Suy niệm hạnh thánh _ 04/12

Thánh GIOAN Ở DAMASCUS
 (676?-749)
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Hầu như toàn thể cuộc đời của Thánh Gioan là sống trong tu viện St. Sabas, gần Giêrusalem, và dưới chế độ của Hồi Giáo.
Ngài nổi tiếng trong ba lãnh vực. Thứ nhất, về các văn bản của ngài chống với những người không muốn tôn kính ảnh tượng thánh (iconoclast). Thứ hai, ngài nổi tiếng về luận án. Thứ ba, ngài là một thi sĩ nổi tiếng, là một trong hai đại thi hào của Giáo Hội Đông Phương. Ngài rất sùng kính Đức Mẹ và các bài giảng của ngài về Đức Mẹ cũng rất nổi tiếng.
Suy niệm 1: Cuộc đời
Hầu như toàn thể cuộc đời của Thánh Gioan là sống trong tu viện St. Sabas, gần Giêrusalem, và dưới chế độ của Hồi Giáo.
Theo các sử gia, khi Damascus rơi vào tay người Ả Rập, thì tổ tiên của Thánh Gioan là những người duy nhất còn trung thành với đức tin Kitô Giáo và họ được làm việc trong tòa án để giúp vua Hồi Giáo áp dụng luật lệ Kitô Giáo đối với các Kitô Hữu. Sau khi được giáo dục về thần học và kinh điển, Thánh Gioan theo cha ngài giữ một chức vụ trong chính quyền của người Ả Rập. Vài năm sau, ngài từ chức và gia nhập tu viện St. Sabas.
Ngài được thụ phong Linh Mục vào năm 735. Ngài có năng khiếu và rất giỏi về âm nhạc, thiên văn học, thần học, toán học và địa lý. Ngài mất năm 749 và được tôn vinh là Giáo Phụ cuối cùng của Giáo Hội Công Giáo Rô Ma, và được nhận danh hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh vào năm 1883.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con theo gương tổ tiên của thánh nhân để luôn trung thành với đức tin Kitô Giáo dầu phải sống trong hoàn cảnh nào.
Suy niệm 2: Ảnh tượng thánh-với luật Giáo Hội
Ngài nổi tiếng trong ba lãnh vực. Thứ nhất, về các văn bản của ngài chống với những người không muốn tôn kính ảnh tượng thánh (iconoclast).
Là con người có trí khôn thông minh, "đầu đội trời, chân đạp đất, chẳng ngang như súc vật, chẳng ngược như loài cây", mà lại đi thờ kính cục đá cục đất, cây đa cây đề...cũng là một vấn đề. Là con người thông minh, "đẽo gọt hình tượng thần linh mình tưởng tượng ra để mà thờ, lại là một vấn đề nữa. Vì thế Yavê Thiên Chúa cấm ngặt, bởi vì Chúa là Đấng linh thiêng, không có hình thể như con người, con vật, cây cối, đất đá.
1- Theo sách Xuất hành trong Bộ Cựu ước, Thiên Chúa cấm hẳn Không được tạc ảnh tượng mà thờ:
"Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi (Xh 20,4-5)
Đệ nhị luật viết thêm: "Vì ngươi đã không nhìn thấy một hình thể nào trong ngày Chúa nói với ngươi từ trong khối lửa ở núi Horeb, cho nên ngươi đừng để mình bị suy đồi, đừng làm một hình ảnh nào, điêu khắc, tượng trưng cho bất cứ vật gì" (Đnl 4,15-16).
Đàng khác, tâm trí người thời Cựu ước còn dễ "lẫn lộn" giữa Thiên Chúa và thần linh ngoại giáo nên Chúa phải cấm ngặt. Nhưng dần dần, Chúa cũng cho họ những biểu tượng như "cho đúc con rắn bằng đồng, làm khám chứng thư và các thiên thần kêrubim".
2- Tới thời Tân ước, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người, có cha nuôi, có mẹ. Các môn đệ, các tín đồ cũng được vẽ, được đúc hình tượng các Ngài để kính nhớ, đó là lẽ thường thấy nơi con cái trong các gia đình, dòng họ đối với các Bậc sinh thành.
Do đó, vấn đề thờ kính ảnh tượng được tìm thấy trong sách Giáo lý Công giáo những chỉ thị thật rõ ràng như sau:
Số 2130 Ngay từ trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dạy hoặc cho phép làm ra những hình ảnh được coi là những biểu tượng dẫn tới ơn cứu độ nhờ Ngôi Lời Nhập thể: đó là con rắn bằng đồng, Khám Chứng thư và các thiên thần sốt mến.
số 2131 Căn cứ vào Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể, Công đồng chung thứ VII tại Nicê (năm 787), đã biện minh cho việc tôn kính các ảnh tượng thánh, chống lại những người phá hủy các tượng thánh: đó là ảnh tượng Chúa Kitô, ảnh tượng Đức Mẹ, các thiên thần và tất cả các vị thánh. Khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã khai mạc một chương trình mới, một "kế hoạch" mới về các ảnh tượng.
