NGÀY SINH NHẬT ĐỨC GIÊSU
Lược sử
Đã đến lúc Con Thiên Chúa làm
người vì yêu thương chúng ta. Mẹ Người là Đức Maria và Thánh Giuse phải rời bỏ căn nhà yêu dấu ở
Nagiarét để đến Bêlem.
Đó là một hành trình
khó khăn cho Đức Maria vì núi đồi hiểm trở. Nhưng ngài cảm thấy bình an vì biết
rằng đang thi hành ý Chúa. Ngài vui
mừng khi nghĩ đến người con sắp chào đời. Khi các ngài đến Bêlem, họ không tìm
ra được chỗ trọ. Sau cùng, họ tìm thấy nơi trú ngụ trong một cái hang. Ở đó, trong một cái chuồng thô sơ và Con Thiên Chúa đã
giáng sinh. Đức Maria bọc Hài Nhi trong tấm vải và đặt nằm trong máng cỏ. Chúa
chúng ta đã chọn sinh ra trong cảnh nghèo hèn để chúng ta đừng ao ước sự giầu
sang và tiện nghi. Chính đêm Hài Nhi Giêsu giáng trần, Thiên Chúa đã sai các
thiên thần loan báo tin vui. Các thiên sứ không được sai đến với vua chúa. Họ
cũng không được sai đến với các học giả hay các thầy thượng tế. Họ được sai đến
với các mục đồng nghèo
hèn, đang chăm sóc súc vật ở mé đồi gần Bêlem. Sau khi được các thiên thần báo
tin, các mục đồng đã vội vã đến thờ lạy Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Sau đó họ
ra về trong niềm tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa.
Suy niệm 1: Mốc thời
gian
Đã đến lúc Con Thiên Chúa làm người vì yêu
thương chúng ta.
Thiên Chúa là Đầng làm Chủ thời gian và là
Đấng sáng tạo muôn loài muôn vật. Thế nhưng khi đi vào lịch sử loài người,
Người cũng tôn trọng các quy luật Người đã ấn định cho sự vận chuyển của vũ
tru. Do đó để thực hiện lời hứa cứu độ (St 3,15), Người không dùng quyền năng
để phán một lời như khi thực hiện công trình tạo dựng, mà vận hành theo cách
thức của con người là có sự chuẩn bị chu đáo, vốn đã được diễn tả: “Thuở xưa,
nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;
nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt
1,1-2).
Ngày Sinh Nhật của Thánh Tử mang danh xưng
Giêsu đã trở thành mốc thời gian trong lãnh vực tôn giáo cũng như xã hội trần
thế. Thật vậy Ngài là điểm nối liền giữa Cựu ước và Tân Ước. Về xã hội, người
Tây phương quan niệm thời gian tiến triển theo đường thẳng (linear). Các năm
Dương lịch lấy sự kiện Thiên Chúa giáng sinh làm mốc, do đó các năm có thể biểu
diễn trên một trục đại số. Từ gốc 0 trở về trước là thời gian trước Công Nguyên
(tiếng Anh viết B.C. = Before Christ [trước Thiên Chúa]). Thời gian từ gốc 0
đến hiện tại (và tương lai nữa) gọi là Công Nguyên (tiếng Anh viết A.D. = Anno
Domini: of Christian era [thuộc kỷ nguyên của Thiên Chúa]), và chúng ta đang
sống trong Công Nguyên. Hiện nay cách tính niên biểu này được phổ biến và có
giá trị trên khắp thế giới.
Mừng ngày sinh Nhật của Chúa cũng có nghĩa
là dịp tôn vinh một hồng ân cao cả mà Chúa thương ban cho chúng con, vì qua đó
mà chúng con
định vị được ngày sinh của mỗi chúng con
cũng như bao sự kiện khác gắn liền với cuộc đời của chúng con.
* Lạy
Chúa Giêsu, chúng con xin dâng lời cảm tạ Chúa vì nhờ ngày Sinh Nhật của Chúa
mà chúng con nắm được ngày chào đời của chúng con.
