Lời Chúa cntn 27a _ canh tác và sinh hoa lợi

CANH TÁC VÀ SINH HOA LỢI
Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu linh mục, ông trùm Phượng có nhiều cơ hội phục vụ dân Chúa. Nhiều trẻ em được ông rửa tội, nhiều người xin theo đạo do lời khuyên bảo của ông. 
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Thánh Matthêô sau khi thuật dụ ngôn trên có viết: “Nghe dụ ngôn Chúa kể, các người biệt phái và người Pharisêu, hiểu là Chúa nói về họ.” (Matth, 22.25). Như vậy dây là dụ một dụ ngôn dễ hiểu, vừa nghe xong ta biết ngay là chủ vườn nho chính là Thiên Chúa Cha, vườn nho là dân Israel, các đầy tớ bị tá điền hành hạ chính là các tiên tri, tá điền được trao vườn nho chính là các người biệt phái và người Pharisêu được Chúa trao phó nhiệm vụ dẫn dắt dân của Chúa, người con trai độc nhất chính là Chúa Giêsu.
Đối riêng với mỗi người chúng ta, chúng ta cũng nên nghĩ là chính chúng ta, trong cuộc sống, cũng là những người làm vườn nho, được Chúa trao phó cho một khoảng vườn tức là được Chúa ban cho các tài năng, đức tính tự nhiên, của cải v.v. ta phải lợi dụng những cái đó làm cho nó phát triển đưa lại hoa trái cho Chúa. Đặc biệt riêng những người có gia đình có con cái, thì gia đình, con cái Chúa ban cho ta, ta có nhiệm vụ giáo dục, để con cái chúng ta thành những con người có ích cho xã hội và Giáo Hội. Chính nhiệm vụ vất vả này đưa lại nhiều công phúc cho ta.
Ông Matthêô Nguyễn Văn Phượng (tử đạo ngày 26-5-1861, 53 tuổi) có 8 người con. Dầu bận buôn bán, ông vẫn lo giáo dục con cái, sống chu toàn giới luật mến Chúa yêu người. Đặc biệt ông dùng gương sáng để dậy con cái, chính ông siêng năng xưng tội rước lễ rồi mới nhắc nhở các con. Mỗi tuần ông đều thu xếp thời giờ, đi thăm bệnh nhân và đến giúp đỡ bà con nghèo ở chung quanh. Cô Thủ, con gái ông dâng mình cho Chúa trong dòng Mến Thánh Giá. Ông tìm nơi đạo hạnh để lập gia đình cho các con, và chia cho các con toàn bộ tài sản của mình, chỉ giữ lại những thứ mình cần.
Đang lúc ông bị giam, ở dinh quan án có viên lục sư trẻ tuổi, đem lòng yêu thương cô con gái của ông, có đến nói với ông: “Nếu gả con gái cho tôi, tôi hứa sẽ hết sức lo cho ông được tự do.”
Ông trùm đáp: “Không được đâu, trừ phi anh theo đạo. Tôi không gả con gái tôi cho người ngoại đạo, dù anh là ông ký hay ông quan đi nữa, tôi e nó không giữ mãi được đức Tin. Nếu vì lý do đó mà phải chết, tôi đây sẵn sàng.”
Nguyễn văn Phượng chào đời khoảng năm 1808 tại làng Kẻ Lái, tỉnh Quảng Bình. Tên thật của ông là Đắc, khi lập gia đình, người ta mới gọi là Phượng theo tên người con cả.
Mồ côi cha mẹ từ hồi 10 tuổi, Đắc phải tự lực mưu sinh. Anh theo học ngành thuốc với thầy lang Nhu. Thầy lang Nhu đã chỉ dẫn cho anh nhiều bài thuốc gia truyền. Dưới thời Minh Mạng, anh theo giúp cha Điểm suốt 7 năm một cách tận tụy. Cha Điểm, như một người cha ruột, đã mai mối giúp anh cưới một thiếu nữ hiền hậu xứ Sáo Bùn, lúc anh 22 tuổi. Từ đó anh dọn về ở với bố vợ, tức ông đội Khiêm và hành nghề y sĩ. Được vài ba năm, anh chuyển sang nghề buôn bán. Anh khá thành công trong nghề mới này, nên gia đình luôn được sung túc.
Năm ông 50 tuổi, vợ ông mất. Ông cho gọi cô Phượng con cả (người con cả thường mang tên của bố) lúc đó chồng cô cũng đã qua đời, đưa các cháu về sống với Ông. Giáo hữu Sáo Bùn mến phục nhân đức và tài năng của ông, nên đã cử ông làn trùm họ. Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu linh mục, ông trùm Phượng có nhiều cơ hội phục vụ dân Chúa.
Nhiều trẻ em được ông rửa tội, nhiều người xin theo đạo do lời khuyên bảo của ông. Đặc biệt, ông rộng rãi tiếp rước các linh mục và thầy giảng đến trú tại nhà mình.
Mỗi lần nghe người ta tiên đoán cái chết mà ông sẽ phải lãnh nhận, ông chỉ mỉm cười và vẫn tiếp tục thi hành việc đạo đức, bác ái.
Đêm 3.1.1861 ông Phượng bị bắt cùng với cha Hoan. Hai cha con bị giải về thị trấn Đồng Hới với 7 tín hữu khác (Coi Thánh Gioan Đoàn Trinh Hoan)
Trước tòa án, quan trấn Quảng Bình đã cho dùng mọi dụng cụ tra tấn. Cha Hoan, Ông Phượng và 7 chứng nhân khác bị đánh đập một cách tàn nhẫn. Họ cho nung đỏ kìm sắt, kẹp vào đùi và cánh tay để bắt các môn đệ Chúa Kitô phải bước qua thập giá và khai báo những điều mà họ muốn biết. Dù đau đớn đến độ ngất xỉu, cha Gioan Hoan, Ông Phượng và các chứng nhân vẫn không nói một lời, không tiết lộ những gia đình cha đã trú ngụ, không để lộ chi tiết nào có hại đến người khác, và tất cả đều can đảm tuyên xưng đức tin. Cuối cùng ông trùm Phượng và Cha Hoan bị kết án xử tử, còn bảy người kia phải lưu đày chung thân.
Ngày 25 tháng 5, bản án của triều đình ra tới Đồng Hới. Sau khi nghe đọc bản án, ông Phượng cảm tạ Chúa.
Ông vui vẻ đi chào từ biệt các bạn tù.
Lúc bị điệu ra pháp trường toán lính áp giải Ông trùm Phượng cùng gặp toán lính áp giải Cha Hoan. Hai toán nhập làm một, hai anh lính cầm hai bản án đi trước. Đến pháp trường, hai vị quỳ trên chiếu đã trải sẵn. Quan hỏi hai chứng nhân có cần trói vào cột không, cha trả lời: “Khỏi cần, tôi sẽ quỳ yên không nhúc nhích. Nếu tôi không tự nguyện chết, tôi đã chẳng đến đây, xin cho vài phút để cầu nguyện.” Ông trùm Phượng cũng đồng ý như vậy.
Cha Gioan ngẩng mặt lên trời tạ ơn Chúa, giơ tay giải tội cho ông Phượng.
Hai cậu con trai và một cô con gái của ông trùm Phượng đến sát bên, vừa khóc vừa chào vĩnh biệt. Ông trùm can đảm an ủi các con.
Sau đó lý hình đuổi tất cả ra.
Khi tiếng chiêng đầu vang lên, đầu ông trùm Phượng đã rơi xuống.
Đề tựa của Lm. HK