ĐẠO YÊU THƯƠNG
Ngay từ những thế kỷ đầu, các Kitô hữu đã ý thức được
bản chất của Đạo Kitô là tình yêu. Những người lương dân đã thốt lên: kìa xem
những Kitô hữu yêu thương nhau dường nào!
Truyền thống Thánh Kinh cho thấy Thiên
Chúa luôn đứng về phía người nghèo. Bài đọc I của Chúa nhật hôm nay đã chứng
minh điều ấy. Người nghèo luôn được Chúa bênh vực và yêu thương. Chúa thương họ
đến nỗi ai xúc phạm đến người nghèo là xúc phạm đến chính Ngài; ai giúp đỡ người
cô nhi quả phụ là làm đẹp lòng Ngài. Cựu ước đã dùng hình ảnh nhân cách hóa để
diễn tả sự bênh vực của Thiên Chúa đối với người nghèo khi họ bị xúc phạm: Ta sẽ
nổi cơn thịnh nộ, ta sẽ giết các ngươi bằng gươm…
Khi bênh vực người nghèo, người không có
tiếng nói, Thiên Chúa tỏ rõ bản chất của Ngài là Tình Yêu. Vì Thiên Chúa là
Tình Yêu, nên ai yêu thương thì thuộc về Thiên Chúa. Những gì chúng ta đã nghe ở
Bài đọc I, sau này Đức Giêsu nói rõ trong Tin Mừng Matthêu về ngày tận thế
(x.Mt 25). Người chứng minh: ai giúp người nghèo là giúp Chúa, ai bỏ rơi người
nghèo là bỏ rơi Chúa. Như thế, nếu Thiên Chúa trong Cựu ước được trình bày như
một Đấng quan tâm đến người nghèo, thì trong Tân ước, Thiên Chúa đã đồng hóa với
người nghèo và nên một với họ qua Đức Giêsu Kitô.
Trước câu hỏi cạm bẫy của một người biệt
phái về giới răn trọng nhất, Đức Giêsu không dạy điều gì mới hơn điều được dạy
trong Cựu ước. Người nhắc lại cốt lõi giáo huấn của Lề Luật và Ngôn Sứ, đó
là: mến Chúa và yêu người. Những người biệt phái và thông luật
quá hiểu điều ấy, nhưng họ không thực hành. Không những thế, họ còn tìm cách cắt
nghĩa luật theo ý của họ, “cốt đè đặt gánh nặng trên vai người khác, mà không
muốn đặt ngón tay lay thử” (x.Mt 23,4).
Yêu thương là sứ điệp ngàn đời Thiên
Chúa muốn gửi đến cho nhân loại. Con người đã lãnh nhận sứ điệp ấy bằng nhiều
cách khác nhau. Có những người chỉ có đức yêu thương ngoài môi miệng, còn tấm
lòng thì đầy rẫy mưu mô; Có người lợi dụng tình yêu thương để mưu cầu
lợi ích riêng cho mình; có người loan báo tình yêu ngoài môi miệng nhưng
lòng họ thì xa vời với chân lý họ rao giảng. Chính vì yếu đuối của con người mà
sứ điệp tình yêu từ ngàn đời của Thiên Chúa chưa được hiểu đúng và chưa được
con người thực hiện cách hiệu quả. Tình yêu chính cốt lõi của đạo Kitô. Nói
cách khác, một đạo Kitô không có đức ái sẽ là đạo Kitô trống rỗng, giả hiệu và
vô hồn.
Tình yêu theo giáo huấn của Tin Mừng là
tình yêu đích thực. Nhờ sống tình yêu này, chúng ta trở nên quảng đại, khước
từ những toan tính mưu cầu lợi ích riêng. Tình yêu đích thực sẽ
làm cho con người được tự do, vì sẵn sàng hiến thân và hy sinh vì lợi
ích của Nước Trời và lợi ích của tha nhân. Tình yêu hướng chúng
ta về những người đang sống xung quanh mình, quan tâm tới họ và giúp cho họ hạnh
phúc.
Ngay từ những thế kỷ đầu, các Kitô hữu đã
ý thức được bản chất của Đạo Kitô là tình yêu. Những người
lương dân đã thốt lên: kìa xem những Kitô hữu yêu thương nhau dường nào! Tình
yêu thương này đã có sức thuyết phục mạnh mẽ đối với những người chưa có đức
tin (x. Bài đọc II) . Tình yêu chính là cội nguồn và động lực của
việc nên thánh. Chính nhờ tình yêu đối với Chúa và dành cho tha nhân mà các nhà truyền
giáo lên đường, các anh hùng đổ máu tử đạo, các nhân chứng đức tin can đảm trước
phong ba cuộc đời. Chính nhờ tình yêu mà thời nào cũng có những gương sáng, làm
rạng danh Thiên Chúa và Giáo Hội.
Ngay từ khi Tin Mừng mới được rao giảng
trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, Đạo Chúa Kitô đã được những người
lương dân gọi là “Đạo yêu thương”, vì họ dựa vào điều răn cốt lõi của Đạo và
vào cách sống tốt lành của những tín hữu lúc bấy giờ. Đây quả
là một danh xưng đáng quý, cần phải duy trì và thể hiện nơi các cộng
đoàn của chúng ta hôm nay. Bởi lẽ cộng đoàn đức tin của chúng ta là cộng đoàn của
tình yêu, vì có Thiên Chúa là Tình Yêu đang hiện diện. Chúng ta hãy tự hào về điều
đó và cố gắng xây dựng Giáo Hội, Giáo xứ theo mô hình “Cộng đoàn yêu thương”.
“Tình yêu
có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy bất hạnh và thiếu
thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở của tha nhân” (Thánh
Augustinô).
“Yêu là
tìm hạnh phúc của mình trong chính hạnh phúc của kẻ khác” (Léibnitz).