Suy niệm hạnh thánh _ 28/10

Thánh SIMON và GIUĐÊ
Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ
Lược sử
Thánh Giuđê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Đổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Tađêô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đồ.
Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot).
Suy niệm 1: Giuđê
Thánh Giuđê là một nhân vật.
Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của thư Giuđa. Thực ra, Giuđê cùng tên với Giuđa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giuđa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là "Giuđê".
Thư Giuđa tập trung vào các vấn đề nội bộ của Hội Thánh: lên án các sai lạc và lối sống dâm ô của “các kẻ vô luân” trong cộng đoàn. Thư này do Giuđa, anh em của Giacôbê viết và tự gọi mình là “tôi tớ của Thiên Chúa” (Gd 1). Danh xưng này chính thánh Phaolô cũng tự gọi mình như thế (Tt 1,1). Còn ở sách Khải Huyền thì dùng “tôi tớ của Ta” (Kh 12,20). Cựu Ước thì dùng “tôi tớ Chúa” 4 lần và áp dụng cho Môsê (1Sb 5,49;2Sb 24,9;Nkm 10,29;Đn 9,11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn phục vụ trong tinh thần của một tôi tớ của Chúa.
Suy niệm 2: Tông đổ-Ơn sủng
Ngoài ra Thánh Giuđê không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đồ.
Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của Đức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai "người con của sấm sét" và một Giuđa Iscariot.
Đó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn. Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cố gắng luôn đáp trả hồng ân nhưng không của Chúa đã thương chọn chúng con làm con cái Chúa.
Suy niệm 3: Tông đồ-sai đi
Ngoài ra Thánh Giuđê không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đồ.
"Cũng như Đức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi tạo vật (xem Mc 16,15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem Cv 26,18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha" (Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).
Ngày hôm nay, qua bí tích Rửa Tội với chức vụ tiên tri, mỗi ngưởi chúng ta cũng được Chúa sai đi làm muối men và ánh sáng cho đời. Chúng ta không nhất thiết phải ra đi xa xứ để thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng, nhưng chỉ cần sống đời chứng nhân ngay tại môi trường của mình.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con hăng say nối tiếp sứ vụ được sai đi này.
Suy niệm 4: Zealot-lời hứa cứu tinh
Thánh Simon được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot).
Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Đối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã -- là người đang đô hộ -- được coi là xúc phạm đến Thiên Chúa.
Các tông đồ nói chung dầu tất cả không phải thuộc phái này, nhưng các ngài trên bước đường đầu theo Chúa, cũng tiềm tàng mang lấy tinh thần này: ơn cứu độ mang tính trần thế. Nên Phêrô có lần thẳng thắn chất vấn Chúa về kết quả bỏ mọi sự để theo Chúa thì được gì (Mt 19,27). Các ngài cũng bực bội khi mẫu thân của Giacôbê và Gioan đến xin Chúa một chỗ cho các con được ngồi bên hữu bên tả của Nước Chúa (Mt 20,21), bởi vì các ngài cũng hằng tranh giành địa vị lớn nhỏ (Mc 9,34).
* Lạy Chúa Giêsu, ngày nay chúng con không còn hiểu lầm như thế, nhưng cuộc sống lại không ăn khớp với sự hiểu biết đúng đắn, xin thương tha thứ cho chúng con.
Suy niệm 5: Zealot-chính trị
Thánh Simon được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot).
Chắc chắn rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái "cộng tác với địch." Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.
Vua Hêrôđê hiểu lầm về vai trò của Đức Giêsu như một vị cứu tinh chính trị, nên ra lệnh truy giết (Mt 2,16). Ngay cả Phêrô hằng đi theo Chúa thế mà vẫn hiểu lầm, nên đã cản ngăn Chúa lên đường đến Giêrusalem để chịu chết (Mt 16,22). Phương chi dân chúng chứng kiến phép lạ Chúa lại không cùng nhau tôn Chúa lên làm vua (Ga 6,15), một lý do các đầu mục Do Thái viện cớ để tố cáo Chúa (Lc 23,5).
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con sống niềm xác tín nước Chúa không thuộc về thế gian này (Ga 18,36).
Suy niệm 6: Zealot-bạo lực
Thánh Simon được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot).
Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến bằng bạo lực. Dầu có khả năng sai cả đạo binh thiên thần đến giao chiến, nhưng ngài không muốn, và cũng không chấp nhận việc Phêrô dùng gươm ra tay bênh vực (Mt 26,52-53), vì Chúa tẩy chay hành động bạo lực.
Thánh Simon, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.
* Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm nhận được cách thấm thía bài học hiền lành và khiêm nhượng trong đường hướng cứu đời của Chúa.