Suy niệm 2: Rời bỏ
Mẹ Người là Đức Maria và Thánh Giuse phải
rời bỏ căn nhà yêu dấu ở Nagiarét để đến Bêlem.
Lý do là vì hoàng đế Rôma muốn kiểm tra dân
số. Vì Đức Maria và Thánh Giuse thuộc về dòng họ vua Đavít nên các ngài phải về
Bêlem. Hoàng đế ra lệnh, nhưng lệnh ấy lại hoàn thành hoạch định của Thiên
Chúa. Kinh Thánh nói rằng Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra ở Bêlem.
Nếu hai Đấng phải rời bỏ ngôi nhà trần thế
mà về quê làng Bêlem, Đức Giêsu tức Ngôi Hai Thiên Chúa trước đó đã phải rời bỏ
hoàng cung thiên đàng để nhập thể vào cung lòng trinh khiết của Đức Maria để
sau đó nhập thế vào trần gian.
Mừng ngày sinh Nhật của Chúa cũng có nghĩa
là chúng con cũng phải biết rời bỏ con người cũ với tính hư nết xấu để bước vào
ngôi nhà mới của con người mới với ơn được làm nghĩa tử của Chúa.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hằng xa lánh bóng tối tội lỗi để bước đi trong
ánh sáng cứu độ của Chúa.
Suy niệm 3: Vâng
phục
Ngài cảm thấy bình an vì biết rằng đang thi
hành ý Chúa.
Mầu nhiệm Giáng sinh chỉ hiện thực nhờ vào
thái độ sống vâng theo thánh ý Thuên chúa. Thật thế, trong cuộc hội ngộ của sứ
thần truyền tin, Đức Maria đã hy sinh chí nguyện độc thân và đồng trinh của
mình để thưa lên hai tiếng Xin Vâng thời danh (Lc 1,38). Phần Thánh Cả Giuse
cũng vượt qua ý định rời xa Đức Maria, để rồi mau mắn thực thi lời sứ thần mộng
báo mà đón rước Thánh Nữ về nhà mình (Mt 1,24).
Đức Giêsu cũng sống đức vâng phục đối với
chương trình của Chúa Cha như tâm tình ngưỡng mộ của thánh Phaolô: “Đức Giêsu
Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng
lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên
Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh
hiệu” (Pl 2,6-9).
Mừng ngày sinh nhật của Chúa cũng có nghĩa
là chúng con phải biết thực tâm vâng lời mọi nơi và mọi lúc chứ không phải chỉ
vâng lời trước mặt, đặc biệt trong những điều trái ý (Ep 6,6).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hết lòng vâng theo quy luật (Rm 6,17).
Suy niệm 4: Cái
hang-nguồn gốc
Họ tìm thấy nơi trú ngụ trong một cái hang.
Tu sĩ Phanxicô thành Átsidi (1181-1226)
trước hết là vị thánh có nhiều nhân đức, và đặc biệt ngài được mệnh danh là vị
thánh nghèo hèn và khiêm hạ thành Átsidi. Mặc dầu ngài là đấng thánh lập Dòng
Anh em hèn mọn, ngài tự nguyện là phó tế vĩnh viễn. Hang đá Bêlem là biểu tượng
của khó nghèo. Vì vậy, thánh nhân yêu mến lễ Giáng sinh. Chính ngài đã nghĩ ra
việc dựng máng cỏ Giáng sinh, để tôn kính Chúa Hài đồng và Thánh gia. Trước khi
thuật lại chiếc máng cỏ Giáng sinh đầu tiên được thực hiện theo sáng kiến của
thánh Phanxicô, thiết tưởng nên nhắc lại một vài sự kiện nói lên nhân đức khó
nghèo của đấng sáng lập Dòng Anh em hèn mọn.
Năm 1223, thánh nhân từ thành Assise đến
Rôma để thỉnh cầu Đức Thánh Cha Hônôriô IV (1210-1287) phê chuẩn Luật Dòng.
