Một tác phẩm nổi tiếng của Leonardo
da Vinci là bức tranh Bữa Tiệc ly, trong đó vẽ cảnh Chúa Giêsu thân mật ngồi giữa
các tông đồ.
Khi đem bức tranh ra triển lãm, ông
kín đáo đứng trong một góc phòng quan sát người ta nhìn ngắm bức tranh. Ông rất
ngạc nhiên khi thấy điểm thu hút sự chú ý không phải là Chúa Giêsu mà là một
bông hoa nhỏ ông vẽ ở góc bức tranh theo thói quen của thời đại.
Khi quan khách ra về, ông dùng cọ
xoá ngay cánh hoa đó đi.
Hôm sau, ông rất sung sướng và thoả
mãn khi thấy con mắt của mọi người đều chú ý ngắm nhìn khuôn mặt của Đấng Cứu
thế.
Chúa đã dựng nên con người để sống hạnh
phúc, nên suốt đời người ta là một hành trình đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc đó họ
chỉ tìm được nơi Thiên Chúa, Đấng đã đoái thương dựng nên họ theo hình ảnh Ngài,
cho họ thông phần bản tính Thiên Chúa, và có được chính Chúa là hạnh phúc thật
và là sự sống viên mãn cho cả đời họ: “Thiên
Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch
ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ
tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người
không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử
động, và hiện hữu” (Cv 17,26-28).
Ngày Xuân, người ta chúc nhau những
điều tốt lành; nhưng ai nói được đâu là điều tốt lành? Người ta chúc nhau sống
lâu, rồi giàu, rồi sang, rồi đông con nhiều cháu, còn thi hào Tú Xương thì cười
mỉa mai:
“Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau: Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối. Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu: Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này ắt hẳn gà ăn bạc. Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang: Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng. Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con: Sinh năm đẻ bẩy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc.
Bồng bế nhau lên nó ở non.”
Nụ cười của Tú Xương cho thấy người
ta thường ước ao những điều hạn hẹp và thiển cận. Theo ông, điều tốt nhất là sống
cho ra người:
“Bắt chước ai ta chúc mấy lời: Chúc cho khắp hết ở trong đời,
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
sao được cho ra cái giống người.”
Đúng thế, sống được cho ra cái giống
người là một thách đố không đơn giản cho những ai ý thức được thân phận rất hèn
mọn nhưng cũng rất cao quí của mình: từ bụi đất nay được dựng nên theo hình ảnh
Chúa.
Được dựng nên từ bụi đất nên người
ta dễ bị quyến rũ bởi những sự thiện hảo chóng qua; nhưng được dựng nên theo
hình ảnh Chúa nên hạnh phúc thật của con người gắn liền với Thiên Chúa, chính
Chúa là phúc lành mà các tư tế phải chúc cho dân Chúa: “Hãy nói với A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái
Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: "Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ
anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em!
Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!” (Ds 6,23-26).
Lời chúc lành cho dân Chúa phải nhân
danh Chúa, và một khi Chúa đã chúc lành thì mọi tiện ích thế tục khác được bỏ
qua. Danh Giavê được lập lại ba lần trong công thức chúc lành trên, người Do
thái coi đó là một điều kỳ bí, nhưng thánh Phaolô đã làm sáng tỏ điều kỳ bí đó
khi liên kết lời chúc lành của ngài với mầu nhiệm Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô,
đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr
13,13).
Tất cả tám mối phúc Đức Kitô công bố
đều liên kết con người với Thiên Chúa, hạnh phúc thật của họ. Hạnh phúc đó được
tóm kết trong mối phúc đầu tiên dành cho người không tìm nương tựa, không ước
ao điều gì khác ngoài Thiên Chúa: “Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,1). Gặp được
Chúa và thấy mọi sự đều nên tốt, thánh Phaolô lớn tiếng báo cho mọi người niềm
vui cho ai tìm kiếm và đã gặp được Chúa: “Anh
em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi
hoàn cảnh” (1Tx 5,16-18).
ĐGH Gioan Phaolô I, vị giáo hoàng của
nụ cười, đã nói: “Sức mạnh nhìn ra mặt tốt
của sự việc phải là tính cách của người Kitô hữu. Nếu Phúc âm có nghĩa là Tin Mừng
thì Kitô hữu là một người hạnh phúc, một người gieo rắc niềm vui. Những khuôn mặt
buồm bã, thánh Phi-lip-phê Nê-ri đã nói, không được dựng nên cho ngôi nhà hạnh
phúc thiên đàng.”
Gặp được Chúa rồi, tôi sẽ có thể
hoan hỉ tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Có Chúa trong lòng, sự hiện diện của
tôi sẽ gieo rắc ánh sáng, bình an, niềm vui và hy vọng; và chính tôi cũng trở
nên lời chúc lành cho mọi người tôi gặp trong đời. Tôi sẽ nên Tin Mừng cho mọi
người!