XƯA TA ĐÓI, CÁC NGƯƠI ĐÃ
CHO ĂN
Bất cứ nơi nào mà người ta tuân giữ điều
răn mới Chúa dạy, sống tinh thần yêu thương, phục vụ, thì nơi đó Vương quyền
của Đức Kitô được thực hiện, và Nước Chúa trị đến.
Trong nhật
ký ngày 26.11.68, bác sĩ liệt sĩ trẻ tuổi Đặng Thùy Trâm đã viết: “Công việc bề bộn, đau đầu và mệt. Chẳng còn
mong gì hơn là được yên tĩnh quay về trong niềm an ủi của tình thương. Nhưng
mong ước chỉ là mong ước, thực tế vẫn là thực tế: Tiếng rên la xé ruột, xé lòng
của bệnh nhân vẫn văng vẳng bên tai, công việc vẫn ùn ùn kéo đến trước mắt với
mọi vẻ của nó: phức tạp, khó khăn và cả những bực dọc nữa!”
Chỉ vài
lời đơn giản nhưng khi đọc lên ai cũng thấy nó thật gần gũi với lòng mình, và
thấy rõ tình yêu không chỉ là một tình cảm chóng qua mà thực sự là một lề luật
nằm sâu trong lòng người. Nó điều khiển và thúc đẩy mỗi người làm việc phải
làm, và không để ai được yên cho tới khi làm xong điều phải làm. Lề luật đó nói
lên cái địa vị cao quí của con người giữa muôn tạo vật, là được dựng nên giống
như Chúa, theo hình ảnh của Người, và được chia sẻ bản tính yêu thương của
Thiên Chúa.
Thiên
Chúa là tình yêu. Bởi yêu thương mà Chúa đã dựng nên và chăm sóc mọi người cũng
như từng người, như người mục tử tận tuỵ, quên mình cho đàn chiên: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta
sẽ cho chúng nằm nghỉ... Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ
đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh;
con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng” (Ed 34,15-16).
Tình yêu
cao quí đó đã được gieo vào bản tính con người như một luật sống mà ai cũng phải
giữ để kiện toàn chính mình. Cuộc sống con người trở nên hoàn hảo khi tình yêu
Chúa nảy sinh hoa trái là tình yêu hướng đến tha nhân. Đó là nền tảng của Nước
Trời, của ơn cứu độ, dành cho bất cứ ai sẵn lòng chấp nhận một quyền bính mới,
sống theo một lề luật mới.
Quyền
bính mới ở đây không phải là cai trị mà là chia sẻ sự sống của Vua Kitô, Đấng
mà sống và chết đều vì yêu: “nếu tại một
người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại.
Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ
liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1Cr 15,21-22).
Điều luật
mới ở đây không phải để huỷ bỏ các giới răn Cựu ước, mà là kiện toàn. Sự kiện
toàn đó là sống rập đúng theo cái tinh thần của hết mọi lề luật đã ban: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng
nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là:
ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách
ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40).
Như thế,
bất cứ nơi nào mà người ta tuân giữ điều răn mới Chúa dạy, sống tinh thần yêu
thương, phục vụ, thì nơi đó Vương quyền của Đức Kitô được thực hiện, và Nước
Chúa trị đến: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi
lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là
các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Một buổi
chiều năm 1953, người ta tập trung tại một nhà ga xe lửa ở Chicago để chào đón
bác sĩ Albert
Schweitzer, một người vừa lãnh giải thưởng Nobel hoà bình năm 1952.
Ông là một nhà truyền giáo nổi tiếng với cả cuộc đời hy sinh cho những người
nghèo tại Phi châu.
Xe lửa dừng
lại, một người đàn ông to lớn, đầu tóc gọn gàng, bước ra. Máy ảnh chớp liên tục,
các nhân vật cao cấp của thành phố dang rộng vòng tay chào đón vị thượng khách,
giữa tiếng nói cười hân hoan.
Đang
luôn miệng cám ơn mọi người, bỗng ánh mắt ông hướng đến một góc nhà ga,... ông
xin kiếu vài phút, và đi thẳng đến một người đàn bà đang khệ nệ với hai cái
vali nặng. Ông đỡ lấy một chiếc vali, mỉm cười dẫn bà ra một chiếc xe buýt gần
đó, với lời chúc thượng lộ bình an. Rồi quay lại với đám đông, ông nói: “Xin lỗi quí vị vì đã bắt quí vị phải chờ.”
Chứng kiến
cách hành xử của ông, một người trong ban tổ chức đã nói với các ký giả: “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một bài giảng
biết đi.”
Ông đã
hy sinh cả đời để nên giống Đức Kitô, Đấng không chỉ rao giảng, mà còn là bài
giảng về tình thương cảm phải có trong Nước Trời: “Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh
lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14,13-14).
Đức Kitô
đã đặt Vương Quốc của Ngài ngay bên tôi: “Nào
những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi
ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát,
các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng,
các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các
ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36).
Đức Kitô
đặt Nước Trời ngay trong tầm tay tôi. Đừng tìm đâu xa!