Và số 2132 Sự tôn kính tượng ảnh của Kitô giáo không nghịch với điều răn thứ nhất cấm các ảnh tượng, vì "sự tôn kính tượng ảnh là hướng lên khuôn mẫu uyên nguyên", và "khi người ta tôn kính một ảnh tượng, người ta tôn kính vị có hình ảnh đó". Sự tôn kính các ảnh tượng chỉ là "một sự cung kính" chớ không phải là một sự tôn thờ, vì sự tôn thờ chỉ được dành cho một mình Thiên Chúa:
"Sự tôn kính được dành cho các ảnh tượng, không coi đó như là những hiện thực, nhưng ta chỉ coi ảnh tượng như các hình ảnh dẫn ta tới Thiên Chúa Nhập thể. Hành động tôn kính không dừng lại nơi các ảnh tượng, nhưng hướng tới thực tại mà chúng là hình ảnh".
Thật là những chỉ thị rõ ràng để ta tự minh giải cho chính mình và cho người không hiểu ý nghĩa sâu xa của hình tượng ta tôn kính (Linh mục. Đoàn Quang, CMC).
Suy niệm 3: Ảnh tượng thánh-với thánh nhân
Ngài nổi tiếng trong ba lãnh vực. Thứ nhất, về các văn bản của ngài chống với những người không muốn tôn kính ảnh tượng thánh (iconoclast).
Thật ngược đời, chính hoàng đế Leo của người Kitô Giáo Đông Phương đã cấm việc tôn kính này, và vì Thánh Gioan sống trong lãnh thổ của người Hồi Giáo nên không ai làm gì được.
Thánh Gioan bảo vệ Giáo Hội về việc tôn kính ảnh tượng thánh và giải thích đức tin Kitô Giáo trong một vài sự tương tranh. Trên 30 năm ngài sống đời cầu nguyện cũng như sáng tác. Sự thánh thiện của ngài được tỏ lộ qua các bài giảng cũng như văn bản nhằm phục vụ Thiên Chúa.
Vào thế kỷ 8, một phong trào xuất hiện nhằm đả phá việc tôn kính ảnh tượng. Bất chấp việc chống đối của Thánh Germanus, Thượng Phụ Giáo chủ của Canstantinople, vào năm 726, Hoàng đế Leo III ra sắc lệnh đầu tiên cấm việc tôn kính các ảnh tượng cũng như việc trưng bày ở cac nơi công cộng. Gioan liền viết ra các luận án nhằm bảo vệ việc tôn kính các ảnh tượng thánh vốn giúp ngài được nổi danh. Thật ra ngài không chủ ý đả kích hoàng đế, mà chỉ nhằm giải quyết các cuộc tranh luận trong quần chúng theo hướng bảo vệ đức tin chân chính. Điều này khiến hoàng đế tức giận và đòi buộc vua Hồi phải nghiêm trị Gioan. Vua Hồi lệnh chặt tay phải của ngài và treo nơi cộng cộng để thị uy. Ngài đã cầu nguyện trước ảnh tượng Đức Mẹ và được ơn chữa lành. Sau này các tác phẩm của ngài đã đóng một vai trò quan trọng cho Công Đồng chung thứ VII tại Nicê (năm 787), trong việc biện minh cho việc tôn kính các ảnh tượng thánh, chống lại những người phá hủy các tượng thánh.
Suy niệm 4: Luận án
Thứ hai, ngài nổi tiếng về luận án.
Luận Về Đức Tin Chính Thống, một tổng hợp các văn bản của Giáo Phụ Hy Lạp (mà ngài là người sau cùng). Người ta nói quyển sách này làm nền tảng cho tư tưởng Đông Phương cũng giống như cuốn Tổng Luận (Summa) của Thánh Aquinas làm nền tảng cho Tây Phương.
