Hãy đề phòng ngay từ ban đầu, tìm
phương trị liệu cho sớm, vì càng để lâu, sự dữ càng tăng thêm. (Ovid: de remed.
11,91).
"Chúa Giêsu vào hoang địa, và người ở đó suốt 40 đêm ngày,
chịu Satan cám dỗ" (Mc. 1,12).
Chúa Giêsu, khi mặc
lấy bản tính nhân loại, đã bị cám dỗ, để nhắc nhở mỗi người chúng ta bao lâu
còn sống trên đời, chúng ta không thể nào thoát được gian nan và cám dỗ. Do đó
sách Gióp có câu: “Cả cuộc đời con người
trên mặt đất là bị cám dỗ" (Gióp 7,1). Nhưng chúng ta cần phải nhớ
rằng: chính cơn cám dỗ, chính dịp tôi sẽ thử thách ý chí chúng ta. Được công
hay mắc tội cũng là do có cám dỗ, có dịp tội và biết chống trả, biết xa lánh,
hoặc không chịu chống trả, không chịu xa lánh. Nếu chúng ta biết xa lánh dịp
tội, biết chống trả cơn cám dỗ, ta sẽ lập được nhiều công phúc.
Đạo chúng ta chẳng
những khuyên và bắt xa tránh tội lỗi, mà còn bắt xa cả dịp tội (hoàn cảnh đưa tới tội lỗi). Vì gần dịp tội thì sớm muộn chúng
ta cũng lỗi phạm. Tâm lý con người bao giờ cũng từ từ, và những đam mê, dục
tình của ta cũng từ từ trở thành mạnh mẽ... Lúc đầu ta dễ thấy những đam mê đó,
nhưng một khi ta không chịu dứt khoát, cứ lân la, và ngờ là mình đủ sức tự chủ,
thì sẽ tới một lúc ta không còn dùng ý chỉ để tự chủ được nữa, và dục vọng sẽ
choán hết con người chúng ta, chi phối mọi hành động ta. Để nói lên sức mạnh
của đam mê, của dục vọng. Diêu Dung đã tạo nên câu truyện sau đây:
Ở núi Phong Khê, đất
Thục, có giống đười ươi mặt như mặt người, biết cười, biết nói. Máu nó dùng để
nhuộm màu không bao giờ phai. Nên người từ lừa bắt nó. Tính đười ươi thích uống
rượu, thích đi guốc. Người ta biết thế, đem rượu và guốc ra bầy la liệt ở quãng
đồng không, rồi đi nấp một chỗ. Đười ươi ngửi hơi rượu, kéo nhau ra thấy rượu, thấy
guốc, biết rằng người ta dử mình, bèn chửi rủa người lập mưu đánh bẫy, nói thậm
tệ đến cả ông cha người ấy. Đoạn bảo nhau đi, lẩm nhẩm nói: “Chớ có mắc mưu cái loài khốn nạn chực hại
mình..."
Song đã đi mà vẫn
ngoảnh lại, rồi lại bảo nhau rằng: “Ta thử
nếm xem, tưởng không hại gì."
Tay châm miệng mút,
bén mùi làm mãi, thành say sưa mờ mịt, quên cả lời khôn lẽ phải bấy lâu gìn
giữ, chếnh choáng nghiêng ngả, nói nói, cười cười, chân đưa vào guốc thất thểu
đi... Người nấp bấy giờ đổ ra, thì đười ươi lảo đảo chạy, con ngả nghiêng, con
ngã ngửa, người ta bắt sạch không sót con nào !
Con người chúng ta
cũng sẽ trở thành ngu đại như lũ đười ươi trên đây, nếu ta không chịu đứt khoát với dịp tội, với cơn cám dỗ vừa đến, mà cứ chần chừ, ngờ mình đủ sức kháng
cự.
