Lời Chúa cntn 3b _ môn đệ của Chúa

MÔN ĐỆ CỦA CHÚA
Chính vì tin tưởng và yêu mến Chúa Giêsu, Đấng đã gọi mình, Simon và Anrê đang lúc thả lưới bên bờ biển, các ông đã “lập tức bỏ lưới theo Ngài.”  
Logos
Ngày xưa, khi mới đến đất Tề, thầy trò Đức Khổng Tử phải trải qua những ngày tháng lầm than đói khổ. Một hôm, thầy trò rất vui mừng vì có người đem biếu ít gạo.
Nhan Hồi là môn đệ ưu tú được phân công nấu cơm. Đang nằm đọc sách trên nhà, bỗng nghe tiếng động, thầy Khổng Tử liếc mắt nhìn xuống bếp, thấy Nhan Hồi từ từ mở vung nồi cơm, lấy đũa xới cơm cho vào nắm tay vo chặt, rồi từ từ đưa cơm lên miệng ăn. Mọi hành động của Nhan Hồi không qua mắt được Khổng Tử. Thở dài, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Học trò đệ nhất của Ta mà lại ăn vụng!”
Đến bữa ăn, không thấy Nhan Hồi ăn, Khổng Tử liền hỏi tại sao. Nhan hồi trả lời: “Khi cơm chín, con mở vung ra xem, chẳng may một cơn gió thổi tới, bụi đất bay vào làm dơ bẩn cả nồi cơm. Vì tiếc của, con đã xới lớp cơm bẩn mà ăn trước rồi. Vậy giờ con xin phép không ăn nữa.”
Nghe thế, Khổng Tử lại ngửa mặt lên trời mà than: “Chao ôi! Suýt chút nữa thì Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!”
Thật cao đẹp biết bao việc làm của người môn đệ chân chính: hy sinh ăn cơm bẩn để cho thầy và anh em mình ăn cơm sạch.
Hôm nay, Tin Mừng theo thánh Marcô thuật lại việc Chúa Giêsu đã kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên là Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan. Có lẽ, trong thâm tâm Ngài, Ngài cũng muốn những môn đệ theo Ngài là những môn đệ chân chính.
Lời Chúa mời gọi
Phụng vụ lời Chúa hôm nay âm vang những lời mời gọi của Thiên Chúa đối với con người.
Bài Cựu Ước kể lại câu chuyện ơn gọi của tiên tri Giona. Theo lịch sử, Ninivê là thủ đô của đế quốc Assyria, kẻ thù của dân tộc Do Thái. Vì thế dưới mắt nhìn của người Do Thái, Ninivê là một thành phố xấu xa, tội lỗi và đáng bị trừng phạt, và bị mọi người xa lánh.
Vì thế, khi được sai đến để rao giảng sự thống hối cho dân thành để được tha thứ, ông Giona đã tìm cách trốn tránh lệnh truyền của Thiên Chúa. Ông đã lên tàu để đến một nơi khác. Nhưng Thiên Chúa đã cho bão tố nổi lên vùi dập con tàu. Người ta bốc thăm để xem ai là nguyên nhân gây ra thảm họa này. Ông Giona trúng thăm và bị quăng xuống biển. Một con cá lớn nuốt ông vào bụng, rồi nhả ông lên bờ biển Ninivê. Cuối cùng, Giona đành theo lệnh Chúa vào thành rao giảng. Kết quả là dân thành đã ăn năn sám hối và được Thiên Chúa thứ tha.
Câu chuyện đề cập đến ơn gọi và sứ mệnh của người được gọi. Khi Thiên Chúa gọi ai, Người mong muốn người đó thực hiện ý Người chứ không phải làm theo ý riêng mình. Vì thế, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa chính là thực thi thánh ý Chúa.
Hơn nữa, người được gọi có thể bất xứng, như Giona, nhưng Thiên Chúa sẽ biến một con người tầm thường trở thành những khí cụ sắc bén trong tay của Người để đem ơn cứu rỗi đến cho người khác.
Cũng vậy, bài Tin Mừng hôm nay kể lại ơn gọi của bốn môn đệ đầu tiên là hai cặp anh em: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan.
Ơn gọi luôn là một mầu nhiệm cao cả, vì ơn gọi chính là tiếng gọi của tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa, từ sáng kiến và tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Người gọi ai Người muốn. Vì thế, Thiên Chúa không chọn cho mình những người môn đệ xuất thân từ thành phần trí thức, giàu có, uy thế trong xã hội, nhưng Người lại chọn những người ngư phủ nghèo nàn và thất học.
