
người bị bệnh phong cùi đã đến xin Chúa chữa lành bệnh: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch.” Động lòng thương,
Chúa Giêsu nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh.”
Khi nói lời ấy, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ thật bất ngờ và táo bạo: Ngài
giơ tay chạm đến người bị bệnh phong cùi để chữa lành cho anh ta. Cái chạm tay
của Chúa Giêsu vào người phong cùi đã chuyển thông tình yêu cao cả của Thiên
Chúa cho một con người khốn cùng. Cái chạm tay của Chúa Giêsu vào người phong
cùi đã phá vỡ mọi cấm kỵ, mọi rào cản ngăn cách người với người. Cái chạm tay của
Chúa Giêsu vào người phong cùi đã biểu lộ tình yêu cao vời của Thiên Chúa và
nâng dậy một con người đã gục ngã.
Cái chạm tay chuyển thông tình yêu thương
Thiên Chúa là tình yêu và Người đã
biểu lộ tình yêu lớn lao của Người không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng
hành động cụ thể trong lịch sử cứu độ. Người đã chạm tay vào cuộc sống con người
và can thiệp vào mọi biến cố thăng trầm của nhân loại, để đem ơn cứu độ đến cho
mọi người.
Phúc Âm kể lại Chúa Giêsu đã hòa
mình vào đời sống của dân chúng một cách rất thân tình: Ngài cầm tay người chết
để cho họ được sống lại (Lc 8, 54); đụng chạm vào người bệnh để chữa lành họ
(Mc 1, 31); sờ vào mắt người mù cho họ được sáng (Mt 9, 29); âu yếm ôm lấy trẻ
em vào lòng (Mc 10, 16)… Tất cả những cử chỉ yêu thương đó là ngôn ngữ tình yêu
sâu sắc nhất mà Thiên Chúa muốn nói với loài người. Những biểu lộ đầy xúc cảm ấy
đã chuyển thông tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đến cho con người. Những hành
động thân ái đó chính là lời ngọt ngào của trái tim có sức mạnh vực dậy những
con người đang thất vọng vì bệnh tật và khổ đau. Những bàn tay biết chia sẻ
luôn truyền hơi ấm đến cho những tâm hồn giá băng.
Cái chạm tay của Chúa Giêsu vào thân
thể người phong cùi hôm nay dạy chúng ta: đừng yêu thương người khác bằng những
lời nói suông, nhưng hãy yêu thương bằng việc làm. Vì chỉ có những hành động cụ
thể và những nghĩa cử thân ái mới xoa dịu và chữa lành những tâm hồn đau thương
và bất hạnh.
Cái chạm tay mở ra chân trời mới
Cái chạm tay của Chúa Giêsu đã phá vỡ
mọi khuôn khổ cấm kỵ, tháo gỡ những rào cản của luật lệ để mở ra một chân trời
mới cho con người, nhất là những kẻ bị loại trừ và xua đuổi.
Trong bài đọc thứ nhất, trích sách
Lêvi, theo luật Môisen, người bị bệnh phong cùi phải sống cách ly hoàn toàn với
xã hội con người. Thông thường, họ phải sống nơi hoang địa hay rừng núi, cách
xa mọi người. Những người phong cùi phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che
miệng và la to mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế mỗi khi có ai đến gần. Họ
hoàn toàn bị bỏ rơi và bị xua đuổi như một thứ ôn dịch.
Theo luật lệ, ai tiếp xúc với người cùi
đều bị coi là ô uế. Ai đụng chạm vào người cùi bị coi như phạm tội. Vì thế, người
bị bệnh phong cùi không những đau khổ nơi thân xác, mà còn nhức nhối trong tâm
hồn vì bị khinh bỉ và bị ruồng bỏ.
Chúa Giêsu không sợ lây bệnh, không
sợ phạm tội, Ngài đã vượt qua ranh giới của những cấm đoán, đã phá bỏ những rào
cản của luật lệ để đón nhận người phong cùi. Không những Ngài đến gần người bệnh,
mà Ngài còn đưa tay chạm đến anh ta. Cái chạm tay của Chúa Giêsu vào người bệnh
đã phá vỡ những luật lệ và sự cấm đoán khắc nghiệt kia. Cái chạm tay của Chúa
đã mở ra một chân trời mới cho những tâm hồn u tối. Cái chạm tay của Chúa đã mở
ra một con đường sống cho những kẻ đã bị án tử. Cái chạm tay của Chúa đã đem lại
cho những luật lệ “cứng nhắc” một ý nghĩa mới, tràn đầy tình nhân ái và sự cao
thượng.
Cái chạm tay nâng dậy một phận người
Khi Chúa Giêsu chạm tay đến thân xác
lở loét của người cùi, Chúa muốn xoa dịu vết thương đau xót của người ấy và trả
lại phẩm giá cho một con người đã bị đẩy xuống đáy xã hội. Cái chạm tay ấy đã nối
liền Trời với đất, vô biên với hữu hạn, điều thiện hảo với sự khốn cùng.
Trước đây, người bị bệnh phong cùi
đã bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống của loài người, thì giờ đây, bàn tay nhân lành
của Chúa đã mở ra cho anh cánh cửa để anh tái hội nhập vào đời sống xã hội. Anh
tìm lại được phẩm giá và danh dự của mình. Anh được trở lại với cộng đoàn anh
đã từng chung sống, lấy lại được niềm tin đã đánh mất. Niềm vui trong lòng anh
quá lớn khiến anh đi loan báo khắp nơi.
Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã trả lại
phẩm giá con người cho anh, khiến anh có thể vào thành một cách tự do. Còn Chúa
Giêsu phải ở lại ngoài thành, nơi hoang vắng. Tất cả chỉ vì tình yêu cao cả của
Ngài.
Tại Việt Nam, cũng như trên toàn thế
giới, người ta nghe nói nhiều đến trại phong Quy Hòa, ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn,
nhưng thử hỏi mấy ai biết đến vị sáng lập trại phong ấy! Đó là cha Paul Maheu,
một linh mục người Pháp đã từ bỏ quê hương thân yêu với cuộc sống tiện nghi, để
chôn vùi đời mình giữa đám người xa lạ, mắc phải thứ bệnh thật khủng khiếp.
Cha Paul Maheu đã sống giữa những người
cùi, coi họ như những người con ruột thịt. Ngài sống trong một ngôi nhà nhỏ bé
ngay giữa làng cùi để đêm ngày săn sóc cho họ về vật chất cũng như tinh thần.
Ít năm sau, cha Paul Maheu đã bị lây
nhiễm bệnh phong cùi và chết như một người cùi thật sự. Xác ngài được chôn cất
ngay giữa làng cùi, bên cạnh những người con thân yêu nhất.
Vị linh mục đã tiếp nối sứ mạng yêu
thương của Chúa Giêsu. Không những ngài đã chạm tay đến nỗi đau cùng cực của
thân phận con người, mà chính ngài còn hòa tan vào nỗi đau ấy, vì tình yêu Đức
Kitô. Tại sao chúng ta không là cánh tay nối dài của Chúa, luôn biết giơ ra để
nâng dậy những người anh chị em đang sống khốn khổ chung quanh chúng ta? Tại
sao chúng ta không mang lấy đôi tay tình yêu của Chúa để xoa dịu những đau thương
của mọi người?