Khi bàn về cơm cám dỗ,
sách gương Chúa Giêsu đã trưng ra hai câu thơ của Ovid, một thi sĩ La Mã sống
cách chúng ta hơn 2000 năm:
Hãy đề phòng ngay từ ban đầu, tìm phương trị liệu cho sớm, vì
càng để lâu, sự dữ càng tăng thêm. (Ovid: de remed. 11,91). Một thân cây bị lung lay: phải tìm
cách chống vội, để cho cây đã bật rễ, bị đổ xuống, lúc đó mới chống, thì đã quá
muộn.
Thánh kinh cho ta biết
Samson là một người thật khỏe mạnh: đôi tay của ông đã xé xác sư tử... Một
người khỏe mạnh như thế, nhưng đã qua những thất bại ê chề, chỉ vì không dứt
khoát xa tránh dịp tội, xa tránh sự quyến dũ của phái đẹp.
Lần thất bại I: Khi ông ra câu đố cho các thanh niên Philitinh, các thanh niên
này chịu không giải đáp được và các thanh niên đã lập kế bắt vị hôn thê của
Samson phải hỏi Samson cho kỳ được lời giải đáp. Lúc đầu Samson cương quyết giữ
bí mật, nhưng rồi cứ để cho vị hôn thê nài nẵng, dỗ dành, và sau cùng không còn
giữ được lòng cương quyết nữa, mà đã phải nói lời giải đáp cho vị hôn thê biết.
Lần thất bại II: Ông quyết định không tỏ cho Đalila biết bí quyết sức khỏe của
ông, nhưng quyết định này cũng trở thành vô ích, vì Samson không dứt khoát xa
lánh Đalila, mà cứ chần chừ sống bên nàng. Sự chần chừ này đã đưa ông đến thất
bại thê thảm: Khi Samson đã thổ lộ cho Đalila biết sức mạnh của ông hệ tại mớ
tóc dài của ông, ông đã bị cắt tóc, bị nộp cho Philitinh, bị khoét mắt, bị tống
ngục.
Muốn sống trong sạch,
theo ý Chúa: Chúng ta hãy đề phòng ngay từ ban đầu, dứt khoát với dịp tội, dứt
khoát với các cơn cám dỗ.
Trong mùa chay thánh,
chẳng những Giáo Hội nhắc ta phải chống giả các cơn cám dỗ đam mê, dục vọng mà
còn lưu ý ta tới việc cầu nguyện, sám hối hy sinh. Hy sinh để cải tạo đời sống, để lập công đền tội, mà hy sinh
còn để cầu xin Chúa cho những người tội lỗi ăn năn trở về với Chúa.
Ta hy sinh bằng những việc tự ý đặt ra cho mình, như bớt một lời nói, một cái nhìn, một miếng ăn, mà còn cố
gắng hy sinh chịu đựng mọi điều Chúa gửi đến cho ta: thời tiết, hoàn cảnh, những cái trái ý do người chung
quanh gây ra, chịu đựng chính con người của ta: bệnh tật, các cơn cám dỗ, những
nỗi buồn phiền, thất bại, những khuyết điểm của ta. Ta hy sinh cầu cho người
tội lỗi trở về cùng Chúa. Chúa muốn thế, để ta góp công vào việc cứu chuộc. Nhiều người bỏ xưng tội lâu năm, đã
tới tòa cáo giải trong mùa chay thánh, do lời cầu xin, hy sinh của những người
âm thầm sống trong cuộc đời mai ẩn.
Chúng ta là những chi
thể nhiệm thể Chúa Kitô, trong nhiệm thể này, hằng ngày ta được hưởng nhờ lời
cầu xin và hy sinh của những tâm hồn và những chi thể thánh thiện. Đồng thời
nhiệm vụ của ta cũng phải góp lời cầu nguyện và hy sinh để nuôi dưỡng những chi
thể khác.
Chỉ tới lúc ta bỏ cõi
đời này, ta mới thấy giá trị đích thực, lớn lao của việc ta đã chịu khó cầu
nguyện và hy sinh cho những người khác.
Đề
tựa của Lm. HK