Người luôn đi bước trước để đến với những người được gọi. Thiên Chúa muốn tìm đến họ ngay trong môi trường làm việc của họ. Chúa gọi các môn đệ đang lúc họ làm công việc thường ngày của họ trên bờ biển.
Chúa cũng cho thấy mục tiêu và sứ mạng mà các môn đệ phải theo là trở nên ngư phủ chài lưới người. Chúa cho họ thấy sứ vụ cao cả của họ, luôn gắn liền với con người thật và công việc thật của họ. Điều quan trọng là họ có sẵn sàng đáp trả hay lẩn trốn sứ mệnh mà Chúa trao phó.
Người môn đệ chân chính
Để trở thành người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, con người cần phải có thái độ tin yêu.
Chính vì tin tưởng và yêu mến Chúa Giêsu, Đấng đã gọi mình, Simon và Anrê đang lúc thả lưới bên bờ biển, các ông đã “lập tức bỏ lưới theo Ngài.” Các ông đã mau mắn đáp lại lời Chúa và từ bỏ những đồ vật thân thiết nhất, gần gũi nhất đối với người ngư phủ: đó là thuyền và lưới.
Tuy nhiên, từ bỏ một đồ vật đã là một hy sinh, từ bỏ người thân mới là một sự hy sinh to lớn hơn.
Khi Chúa Giêsu kêu gọi Giacôbê và Gioan, hai tông đồ đã “bỏ cha và những người làm công ở trên thuyền mà đi theo Ngài.”
Nhưng điều đáng nói hơn cả vì tin tưởng và yêu mến Đấng đã gọi mình, các môn đệ đã từ bỏ một điều lớn lao hơn cả: đó là từ bỏ mình, từ bỏ chính bản thân để vác thập giá đi theo Chúa tới cùng. Các ngài sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng và cuối cùng hy sinh cả mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng.
Thánh Phêrô với cả cuộc đời theo Chúa, rao giảng Tin Mừng trong sự long đong vất vả. Ngài rảo khắp miền Antiôkia và vùng Tiểu Á thực thi sứ mạng Chúa ủy thác, dù gặp biết bao gian truân. Cuối cùng đã lãnh án tử hình thập giá, nhưng ngài đã xin đóng đinh ngược đầu xuống đất để tôn kính Chúa, Thầy Chí Thánh của mình.
Cũng vậy, thánh Anrê cũng chịu đóng đinh trên thập giá suốt hai ngày trời. Sau nhiều năm rao giảng Tin Mừng và xưng tụng Thầy Chí Thánh trước mặt người đời. Thánh Anrê cũng đã lấy máu đào để minh chứng tình yêu và niềm tin son sắt vào Chúa Kitô.
Thánh Giacôbê thì bị dân chúng xua đuổi hết thành này sang thành khác, nếm đủ mùi thống khổ. Cuối cùng ngài đã bị chém đầu để tuyên xưng lòng mến và niềm tin vào Chúa.
Cùng chung số phận, thánh Gioan “người môn đệ được Chúa yêu dấu”, được Chúa trao vào tay Đức Mẹ và cũng lãnh nhận sứ mạng phụng dưỡng Đức Mẹ. Sau cuộc đời gian khổ vì Tin Mừng: bị ném vào vạc dầu sôi, bị lưu đày nơi đảo xa… ngài đã dâng hiến cuộc đời như của lễ đẹp lòng Chúa.
Một trong những mối tình gây xôn xao nhất trong lịch sử vương quốc Anh là cuộc tình của Vua Edward VIII 41 tuổi và một người phụ nữ Mỹ tên Simson 39 tuổi, đã hai lần ly dị chồng.
Theo luật lệ nước Anh, vua không được phép cưới người phụ nữ đã ly dị chồng.
Tháng 12/1936, nhà vua xúc động tuyên bố trên đài phát thanh: “Ta không thể gánh nổi trách nhiệm của một vị vua, nếu không có sự hỗ trợ của người phụ nữ mà ta hằng yêu dấu.”
Sau đó, nhà vua đã từ bỏ ngai vàng để cưới người phụ nữ này.
Một vì vua đã sẵn sàng từ bỏ ngai vàng để đáp lại lời mời gọi của tình yêu. Còn chúng ta, chúng ta có sẵn sàng từ bỏ những quyến rũ của danh lợi thú ở trần thế để đi theo lời mời gọi tình yêu của Chúa không?