CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN THẮNG
Chúng ta hãy xin Chúa Giêsu dạy chúng ta
biết luôn chiến đấu để chiến thắng chính mình: biết từ bỏ mình để sống theo ý
Chúa mỗi ngày.
Ngày 28/6/1997, một trận đấu quyền
anh đáng ghi nhớ được tổ chức tại Las Vegas, bang Neveda, Hoa Kỳ. Hai võ sĩ hạng
nặng nổi tiếng thế giới đã thách đấu với nhau: đó là võ sĩ Mike Tyson và võ sĩ
Evander Holifield.
Trận quyền anh được cả thế giới chú
ý vì người thắng cuộc sẽ được một phần thưởng rất lớn: 35 triệu đôla và cái đai
vô địch đầy vinh dự.
Ở hiệp 3 của trận đấu, thừa lúc hai
bên đang bị khóa chặt trong vòng tay của nhau, Mike Tyson đã cắn vào tai đối thủ
của mình. Cái cắn mạnh đến nỗi võ sĩ Evander Holifield bị đứt một miếng tai,
máu chảy đầm đìa. Ngay lập tức trọng tài cho ngưng trận đấu và tuyên bố
Holifield là người thắng cuộc. Còn Mike Tyson bị cảnh sát dẫn đi. Là một võ sĩ
đang ở trên đài cao vinh quang, nhưng chỉ vì một cái cắn tai đầy ô nhục, Mike
Tyson đã đánh mất tất cả danh dự của một võ sĩ. Người ta đã ví “cái cắn tai” lịch
sử đó giống như “vết cắn” của ông bà Nguyên Tổ trên trái táo nguyên tội.
Khi cắn vào tai đối thủ, Mike Tyson
đã không cưỡng lại được lòng say mê bạo lực. Cũng vậy, khi ghé răng cắn vào
trái táo, ông bà Nguyên Tổ cũng không cầm lòng được trước những lời dụ dỗ của
con rắn. Tất cả những bi kịch xảy đến cho con người đều do con người đã chịu
thua trước những cơn cám dỗ. Con người luôn phải đối đầu với những cơn cám dỗ
trong cuộc sống hàng ngày. Chúa Giêsu cũng không phải là một biệt lệ, Ngài cũng
từng phải chiến đấu với những cơn cám dỗ.
Hôm nay, trong bài Tin Mừng theo
thánh Marcô, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa. Ngài ở đó suốt
40 đêm ngày và chịu Satan cám dỗ. Tin Mừng theo thánh Marcô không nói rõ đó là
cơn cám dỗ nào và Chúa Giêsu chiến đấu ra sao. Nhưng theo các tác giả Tin Mừng
khác (Matthêu và Luca) đã thuật lại, thì đó là cơn cám dỗ về cơm bánh, quyền lực
và vinh quang trần thế. Có điều đáng nói là Chúa Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng.
Hoang địa, một nơi đầy thử thách
Chúa Giêsu đã được Thánh Thần thúc đẩy
vào hoang địa 40 đêm ngày để chịu thử thách. Cũng vậy, dân Do Thái cũng phải
lang thang trong hoang địa 40 năm dài trước khi vào Đất Hứa. Trong thời gian
này, họ đã phải chịu nhiều thử thách. Họ đã sa ngã trước những thử thách đó:
bao lần họ đã nổi loạn, chống lại ông Môisen, kêu trách Thiên Chúa, muốn quay
trở lại Ai Cập với kiếp sống nô lệ hơn là tiến về Đất Hứa.
Tuy nhiên, hoang địa cũng lại là nơi
con người có thể gặp gỡ được Thiên Chúa. Theo Thánh Kinh, hoang địa là nơi
thoát tục, để con người gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa tình yêu. Chính
Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 ngày để cầu nguyện và lãnh nhận thánh ý Chúa
Cha trước khi xuất hiện để rao giảng Tin Mừng công khai.
Mỗi khi bắt đầu mùa Chay, Giáo Hội lại
mời chúng ta vào hoang địa với Chúa Giêsu, theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Mùa Chay là thời gian để chúng ta chịu thử thách, để chúng ta cầu nguyện và
tĩnh tâm. Nhờ vậy, chúng ta có thể gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa.
Mùa Chay kéo dài 40 ngày, nhắc lại
thời gian 40 năm dân Israel đi trong hoang địa, 40 ngày tiên tri Êlia ở trên
núi Horeb, 40 đêm ngày Chúa ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa. Các ngài đã
cầu nguyện và gặp gỡ Thiên Chúa. Trong mùa Chay, mỗi người chúng ta cũng được mời
gọi hướng về nội tâm, để trong sâu thẳm của lòng mình, chúng ta gặp gỡ Chúa và
để Chúa hoán cải cuộc đời.