Nhân dịp này, Đức Hồng y Hugolin mời Phanxicô dùng bữa cùng với một số quan
khách. Thánh nhân khiêm nhường tới và ngồi vào bàn tiệc, rút ngay trong túi áo
mầu nâu sồng vài mẩu bánh mì vừa xin được ngoài phố và mời các vị khách. Đức
Hồng y không mấy vui vẻ trước cử chỉ này của thánh nhân, vì ngài khoản đãi bữa
tiệc theo nghi lễ. Nhưng tất cả đều vui lòng san sẻ cùng thánh nhân. Sau bữa
tiệc, Đức Hồng y nói với thánh nhân: Này người anh em của tôi, sao con lại làm
ta cực lòng vì con phải ăn xin, trong khi con là khách quý của ta? Con không
biết nhà ta chính là nhà của con, và những gì có trong nhà này là của con hay
sao? Thánh nhân lễ phép đáp lại: Lạy cha, bởi vì không có gì làm đẹp lòng Thiên
Chúa hơn nhân đức khó nghèo. Không phải là con muốn làm ngài phải xấu hổ. Trái
lại, con muốn làm vinh danh cha, nên nghênh đón Chúa ngự trong nhà cha. Thiên
Chúa đã chấp nhận sống nghèo ở trần gian chỉ vì yêu mến chúng ta. Đức Hồng y ôm
chầm lấy thánh nhân nghẹn ngào nói tiếp, con ơi, con cứ làm theo ý con đi. Bởi
vì, Thiên Chúa ở cùng con. Chính Ngài đã dẫn đường chỉ lối cho con.
Sau mẫu đối thoại làm xao xuyến lòng người,
thánh nhân kính cẩn chào quý khách và trở lại hang đá của mình. Hai tuần lễ
trước Giáng sinh năm 1223, trên đường từ Rôma về Átsidi, thánh nhân dừng chân ở
thị trấn Greccio, và gặp Jean Velita, một điền chủ giàu có vừa từ bỏ binh
nghiệp để nhập Dòng. Gần Greccio là dãy núi đá bao quanh một thung lũng rộng.
Trên núi đá thẳng đứng có một cái hang, được che khuất bằng một hàng cây.
Phanxicô nói: “Tôi mong ước cử hành lễ Giáng sinh để suy tôn Chúa ra đời ở Bê
Lem, nhưng làm sao thể hiện được nỗi cơ cực và khổ đau của Ngài ngay từ thuở
còn thơ để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, tôi xin anh làm một hang đá giống như
thật với cỏ khô. Anh dẫn theo một chú lừa và một con bò, giống như bò lừa đã
chầu quanh Chúa Hài Đồng năm xưa”.
Xong mọi việc. Vừa được tin, từng đoàn
người trong vùng lặn lội men theo triền núi gập ghềnh, khúc khuỷu tới trước
hang đá. Bao nhiêu hang động xung quanh dội lại lời ca nguyện của các tu sĩ,
chen lẫn đồng ca điệp khúc của cộng đoàn. Thánh lễ được diễn ra, và thánh nhân
mặc tu phục phó tế, giúp vị chủ lễ. Ngài công bố Tin Mừng cho mọi người và chia
sẻ Lời Chúa. Ngài dùng những lời dịu ngọt để nhắc lại việc chào đời của Hài Nhi
Giêsu.
Trong bút ký của thánh Bonaventura có đoạn
chép rằng: “Ba năm trước khi từ trần, thánh Phanxicô quyết định mừng lễ Giáng
sinh trọng thể. Sau khi được Đức Thánh Cha cho phép, Ngài sai làm máng cỏ, bảo
người mang cỏ khô và dẫn một con lừa và một con bò. Máng cỏ Greccio đã ban ơn thiêng
cho nhiều”. Kể từ máng cỏ đầu tiên tại Greccio, hàng năm tại các Nhà thờ, Nhà
Nguyện và tư gia, người ta lại làm hang đá, máng cỏ cùng với cây thông để mừng
Lễ Giáng Sinh với những ánh đèn lung linh, trông rất sinh động (Lm. Paul Vũ
Xuân Quế, OFM).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống nhân đức khó nghèo, vì không có gì làm đẹp
lòng Thiên Chúa hơn nhân đức khó nghèo.