"Các thánh phải được tôn vinh như những người bạn của Đức Kitô và là miêu duệ của Thiên Chúa, như Thánh Sử Gioan đã viết: “Càng nhận được nhiều bao nhiêu, Đức Kitô lại càng ban cho họ bấy nhiêu để họ trở nên con cái Thiên Chúa” Chúng ta hãy thận trọng quan sát đời sống của các tông đồ, các vị tử đạo, các vị khổ tu và người công chính, họ là những người loan truyền về Đức Kitô. Và chúng ta phải ganh đua với các ngài về đức tin, đức cậy, đức ái, sự hăng say, sự sống, sự kiên nhẫn trong đau khổ, và kiên trì cho tới chết, để chúng ta có thể chia sẻ triều thiên vinh hiển của họ trên thiên đàng" (Luận về Đức Tin Chính Thống).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết phải ganh đua về đức tin, đức cậy, đức ái, sự hăng say, sự sống, sự kiên nhẫn trong đau khổ, và kiên trì cho tới chết.
Suy niệm 5: Thi sĩ
Thứ ba, ngài là một thi sĩ nổi tiếng, là một trong hai đại thi hào của Giáo Hội Đông Phương.
Thi ca là một trong những mặt mạnh của ngài. Tập “Oktoechos” được biết đến như là “tập thánh thi dùng hằng ngày”, nhờ đó ngài có thể cải thiện và xét mình. Tập “Canons” điều 8 hoặc 9 là những thánh thi có cấu trúc rất phức tạp, được sáng tác thành 3 hoặc 4 khổ thơ, mà mỗi khổ đều mang một giai điệu đặc biệt. Tập “Troparion” cho hay ngài là một chiến sĩ của Đức Tin chính truyền và một giảng sư về đức khiết tịnh và việc tôn thờ chân chính. Tập “Kontakion” nói lên tinh thần bảo vệ các học thuyết của Giáo Hội cũng như đả phá các tà giáo.
Ngài cũng còn là một thần học gia. Ngài đã để lại một số tác phẩm nổi bật: Tract on Right Thinking, Dialogue against Manicheans, Conversation between a Saracen and a Christian, Introduction to Elementary Dogmatics, The Precious Pearl, Apologetic Treatises against those Decrying the Holy Images, The Fount of Knowledge, Sacred Parallels, Fountain of Knowledge, Against the Jacobites, Against the Nestorians, Elementary Introduction into Dogmas, Letter on the Thrice-Holy Hymn, On the Faith, Against the Nestorians, On the Two Wills in Christ (Against the Monothelites), On Dragons and Ghost.
Suy niệm 6: Đức Mẹ
Thánh Gioan rất sùng kính Đức Mẹ và các bài giảng của ngài về Đức Mẹ cũng rất nổi tiếng.
Ngài đặc biệt sùng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Chính nhờ vậy ngài nhận được một ơn lạ nhờ vào lời cầu bàu của Đức Mẹ. Thái độ nhiệt thành bênh vực việc tôn kính tượng ảnh đã khiến ngài bị các hoàng đế căm ghét. Trong lúc họ cho vào nhà thờ phá hủy các ảnh tượng, thì ngài ra sức bảo vệ. Họ ra lệnh chặt tay phải ngài để không thể bút chiến được. Ngài cầu nguyện và van xin trước ảnh tượng Đức Mẹ. Thế rồi vết sẹo mặc dầu dài và đỏ bao quanh cườm tay ngài bỗng nhiên biến mất và nhường chỗ cho một bàn tay lành lặn như trước kia. Để tạ ơn, ngài cho làm một tay bằng bạc và gắn vào bức tượng ấy, từ đấy bức tượng ấy được biết đến là bức tượng Mẹ có 3 tay. Bàn tay được gắn lại cách lạ lùng với cánh tay ngài là một nhắc nhở về việc Chúa quyền năng có thể liên hợp được linh hồn và thể xác Mẹ trong cuộc sống tại thế thì cũng thế trong thiên đàng trong cái chết được gọi là giấc ngủ thánh của Mẹ.
Khi đánh giá giáo thuyết của ngài về đặc ân Lên trời cả hồn lẫn xác của Đức Maria, Đức Thánh Cha gọi ngài là “vị giải thích tuyệt vời”, với đọan trích dẫn sau đây: Mẹ cần phải được vô nhiễm ngay từ thụ thai và cần phải được không bị hủy hoại sau khi chết, để xứng đáng cưu mang Đấng Sáng Tạo trong cung lòng như một tổ ấm cho Thiên Chúa của Mẹ, để xứng đáng với sứ mạng Đồng Công Cứu Chuộc với chính Con Mình trên Thập Giá như một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn và cùng được hiển trị với Người và với Cha của Người trên thiên đàng, cũng như được mọi thụ tạo tôn kính.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi nhận lời thánh nhân: Bạn hãy nói cho tôi biết bạn chiêm ngắn tượng ảnh nào, tôi sẽ nói cho bạn biết về niềm tin của bạn.