Chúa Giêsu chiến đấu và chiến thắng
Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa,
Ngài được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa để chịu Satan cám dỗ. Bốn mươi ngày
sống trong cô tịch, giữa những loài dã thú, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu với những
cơn cám dỗ do Satan đưa tới. Có lẽ cơn cám dỗ lớn nhất mà Chúa Giêsu phải đương
đầu, đó là cơn cám dỗ làm theo ý mình, thay vì thực thi thánh ý Chúa Cha. Cơn
cám dỗ này đã đeo đuổi Ngài cho đến tận vườn Cây Dầu, để rồi trong cơn thử
thách, Ngài đã phải thốt lên: “Lạy Cha, nếu
có thể, xin hãy cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con một theo ý Cha”
(Mc 14, 36).
Sự thử thách của Chúa Giêsu trong
hoang địa gợi lên sự thử thách của Ađam và Evà trong vườn địa đàng xưa. Ông bà
Nguyên Tổ đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, đã ăn trái cấm để được bằng
Thiên Chúa. Ông bà đã sa ngã trước thử thách và để lại hậu quả tội lỗi muôn đời
cho con cháu loài người.
Bốn mươi năm trong hoang địa cũng là
thời gian thử thách lâu dài đối với dân Do Thái. Họ cũng đã sa ngã trước thử
thách, vì họ chỉ đi tìm ý riêng mà không tìm kiếm và thực thi ý Thiên Chúa.
Với sự thúc đẩy của Thánh Thần, Chúa
Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng. Ngài đã từ bỏ con đường rộng rãi thênh thang
để đi vào cửa hẹp và con đường chật chội. Ngài đã chấp nhận cái chết để chu
toàn thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Ngài đã toàn thắng trong vinh quang Phục Sinh.
Hôm nay, sống trong mùa Chay Thánh,
chúng ta cũng nhận thấy muôn vàn cám dỗ đang bủa vây chung quanh. Chúng ta hãy
xin Chúa Giêsu dạy chúng ta biết luôn chiến đấu để chiến thắng chính mình: biết
từ bỏ mình để sống theo ý Chúa mỗi ngày.
Bài đọc I, trích sách Sáng Thế kể lại:
sau khi chiến đấu với phong ba bão táp trong trận đại hồng thủy kéo dài 40
ngày, Thiên Chúa đã lập giao ước với ông Nôê qua hình ảnh chiếc cầu vồng (St 7,
12). Cũng vậy, mỗi lần ta kiên quyết chiến đấu để chiến thắng một cơn cám dỗ,
ta lại làm cho giao ước tình yêu giữa Chúa và ta được tươi sáng hơn với những sắc
mầu rực rỡ.
Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng
Có một điều đặc biệt đáng cho chúng
ta chú ý: đó là nếu Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa để chiến đấu với
những cơn cám dỗ và chiến thắng vẻ vang, thì cũng chính Thánh Thần lại thúc đẩy
Ngài lên đường đi rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy ăn năn sám hối
và tin vào Tin Mừng.”
Phải chăng, sứ điệp đó cũng dành cho
chúng ta hôm nay? Lòng sám hối ăn năn luôn phải dẫn đến việc làm của niềm tin:
đó là tin vào Tin Mừng. Tin Mừng là gì nếu không phải là Đức Kitô? Và tin vào
Tin Mừng chính là tin vào Đức Kitô.
Mỗi người chúng ta cũng hãy để cho
Chúa Thánh Thần thúc đẩy mình hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng cho mọi người.
Loan báo Tin Mừng chính là giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người.
Người ta kể lại một mẩu truyện trong
thế chiến thứ hai như sau: ngày kia, trên chiến trường, một vị linh mục tuyên
úy đi ngang qua một hố bom, chợt thấy một người lính đang rên rỉ và quằn quại
vì thương tích đầy mình. Thấy anh ta đang hấp hối, vị linh mục tuyên úy hỏi:
- Anh có muốn nghe vài trang sách trong
cuốn Kinh Thánh này không?
Người lính trả lời:
- Tôi khát lắm, tôi muốn uống nước hơn.
Vị linh mục tuyên úy vội vàng mang nước
đến cho anh. Người bị thương lại thều thào:
- Ông có thể giúp kê đầu tôi lên cao hơn
một chút không?
Vị linh mục tuyên úy cởi chiếc áo
khoác cuộn lại làm gối cho anh lính kê đầu. Người lính lại rên rỉ:
- Bây giờ tôi mong có một cái gì đó để đắp.
Tôi lạnh quá!
Vị linh mục lại cởi nốt chiếc áo nhà
binh đắp cho anh ta.
Cuối cùng, người lính mới nói:
- Nào, nếu trong cuốn sách đó có nói về một
ai đó đã làm những việc như ông vừa làm cho tôi thì xin ông vui lòng đọc. Tôi
thích nghe những điều đó.
Loan báo Tin Mừng chính là loan báo
về tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa cho mọi người. Chớ gì trong mùa
Chay Thánh này, để Sống Lời Chúa, chúng ta luôn biết ăn năn sám hối và tin vào
Tin Mừng, cũng như biến đời mình trở thành trang sách Tin Mừng mở ra cho mọi người
một thế giới đầy yêu thương.