Suy niệm 5: Cái
hang-nhà thờ Giáng Sinh đầu tiên
Họ tìm thấy nơi trú ngụ trong một cái hang.
Tọa lạc cách thành phố Giêrusalem 8 km về
hướng Nam, nhà thờ Giáng Sinh ở Bêlem là một trong những nhà thờ cổ nhất trên
thế giới có sinh hoạt liên tục từ lúc xây dựng vào thế kỷ thứ tư đến nay. Nhà
thờ được xây cất ngay trên hang đá Bê lem. Chứng cứ đầu tiên về hang Bê lem
được tìm thấy trong quyển sách của ông Justin Martyr viết vào khoảng năm 160.
Năm 327 thánh nữ Helène, mẹ của hoàng đế Constantin I cho xây cất nhà thờ Giáng
Sinh. Năm 529 nhà thờ bị đốt cháy trong cuộc nổi dậy của người Samaritan. Năm
565 hoàng đế Justinian I cho xây dựng lại và tồn tại đến nay.
Khi Bê lem bị người Ba Tư xâm chiếm vào năm
614, viên chỉ huy Shahrbaraz đã không ra lệnh tiêu hủy nhà thờ này vì nhìn thấy
hình ba vị Vua phương Đông với trang phục của dân Ba Tư. Trong các lần chiến
tranh với Hồi giáo, nhà thờ đã ngụy trang bằng cách làm cổng vào nhỏ lại và mặt
tiền không có vẽ là nhà thờ. Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ Giáng Sinh
không có chút gì uy nghi cao cả. Có lẽ nhờ thế, nhà thờ Giáng Sinh đã giữ được
tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa sinh ra cách nay hơn 2000 năm! (Hiền
Quang).
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống tinh thần đơn sơ khó nghèo như lúc Chúa
sinh ra.
Suy niệm 6: Mục đồng
Họ được sai đến với các mục đồng nghèo hèn.
Một quy luật thông thường: Đã đến thì có
lúc phải trở về, nếu chỗ đến chỉ mang tính tạm thời, nhưng phải trở về như thế
nào? Đây là điểm mà chúng ta cùng chia sẻ trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay.
Trước hết trường hợp của các sứ thần. Từ
trời, các sứ thần đã đến trần gian với sứ mạng loan báo cho các mục đồng một
tin mừng vĩ đại là Đấng Cứu Thế đã giáng sinh. Sứ mạng hoàn thành, các sứ thần
không còn có lý do gì để ở lại mà phải trở về trời.
Đến lượt các mục đồng. Các mục đồng cũng
rời ràn chiên vội vàng tìm đến hang đá Bêlem và chứng kiến mọi điều đúng như
lời sứ thần loan báo. Là chứng nhân tiên khởi về sự kiện Chúa ra đời, các mục
đồng ra về mang theo một sứ mạng là loan truyền tin mừng vĩ đại cho mọi người.
Và đặc biệt Đức Giêsu đã từ trời nhập thể
và nhập thế làm người, để loan báo tin mừng Nước Trời và dùng cuộc Tử Nạn và
Phục Sinh của Ngài để ban ơn cứu độ. Ngài cũng về trời sau khi đã hòan tất sứ
mạng, như Ngài công bố trên thập giá: mọi sự đã hòan tất.
Mỗi chúng ta cũng đã rời khỏi cung lòng của
thân mẫu để góp mặt trên trần gian. Ước mong chúng ta cũng hãy noi theo gương
các vị trên: Sứ thần về sau khi hòan thành sứ mạng loan báo. Mục đồng về sau
khi thi hành sứ mạng: thuật chuyện, tôn vinh. ĐG về trời sau khi hoàn tất mọi
sự. Theo gương đó, chúng ta hãy sống chứng nhân để sau này được về trời.
* Lạy
Chúa Giêsu, xin giúp chúng con tích cực chuẩn bị ngày về trời bằng việc nỗ lực
sống đời chứng nhân hôm nay khi đến trần gian.